Cắt lớp vi tính phổi: Các tổn thương giống với ung thư phổi — Các đặc điểm trên CT với mối tương quan bệnh học (Lung CT: Mimickers of Lung Cancer—Spectrum of CT Findings with Pathologic Correlation)

Mục đích của bài viết này là mô tả các đặc điểm trên CT của các bệnh lý phổi giống với ung thư phổi, đặc biệt là ung thư nguyên phát, để cải thiện chẩn đoán tổn thương phổi. Mô tả ngắn gọn về thông tin lâm sàng của bệnh nhân và các đặc điểm bệnh lý sẽ được đưa vào và tương quan với các đặc điểm hình ảnh trong các ca thực tế. 
Bệnh lý phổi có thể được phân thành ba loại: tổn thương kính mờ (ground-glass opacification-GGO; cả đơn thuần và hỗn hợp), nốt đặc (solid nodules) và khối đặc (solid masses), và đông đặc (consolidation) trên CT độ phân giải cao (HRCT).
Bài viết này sẽ tập trung vào tổn thương kính mờ và các nốt và khối đặc vì khó khăn lâm sàng trong việc phân biệt lành tính hay ác tính của tổn thương phổi xảy ra ở hai loại này thường xuyên hơn nhiều so với bệnh lý đông đặc. 

Tổn thương kính mờ (ground-glass opacification-GGO)

Tổn thương kính mờ được định nghĩa là hình mờ giống sương mù bảo tồn các bờ phế quản và mạch máu bên dưới trên HRCT. Tổn thương kính mờ không tân sinh (Nonneoplastic GGO) là do khoảng khí được lấp đầy một phần, dày mô kẽ với viêm, phù nề, xơ hóa, xẹp một phần phế nang, hoặc xuất huyết khu trú.

Tổn thương kính mờ tân sinh (Neoplastic GGO) là kết quả chủ yếu từ sự phát triển của khối u bao phủ thành phế nang hoặc khối u xuất huyết. Tổn thương kính mờ có thể được phân loại thành các loại tổn thương kính mờ đơn thuần (pure) và tổn thương kính mờ quầng mờ (halo) hoặc hỗn hợp (mixed) tùy thuộc vào sự có hoặc không có các thành phần đặc. Dấu hiệu quầng mờ (halo sign) biểu hiện tổn thương kính mờ bao quanh chu vi của nốt hoặc khối. Tổn thương kính mờ hỗn hợp là một nốt có cả tổn thương kính mờ và các thành phần đặc.

Tổn thương kính mờ đơn thuần (Pure GGO)

Ung thư biểu mô tuyến tại chỗ (Adenocarcinoma in situ) (loại không tiết nhầy) cho thấy tổn thương kính mờ đơn thuần trên HRCT (Hình 1). Chẩn đoán phân biệt với tổn thương bao gồm tăng sản tuyến không điển hình (Atypical adenomatous hyperplasia), xơ hóa khu trú, xuất huyết phổi và viêm cấp.

Hình 1. Bệnh nhân nữ 78 tuổi bị ung thư biểu mô tuyến tại chỗ (adenocarcinoma in situ). A, Tổn thương kính mờ đồng nhất (đường kính # 15mm) bảo toàn được mạch máu phổi liên quan ở thùy trên bên phải được hiển thị trên hình ảnh CT độ phân giải cao. B, Về mặt mô học, các tế bào khối u lan rộng vào thành phế nang mà không phá hủy các cấu trúc phổi bên dưới.

Tăng sản tuyến không điển hình (Atypical adenomatous hyperplasia-AAH) 

Tăng sản tuyến không điển hình (AAH) là một tổn thương khu trú ngoại vi được tạo ra bởi sự tăng sinh của các tế bào biểu mô trụ không điển hình dọc theo phế nang và tiểu phế quản hô hấp. AAH là thường được cho là tổn thương báo hiệu cho ung thư biểu mô tuyến, bao gồm ung thư biểu mô tuyến tại chỗ. AAH biểu hiện dưới dạng nốt kính mờ đơn thuần hình tròn hoặc hình bầu dục mà không có ấn lõm màng phổi hoặc hội tụ mạch máu. AAH thường có đường kính nhỏ hơn 5 mm, mặc dù nó có thể lớn tới 10–17 mm, và không thể phân biệt được với ung thư biểu mô tuyến tại chỗ không tiết nhầy biểu hiện dưới dạng tổn thương kính mờ đơn thuần trên HRCT (Hình 2).

