23. Hết tiền trong tài khoản – Điều hay gặp khi đi làm

đồng nghiệp trong bệnh viện
đồng nghiệp trong bệnh viện
Năm 2012, sau một cuộc phỏng vấn 30 phút với bác sĩ trưởng khoa đồng thời là giám đốc bệnh viện tôi được bác đích thân dẫn đi một vòng tham quan bệnh viện. Với một tinh thần rất phấn chấn, tôi được nhận vào làm, và sau 01 tuần thì được nhận quyết định hưởng “lương tập sự” vì đã hết 01 tuần thử việc. Những tháng làm việc tiếp sau đó cũng trôi qua một cách nhanh chóng, lương vào đều đặn.
Mới về làm việc, tôi chăm chỉ lắm: cấp cứu gọi – có mặt, khoa gọi – có mặt, phòng mổ gọi – có mặt và tất nhiên lãnh đạo gọi…cũng có mặt.

Tôi đã mất một loại tài khoản

1. Sự siêng năng và phong cách làm việc đã học được sẵn thời sinh viên mang đi áp dụng vào một cơ quan mới thật là tuyệt. Tôi lúc ấy được các bạn điều dưỡng khen về những đức tính trên. Thậm chí họ còn dán một cái hình ở khu vực làm việc và vẽ mấy cái tên bắn vào. Tôi cảm thấy hạnh phúc và không ngừng nỗ lực với công việc của mình. Được làm việc một cách vui vẻ và hòa thuận thì không gì thích bằng.
Tôi nhớ là nhân một buổi trực, khi bệnh nhân dưới khoa cấp cứu cũng thưa bớt, trên khoa cũng giải quyết xong một trường hợp bệnh trở thì tôi trở về phòng trực để tắm rửa. Chuông điện thoại di động reo, chuông điện thoại dưới khoa đã reo nhưng tôi không biết. Cũng nhanh sau đó tôi về khoa, và được báo lại nên tôi xuống dưới cấp cứu thăm bệnh. Một chị điều dưỡng không hài lòng với những cuộc điện thoại vừa rồi với tôi nên nặng lời. Tôi thì lại không chấp nhận những lời lẽ nặng ấy, và cho rằng mình không có gì sai trong tình huống trên vì mọi việc cũng chỉ mới xảy ra trong thời gian ngắn, và bệnh nhân không thuộc diện cấp cứu khẩn cấp (giải thích thêm: tôi trực chuyên khoa ngoại, cấp cứu lưu luôn có bác sĩ trực 24/24).
Cho dù gì thì một cuộc tranh cãi đã xảy ra. Tôi lớn tiếng, chị điều dưỡng cũng lớn tiếng và đó là một sự va chạm công việc đầu đời của tôi. Danh tiếng tôi sụt giảm trong mắt mọi người, mỗi lần xuống cấp cứu không còn cảm giác vui vẻ và hòa đồng như trước, và tôi biết lý do tại sao. Tuần làm việc đó, tôi vẫn được chấm công và lương vào đều ở cuối tháng. Nhưng có một loại tài khoản mà tôi đã mất đi: khoản gởi tình cảm.

