Dị vật sắc nhọn đường tiêu hóa (Sharp foreign bodies in GI tract)

TẠM DỊCH:

Bài viết gồm có nội dung:

  1. Giới thiệu
  2. Dịch tễ và sinh lý bệnh
  3. Bệnh lý đường tiêu hóa gây thủng
  4. Pinpick – and- pass
  5.  Trường hợp lâm sàng minh họa

Đây là phần tổng quan về hình ảnh siêu âm và CT(Cắt lớp vi tính) đa dạng của các dị vật sắc nhọn gây thủng thành dạ dày hoặc ruột. Bài tiểu luận có hình ảnh này dựa trên sự tìm kiếm trong y văn và kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi với 49 trường hợp và sẽ cho phép bạn chẩn đoán chính xác, hiểu diễn biến tự nhiên và cũng giúp bác sĩ lâm sàng lựa chọn phương pháp điều trị ít xâm lấn nhất và tốt nhất.

1.  Giới thiệu (Introduction)

Vô tình nuốt phải dị vật sắc nhọn là một trường hợp có khả năng đe dọa tính mạng. Nếu một dị vật sắc nhọn mắc kẹt trong họng hoặc thực quản, bệnh nhân thường sẽ biết và sẽ tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phát hiện dị vật và dị vật này có thể đến được dạ dày thì tại một  thời điểm nào đó, dị vật có thể làm thủng dạ dày, ruột non hoặc ruột già gây ra các triệu chứng nguy hiểm và không điển hình. Điều này thường dẫn đến sự chậm trễ nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong.

Bảng này chứa các điểm chính trong bệnh sử bệnh nhân.

Bệnh sử : – Xương cá, xương gà, tăm, cocktail stick – Bệnh nhân lớn tuổi có hàm răng giả – Phẫu thuật mổ mở trước đó (sự dính gây ra cuộn ruột) – Bệnh nhân hầu như không nhớ đã nuốt dị vật (thường là không tin)

Dị vật nuốt phải là xương cá hoặc xương gia cầm và que gỗ như tăm xỉa răng và cocktail sticks.  Bệnh nhân hầu như không bao giờ nhớ mình đã nuốt, và thậm chí tỏ ra không tin chẩn đoán. Độ tuổi trung bình là 60 tuổi và nhiều bệnh nhân đeo hàm răng giả. Bệnh nhân có thủng ruột non hoặc ruột già thường có tiền sử mổ mở (laparotomy) trước đó.

Các dị vật gây thủng dạ dày và ruột hiếm khi được lưu ý trên lâm sàng và ngày càng được phát hiện bằng việc sử dụng siêu âm và CT, do đó, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong việc phát hiện chính và cũng như hướng dẫn điều trị xâm lấn tối thiểu. 

Bảng này chứa các điểm chính trong lâm sàng, siêu âm và CT.

Dấu chứng : – Triệu chứng đau không điển hình và thay đổi. – CRP cao, tăng nhanh trong vòng 12-24h – Thủng dạ dày gần như luôn ở vùng tiền môn vị – Thường hình thành áp xe ở ổ phúc mạc gan, thành bụng và cơ thắt lưng chậu – Dị vật bản thân nó là không dễ thấy và dễ dàng bỏ sót trên CT (tìm kiếm chủ động).

Đau có thể thay đổi và không điển hình. CRP thường tăng nhanh trong 24 giờ đầu tiên. Thủng dạ dày bao giờ cũng xảy ra ở vùng trước môn vị. Áp xe có thể xảy ra trong khoang phúc mạc, thành bụng, cơ thắt lưng chậu và gan. Bản thân dị vật có thể khá kín đáo và dễ bị bỏ sót. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết và tìm kiếm chủ động trên CT. 

Bảng này chứa những điểm chính trong điều trị.

