Bài viết dài gởi tới 5 điều dành cho các em loay hoay mãi chưa biết chọn ngành nào cho phù hợp, hoặc đã công tác nhưng chưa toại nguyện.
Tôi công nhận, cho tới giờ phút này tôi đã có quá nhiều lần “quay bước”, điều mà một thầy của tôi ngày xưa đã từng nhận xét: nếu em cứ như thế này thì sẽ rất dễ thất bại trong công việc và cuộc sống.
Phải, tôi còn nhớ như in cái này mà tôi quyết định bỏ làm bác sĩ tình nguyện ở BV Chấn Thương Chỉnh Hình TP.HCM để tự startup. Lúc bấy giờ, để được vào làm tình nguyện tôi đã được biết bao nhiêu người giúp đỡ, tôi vẫn luôn biết ơn những tấm lòng ấy. Cho nên, hôm ấy ông thầy của tôi gọi tôi ra tâm sự ở quán cà phê, và hỏi về định hướng tương lai. Tại sao tôi đang học và công tác ngon lành, lại nghỉ ngang, và tôi sẽ làm gì tiếp theo với một tương lai vô định như vậy?
Tiếp theo bài viết về “Học y khi gia đình không có bác sĩ: khổ muôn bề!”, tôi xin trải lòng một xíu về quá trình mà tôi lựa chọn nghề nghiệp. Để cho các em thấy rằng, nó là một quá trình khó khăn, vất vả lắm mới tìm được đam mê. Và nhiều khi cũng phải chấp nhận khái niệm rằng: nghề chọn người!
Tôi học không giỏi, chắc chắn là như vậy. Nhưng tôi học siêng và đều nhiều môn, tôi vẫn luôn tự hào về điều đó, dù cho cũng có môn tôi rớt, có môn tôi không thích học. Và hơn cả là, những môn học quan trọng trong chương trình học, khi đi thực tập thì tôi đều quan sát song song với việc học kiến thức và kỹ năng.
Năm thứ 3 tới năm thứ 5 tôi an tâm với sở thích mình sẽ trở thành một bác sĩ chỉnh hình. Là một sinh viên thích đi ngoại khoa, tôi linh hoạt, cởi mở, sẵn sàng xông pha trực chiến và thậm chí có hôm ngày hôm sau thi mà ngày hôm trước vẫn đi trực như thường. Tôi thật sự xem mình có vai trò như là một bác sĩ chỉnh hình.
Năm thứ 5, tôi học môn tâm thần, được thực tập ngay trại Lão, BV Nguyễn Tri Phương với thầy Ngô Tích Linh là một may mắn. Không biết mấy đứa bạn lúc ấy có thích học tâm thần hay không, nhưng tôi thì cực thích, và tìm thấy được đam mê của mình ở trong ấy. Kể đến là tôi đã tìm hiểu về MUS (medically unexplained symptoms, các triệu chứng bệnh không thể giải thích được bằng y khoa), về patient-centered interview (khám bệnh đặt bệnh nhân làm trung tâm) một số rối loạn tâm thần, và có cả thời gian đọc guideline một số bệnh tâm thần để thuyết trình cho nhóm của mình trong thời gian học.
Khi thực sự thích nó, tôi luôn đấu tranh rằng, có theo môn này hay không? Đành bỏ 2 năm thực tập với bao nhiêu mối quan hệ, rồi đi theo một môn mới mẻ này hay sao? Suy nghĩ ấy vẫn còn nằm trong tôi cho tới khi kết thúc học y khoa. Tôi không nghĩ về nó nữa lý do đơn giản là: không thể mất đi những gì mình đã làm được trong mấy năm trước.
Kể đến là năm thứ 5, được học về răng hàm mặt, nghĩ về bản thân mình, nghĩ về những bác sĩ đã phẫu thuật nụ cười giúp đỡ mình, và nghĩ về nhiều em bé cũng bị hở vòm hầu như mình cần giúp đỡ. Cũng có lúc tôi suy nghĩ là mình có nên làm điều gì đó có ích cho cuộc sống và ý nghĩa với bản thân mình không? Ví dụ trở thành phẫu thuật viên hàm mặt? Dù có suy nghĩ như vậy, nhưng tôi đã không đủ quyết tâm để tìm hiểu tới cùng, định hướng BS phẫu thuật viên răng hàm mặt cũng không theo tôi lâu.
Rồi cũng tới những ngày thi tốt nghiệp, rồi đi làm, rồi êm ả suốt mấy năm trời. Đột nhiên một ngày tôi tỉnh giấc với bàn tay Phải còn lại 4 ngón do đã tạm biệt một ngón trỏ vì bệnh u xương. Đây chính là giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ nhất để chọn định hướng nghề một lần nữa.
Lúc ấy thầy Ngô Quốc Đạt rất hiểu về tình trạng bệnh của tôi, và cũng biết tôi có biết về ngoại ngữ đủ để theo ngành giải phẫu bệnh. Thầy cũng tư vấn, Duy hay em có thể học theo giải phẫu bệnh, anh thấy cũng thích hợp với em. Và thực sự, dưới góc nhìn về sự phát triển không ngừng của ngành này cộng thêm sự thiếu hụt về nguồn nhân lực ở một số bệnh viện thì tôi đã mang câu chuyện ấy tới bệnh viện mình công tác. Tôi có thể làm giải phẫu bệnh không? Không ai phản đối, nhưng tôi lại không chọn!