Hình 2. Bệnh nhân nữ 66 tuổi bị tăng sản tuyến không điển hình (atypical adenomatous hyperplasia). A, CT độ phân giải cao có thể thấy tổn thương kính mờ đồng nhất (đường kính # 16mm) ở thùy trên bên phải. B, Về mặt mô học, các tế bào phế nang (pneumocytes) hình khối không điển hình kéo dài dọc theo vách phế nang dày lên.

Xơ hóa khu trú (Focal fibrosis)

Xơ hóa khu trú là một bệnh lý lành tính không tân sinh, thường biểu hiện là tổn thương kính mờ đôi khi vẫn giữ nguyên hình dạng trong một thời gian dài và thường tạo ra các đặc điểm hình ảnh giống như tổn thương kính mờ tân sinh. Tổn thương biểu hiện dưới dạng kính mờ với bờ tròn, đa giác, tua gai hoặc bờ không rõ trên HRCT. Về mặt bệnh học, tổn thương biểu hiện như sự dày lên khu trú của mô kẽ với sự tăng sinh nguyên bào sợi và bảo toàn các khoảng khí của phế nang và các phế nang lấp đầy đại thực bào (Hình 3).

Hình 3. Bệnh nhân nam 74 tuổi bị xơ hóa khu trú (focal fibrosis). A, Hình ảnh CT độ phân giải cao cho thấy tổn thương kính mờ đơn thuần (đường kính # 17mm) ở thùy trên bên trái bảo toàn tiểu phế quản và cấu trúc mạch máu liên quan. B, Về mặt mô học, có hiện tượng xơ hóa khu trú với xẹp phổi (atelectasis) và thâm nhiễm tế bào viêm.

Tổn thương kính mờ với quầng mờ hoặc hỗn hợp (Halo or Mixed GGO)

Trong các tổn thương không tân sinh, các kiểu tổn thương này chủ yếu được thấy trong các trường hợp nốt xuất huyết, ví dụ như bệnh aspergillosis xâm lấn và bệnh u hạt Wegener (Hình 4). Tổn thương khó phân biệt với ung thư biểu mô tuyến xâm lấn tối thiểu, với tổn thương kính mờ có dấu hiệu quầng mờ hoặc hỗn hợp trên HRCT do sự phát triển của khối u thể lepidic chiếm ưu thế (Hình 5). Chú ý cẩn thận đến thông tin lâm sàng của bệnh nhân sẽ giúp đưa ra chẩn đoán chính xác.

Hình 4. Bệnh nhân nữ 28 tuổi bị bệnh aspergillosis xâm lấn. Bệnh nhân bị ung thư máu bạch cầu (leukemia) và được điều trị bằng hóa trị. Hình ảnh CT độ phân giải cao cho thấy nốt có hình ảnh khí phế quản đồ (air bronchogram) và dấu hiệu quầng mờ (đường kính # 18mm) ở thùy trên bên trái.

Hình 5. Bệnh nhân nữ 63 tuổi bị ung thư biểu mô tuyến xâm lấn tối thiểu. A, Hình ảnh CT độ phân giải cao cho thấy nốt (đường kính # 25mm) với khí phế quản đồ ở thùy trên bên phải. Bờ của nốt đi kèm với vùng đậm độ kính mờ (dấu hiệu halo). B, Về mặt bệnh lý, các tế bào khối u lan rộng ra dọc theo thành phế nang ở vùng phía ngoài khối u.

Nốt và khối đặc (Solid Nodules and Masses)

Các bệnh lý phổi chính biểu hiện dưới dạng các nốt và khối đặc giống với ung thư phổi là khối tân sinh (ví dụ: hamartoma, u phế bào (pneumocytoma) [u mạch máu xơ hóa-sclerosing hemangioma], khối u nguyên bào sợi cơ viêm và lymphoma) và khối không tân sinh (ví dụ: hạch bạch huyết trong phổi, khối u (tumorlet), khối u lao, khối u nấm Histoplasma, xẹp phổi tròn, amyloidosis, viêm phổi tổ chức hóa khu trú và áp xe phổi).