Điều trị: – Loại bỏ dị vật bằng nội soi, phẫu thuật xuân lấn tối thiểu (dưới hướng dẫn của siêu âm/ CT), dẫn lưu áp xe (qua da) – Dù áp dụng phương pháp điều trị gì, luôn sử dụng kháng sinh – Nếu phẫu thuật loại bỏ khó khăn, sử dụng mỗi kháng sinh có thể là lựa chọn tốt. – Hiếm: “prinprick-and-pass” (thủng khư trú sau đó dị vật gây thủng ra ngoài theo đường tiêu hóa một cách tự nhiên)

Bất cứ khi nào có thể, loại bỏ bằng nội soi (endoscopic removal) là lựa chọn tốt nhất, tiếp theo là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, dưới hướng dẫn của siêu âm và CT. Áp xe có thể được dẫn lưu qua da, hoặc phẫu thuật hút chân không cùng với loại bỏ dị vật. Trong mọi trường hợp, kháng sinh là bắt buộc.

Chỉ dùng kháng sinh có thể là phương pháp điều trị tốt nhất, đặc biệt trong trường hợp xương cá nhỏ và sau khi dẫn lưu áp xe thành công. Hiếm khi, dị vật sắc nhọn có thể gây thủng tại chỗ tuy nhiên vẫn thải ra ngoài qua đường tiêu hóa một cách tự nhiên, được gọi là “pinprick-and-pass”.

2. Dịch tễ và sinh lý bệnh (Epidemiology and pathophysiology)

Không rõ thực sự tần suất các dị vật sắc nhọn khi đi qua đường tiêu hóa sẽ làm thủng dạ dày và ruột là bao nhiêu. Có thể nhiều xương cá cuối cùng sẽ thải ra ngoài theo phân mà không gặp vấn đề gì. Khi chủ động tìm kiếm dị vật, hình ảnh xương tăng tỷ trọng (mũi tên) trong lòng ruột (như thấy trong ba bệnh nhân không có triệu chứng này) là không thường gặp.

Hyperdense bones in three asymptomatic patients (Mảnh xương tăng tỷ trọng ở ba bệnh nhân không triệu chứng)

Các dị vật sắc nhọn đâm xuyên thường gặp nhất là xương cá, xương gà và que gỗ như tăm hoặc cocktail sticks. Đại đa số bệnh nhân không nhớ mình đã nuốt một vật như vậy, và khi thấy chúng, họ thường tỏ ra không tin. Nhiều bệnh nhân đeo hàm răng giả có thể làm cho vòm miệng của họ bớt nhạy cảm hơn.

 

Không phải lúc nào cũng có thể phân biệt xương với que gỗ trên CT, nhưng xương cá nói chung khá tăng tỷ trọng và cong, trong khi que gỗ ít tăng tỷ trọng hơn và thẳng hơn.

 

Một nửa số bệnh nhân thủng ruột non có tiền sử phẫu thuật vùng bụng trước đó. 

 

Khi một vật sắc nhọn xuyên qua thành dạ dày hoặc ruột, mạc nối và mạc treo sẽ cố gắng bọc lại sự thủng sau đó.  Thông thường, áp xe sẽ xảy ra: trong ổ phúc mạc, gan, thành bụng hoặc trong cơ thắt lưng chậu. Dị vật có thể nằm trong ổ áp xe, nhưng cũng có thể nằm ở ngoại vi của nó. Đôi khi, sự di chuyển đáng kể của dị vật có thể xảy ra. 

 

Một phần ba dị vật sắc nhọn gây thủng nằm trong phạm vi tiếp cận được của nội soi dạ dày hoặc nội soi đại tràng. Đây rõ ràng là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân.

 

Một phụ nữ 59 tuổi đau vùng thượng vị không điển hình trong hai ngày. Siêu âm cho thấy dày đáng kể thành dạ dày vùng hang môn vị, chứa một cấu trúc cong, tăng âm (đầu mũi tên), nghi là xương cá. CT xác nhận chẩn đoán. Lưu ý rằng xương cá (mũi tên) có thể dễ dàng bị bỏ sót trên mỗi CT mặt cắt vành . Phục hồi không ổn định sau loại bỏ bằng nội soi.

 

Siêu âm và CT cho thấy xương cá đâm thủng thành dạ dày ngay trước môn vị. Nội soi dạ dày không tìm thấy xương cá mà chỉ thấy niêm mạc sưng khu trú với vết loét ở trung tâm (mũi tên).Can thiệp sâu với một cái kẹp lớn vào khu vực này cuối cùng đã lấy được xương cá.

