19. Câu chuyện Nội trú

bác sĩ nội trú
Tôi cho rằng thất bại lớn nhất, đầu đời nhưng lường trước được của tôi là không đủ điều kiện thi nội trú.
Mãi tới năm 3 đại học, tôi mới định nghĩa được như thế nào là bác sĩ nội trú, vì cho tới lúc ấy mình mới được đi bệnh viện, mới tiếp xúc với các anh chị trên khoa lâm sàng.

Giấc mơ Nội trú bắt đầu

Môn đầu tiên tôi được đi thực tập năm 3 là môn ngoại tại BV Nhân Dân Gia Định. Chính nơi ấy, tôi đã được các thầy đều là các bác sĩ nội trú giảng dạy và nhận thấy sự khác biệt trong phong cách làm việc, kiến thức truyền đạt cho sinh viên nên thành ra có ý niệm đúng hơn về nội trú.
Giấc mơ nội trú được nuôi dần trong tôi, cho đến khi tôi đi thực tập đủ nhiều, và quen được nhiều anh chị lớn không phải là bác sĩ nội trú. Tôi nhận ra rằng, nội trú vẫn là ước mơ của tôi, nhưng không phải là ước mơ duy nhất. Ước mơ của tôi là trở thành bác sĩ giỏi, như các thầy, các anh mình đang theo học.

Giấc mơ ấy đã tan biến, nhưng tôi không bỏ cuộc

Giấc mơ nội trú bị lung lay khi điểm số tôi không đủ cao ở cuối năm thứ 4, qua năm 5, 6 thì khó thể kéo lên được. Mặc dù, biết rằng mình đã không làm tốt được những điều mình phải làm để đạt được điểm số cao nhất có thể để đi thi nội trú nhưng tôi không buồn. Nói không buồn vì tôi luôn có một câu hằn sâu trong tâm trí: không được thi bác sĩ nội trú, thì tôi quyết trở thành một sinh viên nội trú ngay bây giờ.
Do đó từ năm 5, khoa Ngoại D (ngoại Chấn thương chỉnh hình) đã trở thành ngôi trường thứ 2 của thời sinh viên, nơi tôi học được bao nhiêu là thứ mà sách vở không hề có. Tôi học được ở đó cách thức làm việc, giao lưu trong khoa, cuộc sống của bác sĩ khi đi trực gác, những va chạm và mâu thuẫn trong cuộc sống và công việc, và hơn hết là trải nghiệm công việc phẫu thuật viên.
Nhiều bạn cũng đi thực tập thêm ở bệnh viện, nhưng không nhiều bạn ăn dầm ở dề trong bệnh viện như tôi. Tới nỗi, năm thứ 6 tôi dọn luôn vào trong khoa Ngoại D để ở, xin được một cái giường và ngủ lại đó với sách vở của mình. Sáng đi thực tập tốt nghiệp, chiều và tối ở lại có gì trực và phụ giúp các anh trực gác. Mấy bạn thực tập tốt nghiệp cùng khóa thấy ngạc nhiên khi bác sĩ nội trú khám bệnh sáng sớm tôi đã có mặt phụ các anh. Bệnh nhân thấy tôi là biết tôi khám bệnh phụ bác sĩ nội trú. Giữa giờ, khi khoa phòng đã kín sinh viên và điều dưỡng thì tôi lui ra ngoài đọc sách, chuẩn bị bệnh án hay là dạy lại các em Y3.
Một lần cô Kiều Miên dạy cho các em sinh viên Y3 trại Tiêu hóa khám bụng, các em thực hành được và đúng như cách cô muốn truyền đạt. Cô hỏi ai chỉ các em như vậy? Các em nói là anh Duy Y6 hướng dẫn các em, rồi các em kể lại tôi, và tôi rất vui với câu chuyện ấy. Tôi trở nên thân thiện với bệnh nhân trong các khoa khám bệnh, gắn kết hơn với các em Y3 và lửa “truyền đạt” của tôi trỗi dậy mạnh như chưa bao giờ có. Một thời “tự phong” làm sinh viên nội trú với những trải nghiệm không thể nào quên. Tôi lúc ấy chẳng phải nội trú và chưa tốt nghiệp.
Rồi cũng phải chia tay thực tập Nội khoa, đi thực tập Ngoại khoa ở BV Chợ Rẫy cũng cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời. Có những giờ thầy giảng, hỏi em Duy đâu rồi, các bạn bảo “nó ở trong phòng mổ rồi thầy ơi!”. Có lần thầy Đạt điền tên cho được phụ mổ một ca phẫu thuật Whipple, tôi đã thấy sướng và tự hào lắm. Cũng như đi thực tập nội, tôi chủ động làm quen các em Y3 để cùng học, hướng dẫn và cùng các em phụ trách xem bệnh phòng. Nói chung, tôi chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn với quá trình học tập lâm sàng của mình trong suốt năm học tốt nghiệp.

Tôi tốt nghiệp và … đi làm

Rồi tốt nghiệp xong, cái gì tới thì cũng tới, tôi tốt nghiệp và đi làm. Trong khóa của tôi có nhiều bạn cũng không đủ điều kiện thi nội trú, có bạn thì về trường làm cũng không làm nội trú.
Sau 9 năm nhìn lại, những bạn được học nội trú giờ khá ổn định ở những viện-trường song song với đó tất cả số còn lại cũng đang thể hiện rất tốt vai trò của mình ở các bệnh viện. Một số bạn cũng đã là trưởng, phó khoa-phòng trong các bệnh viện. Một số bạn đã đạt tới trình độ chuyên môn trong lĩnh vực của mình mà không tỏ ra tụt hậu so với các bạn nội trú. Tôi nghĩ rằng, dù không qua chương trình đào tạo chính quy nội trú, nhưng để thành công ngoài được đào tạo bài bản cần có nhiều kỹ năng khác.

Nội trú chỉ là một con đường tốt trong số nhiều con đường dẫn đến thành công

Nói tóm lại, tư duy “trở thành nội trú” của tôi được hình thành khá sớm. Tôi đặt hết mục tiêu kiến thức và công việc, xem mình như một bộ phận không thể tách rời trong guồng máy công việc ở bệnh viện, tự học và tự đào tạo qua sách vở và với các thầy, các bậc đàn anh.
Trong giảng dạy, tôi luôn xem rằng, bác sĩ đàn anh là có trách nhiệm chỉ dạy các thế hệ trẻ hơn cho dù mình có là bác sĩ nội trú được phân công giảng dạy hay không.
Trong công việc quản lý, tôi luôn cố gắng để mình hoàn thiện hơn mỗi ngày để có thể đảm nhận được những trọng trách để đem lại những lợi ích to lớn nhất cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Anh Phạm Nguyên Quý: “Khi nào BS hiểu được công việc của mình là phục vụ người khác thì sẽ thấy học nội trú hay không nội trú không còn quan trọng nữa. Không có chương trình nào là hoàn hảo, chỉ có tâm thức của người học mới là thứ dẫn đến sự tối ưu” – Xin cảm ơn anh về lời chỉ dạy cho thế hệ đàn em noi theo.
BS. Nguyễn Thái Duy
HCM, 15.06.2021
Bài viết khác cùng chuyên mục:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*