Tình cảm giữa đồng nghiệp dần có khoảng cách

2. Do được biết tới từ thời sinh viên, cũng có một số kỹ năng nhất định và ngoại ngữ tốt nên tôi được bác trưởng khoa tạo nhiều điều kiện. Tôi không ngại đưa ra các quan điểm điều trị, cởi mở trao đổi về chuyên môn trực tiếp với trưởng khoa, và giúp đỡ bác ấy trong tất cả các ca mổ và là phẫu thuật viên phụ được bác tuyển chọn cho những ca mổ lúc bấy giờ.
Bằng thái độ làm việc tích cực, tinh thần chia sẻ và học tập nên tôi ngày càng xây dựng được một khoản gởi tình cảm với bác trưởng khoa. Do đó, tôi cũng được cất nhắc làm một số việc và ưu ái trong một số công việc khác. Ví dụ, bác trưởng khoa thấy tôi dùng điện thoại không tốt, liền mua giúp tôi một chiếc điện thoại và mấy tháng sau tôi mới gởi lại tiền chiếc điện thoại cho bác ấy. Tôi đơn giản là thấy vui vì được người khác giúp đỡ, mà không có suy nghĩ gì khác. Khoản gởi tình cảm với bác trưởng khoa cứ tăng dần theo năm tháng. Tới giờ mỗi lần về quê, nếu có thời gian tôi đều ghé thăm bệnh viện và bác trưởng khoa.
Tuy vậy, những việc làm, cử chỉ và mối quan hệ thân thiết với bác trưởng khoa lại là một khoản rút vô cùng to lớn trong tài khoản tình cảm của tôi và các đồng nghiệp trong khoa. Cơ bản, ở thời điểm 2012 tôi không hề nhận thức được có sự khác biệt nhau trong quan hệ giữa các cấp bậc tại bệnh viện. Cụ thể hơn là bậc lãnh đạo thì có một khoảng cách “vô hình” nào đó với các nhân viên còn lại trong bệnh viện và khoa. Văn hóa làm việc ở Hồ Chí Minh, sếp là ở trong cơ quan, nhưng ngoài ra sếp cũng là bạn cùng cụng ly ở quán nhậu, người có thể ngồi cùng bàn ăn cơm trưa ở quán cà phê. Tôi không nhận thấy sự khác biệt về văn hóa làm việc, nên đã vô tình không giữ-khoảng-cách với sếp, vô tình lại tạo ra một tác động tiêu cực đẩy khoảng cách giữa tôi và đồng nghiệp xa hơn. Vì sự cố chấp cho rằng mình chẳng làm gì sai thành ra khoản gởi tình cảm này càng ngày càng tệ.
Như vậy là, khoản gởi tình cảm tôi xây dựng với bác trưởng khoa không bằng khoản gởi giữa tôi và các đồng nghiệp. Đỉnh điểm là tôi bị các đồng nghiệp không đồng thuận về việc bệnh viện cử đi học sau đại học. Dù sau này mọi việc cũng ổn thỏa, nhưng tôi luôn xem nó là một bài học cực kỳ quý giá về xây dựng mối quan hệ trong công việc.

Qua hai câu chuyện thuở mới đi làm thấy được rằng:

  1.  Xây dựng mối quan hệ trong công việc là vô cùng quan trọng, mối quan hệ tốt đẹp dẫn tới nhiều thuận lợi trong công việc hơn.
  2.  Tất cả các mối quan hệ đều như một tài khoản ngân hàng. Các hành động giúp đỡ, cảm thông, chia sẻ đều giúp tăng khoản gởi. Các cuộc cãi vả, sự phân biệt, tính bốc đồng đều nhanh chóng làm giảm đi khoản gởi đối với mối quan hệ.
  3. Đầu tư ở tất cả các khoản gởi trong môi trường làm việc là điều đúng, từ chú bảo vệ, cô lao công, chị điều dưỡng, anh em đồng nghiệp tới cả lãnh đạo. Dù rằng dung hòa hết tất cả các mối quan hệ là không thể, nhưng cố gắng hết sức có thể.
  4. Ai cũng va vấp, ai cũng có thể bị trừ tiền trong khoản gởi tình cảm. Khi khoản gởi đã âm rất khó có thể lấy lại được. Tuy vậy, vẫn có thể đầu tư lại cho các khoản gởi bằng nhiều cách khác nhau, và nếu đầu tư đúng, sẽ sinh lời.
  5. Công việc chúng ta làm khá nặng nhọc, bệnh nhân đông lại còn hay thắc mắc, lương đã thấp còn yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ, thủ tục hành chính BHYT nhiêu khê… nên chúng ta rất dễ bị xoáy vào những cách phản ứng với thời cuộc mà không chú ý đến giao tiếp của bản thân. Tới chừng nhận ra thì cũng muộn, khoản gởi cũng bị trừ bớt khá nhiều rồi!
Chút chia sẻ trải nghiệm việc làm lúc mới ra trường tới các bạn,
Chúc các bạn làm việc vui vẻ, và xây dựng được nhiều khoản gởi tốt nhé!
HCM, 23/06/2021
BS. Nguyễn Thái Duy
Bài viết khác cùng chuyên mục:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*