 

Một phụ nữ 74 tuổi đau sâu vùng bụng dưới 3 tuần nay. Xét nghiệm: bạch cầu 15, CRP 150. Trước đây cô ấy đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật phụ khoa. CT đã được thực hiện và cho thấy một dị vật dạng xương, ở cả hai đầu dường như làm thủng đại tràng sigma. Siêu âm qua ngã âm đạo xác nhận dị vật nằm ngang qua lòng đại tràng Sigma, vì vậy có thể lấy ra bằng nội soi đại tràng. Trong quá trình nội soi, xương gà phải bị làm gãy thành hai đoạn để lấy ra an toàn. Phục hồi ổn định với sự trợ giúp của kháng sinh.

 

Nếu ống nội soi không thể tiếp cận dị vật và bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận dễ dàng, thì về nguyên tắc, phẫu thuật lấy dị vật được chỉ định.

Người đàn ông 33 tuổi này (có tiền sử mổ cắt ruột lúc 4 tuổi) vào viện vì đau vùng thượng vị và CRP là 155. Siêu âm và CT xác nhận cấu trúc xương (mũi tên) làm thủng một quai ruột non dính. Trong phẫu thuật mổ mở tối thiểu (mini-laparotomy), một xương sắc nhọn dài 6 cm đã được lấy ra. Bệnh nhân đã ăn vịt quay Bắc Kinh (Peking duck) hai ngày trước đó.

 

Một người đàn ông 83 tuổi khỏe mạnh nhập viện vì đau bụng trên cấp tính và CRP là 90. CT tìm thấy một cấu trúc xương bị mắc kẹt trong hỗng tràng. Sau 24 giờ điều trị bảo tồn bằng kháng sinh, cơn đau không giảm và CRP tăng lên 230. Trong phẫu thuật, mảnh xương sắc nhọn có thể dễ dàng được lấy ra bằng một vết rạch nhỏ ở hỗng tràng, không cần phải cắt bỏ ruột. Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và bây giờ, mười một năm sau, ở tuổi 94, tình trạng ông ấy vẫn tốt. Ông ấy vẫn không thể tưởng tượng được rằng mình đã từng nuốt một miếng xương lớn như vậy.

 

Trường hợp ổ áp xe nằm sâu như áp xe gan, có chỉ định dẫn lưu qua da kết hợp với kháng sinh dài ngày. Ở một số bệnh nhân, đây có thể là phương pháp điều trị tốt nhất. 

Phụ nữ 61 tuổi này vào viện vì áp xe gan kích thước lớn liên quan đến xương cá. Cô ấy bị béo phì và có một số chống chỉ định khác với phẫu thuật. Sau nhiều lần làm thủ thuật dẫn lưu qua da và mười tuần dùng kháng sinh, cuối cùng cô ấy đã hồi phục, với xương cá vẫn còn đó nhưng hình như đã được bọc lại. Bây giờ, mười năm sau, cô ấy vẫn ổn.

 

Đôi khi, có thể rất khó tìm thấy dị vật khi mổ nội soi ổ bụng hoặc mổ mở.

Bệnh nhân này vào viện vì đau bụng trên và CRP là 245. Siêu âm và CT cho thấy dị vật thẳng, hơi tăng tỷ trọng, có thể là một cocktail stick (đầu mũi tên). Trong cuộc phẫu thuật hai ngày sau, ổ áp xe gan đã được dẫn lưu, nhưng dị vật không được tìm thấy. Sau đó bệnh nhân đáp ứng tốt với kháng sinh. Vào ngày thứ 15, CT cho thấy ổ áp xe đã biến mất với dị vật (đầu mũi tên) vẫn còn tại chỗ. Cuối cùng, bệnh nhân đã hồi phục với điều trị bằng kháng sinh dài ngày. 

 

Các que gỗ ngẫu nhiên có thể đồng tỷ trọng với ruột hoặc mô gan và do đó có thể khó hoặc không nhìn thấy trên CT. Trong những trường hợp này, siêu âm có trọng điểm có thể giúp ích.

