18. Chông chênh tuổi 24

chông chênh khi tốt nghiệp bác sĩ
Không như những trường khác, sinh viên y khoa tốt nghiệp khoảng tuổi 24 – một ngưỡng tuổi khá đẹp cho chuyện lập gia đình và sinh nở đối với nữ. Còn đối với nam thì là một độ tuổi với biết bao ước mơ và hoài bão.
Cũng vì lý do đó mà hàng năm, cứ vào mùa tốt nghiệp, tôi lại nhận được không ít lời tâm sự từ những học trò thân quen. Không có nhiều bạn có thể tự vạch ra cho mình một hướng đi đúng ngay từ đầu. Phần đa là các em bị hụt hẫng và bất an.
– Em dự định ra trường sẽ làm gì?
– Em cũng không biết nữa, nhưng em phải tìm được một công việc có thể nuôi sống được bản thân.
Đây là câu hỏi và câu trả lời thường gặp của các em sinh viên y khoa vừa tốt nghiệp. Các bạn thấy không, chúng ta không tự tin nói rằng ta tìm một công việc có thể kiếm được nhiều tiền, ngược lại, chỉ là để tự nuôi sống bản thân để mà… học tiếp.
Các bạn sinh viên y khoa thường có nhiều băn khoăn sau khi tốt nghiệp.
Học định hướng chuyên khoa, nói theo đúng nghĩa là một khóa tổng hợp lý thuyết và thực hành cho các bác sĩ (nhất là bác sĩ mới ra trường) để làm quen với môi trường làm việc chuyên ngành. Trong thời gian đó, bạn có thể trải nghiệm được khả năng của bản thân và sẽ sớm nhận ra mình có thích hợp với chuyên ngành mình đã chọn hay không. Kết quả của khóa học này, bạn sẽ nắm được những lý thuyết cốt lõi chuyên ngành phục vụ tốt hơn khi được nhận công tác ở cơ quan nào đấy.
Tuy nhiên, nhiều bạn không có khả năng đăng ký học định hướng chuyên khoa. Và nhiều bạn dù muốn đi học nhưng lại không muốn tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
Bác sĩ với nguồn tuyển sinh đầu vào rất dồi dào và điểm thi tuyển rất cao nhưng xin được việc làm sau tốt nghệp không dễ, mà ngành nghề nào cũng vậy. Không đòi hỏi kinh tế gia đình phải khá giả mới được học y, một số gia đình không khá giả thì nuôi các bạn tới đủ 6 năm đã là một gánh nặng.
Cho nên một số bạn nghĩ rằng, tốt nghiệp xong có thể chưa nuôi được gia đình, nhưng không để ba mẹ phải lo thêm một ngày nào nữa. Chính suy nghĩ này đã tạo ra một áp lực không hề nhỏ cho các bạn khi cơ hội xin việc làm “ưng ý” ngay sau khi tốt nghiệp là không hề dễ.
Các bác sĩ mới ra trường đều phải được đào tạo, có người kèm cặp và hướng dẫn, đồng thời chịu mọi trách nhiệm pháp lý khi có sai sót chuyên môn. Cho nên 95% sinh viên trường y chưa biết điều trị khi vừa ra trường.

Rất nhiều lý do khiến sinh viên trường y rơi vào sự chông chênh sau khi tốt nghiệp. Tại sao lại như vậy?

1. Các bạn chưa tôi luyện tốt khi là sinh viên:

Các hoạt động tưởng như vô bổ đối với sinh viên y này thực ra là cách để các bạn rèn luyện khả năng giao tiếp, cách tiếp cận vấn đề, các nguồn thông tin ngoài xã hội. Giao tiếp xã hội tốt, giúp bạn định hướng tốt hơn trong tương lai.

2. Học nhiều quá mà không thực hành:

Thực hành ở đây là đi theo các đàn anh để học kinh nghiệm từ việc hỏi bệnh, thăm khám, cách làm việc ở bệnh viện, cuộc sống sau ra trường và nhu cầu các chuyên khoa hiện tại.

3. Có ít kỹ năng ngoại trừ bằng tốt nghiệp:

Các bạn chỉ chăm chỉ học ở trong trường, còn lại các kỹ năng khác yếu là rất nguy hại. Các bạn phải biết tối thiểu vi tính (soạn thảo văn bản, trình bày powerpoint), ngoại ngữ (giao tiếp và đọc tài liệu được), một môn thể thao để refresh tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kiểm soát cảm xúc… tất cả đều phải tự học…

Một thế hệ tân bác sĩ lại đang hồi hộp chờ ngày thi tốt nghiệp ra sẽ ra trường. Thân chúc các em gặt hái nhiều thành công!
HCM, tháng 9 năm 2019
ThS.BS. Nguyễn Thái Duy
Bài viết khác cùng chuyên mục:
https://anhvanyds.com/2021/05/25/6-hoc-y-o-truong-khong-thuoc-top-ban-van-co-quyen-tu-hao/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*