Khó khăn khi đọc tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nguyên nhân và cách khắc phục.

Bạn có gặp khó khăn khi đọc tài liệu chuyên ngành Y khoa bằng tiếng Anh? Đừng quá lo vì vấn đề này không phải của riêng ai.

Năm mình mười tám tuổi, chân ước chân ráo đi du học. Mình chưa từng được tiếp xúc với tài liệu chuyên ngành TIẾNG VIỆT, vậy mà đùng phát đã phải đọc sách chuyên ngành toàn tiếng Anh. Vậy mình đã sống sót qua năm năm học tập thế nào? Sau đây là đúc kết cá nhân của mình về một số nguyên nhân:

  1. Tiếng Anh được dạy trong mười hai năm học ở Việt Nam RẤT CÓ GIÁ TRỊ. Vì nó xây nên nền móng tiếng Anh căn bản cho mình về từ vựng và ngữ pháp. Đúng là tiếng Anh được dạy ở Việt Nam không chú trọng nghe và nói, nhưng mục tiêu của các bạn ở đây là ĐỌC SÁCH chuyên ngành mà phải không? Vậy nên trước mắt cứ chú trọng vào từ vựng và ngữ pháp. Nếu các bạn không vững tiếng Anh căn bản thì khi đọc sách chuyên ngành sự khó khăn sẽ nhân đôi, thậm chí nhân ba. Bạn vừa phải học từ vựng thông thường, vừa học từ chuyên ngành, lại vừa phải học kiến thức. Vậy nên, hãy cố gắng học thật tốt Tiếng Anh ở trường nhé.
  2. Cùng một vấn đề, nhưng có tác giả lại viết dễ hiểu, có tác giả lại viết cực kì khó hiểu. Trong trường hợp này, mình sẽ chọn ông nào viết dễ hiểu mà đọc. Đối với sinh viên năm đầu chưa biết gì thì chỉ cần đọc quyển nào ngắn gọn để có kiến thức căn bản và sơ bộ. Khi trình độ mình cao hơn thì có thể bắt đầu đọc quyển chuyên sâu và khó hơn. Trong lĩnh vực Vật lý trị liệu của mình, thì có hai quyển sách gối đầu giường của các bạn sinh viên Philippines là Physical Rehabilitation của O’Sullivan và Physical Medicine and Rehabilitation của R.Braddom. Cá nhân mình thích đọc bà O’Sullivan hơn vì bà ấy viết ngắn gọn và dễ hiểu hơn gấp trăm lần ông R.Braddom.
  3. Đừng tự đặt áp lực cho bản thân là phải hiểu hết 100% câu chữ trong sách.Mình chưa bao giờ tự tin là có thể hiểu hết từng câu, từng chữ trong sách. Và mình thấy điều này cũng không cần thiết. Tại sao mình đọc sách chuyên ngành? Vì MỤC TIÊU LÀ ĐỂ HỌC KIẾN THỨC Y KHOA, chứ không phải học những từ Tiếng Anh lắt nhắt. Vậy nên cứ theo mục tiêu mà làm thôi. Mình nghĩ nếu bạn nào đọc hiểu được 70%-80% thì đã rất giỏi rồi đó.
  4. Biết kỹ thuật đọc hợp lý để chọn ra ý chính. Ví dụ dễ nhất là mệnh đề quan hệ. Nếu các bạn học ngữ pháp đủ vững sẽ biết mệnh đề quan hệ chỉ là mệnh đề PHỤ nhằm bổ sung THÊM NGHĨA cho danh từ, đại từ đứng trước đó. Nếu là phụ, vậy thì bạn có thể bỏ qua và tập trung học ý chính. Ví dụ câu này: These responses involve two general types of lymphocytes: T cells, which are responsible for cellular immunity, and B cells, which produce circulating antibodies specific to the antigen. Đây là một câu mình trích trong phần giải thích nguyên nhân của đột quỵ. Các bạn hãy để ý dấu phẩy sau “T cells” và “B cells” và chữ which theo sau hai từ này. Chúng đánh dấu rõ là ý sau chỉ là ý phụ bổ sung thêm nghĩa. Và vì mình đã học qua sinh lý học cơ bản rồi thì đã biết tế bào B tạo ra các kháng thể tuần hoàn đặc hiệu cho kháng nguyên, và tế bào T phụ trách miễn dịch tế bào. Vậy ý của câu tóm gọn lại là These responses involve two general types of lymphocytes: T cells and B cells. Thậm chí tóm lại thành These responses involve two general types of lymphocytes cũng được vì bạn đã đủ biết hai loại chính của tế bào lympho là tế bào T và tế bào B.
  5. Mình từ bỏ việc dịch ra tiếng Việt.Mình không chắc các bạn có nên làm theo điều này hay không. Các bạn cứ tham khảo nha. Vì môi trường mình học toàn dùng Tiếng Anh, và thời gian rất eo hẹp mà phải làm quá nhiều thứ, nên mình không thể cứ dịch hết ra Tiếng Việt rồi mới học được. Vậy nên mình chấp nhận rằng cái từ Tiếng Anh này là để chỉ cái này nè. Chứ mình không còn học kiểu “À, từ này dịch ra tiếng Việt là cái này”, rồi học cái từ tiếng Việt đó nữa, vì mắc công đi học lại phải dịch từ Tiếng Việt ra Tiếng Anh, quá cồng kềnh.
  6. Đọc nhiều riết cũng quen. Càng đọc nhiều thì bạn sẽ càng quen với cách viết của tác giả, và tần suất gặp những từ chuyên khoa bạn đã học sẽ ngày càng tăng. Ai cũng biết để nhớ lâu một thứ gì đó thì nên lặp lại càng nhiều càng tốt mà đúng không? Vậy nên chịu khó đọc nha các bạn ^^.
  7. Không biết Tiếng Anh chuyên ngành thì học.Mình may mắn được một người chị giới thiệu cho lớp Tiếng Anh chuyên ngành cơ bản của ANHVANYDS, và mình đã lập tức ghi danh vào lớp. Đó quả là một quyết định đúng đắn. Vì mình được học nguyên tắc cấu thành một từ chuyên ngành. Nếu không học nguyên tắc, thì có lẽ mình đã rất khổ sở khi học theo kiểu cũ là chép và học thuộc từng từ riêng lẽ. Bây giờ, các trang web và trang Facebook về Tiếng Anh chuyên ngành Y khoa đã phổ biến hơn rất nhiều, ví dụ như https://www.facebook.com/anhvanyds nè. Các bạn hoàn toàn có thể theo dõi và tự học tại nhà. Cá nhân mình thì có quan niệm rằng, một là mất tiền, hai là mất thời gian. Nếu mình chọn đi học, thì thời gian sẽ được rút ngắn lại so với việc tự mày mò, đã vậy còn có mentor luôn sẵn sàng hướng dẫn bạn nữa. Còn nếu bạn tự học, bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền đáng kể, nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn, và cũng ít có cơ hội có mentor riêng để kèm cặp, vì ít có ai chia sẻ mọi thứ mình đã học đổ mồ hôi, sôi nước mắt một cách miễn phí cả.