Ở bệnh nhân A, hình ảnh CT: bóng khí, thâm nhiễm mỡ (fat stranding) và dày thành ruột khu trú, gợi ý thủng khu trú, nhưng không thấy dị vật. Siêu âm ngay vùng này cho thấy rõ một dị vật sắc nhọn (mũi tên) đâm xuyên qua thành ruột (b.) vào lớp mỡ viêm xung quanh (*).

Ở bệnh nhân B, sự dày lên thành hang vị và áp xe gan gần đó gợi ý dị vật gây thủng, tuy nhiên không thể xác định dị vật trên CT. Siêu âm được tiến hành dựa trên kết quả CT đã dễ dàng phát hiện ra dị vật dường như đồng tỷ trọng(st. = dạ dày)

 

Thông thường sẽ không hình thành áp xe và xương cá, sau khi di chuyển, sẽ bị bao bọc lại. Thuốc kháng sinh có thể giúp ích cho quá trình này.

BN nữ 48 tuổi này nhập viện vì đau dữ dội quanh rốn 12 giờ (Xét nghiệm: bạch cầu: 15, CRP 7). Ngày hôm sau cơn đau giảm đi, nhưng CRP tăng lên 65. Siêu âm vùng quanh rốn, cho thấy dày, phù nề thành ruột non (b.) với nhu động bình thường. Có một ổ tụ dịch nhỏ (f.) và viêm mạc treo tăng âm và không đè xẹp được (*). CT sau đó xác nhận dày thành ruột non (b.) và thâm nhiễm mỡ (*) trong mạc treo. Trong rãnh đại tràng trái, xương cá (mũi tên) đã được tìm thấy. Dường như xương cá, sau khi đâm thủng hỗng tràng, đã di chuyển đến vị trí đó. Thăm dò nội soi sau đó không thể xác định được xương cá. Cô ấy đã hồi phục bình thường bằng thuốc kháng sinh. CT được thực hiện vì những lý do khác 18 tháng sau đó, cho thấy xương cá di chuyển ít, dường như được bọc lại ổn định. Bệnh nhân vẫn ổn sau 8 năm.

 

Trong trường hợp các triệu chứng tương đối nhẹ ở bệnh nhân có xương cá nhỏ, gây thủng mà không hình thành áp xe, điều trị chính bằng kháng sinh có thể là một lựa chọn tốt đầu tiên. Ba bệnh nhân khác nhau này đều hồi phục bình thường chỉ bằng thuốc kháng sinh.

 

Bệnh nhân nữ 72 tuổi này nhập viện vì  đau thượng vị cấp tính và CRP là 180 do xương cá làm thủng dạ dày. Bệnh nhân chỉ dùng thuốc ức chế bơm proton. Các triệu chứng của cô ấy nhanh chóng thuyên giảm và CRP của cô ấy trở lại bình thường sau ba ngày.Cô ấy đã hồi phục hoàn toàn và 11 năm sau vẫn ổn.

 

Hai bệnh nhân khác nhau có xương cá được bọc lại trong thành hang vị, tình cờ thấy trên CT (chụp vì những lý do khác). Cả hai bệnh nhân đều không nhớ có đau vùng thượng vị và hình ảnh CT không thay đổi trong nhiều năm.

 

Trong trường hợp áp xe thành bụng, phẫu thuật có thể được thực hiện để dẫn lưu áp xe và loại bỏ dị vật. Ở bệnh nhân này, chỉ cần một vết rạch nhỏ quanh rốn là có thể dẫn lưu mủ và lấy xương cá ra ngoài.

 

Bệnh nhân 58 tuổi này vào viện vì đaubụng vùng ¼ dưới trái (LLQ) và CRP là 105, nghi viêm túi thừa. Siêu âm thấy một khối mỡ viêm hình oval (đầu mũi tên) ở phía ngoài của đại tràng Sigma, gợi ý viêm bờm mỡ (epiploic appendagitis). CT sau đó cho thấy một dị vật thẳng, tăng tỷ trọng (mũi tên) bao quanh bởi thâm nhiễm mỡ.  Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Một tuần sau, ổ áp xe hình thành và được dẫn lưu qua da. Tám tuần sau, một “cocktail stick” đã được loại bỏ trong cuộc thủ thuật theo hẹn.

