17. Khủng hoảng hậu tốt nghiệp

Mặc dù mình không làm thống kê, nhưng quả thật là rất nhiều các em tốt nghiệp ra đời với một tâm thế “chưa thực sự sẵn sàng”

Điểm lại một số vấn đề mà các bạn gặp phải sau tốt nghiệp, mình tạm thời gọi từ “khủng hoảng hậu tốt nghiệp” để chỉ chung các tình trạng này.

1 – Khủng hoảng về nơi làm việc

Đa số tân bác sĩ bị khủng hoảng về nơi làm việc, thậm chí sự khủng hoảng này đã bắt đầu từ trước khi các em được tốt nghiệp. Một số bạn mình có quen thì không định hướng được ra trường mình sẽ xin về đâu. Đến khi ra trường thì đi đâu xin việc cũng rất khó.

Có một số lí do cho hiện tượng khủng hoảng này. Đầu tiên kể đến việc các em thường chỉ quan tâm đến việc học, sau khi học xong rồi tính. Nhưng đến khi ấy đã là khá trễ.

Lí do tiếp theo là chưa định hướng được nơi lập nghiệp sau tốt nghiệp. Là bạn sẽ về công tác ở gần gia đình, hay bứt phá lập nghiệp ở một nơi xa? Nhiều trường hợp “bỏ thì thương, mà vương thì tội”, cho nên tới khi tốt nghiệp vẫn chưa thể tự quyết được đi đâu về đâu.

Một số trường hợp khác thuộc diện tỉnh cử đi học, sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận nhiệm sở. Chỉ một số ít trong số này chọn được vị trí công tác tốt, số còn lại thì sẽ rất khó khăn vì một số vị trí công tác theo như nhiệm sở không thích hợp với chuyên môn hoặc không có thể phát triển được chuyên môn sau này, mà thời gian được phân công công tác thì quá dài…

Để các bạn “bớt” bị khủng hoảng về nơi làm việc thì các bạn phải chuẩn bị trước một số vấn đề tiền tốt nghiệp. Ví dụ:

– Tìm hiểu kỹ về các ngành nghề, lựa chọn chuyên khoa thích hợp. Biết được mình thích gì, sẽ dễ dàng xác định được phương hướng xin việc làm sau này.
– Tìm được tiếng nói chung giữa bạn và gia đình. Bạn nên tìm cách chia sẻ và tâm sự về ý định công tác sau tốt nghiệp với ba mẹ và người thân. Tránh trường hợp chồng chéo về nơi xin việc ngay sau tốt nghiệp. Việc chia sẻ dần dần cũng sẽ giảm bớt căng thẳng trong gia đình, và cả bạn và gia đình sẽ từ từ thích nghi và chấp nhận nơi công tác mà dự định sẽ xin việc.
– Xây dựng các mối quan hệ ngay từ khi đi học. Việc làm này không khó, vì bạn chỉ cần học hành chăm chỉ bạn sẽ có nhiều mối quan hệ của các đàn anh đi trước. Chính những vị này sẽ giúp bạn định hướng rõ ràng hơn về điều kiện công tác, nơi cần tuyển dụng và những khó khăn khi bắt đầu công việc…

2 – Khủng hoảng về công việc

Có thể nói giai đoạn đầu sau tốt nghiệp các em gặp rất nhiều khó khăn về công việc. Việc làm y dược hậu tốt nghiệp không phải như mơ. Một số khó khăn ban đầu phải kể đến như:

– Kiến thức cần áp dụng vào thực tế quá nhiều, làm bạn cảm thấy những gì đã học trong chương trình y khoa như là “chưa học gì”, nhất là về điều trị.
– Áp lực công việc quá nhiều. Khác với trong lúc học thì chỉ thấy áp lực về điểm số, khi đi làm rồi áp lực về bệnh nhân quá tải, thời gian trực gác nhiều (do mới ra trường cần đào tạo thêm), áp lực những quy định về bảo hiểm y tế làm tốn thời gian. Áp lực do phải làm thêm để phụ vào chi tiêu, do lương bác sĩ mới ra trường chưa đủ trang trải.
– Áp lực quan hệ xã hội. Mới ra trường hầu như tất cả những mối quan hệ bạn đều phải xây dựng lại từ đầu. Không dễ gì làm việc ở một nơi mà ai cũng hiền như cô tiên, và rất dễ vào trúng những cơ quan mà gặp nhiều … Có những quan hệ rất phức tạp trong công việc mà khiến bạn cảm thấy áp lực, từ việc đối xử thế nào với bệnh nhân cho phải đến việc mối quan hệ với đồng nghiệp thậm chí là bạn bè cùng thời đi học. Tất nhiên bạn phải học và thích nghi dần thì bạn mới trưởng thành được, nhưng những va chạm thì chắc chắn là điều không phải tránh khỏi. Một số bạn rất may mắn được thương yêu và dạy dỗ cẩn thận, tuy nhiên số này không nhiều.

Để giúp phần nào trong việc tránh những vấn đề này, bạn cần:

  •  Tranh thủ đi lâm sàng hoặc đọc nhiều sách chuyên khoa của bạn muốn làm việc ngay và luôn. Đều này không giúp bạn có thể điều trị được ngay cho bệnh nhân nhưng giúp kiến thức tổng quát của bạn tăng lên đáng kể. Sau khi ra trường và đụng vào thực tế lâm sàng bạn sẽ tiếp thu rất nhanh.
  •  Phải xem mình là người có vai trò “nhỏ”, luôn có nhiều thứ cần học. Tại sao vậy? Nhiều bạn cho rằng mình giỏi và biết nhiều, khi về một số cơ sở không chịu khó “nghe lời” các anh chị nên thường hay nảy sinh mâu thuẫn. Tốt hơn hết là cứ autoset là mình nhỏ, cần phải tỏ thiện chí học hỏi. Khi bạn đã có đủ năng lực thì hãy chứng tỏ mình sau. Giữ hòa khí và tạo mối quan hệ vui vẻ nơi công sở cũng giúp ích bạn rất nhiều trong việc làm quen với môi trường làm việc mới.
  •  Bạn cần phải có sức khỏe tốt để chiến đấu. Những ngày trực gác và làm thêm ngoài giờ khiến bạn mệt mỏi nhiều, nhưng hãy nhớ nếu cơ thể không được rèn luyện thì tinh thần và sức khỏe của bạn sẽ không đủ khả năng thích ứng trong thời gian lâu. Sức khỏe tốt cũng giúp chống lại stress hiệu quả.
  •  Hãy luôn cười, và đón nhận điều mới!

    Bạn thấy đấy, việc làm nào cũng có lúc bắt đầu. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng gian nan xin hãy đừng chóng nản chí bạn nhé.
    Chúc các bạn vui học và sớm thành công.

Tp. Hồ Chí Minh, 08/01/2019

BS. Nguyễn Thái Duy

Các bài viết khác cùng chuyên mục:

16. Lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh

11. Mạng xã hội và công kích cá nhân

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*