Kết luận: Để cải thiện khả năng đọc tài liệu chuyên ngành bằng Tiếng Anh, các bạn hãy cố gắng (1) trau dồi tiếng Anh ngay từ khi học cấp hai, (2) chọn tác giả viết dễ hiểu để đọc, (3) không đặt áp lực hiểu 100% toàn bộ câu chữ, (4) biết cách chọn lọc ý chính để học, (5) bỏ việc dịch ra tiếng Việt, (6) đọc thật nhiều, và (7) học tiếng Anh chuyên ngành Y khoa.

Mình hi vọng những đúc kết cá nhân của mình có thể giúp được các bạn một chút nào đó. Nếu các bạn muốn có mentor hướng dẫn nhiệt tình mà không cần mất quá nhiều thời gian để mày mò thì các lớp Tiếng Anh chuyên ngành Cơ bản của ANHVANYDS luôn chào đón các bạn nha.

  • Lớp đọc dịch căn bản: https://lopcoban.anhvanyds.com/
  • Có lớp Tiếng Anh chuyên ngành dành riêng cho SẢN PHỤ KHOA nữa nè: https://tienganhsankhoa.anhvanyds.com/
  • Xem phiên bản video ở đây nha ^^: https://vt.tiktok.com/ZSRpcJF3m/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*