3. Bệnh lý đường tiêu hóa gây thủng (Perforating diseases of the GI tract)

Nguyên nhân gây thủng (Causes of perforation)

Trên siêu âm hoặc CT sẽ thấy dày thành ruột kết hợp với thâm nhiễm mỡ, kiểu hình khí tự do và/hoặc hình thành áp xe, nhưng không phải lúc nào cũng tìm thấy nguyên nhân gây thủng. 

Mẹo ghi nhớ PSI-ABCD có thể hữu ích:

  • Loét dạ dày tá tràng (Peptic ulcer)
  • Dị vật sắc nhọn (Sharp foreign body)
  • Thiếu máu ruột(Ischemic bowel)
  • Viêm ruột thừa(Appendicitis)
  • Ung thư biểu mô ruột(Bowel carcinoma)
  • Bệnh Crohn(Crohn’s disease)
  • Viêm túi thừa(Diverticulitis)


Trong bảng, phân loại theo dấu sao cho biết tần suất của các tình trạng này có khả năng gây thủng. 99,99 % trường hợp, một trong 7 tình trạng này là nguyên nhân gây thủng hoặc thủng đã được bao bọc lại.

Trong bệnh viện của chúng tôi, chúng tôi có một số lượng tương đối lớn các dị vật sắc nhọn gây thủng của 3-4 trường hợp mỗi năm. Điều này được giải thích một phần là do lượng lớn dân nhập cư, ăn các loài cá ngoại lai. Đặc biệt là người Suriname chiếm 30% số bệnh nhân của chúng tôi, chiếm 70% trường hợp thủng do xương cá.

4. Pinprick-and-pass

Dị vật sắc nhọn có thể gây thủng, nhưng vẫn có thể đi thải ra ngoài an toàn cùng với phân (“pinprick-and-pass”).

Người đàn ông 85 tuổi này vào viện vì đau bụng khu trú dữ dội, viêm phúc mạc khu trú và CRP là 200, lâm sàng nghi viêm ruột thừa. Siêu âm cho thấy một vùng mỡ viêm tăng âm khu trú nhỏ(đầu mũi tên), trong có một ít dịch(*) và hình tăng âm chưa giải thích được (mũi tên trắng). Chẩn đoán siêu âm hướng tới viêm bờm mỡ có vùng xuất huyết nhỏ trung tâm. CT xác nhận thâm nhiễm mỡ khu trú và phát hiện có bóng khí cũng như dày nhẹ thành quai ruột non lân cận. Sử dụng mẹo ghi nhớ PSI-ABCD, tất cả các tình trạng đều được loại trừ, ngoại trừ dị vật sắc nhọn. Sau khi tìm kiếm chủ đích, một chiếc xương cá đã được phát hiện trong manh tràng (mũi tên xanh trên CT). Dường như chiếc xương cá này đã gây ra lỗ thủng, và sau đó bị một số thành phần trong ruột non đẩy ra ngoài. Bệnh nhân chỉ được điều trị bằng kháng sinh và hồi phục hoàn toàn.

5. Trường hợp lâm sàng minh họa (Illustrative cases)

Người phụ nữ 37 tuổi này đau vùng thượng vị tăng dần 4 ngày nay. Siêu âm phát hiện một cấu trúc cong tăng âm(đầu mũi tên) đi từ dạ dày (st.) tới tụy , nghi xương cá. (gb=túi mật). CT không thuốc cản quang xác nhận một xương cá mắc kẹt trong tụy. Nội soi dạ dày không thấy xương cá, chỉ có ổ khuyết nhỏ ở niêm mạc kèm tạo ra một số sợi fibrin. Chúng tôi cho rằng đây là điểm mà xương cá phải xuyên qua trong khi phần còn lại của xương cá vùi trong lớp niêm mạc sưng phù phản ứng của thành sau dạ dày (xem hình vẽ). Dựa theo giả thuyết này,  bác sĩ nội soi đã can thiệp sâu vào với một cái kẹp lớn, cuối cùng đã thành công. Bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và cho chúng tôi biết một tuần trước đó đã ăn “jarabaka”, một loại cá Suriname, nổi tiếng ngon và có xương cá sắc nhọn.

