Các thầy cô vẫn dạy rằng, càng trẻ hãy càng để ý tới việc trồng cây, quả ngọt sẽ theo đó mà tới sau. Cho tới giờ, thì thấy thầy cô nào vẫn tâm huyết với câu nói truyền lửa ấy đều có cuộc sống đầy đủ, gia đình hạnh phúc.
Tôi nhớ tới một anh chàng nội trú nọ, trong một tua trực của mình đã chủ ý tự chọn dụng cụ chỉnh hình để điều trị bệnh cho bệnh nhân mà không thông qua ý kiến trưởng tua trực. [Vấn đề lựa chọn dụng cụ chỉnh hình thuộc thẩm quyền của trưởng tua, có liên quan tới nhiều vấn đề nhạy cảm. Có khoa chỉ có trưởng khoa mới được quyền chỉ định dụng cụ chỉnh hình].
Trong cuộc đời làm nghề y tới giờ, tôi nhận phong bì 2 lần, mà cảm giác vẫn rất this và that. Có lần thời sinh viên tôi tham gia vào trực tiếp thực hiện cas tiểu phẫu cho bệnh nhân ở dưới cấp cứu. Cũng may là được sự hỗ trợ, nên cuộc tiểu phẫu diễn ra trong tốt đẹp. Người bệnh nhân dúi vào túi áo blouse tờ 100.000 để thưởng cho bác sĩ. Tôi không biết cách chối, cũng không từ chối, nhưng cầm tờ tiền ấy đưa cho một nhân viên y tế khác và rồi nó được dùng để mua đồ ăn cho hôm ấy. Thực ra, với sinh viên lúc ấy tôi vừa vui nhưng vừa có chút lòng trắc ẩn.
Nhân một lần điều trị cho một bệnh nhân già, khá nặng, nằm viện lâu. Tôi còn nhớ bệnh nhân ở Cà Mau. Trước lúc bệnh nhân ra về, người nhà có gởi tôi một phong bì ngay giữa phòng bệnh, trước mặt một điều dưỡng và một anh bác sĩ khác. Tôi nhìn cử chỉ và cách gởi gắm tôi biết đó là tấm lòng. Nhưng thật ra, nhận cái phong bì đó nó vừa có một động lực ma mị, mà vừa có cảm giác rất bất an. Vậy là, trong mắt anh chị đồng nghiệp BS Duy trở thành người “nhận phong bì” của bệnh nhân. Trong mắt bệnh nhân, tôi đã không trở thành người điều trị bệnh một cách “vô điều kiện”.
Một lần khác, nhân đầu năm mới, bệnh nhân vào lì xì tôi một phong bì đỏ và ghi những dòng chữ dễ thương. Tôi thật sự vui, và không nghĩ nhiều về nó lắm.
Tôi thật sự hiểu rằng “cách cho hơn của đem cho”, nghĩa là nếu bệnh nhân yêu quý bác sĩ thì cái gì gởi gắm cho bác sĩ cũng có thể hiện được tình cảm ấy. Giống như có bệnh nhân mang chuối, mang bánh, mấy trái cà, vài con cua… Cái đó là thực sự quý.
Nhưng tôi cũng hiểu rằng, với đa số người bệnh ở nước Việt này, vào viện là phải nhờ cậy vào bác sĩ. Họ bị khổ quá nhiều ở đâu đó rồi, thành ra mất hết niềm tin vào y tế, vào viện là phải bám víu vào bác sĩ. Tay họ không thể với tới tấm áo blouse của nhân viên y tế, nên thành ra đồng tiền là một thứ keo dính có thể dán được bàn tay của họ lên đôi vai của chúng ta. Thực ra, bác sĩ vẫn có thể sống được với nghề y, còn những thứ ấy có thì cũng không được gọi là lương. Còn ai sống bằng phong bì, thì chắc cũng không đọc tới đây và cũng không phải là đối tượng được nhắc tới ở đây rồi.
Có nhiều lần người nhà hỏi tôi là, nên gởi cho bác sĩ bao nhiêu? hay nên biếu gì cho bác sĩ? Tôi chỉ bảo rằng, người nhà mình tin tưởng nhờ họ điều trị, phẫu thuật là quý lắm rồi, còn có điều kiện mổ yêu cầu nữa thì quá tốt luôn. Không cần phải lo các khoản khác. Rồi những lần điều trị có và không có tôi can thiệp vào cũng thành công. Tôi dần ít gởi gắm các ca bệnh hơn, vì dần cũng tin tưởng hơn vào sự bình đẳng trong nghề nghiệp và giữa bác sĩ với bệnh nhân.
Chúng ta không cần phong bì của bệnh nhân, nhưng vẫn chưa quyết liệt để từ chối phong bì. Mà chưa quyết liệt, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận xã hội phán xét đủ đường.
Tôi tin tưởng rằng một tương lai mới sẽ tới với nước nhà; một thế hệ trẻ biết xông pha và cảm với nỗi khổ của người bệnh ở miệt xa.
Và tôi cũng rất đồng tình với việc tuổi trẻ phải tính thành công bằng giá trị trao đi, chứ không phải bằng số tiền kiếm được. Và càng trẻ thì càng nên tránh xa những ma lực của đồng tiền “kiếm được” liên quan tới điều trị.
Có thể tôi sẽ bị chỉ trích, nhưng biết sao được, đó là giá trị cốt lõi của tôi mà!
HCM, 05.06.2021
Bài viết khác cùng chuyên mục:
Để lại một phản hồi Hủy