U mô thừa (Hamartoma)

Hamartoma là khối u lành tính bao gồm các mô trung mô như sụn, mỡ, mô liên kết, cơ trơn và vôi hóa. Về mặt bệnh học, tổn thương đôi khi cho thấy các khe được lót bởi biểu mô có lông chuyển. Hamartoma chiếm 6-8% các khối u phổi đơn độc và 77% tất cả các khối u lành tính. Các đặc điểm trên CT điển hình bao gồm nốt hoặc khối giới hạn rõ, nhẵn, tròn, hoặc đa cung. Mỡ được thấy trên hình ảnh CT trong khoảng 60% trường hợp, và vôi hóa dạng bỏng ngô (popcorn) hoặc vôi hóa trung tâm trong khoảng 25%. Hamartoma chứa ít mỡ và không có vôi hóa rất khó phân biệt trên CT với ung thư phổi nguyên phát có bờ tròn hoặc đa cung (Hình 6).

Hình 6. Bệnh nhân nữ 65 tuổi bị hamartoma (u mô thừa). A, Hình ảnh CT có tiêm thuốc cản quang ở cửa sổ trung thất cho thấy nốt có bờ đa cung (đường kính # 28mm) với thành phần đậm độ thấp ở thùy trên bên trái. Vùng đậm độ thấp trong nốt không thấp bằng mỡ, giống với ung thư phổi nguyên phát với sự thoái hóa và hoại tử. B, Mô học cho thấy nốt bao gồm sụn (cartilage), mỡ và các cấu trúc trung mô khác. Mũi tên chỉ ra khe được lót bởi biểu mô có lông chuyển.

U phế bào (Pneumocytoma) (U mạch máu xơ hóa-Sclerosing Hemangioma)

U phế bào là khối u lành tính hiếm gặp, chủ yếu gặp ở phụ nữ trung niên. Tỷ lệ nữ trên nam xấp xỉ 4–5:1. Về mặt mô học, bản chất là sự tăng sinh của các tế bào phế nang loại 2, và u phế bào bao gồm 4 thành phần mô học chính: đặc, nhú, xơ hóa và u máu. Mặc dù các vùng đậm độ thấp, vôi hóa, và dấu hiệu liềm khí (hiếm gặp) là đôi khi xuất hiện trên CT, hầu hết các trường hợp thường cho thấy một khối hoặc nốt tròn hoặc bầu dục, bờ đều, tăng bắt thuốc đồng nhất và phân biệt với ung thư phổi đặc có bờ tròn hoặc bầu dục là khó trên CT (Hình 7). Đôi khi cũng xảy ra sự nhầm lẫn về mô học của ung thư biểu mô tuyến với sự phát triển khối u ở thể lepidic, với các mẫu bệnh phẩm thu được không chỉ từ sinh thiết phổi xuyên phế quản mà còn từ các phần đông lạnh, đặc biệt khi bệnh phẩm chỉ chứa các thành phần dạng nhú.

Hình 7. Bệnh nhân nữ 72 tuổi bị u phế bào (pneumocytoma). A, Hình ảnh CT có cản quang ở cửa sổ trung thất trong thì muộn (equivalent phase) cho thấy nốt tròn đặc tăng bắt thuốc đồng nhất (đường kính # 25mm) ở thùy giữa bên phải. Bệnh nhân được phẫu thuật do nghi ngờ ung thư phổi nguyên phát. B, Bệnh phẩm cho thấy các tế bào hình khối xếp thành nhú hoặc kiểu đặc. Không tìm thấy nhân không điển hình. Ngoài ra còn có vùng xơ cứng và vùng u mạch trong bệnh phẩm (không được hiển thị). Chẩn đoán là u phế bào.

Khối u nguyên bào sợi cơ viêm (Inflammatory Myofibroblastic Tumor-IMT)

Do các thành phần tế bào hay thay đổi, khối u nguyên bào sợi cơ viêm (IMT) đã được mô tả bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, bao gồm khối giả u viêm, u mô bào sợi, u hạt vàng (xanthogranuloma) và u hạt tế bào huyết tương. Đây là tổn thương không phổ biến bao gồm các nguyên bào sợi trục chính trên nền collagen và các tế bào viêm có thể thay đổi. Các thành phần tế bào hình thoi biểu hiện vimentin và α-actin cơ trơn trên phương pháp nhuộm miễn dịch. Mặc dù nó có một phổ rộng các đặc điểm từ phản ứng lành tính đến ác tính và bản chất thực sự của những tổn thương này vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ, nhưng biểu hiện kinase u lympho anaplastic 1 trong khoảng 56% trường hợp cho thấy chúng có thể là khối tân sinh. 