 

Một người đàn ông 81 tuổi đau vùng thượng vị tăng dần trong 24 giờ. Siêu âm cho thấy phình động mạch chủ kích thước 5,2 cm. Chụp cắt lớp vi tính ngay lập tức đã loại trừ khả năng vỡ, tuy nhiên phát hiện thâm nhiễm mỡ kín đáo phía trước tá tràng, xung quanh một cấu trúc nhỏ tăng tỷ trọng.

Chụp cắt lớp vi tính ngay lập tức đã loại trừ khả năng vỡ, tuy nhiên thấy thâm nhiễm mỡ kín đáo phía trước tá tràng, xung quanh một cấu trúc nhỏ tăng tỷ trọng.
CT cho thấy một xương cá (mũi tên) trong tá tràng và làm thủng thành trước.

Xương cá được phát hiện dễ dàng và loại bỏ qua nội soi dạ dày . Lưu ý sự đổi màu hơi xanh của xương cá do sắc tố mật. Khi xem kết quả, bệnh nhân không thể tưởng tượng mình đã từng nuốt xương cá lớn như vậy.

Xương cá được phát hiện dễ dàng và loại bỏ qua nội soi dạ dày . Lưu ý sự đổi màu hơi xanh của xương cá do sắc tố mật. Khi xem kết quả, bệnh nhân không thể tưởng tượng mình đã từng nuốt xương cá lớn như vậy.

Một người đàn ông 50 tuổi đau bụng vùng ¼ dưới trái (LLQ) và CRP là 21, nghi viêm túi thừa. Siêu âm ban đầu cho thấy dày thành đại tràng Sigma, mỡ bị viêm (*) và sỏi phân trong túi thừa (đầu mũi tên trắng). Kiểm tra kỹ hơn khu vực có nhiều mỡ viêm, không đè xẹp được nhất (đầu mũi tên và dấu * màu xanh lá cây) quan sát thấy dị vật(mũi tên). CT không thuốc cản quang xác nhận có mảnh xương và thâm nhiễm mỡ kín đáo (*) xung quanh đại tràng Sigma. Loại bỏ mảnh xương qua nội soi là tương đối dễ dàng.

 

Đây là trường hợp một phụ nữ 60 tuổi sốt cao và lâm sàng nghi viêm tụy. CT cho thấy một áp xe ở thùy vuông (HPT IV), trong có xương cá, di chuyển từ dạ dày đến gan. Siêu âm nội soi xác nhận xương cá nằm hoàn toàn trong ổ áp xe gan (mũi tên) nên không thể lấy ra bằng nội soi. Khi phẫu thuật, ổ áp xe được dẫn lưu và xương cá được lấy ra.

 

Một người đàn ông 75 tuổi có lâm sàng nghi áp xe cơ thắt lưng chậu. CT xác nhận ổ áp xe và xác định có một dị vật sắc nhọn thẳng, hơi tăng tỷ trọng, dường như di chuyển từ ruột non đến cơ chậu. Hình dạng và tỷ trọng gợi ý một cây bút gỗ hơn là xương cá. Chỉ với phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, cả mủ và bút gỗ đều được loại bỏ. Bệnh nhân có hàm răng giả, đã từng phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa trước đó.

CT xác nhận ổ áp xe và xác định có một dị vật sắc nhọn thẳng, hơi tăng tỷ trọng, dường như di chuyển từ ruột non đến cơ chậu. Hình dạng và tỷ trọng gợi ý một cây bút gỗ hơn là xương cá.

Một người đàn ông 53 tuổi vào viện vì sưng đau vùng bụng ¼ dưới trái (LLQ) và CRP là 173, nghi viêm túi thừa. Ông đã phẫu thuật cắt thận trái cách đây 20 năm. Siêu âm cho thấy một ổ áp xe ở thành bụng chứa một cấu trúc mảnh, cong (mũi tên).CT không tiêm và có tiêm xác nhận có một xương cá (mũi tên) trong một ổ áp xe thành bụng giới hạn khá rõ. Lưu ý sự dễ dàng bỏ sót xương cá nếu chỉ chụp mỗi CT có tiêm thuốc cản quang.  Vị trí áp xe và xương cá được đánh dấu trên da. Chỉ với một vết rạch rất nhỏ, mủ và xương cá có thể được loại bỏ. Phục hồi ổn định. 

