13. 3 thành phần quan trọng để lập kế hoạch cho một dự án

3 thành phần quan trọng khi lên kế hoạch
Nhiều bạn, nhất là những bạn thân thiết hay tâm sự anh rằng “em cảm thấy áp lực!” hoặc “xung quanh em nhiều người giỏi quá mà em thì…”. Anh cũng lo cho các bạn lắm vì cứ mãi chạy đua theo người khác thì chắc các em cũng áp lực lắm. Mà áp lực “quá” lại không mang lại ích lợi gì nhiều.
Các bạn phải biết rằng, mỗi người sinh ra được ông trời giao cho một sứ mệnh nào đó họ phải hoàn thành. Cho nên một số anh chị đã thành công rực rỡ khi đi đã đi đúng đường.
Chắc không ít trường hợp học phổ thông không được khá nhưng lên đại học thì học rất tốt. Cũng giống như một số bạn của anh, một số khi đang ở trường y thì cũng như bao người, nhưng giờ lại trở thành những bác sĩ rất giỏi trong một vài lĩnh vực (so với độ trưởng thành tay nghề cùng với bạn bè trong khối). Vậy phải chăng họ đã chọn đúng đường? Nếu các bạn gặp hoặc quen biết những người như vậy, bản thân bạn thấy áp lực hay động lực?
Anh nhớ tới hội chứng con vịt (duck syndrome): Con vịt bơi trên mặt nước có vẻ thảnh thơi, nhưng bên dưới đôi chân nó phải đạp liên hồi thì mới có thể nổi trên mặt nước. Tương tự như vậy, các em học sinh của chúng ta cũng đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn để học tốt, học theo kỳ vọng của gia đình, nhà trường. Không biết các em có đang ở trong tình cảnh này? Vậy từ hội chứng trên có thể thấy, dù con vịt đang bơi một cách nhẹ nhàng và đơn giản nhưng nó phải hoạt động rất nhiều mà ta không nhận thấy được. Điều này cũng như các em thấy một số anh chị khá thành công và thảnh thơi nhưng thực ra họ đã phải cố gắng rất nhiều mới được vậy.
Nói như thế để một số bạn thấy rằng: nên ngưng… than vãn! Thay vào đó là hành động.

Như các bạn thấy ở hình ảnh này là 3 thành phần quan trọng trong khi lên kế hoạch một dự án. Nó bao gồm:

  1. Mục tiêu

  2. Thời gian

  3. Ngân sách

các bước lập kế hoạch đơn giản
3 thành phần quan trọng khi lên kế hoạch
Cũng như đầu tư kinh doanh, học tập cũng phải có kế hoạch cụ thể. Để phù hợp với sinh viên và một số bạn vừa tốt nghiệp, anh tạm thời thay số 3 thành phương tiện.
Ví dụ, bạn muốn tự mình có thể đọc được sách ngoại văn tiếng Anh bạn cần phải vạch ra “dự án” nho nhỏ của bạn gồm:
1- Mục tiêu: đọc được sách ngoại văn
2- Thời gian: bao gồm thời gian hành động và thời gian dành ra để thực hiện và tổng thời gian để bạn đạt được mục tiêu. Như vậy bạn đặt ra là trong 3 tháng phải biết được anh văn chuyên ngành cơ bản, 6 tháng đọc được tài liệu đơn giản và trong vòng 1 năm phải bắt đầu dùng sách ngoại văn để học. Thời gian bỏ ra để đạt được mục tiêu là 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày. Và thời gian hành động là ngay lập tức!!!!
3- Phương tiện: tự học thông qua sách, tham gia câu lạc bộ tiếng anh ở trường, tham gia các hội thảo online, đăng ký các lớp học. Nhân lực cho dự án nhỏ này của bạn chính là bạn. Nhân lực khác có thể là bạn bè của bạn, thầy cô và các anh chị lớn bạn đủ tin tưởng để hỏi thăm khi cần.

Vậy là bạn đã tự vách được kế hoạch nho nhỏ của mình. Và khi vạch ra kế hoạch đó thì bạn phải trả lời được câu hỏi:

1- Bạn đang ở đâu?

Để mới xác định được năng lực của bạn để tính sự khả thi của dự án. Ví dụ, bạn quá yếu ngoại ngữ thì đặt ra mục tiêu đọc được sách trôi chảy trong 6 tháng là khá khó.

2- Bạn muốn đi đến đâu?

Để xác định được mục tiêu bạn muốn đạt đến. Muốn đi xa phải cố gắng nhiều. Mục tiêu quá thấp nhiều khi bạn sẽ chây lười. Mục tiêu quá cao và dài hạn mà không có tính kiên trì sẽ dễ thất bại.

4- Làm thế nào để đi đến đó?

Để bạn xác định được các phương tiện để hành động.

5- Làm thế nào để biết mình đang đi đúng hướng?

Để bạn đánh giá tính hiệu quả, điều chỉnh phương hướng hành động…
Quay lại câu chuyện áp lực thì không ai là không có áp lực. Nhưng nếu bạn đang biết mình là ai, cần gì và sẽ làm gì thì cứ xem những áp lực xung quanh như là một tấm gương để bạn hành động. Chứ đừng bắt chước và làm bản sao của một ai đó.
Bác sĩ Nguyễn Thái Duy
HCM, 28.12.2018
Bài viết khác cùng chuyên mục:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*