Khối u nguyên bào sợi cơ viêm thường được thấy ở phổi. Tổn thương nội phế quản hoặc nội khí quản đôi khi cũng xảy ra, và nó có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan khác. Mặc dù bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được thấy ở trẻ em và người lớn dưới 40 tuổi. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng, nhưng đôi khi bệnh nhân có biểu hiện ho, đờm có máu và đôi khi có tiền sử nhiễm trùng trước đó. Hầu hết các trường hợp IMT được chẩn đoán và chữa khỏi bằng phẫu thuật cắt bỏ. Tiên lượng là rất tốt. Thời gian sống thêm toàn bộ sau 5 năm là 91%, mặc dù tái phát đã được báo cáo ở những bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ không hoàn toàn. Khối u thường biểu hiện dưới dạng một khối hoặc nốt phổi ngoại vi đơn độc hình tròn hoặc đa thùy giới hạn rõ trên CT. Đôi khi nó biểu hiện hình ảnh đông đặc hoặc dạng nốt với bờ không rõ hoặc bờ tua gai giống với ung thư phổi. Cấu trúc bên trong đồng nhất hoặc không đồng nhất với xuất huyết, hoại tử, vôi hóa và cho thấy mức độ bắt thuốc cản quang khác nhau. Các biểu hiện khác nhau trên CT gây khó khăn cho việc chẩn đoán hình ảnh được chính xác (Hình 8).

Hình 8. Bệnh nhân nữ 42 tuổi với khối u nguyên bào sợi cơ viêm không triệu chứng (asymptomatic inflammatory myofibroblastic tumor). A, Hình ảnh CT có cản quang cho thấy nốt tròn (đường kính # 16mm) ở thùy giữa bên phải. B, Đồ thị của CT động cho thấy bắt thuốc cản quang sớm và duy trì sự tăng đậm độ cho đến thì muộn. Khối u cho thấy cường độ tín hiệu trung bình trên hình ảnh có T1W, cường độ tín hiệu cao trên hình ảnh có T2W và bắt thuốc tương phản trên MRI có tiêm gadolinium (không được hiển thị). Giá trị hấp thu tiêu chuẩn hóa tối đa trong xét nghiệm PET 18F-FDG thì sớm và thì muộn là 8,87 và 11,34, tương ứng (không được hiển thị). Phẫu thuật được thực hiện vì nghi ngờ ác tính. C, Bệnh phẩm phẫu thuật cho thấy sự tăng sinh của tế bào hình thoi với thâm nhiễm viêm rõ rệt và tăng sinh mạch máu với vết H và E. Nó dương tính với vimentin, CD68 và kinase u lympho anaplastic (không hiển thị). Chẩn đoán là khối u nguyên bào sợi cơ viêm.

Hạch bạch huyết trong phổi (Intrapulmonary Lymph Node)

Các hạch bạch huyết trong phổi thường được tìm thấy ở rốn phổi, nhưng chúng cũng có thể xuất hiện trong nhu mô phổi, phổ biến nhất là ở vùng dưới màng phổi của thùy dưới. Chúng thường được tìm thấy ở những người hút thuốc lá.

Vì CT đã tiến bộ và được thực hiện hơn, hạch bạch huyết trong phổi ngẫu nhiên được thấy thường xuyên hơn. Chúng thường là một nốt đơn lẻ có đường kính nhỏ hơn 10 mm, với 10% trường hợp có hai hoặc nhiều tổn thương. Về mặt bệnh học, chúng là các hạch bạch huyết bình thường có vỏ bao và các nang lympho. Mặc dù chúng thường xuất hiện dưới dạng các nốt hình bầu dục giới hạn rõ (Hình 9), đôi khi chúng biểu hiện bờ tua gai, ấn lõm màng phổi, bờ không rõ và liên quan đến mạch máu, giống như ung thư phổi nguyên phát. Mặc dù chúng thường giữ nguyên kích thước trong nhiều năm, nhưng một số trường hợp phát triển nhanh chóng và khó phân biệt với ung thư.

Hình 9. Bệnh nhân nữ 69 tuổi với hạch bạch huyết trong phổi (intrapulmonary lymph node). A, Hình ảnh CT cho thấy nốt hình bầu dục có ranh giới rõ ràng (đường kính # 7 mm) ở thùy dưới bên phải. B, Bệnh phẩm cho thấy hạch bạch huyết trong phổi có nhiều nang lympho.