 

Một người đàn ông 57 tuổi nghi viêm túi thừa (đã cắt ruột thừa). CT cho thấy dày thành đại tràng Sigma và một khối không rõ ràng ở phía bên trái. Tại thời điểm đó, đường tăng âm nhỏ (mũi tên) đã bị bỏ sót. Chẩn đoán CT là viêm túi thừa hay bệnh lí ác tính đại tràng Sigma. Nội soi đại tràng không thể tiếp cận vị trí này. Trên CT lặp lại một tuần sau đó, chúng tôi may mắn rằng dị vật sắc nhọn thẳng và tăng tỷ trọng nhẹ (mũi tên) hiện rõ toàn bộ độ dài trên CT lát cắt vành. Khi phẫu thuật, một phần của đại tràng Sigma đã được cắt bỏ cùng với khối viêm lớn, chứa cocktail stick gỗ. Một hậu môn nhân tạo tạm thời (A temporary stoma) đã được thực hiện. Bệnh nhân tỏ ra không tin và kiên quyết phủ nhận chưa từng nuốt que nào như vậy.

 

Trong khi nha sĩ thực hiện thủ thuật nội nha, người đàn ông 46 tuổi này đã vô tình nuốt phải “trâm nội nha” (endodontic file). Anh ta không đau bụng, nhưng lo lắng khi sau một tuần mà không tìm thấy nó trong phân. CT không có thuốc cản quang đã xác nhận có thủng quai hỗng tràng và thâm nhiễm mỡ nhẹ.  Trong phẫu thuật, một phần của hỗng tràng đã được cắt bỏ bao gồm cả “trâm nội nha”.

CT không có thuốc cản quang đã xác nhận có thủng quai hỗng tràng và thâm nhiễm mỡ nhẹ.

Phụ nữ trẻ (31 tuổi) người Suriname đau bụng vùng ¼ dưới trái (LLQ) 3 tuần và CRP 55, nghi viêm phần phụ hoặc viêm túi thừa. Tiền sử vỡ tử cung. Siêu âm cho thấy khối giảm âm bên trái tử cung (u.) nghi áp xe vòi tử cung-buồng trứng (TOA). Ở ngoại vi khối, thấy một hình tăng âm mảnh, cong (mũi tên). Siêu âm qua ngã âm đạo xác nhận xương cá (mũi tên) ở thành của TOA. CT không cản quang cho thấy TOA nằm sát kèm dày thành khu trú đại tràng Sigma. Khi phẫu thuật, TOA và xương cá (dính sát vào đại tràng Sigma) đã được lấy ra. Dường như xương cá, sau khi làm thủng đại tràng Sigma đã di chuyển vào buồng trứng trái gây ra TOA. Chú ý xương cá đổi màu hơi xanh, có thể là do sắc tố mật.

Siêu âm cho thấy khối giảm âm bên trái tử cung (u.) nghi áp xe vòi tử cung-buồng trứng (TOA). Ở ngoại vi khối, thấy một hình tăng âm mảnh, cong (mũi tên). Siêu âm qua ngã âm đạo xác nhận xương cá (mũi tên) ở thành của TOA. CT không cản quang cho thấy TOA nằm sát kèm dày thành khu trú đại tràng Sigma

BN nữ 80 tuổi béo phì với lâm sàng rất nghi ngờ viêm ruột thừa. Tiền sử phẫu thuật cắt bỏ túi mật trước đó. Xét nghiệm: bạch cầu 21, CRP 125. Siêu âm cho thấy mỡ viêm (*) xung quanh ruột non phù nề (b.), chứa cấu trúc phản âm lạ (mũi tên). Hình ảnh siêu âm trong hai mặt phẳng vuông góc cho thấy vật thể lạ này phẳng.CT xác nhận thành ruột non dày lên, thâm nhiễm mỡ và khí ngoài lòng ruột. Kiểm tra kỹ hơn trên CT mặt cắt ngang và mặt cắt vành cho thấy một cấu trúc phẳng hai lớp, tăng tỷ trọng nhẹ, khu trú bên trong lòng ruột (mũi tên) không rõ nguồn gốc. Phẫu thuật cho thấy ruột non bị thủng do vỏ thực vật sắc nhọn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nhận ra đây là vỏ của một quả xoài chưa chín, được dùng để làm chutney xoài do cô tự làm.