Bệnh viện tôi công tác lúc bấy giờ có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, khi đi học tôi lại siêng ngồi đọc CT-MRI trên máy cùng các anh chị bộ môn, tôi nắm bắt giải phẫu khá, và thích về công nghệ hình ảnh. Nên cũng tìm hiểu về vấn đề này, định bụng sẽ theo nó. Thậm chí có lúc gặp trong phòng mổ thầy Tăng Hà Nam Anh bảo, anh thấy em đi chẩn đoán hình ảnh thích hợp đó, đang làm chỉnh hình chuyển qua đọc CT – MRI xương khớp thì còn gì bằng. Thế là, tôi lại xao xuyến một lần nữa. Đúng thật chỉ là xao xuyến, vì đầu cứ nghĩ nhưng chân thì chưa biết đi. Nói chung là tôi chưa tự tin bỏ những gì mình đã theo đuổi.
Vậy là sau vài tháng không biết sẽ chọn ngành nào để tiếp tục học cho phù hợp với bàn tay 4 ngón của mình, tôi quyết định theo đuổi tới cùng khóa cao học chỉnh hình và kết quả là được thầy, các anh ưu ái và mọi người giúp đỡ để xin vào làm tình nguyện tại bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình. Các em sau khóa tình nguyện của tôi giờ cũng làm chính thức ở đấy rồi, cho nên ngày xưa ông thầy phật lòng tôi cũng là điều dễ hiểu!
Câu chuyện sau ấy tôi nghỉ làm chỉnh hình, chọn làm nghiên cứu và dạy học tới giờ là một câu chuyện dài khác, mà cũng có vài lần tôi chia sẻ.
Tôi sẽ gút lại vài điều mình đã nhận ra từ những trải nghiệm của bản thân mình nhằm cảm ơn các bạn đã đọc tới đây:
1 – Luôn tìm cho mình một mentor.
Có khi mentor bạn làm nội khoa bạn làm ngoại khoa trật lất luôn. Nhưng người đó, với trải nghiệm của mình sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn khi bạn đang còn là sinh viên long bong sống không có mục tiêu, làm việc không có mục đích và tương lai thì mù mịt.
2 – Luôn trải nghiệm những điều mới.
Nếu ngày xưa anh chỉ chăm vào học lệch chỉnh hình, thì sau này với những biến cố cuộc đời anh chắc không vượt qua nổi. Nhưng nhờ trải nghiệm, luôn sẵn lòng học điều mới và quan sát thì sau này mình có nhiều lựa chọn hơn, khách quan hơn theo thế giới quan của riêng mình.
3 – Luôn đặt câu hỏi What – How – Why?
Tôi đang làm gì, tôi làm nó như thế nào, mọi việc đang diễn biến ra sao, tại sao lại như vậy? Đặt ra câu hỏi để tìm hiểu bản thân mình nhiều hơn. Hãy cân bằng những điều như sở thích – sở đoản – mục tiêu – giá trị sống cốt lõi của mình. Hãy chọn nghề bằng những điều đó mà đừng chọn nghề bằng cách hùa theo đám đông: da liễu tốt nè theo đi, chỉnh hình đang hót sao không theo, chẩn đoán hình ảnh bão hòa rồi đừng vào nữa…
4 – Hãy sống cho mình, đừng sống vì ước mơ của một ai đó
– Ba mẹ em thích em làm bác sĩ giải phẫu vì PTV trông rất ngầu và oách với bà con làng xóm.
– Em đã lỡ theo, các thầy đã rất kỳ vọng vào em, em không thể làm gì khác được
– Trời, tao mà đủ điểm như mày thì tao chọn ngành XYZ rồi..
Vâng, hãy nghe con tim của mình, hãy theo đuổi đam mê và hoài bão của mình. Mình sẽ rất mệt nếu cứ chạy theo giấc mơ của ai đó, hoặc làm cho người khác vui lòng. Báo hiếu cho bố mẹ là ngoan ngoãn, trưởng thành và sống tốt. Giúp đỡ cho xã hội là cách sống văn minh, hòa nhã và từ tâm. Trả ơn cho thầy cô là bằng cách giúp đỡ cho những người cần giúp đỡ bằng kiến thức và kỹ năng được học.
Bằng cách này hay cách khác, cứ sống tốt là được. Không nhất thuyết phải theo lời người khác 100% thì mới là người trung thành.
5 – Bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm và khám phá những năng lực giới hạn của bản thân.
Sẽ tốt hơn nếu các em dám bứt phá ra khỏi vùng an toàn, và, cứ làm vậy vài lần các em sẽ nhận thấy được hạnh phúc thực sự ở đâu. Đâu mới là nơi ta tìm về.
Cuộc sống ngắn, điều cần trải nghiệm thì nhiều, không nên thụ động ở một chỗ mà cứ hỏi hết người này hay người kia tư vấn nghề nghiệp cho mình.
Vì cơ bản…. họ không là mình, họ không bao giờ là mình được.
Chúc các bạn sớm tìm được mình và luôn thành công!
HCM 01.06.2021
Bài viết khác cùng chuyên mục:
Để lại một phản hồi Hủy