Khối u phổi (Pulmonary Tumorlets)

Khối u phổi nói đến sự tăng sinh dạng nốt nhỏ của các tế bào nội tiết thần kinh đường dẫn khí (tế bào Kulchitsky) vượt ra ngoài biểu mô vào thành lân cận hoặc nhu mô phổi. Về mặt mô học, khối u bao gồm các ổ của các tế bào hình bầu dục đến hình thoi. Các hạt thần kinh nội tiết được nhìn thấy trên kính hiển vi điện tử và các polypeptit tương tự như trong carcinoid có trong khối u. Nó có bản chất lành tính không phải khối tân sinh. Nó thường liên quan đến các đường dẫn khí nhỏ bị tổn thương và giãn hoặc chính là khối u carcinoid và có kích thước từ vô cùng nhỏ đến đường kính 5–8 mm. Nốt lớn hơn kích thước này nên được coi là carcinoid. Do chúng có kích thước nhỏ nên thường không rõ ràng trên CT nhưng được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm mô bệnh học, thường là nhiều tổn thương nhỏ. Nếu quan sát trên HRCT, chúng biểu hiện là các nốt nhỏ giới hạn rõ và rất khó phân biệt với ung thư, đặc biệt với ung thư di căn trong trường hợp có nhiều tổn thương (Hình 10).

Hình 10. Bệnh nhân nữ 61 tuổi có khối u ở phổi (pulmonary tumorlets). A và B, Nốt hình đa giác (đường kính # 20 mm) (mũi tên, A) ở thùy dưới bên phải và nhiều nốt nhỏ (đường kính # 1–3 mm) (đầu mũi tên, A và B) ở thùy giữa và thùy dưới bên phải được hiển thị trên CT độ phân giải cao. Phẫu thuật lồng ngực có hỗ trợ video đã được thực hiện để xét nghiệm mô học. C, Nốt hình đa giác cho thấy u hạt (granuloma) không do vi khuẩn lao (không được hiển thị). Nhiều nốt nhỏ bao gồm các tế bào hình đa giác hoặc hình thoi với các mô sợi. Tế bào khối u dương tính với CD56, chromogranin và kháng nguyên màng biểu mô (không được hiển thị). Hạt tế bào khối u dương tính trên nhuộm Grimelius. Các hạt thần kinh nội tiết được tìm thấy trên kính hiển vi điện tử. Chẩn đoán là các khối u liên quan đến bệnh lý không do lao.

Tuberculoma and Histoplasmoma (Khối u lao và u nấm Histoplasma)

Bệnh lý lao phổi có thể biểu hiện như nốt phổi đơn độc không triệu chứng được gọi là khối u lao (tuberculoma) và bệnh lý do nấm Histoplasma (histoplasmosis) có thể biểu hiện như một khối u ở những bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch. Đôi khi chúng giống với ung thư phổi.

U lao là tổn thương hình tròn hoặc bầu dục giới hạn rõ của bệnh lao phổi. Đôi khi có thể thấy vôi hóa (calcification) và tạo hang (cavitation) trong nốt hoặc các nốt vệ tinh và giúp ích cho chẩn đoán hình ảnh. Về mặt bệnh học, vùng trung tâm của khối u lao bao gồm hoại tử bã đậu (caseous necrosis) và vùng rìa của u hạt biểu mô (epithelioid granuloma), tế bào viêm và collagen. U lao cho thấy tổn thương tăng bắt thuốc cản quang có thể thay đổi, tùy thuộc vào quá trình viêm trên CT có cản quang, mặc dù hầu hết chúng biểu hiện vùng giảm độ thấp ở trung tâm được bao quanh bởi vòng tăng bắt thuốc, phản ánh hoại tử trung tâm và mô viêm u hạt ở phía ngoài. Kiểu tổn thương tăng bắt thuốc trên CT này cũng được thấy trong ung thư phổi có hoại tử. U lao thường biểu hiện dưới dạng các nốt tròn có bờ nhẵn trên CT. Tuy nhiên, u lao đôi khi có bờ tua gai, đặc biệt là khi nhu mô nền bị khí phế thũng hoặc xơ, làm cho chúng khó phân biệt với ung thư bằng các nốt nhỏ có bờ tua gai (Hình 11).