Siêu âm cho thấy mỡ viêm (*) xung quanh ruột non phù nề (b.), chứa cấu trúc phản âm lạ (mũi tên). Hình ảnh siêu âm trong hai mặt phẳng vuông góc cho thấy vật thể lạ này phẳng.CT xác nhận thành ruột non dày lên, thâm nhiễm mỡ và khí ngoài lòng ruột. Kiểm tra kỹ hơn trên CT mặt cắt ngang và mặt cắt vành cho thấy một cấu trúc phẳng hai lớp, hơi tăng tỷ trọng, khu trú bên trong lòng ruột (mũi tên) không rõ nguồn gốc.

Nam 79 tuổi, nhập viện 2 ngày vì nhồi máu cơ tim, đột nhiên đau bụng vùng ¼ dưới phải (RLQ) và CRP 70, nghi viêm ruột thừa. Anh ta được chăm sóc cách ly vì nghi MRSA. Siêu âm cho thấy ruột thừa bình thường kích thước 4 mm và dày thành đoạn cuối hồi tràng, xung quanh là mỡ viêm (*). Bên cạnh hồi tràng, thấy cấu trúc có khả năng là bọt khí (mũi tên xanh). Trong lòng hồi tràng, một cấu trúc phản âm thẳng (đầu mũi tên) đã được tìm thấy. Trên nhiều lát cắt gợi ý một vật thể lạ phẳng. Ở một đầu, cạnh dường như sắc nhọn (mũi tên trắng) nhô vào phần mỡ bị viêm xung quanh (*).

Siêu âm cho thấy ruột thừa bình thường kích thước 4 mm và dày thành đoạn cuối hồi tràng, xung quanh là mỡ viêm (*). Bên cạnh hồi tràng, thấy cấu trúc có khả năng là bọt khí (mũi tên xanh). Trong lòng hồi tràng, một cấu trúc phản âm thẳng (đầu mũi tên) đã được tìm thấy. Trên nhiều lát cắt gợi ý một vật thể lạ phẳng. Ở một đầu, cạnh dường như sắc nhọn (mũi tên trắng) nhô vào phần mỡ bị viêm xung quanh (*).

CT mặt cắt ngang đã xác nhận kết quả siêu âm và xác định được một dị vật trông kỳ lạ.

Trên CT mặt cắt vành, dị vật trông kỳ lạ có hình dạng tương tự. Hãy cố gắng tìm ra, nó là gì … Và sau đó tiếp tục đọc

MIP dựng hình trên mặt cắt chếch cho thấy di vật là một vỉ thuốc còn nguyên chứa 1 viên thuốc. Bởi vì bị cách ly do MRSA nên y tá đã không hướng dẫn uống thuốc đúng cách cho bệnh nhân cao tuổi và hơi đãng trí, người mà sau đó nuốt vỉ thuốc. CT chụp một cốc nhựa chứa nước bên trong có vỉ thuốc tương tự đã xác nhận chẩn đoán. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh và sau đó vỉ thuốc ra ngoài theo phân.

Cùng theo dõi những bài viết khác để bồi dưỡng thêm kiến thức y khoa và thuật ngữ tiếng anh chuyên ngành Y Khoa tại trang chủ anhvanyds.com các bạn nhé.

BS. Võ Thị Thanh Hương

Nguồn tham khảo: 

https://radiologyassistant.nl/abdomen/bowel/sharp-foreign-bodies-in-gi-track

Tham khảo khóa học Tiếng Anh Chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh: https://radiology.anhvanyds.com/

Bài viết khác cùng chuyên mục:

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*