24. Trải nghiệm một lần là bệnh nhân, bác sĩ sẽ có suy nghĩ khác!

Lần đầu tiên tôi chứng kiến một cơn đau sau hậu phẫu của bệnh nhân.

Bệnh nhân tôi theo dõi lúc ấy là một chị bị bệnh ở lách, đã được điều trị cắt lách tại BV Nhân Dân Gia Định. Tôi là Y3 theo dõi bệnh, đi theo vào ca mổ, và theo dõi hậu phẫu. Thời gian hậu phẫu chị đau đớn, vật vã, khóc lóc. Nói thật, lúc ấy tự cũng cảm thấy đau vô cùng, nhưng bất lực vì không giúp được gì người bệnh vì chỉ là một sinh viên Y3. Và tôi cũng bị chính cơn đau ấy làm cho stress mấy ngày liền.
Học y khoa, các thầy cô dạy cho cách tiếp cận bệnh nhân, cách thấu hiểu và trấn an bệnh nhân, và còn rèn thêm cho chúng tôi cách cứng cỏi trước nổi đau của người bệnh. Một bác sĩ giỏi, là bác sĩ phải giữ được bình tĩnh ở tất cả các tình huống.
Trường y dạy cho chúng tôi sự bình tĩnh, tuyệt nhiên không dạy cho con người tính vô cảm. Chính vì sự vô cảm, thành vô tư quá mức với bệnh tình của bệnh nhân dẫn tới giao tiếp bệnh nhân không tốt. Thầy thuốc thành kẻ ban phát, bệnh nhân trở thành người nhận. Cái thực hành này người ta đã bỏ từ lâu rồi, chỉ còn xuất hiện ở những nơi có dân trí thấp (kể cả người đang hành nghề khám chữa bệnh cũng có mindset thấp nốt!).

Rồi tôi cũng đã sớm tự mình cảm nhận được nỗi đau về thể xác

Lúc học sau đại học năm 2, tôi không may bị u xương bàn tay. Tôi nhanh chóng được chẩn đoán U đại bào xương bàn N2 tay Phải, cần điều trị phẫu thuật. Lúc ấy có các cách can thiệp từ nhẹ nhất là nạo u, ghép xương (tỉ lệ tái phát 75-80%). Cách khác là tháo khớp ghép một khớp khác từ bàn chân lên thay cho khớp cũ để bảo tồn chức năng bàn tay (thủ thuật này cần mổ cắt bỏ một bàn ngón chân-kết hợp xương ở bàn ngón tay-ghép gân-ghép mạch máu-và tập phục hồi chức năng). Loại thứ 3 là cắt triệt để bỏ luôn một xương bàn và ngón tay, tạo hình bàn tay 4 ngón. Trong lúc hội chẩn mổ cho tôi, tôi còn nghe một ý kiến khác: chờ đến hội nghị bàn tay mổ thay khớp nhân tạo bàn-ngón tay cho tôi.
Cũng chính ở Việt Nam kinh nghiệm điều trị loại bệnh này còn ít, số trường hợp đã được phẫu thuật thành công chỉ dưới 10 ca (tại thời điểm ấy), tôi quyết định làm theo sách vở. Sách phẫu thuật bàn tay (Hand surgery) xếp loại bệnh này là ung thư, do đó tôi quyết cắt bỏ triệt khối u và một ngón tay để giành lấy nguy cơ tái phát sau mổ chỉ còn 30%. Sau mổ tôi giải quyết được cái gai trong đầu là bệnh dễ tái phát, sau 03 tuần tôi bắt đầu tập phục hồi chức năng bàn tay bằng nhiều bài tập, sau 03 tháng tôi đã đi mổ lại được. Tới bây giờ thì quá tuyệt, có khi tôi nghĩ cũng chẳng cần tới đủ 10 ngón mới có thể làm được mọi việc.
Thế mà thời điểm ấy tôi còn bị một bác sĩ trưởng khoa dằn mặt không nhận điều trị nữa nếu như tôi có tái phát bệnh vì tôi không chịu làm theo kế hoạch điều trị của ông.
Đợt điều trị kéo dài mà tôi đã trải qua đó là một trải nghiệm không thể nào tồi hơn. Tôi hiểu được cái áp lực như thế nào nếu phải chờ đợi hàng tuần để hội chẩn được phương án phẫu thuật. Tôi hiểu được như thế nào là mỗi người một ý kiến. Và quan trọng nhất tôi nhận ra rằng, với một số bác sĩ thì cái họ quan tâm là “cái bệnh-disease” chứ không phải là “người bệnh-patient”.

Không cho giảm đau trước khi chụp XQuang

Một lần nọ, tôi trực cấp cứu tại BV Chấn thương chỉnh hình HCM, lúc ấy là trực kèm một bác sĩ vừa mới được nhận vào làm chính thức ở bệnh viện. Có ca bệnh vào với chẩn đoán sơ bộ là gãy hở xương đùi, thấy bệnh nhân trong tình trạng đau nhiều. Tôi cho y lệnh truyền dịch và giảm đau kháng sinh, X-quang sẽ được thực hiện sau đó (bạn nào làm ở CTCH thì sẽ biết, người bệnh được khám sơ bộ tại phòng nhận bệnh, bệnh nhân nào có y lệnh dùng thuốc thì được chuyển vào trong để dùng thuốc bên ngoài thì chỉ băng bó và cố định). Với y lệnh lúc ấy tôi bị mắng và bị xé tờ điều trị ngay trước mặt các chị điều dưỡng. Tất nhiên là bệnh nhân cũng phải chịu chung số phận, được cho chụp XQ, chờ có kết quả, xem lại rồi mới nhập vào khoa thực hiện y lệnh thuốc sau đó. Chắc bác sĩ trực lúc ấy học bài thuộc bài “gãy xương được bất động tốt thì sẽ hết đau”!
Lời nhắn nhủ cho các bạn đọc đến đây (chủ yếu là các em sinh viên):
Hãy tiếp cận với tình trạng đau của bệnh nhân một cách chuyên nghiệp, không ủy mị nhưng đừng vô cảm. Nỗi đau của bệnh nhân không được giải quyết tốt thì bạn cũng bị nỗi đau tương tự đó là bệnh nhân không bao giờ tìm đến bạn nữa!
Nhiều lúc nghĩ cũng buồn là tại sau mình là bác sĩ lại bị lắm bệnh thế. Nhưng nghĩ lại tích cực thì thấy cũng may mình là bác sĩ nên mới đỡ hơn, chứ một người bình thường mà đi điều trị bệnh trong cái hệ thống y tế đang “quá độ” như thế này thì chắc dễ đi sớm mất.
À, vậy thì cũng có nghĩa là học y khoa cũng có ý nghĩa cho chính mình đấy chứ, đặc biệt là với những bạn hay ốm đau liên miên.
HCM, tháng 6 năm 2016
BS. Nguyễn Thái Duy
Bài viết khác cùng chuyên mục:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*