U nấm Histoplasma là một bệnh lý mạn tính do nấm Histoplasma capsulatum gây ra ở phổi, có thể có hoặc không có liên quan đến bệnh sử có triệu chứng. Nó thường biểu hiện như một nốt giới hạn rõ. Nó có thể có vùng vôi hóa trung tâm, có thể vôi hóa lan tỏa, hoặc có thể kèm theo các nốt vệ tinh nhỏ giống như u lao. Sự hiện diện của vôi hóa trung tâm hoặc lan tỏa trong một nốt có đường kính 3 cm hoặc nhỏ hơn hầu như được chẩn đoán là u hạt (granuloma). Trong khu vực lưu hành bệnh histoplasma thì H. capsulatum là nguyên nhân có khả năng nhất; tuy nhiên, trong trường hợp không có vôi hóa, chẩn đoán phân biệt phải bao gồm tất cả các nguyên nhân gây ra các nốt phổi đơn độc hoặc lan tỏa khác, kể cả ung thư phổi nguyên phát. Đôi khi, khối u nấm do histoplasma biểu hiện bờ xù xì hoặc không đều giống với ung thư phổi.

Hình 11. Bệnh nhân nam 73 tuổi bị u lao (tuberculoma) không triệu chứng. A, Hình ảnh CT độ phân giải cao ở cửa sổ phổi cho thấy nốt (đường kính # 19 mm) ở thùy trên bên trái. Nốt có bờ nhiều tua gai giống với ung thư phổi nguyên phát. Xung quanh nhu mô có khí phế thũng. B, Hình ảnh cửa sổ trung thất cho thấy vùng đậm độ thấp không đồng nhất bên trong nốt với bờ tăng bắt thuốc. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lồng ngực có hỗ trợ video do nghi ngờ ung thư phổi nguyên phát. C, Xét nghiệm bệnh học cho thấy u hạt biểu mô có hoại tử bã đậu (caseous necrosis). Chẩn đoán là u lao.

Xẹp phổi tròn (Rounded Atelectasis)

Xẹp phổi tròn là tổn thương khu trú nằm sát màng phổi là kết quả của sẹo màng phổi và dưới màng cứng và xẹp phổi của mô phổi kế cận. Nó thường xảy ra nhất ở các vùng dưới màng phổi mặt lưng của thùy dưới ở những bệnh nhân có tiền sử phơi nhiễm với amiăng và ở những bệnh nhân bị bệnh lao. Về mặt bệnh học cho thấy xơ hóa màng phổi nằm chồng lên nhu mô bất thường, cũng như làm lõm màng phổi xơ vào nhu mô phổi xẹp. Các đặc điểm CT đặc trưng bao gồm khối tròn ở đáy phổi kế cận với dày màng phổi và dấu hiệu đuôi sao chổi, tức là các mạch máu và phế quản hội tụ và xoáy quanh khối. Nó có thể biểu hiện như khí phế quản đồ (air bronchogram). 

Đôi khi biểu hiện với một khối có hình chêm hoặc bờ không đều trên CT và bị nhầm lẫn với một khối u ác tính (Hình 12). Chẩn đoán chính xác là rất quan trọng, đặc biệt là ở những bệnh nhân phơi nhiễm với amiăng do tỷ lệ mới mắc ung thư phổi và ung thư trung biểu mô ác tính tăng lên. Tăng bắt thuốc đồng nhất trên CT có cản quang là một manh mối để phân biệt với bệnh lý ác tính. Fluorine-18-FDG PET cũng có thể giúp chẩn đoán chính xác vì xẹp phổi được thấy thường không hoạt động về mặt chuyển hóa.

Hình 12. Bệnh nhân nam 74 tuổi bị xẹp phổi dạng tròn không triệu chứng. A, Hình ảnh CT cho thấy khối đặc nằm sát màng phổi với bờ tua gai (đường kính # 31 mm) ở thùy dưới bên trái, giống với ung thư phổi. B, Hình ảnh kế cận cho thấy các mạch máu phổi và phế quản cuộn lại thành khối (dấu hiệu đuôi sao chổi) giúp chẩn đoán chính xác. C, Hình ảnh CT có cản quang cho thấy tăng bắt thuốc đồng nhất. Khối tiếp xúc diện lớn với màng phổi dày có vôi hóa. Xẹp phổi dạng tròn được chẩn đoán.

Thoái hóa bột ở phổi (Pulmonary Amyloidosis)

Bệnh amyloidosis (thoái hóa bột) là sự tích tụ của nhiều loại protein hình sợi bất thường không hòa tan (amyloid) trong khoảng ngoại bào. Loại amyloid thường gặp nhất trong phổi là loại amyloid chuỗi nhẹ. Amyloidosis có thể ảnh hưởng đến phổi như một dạng nguyên phát hoặc thứ phát, và như một dạng toàn thân hoặc một bệnh lý giới hạn ở phổi. Bệnh amyloidosis biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp dưới có thể được chia thành ba loại: bệnh amyloidosis khí phế quản, nhu mô dạng nốt, và nhu mô lan tỏa (còn gọi là vách phế nang). Bệnh amyloidosis nhu mô dạng nốt biểu hiện dưới dạng một hoặc nhiều nốt phổi ngoại vi với nhiều kích thước khác nhau cơ bờ tròn, đa thùy, răng cưa hoặc tua gai.

Tạo hang được thấy lên đến 20% các trường hợp và vôi hóa được thấy trong 20–50% trên CT. Nó có thể phát triển rất chậm trong nhiều năm. Bắt thuốc kém (Poor enhancement) trên CT có cản quang được báo cáo trong các trường hợp amyloidosis phổi. Các bệnh nhân bị amyloidosis dạng nốt thường không có triệu chứng. Rất khó phân biệt với ung thư phổi trên CT, đặc biệt là trong trường hợp có một nốt đơn độc không với vôi hóa với bờ không đều (Hình 13). Tín hiệu thấp trên MRI T2W do thời gian thư giãn trên T2 ngắn của protein amyloid có thể giúp ích trong chẩn đoán.

Hình 13. Bệnh nhân nam 69 tuổi bị bệnh amyloidosis ở phổi không triệu chứng. A, Hình ảnh CT lát cắt mỏng ở cửa sổ phổi cho thấy nốt có bờ răng cưa (đường kính # 23 mm) ở thùy giữa bên phải giống với ung thư phổi nguyên phát. B, Nốt cho thấy bắt thuốc tương đối kém trên hình ảnh CT có cản quang. C, Hình ảnh xét nghiệm bệnh học cho thấy nốt bao gồm các chất lắng đọng bạch cầu ái toan vô định hình.

Áp xe phổi (Lung abscess)

Áp xe phổi thường liên quan đến viêm phổi do vi khuẩn hoặc viêm phổi hít sặc. Các sinh vật thường là vi khuẩn kỵ khí, bao gồm Klebsiella pneumonia, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, và các loài Nocardia và Actinomyces. Viêm phổi hít sặc đặc biệt xảy ra ở những bệnh nhân nghiện rượu, chậm phát triển trí tuệ, vệ sinh răng miệng kém và suy giảm miễn dịch. Các đặc điểm hình ảnh bao gồm khối hoặc nốt đơn độc hoặc nhiều ở phổi, thường có các hang, đôi khi là dạng bán đặc (subsolid) trong giai đoạn mạn tính. Chúng có thể tách biệt hoặc xuất hiện trong các vùng đông đặc. Trong hầu hết các trường hợp, thành của các hang nhẵn và dày dưới 15 mm. Đôi khi biểu hiện với thành dày và không đều (> 15 mm) và trong những trường hợp như vậy, nó giống như ung thư phổi dạng hang. Áp xe phổi cũng có thể biểu hiện như một tổn thương đông đặc không đặc hiệu hoặc hình mờ dạng nốt, và khó phân biệt với ung thư trong trường hợp mới đây (latter case) (Hình 14).

Hình 14. Bệnh nhân nam 60 tuổi bị áp xe phổi do hít phải dị vật. A, Hình ảnh CT độ phân giải cao cho thấy nốt (đường kính # 28 mm) với bờ tua gai nhỏ và kéo màng phổi lõm vào nằm ở ngoại vi thùy dưới bên phải. B, Hình ảnh cửa sổ trung thất cho thấy một hang nhỏ ở trung tâm của nốt. C, Hình ảnh bệnh phẩm cho thấy khiếm khuyết nhu mô được bao quanh bởi sự xâm nhập rõ rệt của các tế bào viêm mạn tính. Mũi tên chỉ ra hình ảnh xơ. Đã chẩn đoán xác định áp xe phổi do hít phải dị vật.

Viêm phổi khu trú tổ chức hóa (Focal Organizing Pneumonia)

Viêm phổi khu trú tổ chức hóa được gọi là viêm phổi không điều trị hoặc điều trị trễ, nhưng không có định nghĩa lâm sàng rõ ràng. Về mặt mô học, nó bao gồm mô hạt dạng polypoid trong khoang phế nang và lòng phế quản ngoại vi liên quan đến thâm nhiễm viêm mãn tính.

Nó cho thấy nhiều đặc điểm trên CT. Thông thường, biểu hiện dạng đông đặc. Mặt khác, viêm phổi khu trú tổ chức hóa có thể biểu hiện dưới dạng nốt có bờ hình bầu dục hoặc hình thoi và các tổn thương vệ tinh. Đôi khi hình ảnh CT của viêm phổi khu trú tổ chức hóa cho thấy một nốt có bờ tua gai, khí phế quản đồ, bóng khí, dấu hiệu quầng mờ, tổn thương kính mờ hỗn hợp, và gây lõm màng phổi giống như ung thư phổi nguyên phát. Rất khó phân biệt với ung thư phổi, và nhiều bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật trong những trường hợp như vậy. Không chỉ trong viêm phổi khu trú tổ chức hóa mà còn ở các nốt viêm khác cũng như vậy, bờ tổn thương đôi khi lõm vào với một số tua gai. Một báo cáo đã công nhận rằng sự co rút lại của tiểu thùy bị ảnh hưởng, ngược với các tiểu thùy kế cận còn nguyên vẹn, gây ra bờ lõm trong quá trình chữa lành của viêm. Đôi khi nó giống với ung thư phổi nguyên phát với bờ tua gai. Khó phân biệt giữa các nốt viêm như vậy và ung thư phổi (Hình 15).

Hình 15. Bệnh nhân nam 60 tuổi bị viêm phổi khu trú tổ chức hóa không triệu chứng. A, Hình ảnh CT độ phân giải cao cho thấy nốt đặc (đường kính # 25 mm) với bờ răng cưa và tua gai lớn ở ngoại vi của thùy dưới bên phải. Sự hội tụ của các mạch máu ngoại vi và vết lõm của màng phổi cũng được hiển thị. Bệnh nhân đã trải qua một cuộc phẫu thuật nội soi lồng ngực có hỗ trợ video vì nghi ngờ bị ung thư phổi nguyên phát. B, Hình ảnh mô học cho thấy các ổ xơ có tăng sinh nguyên bào sợi, thâm nhiễm viêm mạn tính và các khoang phế nang tái tạo giãn chứa dịch tiết dạng sợi kết hợp với thâm nhiễm viêm (mũi tên). Viêm phổi khu trú tổ chức hóa đã được chẩn đoán.

Ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma)

U lympho nguyên phát của phổi rất hiếm. Hầu hết là u lympho tế bào B vùng rìa xuất phát từ u lympho mô lymphoid liên kết với niêm mạc, được phân loại là bệnh ác tính mức độ thấp (low-grade malignancy). Trước đây được gọi là “giả u lympho-pseudolymphoma”, phân loại này hiện được coi là bao gồm u lympho mô lymphoid liên quan đến niêm mạc, tăng sản bạch huyết dạng nốt và các rối loạn tăng sinh bạch huyết mức độ thấp khác.

U lympho phổi thứ phát xảy ra thường xuyên hơn u lympho nguyên phát. Nhiều đặc điểm CT được thấy trong u lympho nguyên phát và thứ phát: các nốt và khối phổi đơn độc hoặc nhiều, đông đặc, tổn thương kính mờ, khí phế quản đồ, hang và dày quanh mạch máu phế quản. Đôi khi u lympho biểu hiện dưới dạng một nốt hoặc khối giống như ung thư phổi nguyên phát hoặc di căn trên hình ảnh CT (Hình 16).

Hình 16. Bệnh nhân nữ 73 tuổi bị u lympho thứ phát đã được điều trị u lympho dạng nang không Hodgkin. A, Hình ảnh CT cho thấy khối đặc (đường kính # 32 mm) với bờ đa thùy và thành phần tổn thương kính mờ dọc theo bó mạch máu phế quản giống với ung thư phổi nguyên phát. B, Hình ảnh bệnh phẩm thu được bằng sinh thiết phổi xuyên phế quản cho thấy sự thâm nhiễm rõ rệt của các tế bào nhỏ với các tế bào không điển hình. U lympho phổi được chẩn đoán. 

Tài liệu tham khảo:

Lung CT: Mimickers of Lung Cancer—Spectrum of CT Findings with Pathologic Correlation.

Lược dịch: Bs Lê Thị Ny Ny – BV Nguyễn Tri Phương, làm việc tại trung tâm anhvanyds
(Note: Khi sao chép bài viết, xin vui lòng ghi kèm tên người biên dịch, cảm ơn).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*