Giao TiếpY Khoa-Triệu chứng trong bệnh Cơ xương khớp (Đau cổ) – Bài 4

Vậy là chúng ta lại gặp nhau trong series History taking and clinical examination của anhvanyds. Cùng nhau tìm hiểu về cách khai thác một bệnh sử và những triệu chứng trong bệnh lý cơ xương khớp bằng Tiếng anh sao cho hiệu quả nhé.

Những triệu chứng hay gặp trong bệnh lý cơ xương khớp là đau cổ (neck pain), đau vai (shoulder pain), đau cánh tay và bàn tay (arm and hand pain), đau lưng dưới (low back pain), đau chân và cổ chân (foot and ankle pain)

Những câu hỏi chung khi bệnh nhân có triệu chứng cơ xương khớp đến với chúng ta

– When do you get the pain? (Bạn bị đau khi nào?)

– Where exactly is the pain? (Cơn đau chính xác ở đâu?)

– How quickly did the pain start ?(suddenly or gradually) (Cơn đau khởi phát như thế nào? (đột ngột hay từ từ) )

– Does the pain wake you from sleep? (Cơn đau có đánh thức bạn không?)

– Is it associated with numbness/ swelling/ stiffness/ shooting pain/ loss of sensation/ weakness? (Có kèm với tê/ sưng/ cứng đờ/ đau nhói/ mất cảm giác/ yếu không? )

Xem thêm: Thuật ngữ Cơ xương khớp 

Ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về đau cổ.

Đau cổ có thể phân loại theo vị trí và khởi phát. Hầu hết đau cổ sẽ có nguồn gốc từ vùng sau gáy (posterior portion) ở trong cơ, thần kinh hoặc xương. Hầu hết đau cổ sẽ dạng trục ngang (axial), tức là vùng xung quanh cột sống (paraspinous region) hoặc đau theo rễ thần kinh (radicular), tức là sẽ lan đến vai hoặc một bên cánh tay hoặc hai bên cánh tay. Những cơn đau từ cơ, mạch máu, và cấu trúc tuyến, cũng như khí quản và thực quản, thông thường sẽ liên quan đến vùng cổ trước (anterior portion). Cũng có trường hợp cơn đau sẽ liên quan đến cơ quan khác như ngực, tim và thực quản.

Bệnh lý cấp tính và mạn tính đều gây ra đau cổ. Nhìn chung, cơn đau mạn tính và có tính lặp đi lặp lại (chronic and repetitive pain) có liên quan đến gene và yếu tố môi trường (như hút thuốc).

Những nghề nghiệp đòi hỏi hoạt động lặp lại việc ngước cổ lên (activities that demand looking upward) cũng gây ra đau cổ. Ngoài ra, chấn thương cấp nghiêm trọng có thể gây đau cổ do gãy xương, lồi đĩa đệm (disk protrusion), hoặc căng mô mềm (soft tissue strain). Khi bắt đầu việc hỏi và thăm khám, chúng ta nên nhận định có hay không các yếu tố và bệnh lý nguy cấp đến tính mạng (life-threatening) hoặc tình trạng bất động của bệnh nhân (disabling condition). Nếu không có bất kì chấn thương nghiêm trọng nào, hãy phân tầng (stratify) cơn đau dựa theo vị trí.

Nếu bệnh nhân không thể xác định chính xác vị trí đau, hãy xem xét liệu có liên quan đến phổi, ngực trên, tim hay cơ hoành không. Cũng đừng quên hỏi về những hoạt động thường ngày hay nghề nghiệp có thể gây đau cổ lặp lại. Đây là cơ hội để khai thác những hoạt động ngày thường của bệnh nhân và hãy hỏi một cách chi tiết. Ví dụ, hãy hỏi bệnh nhân tư thế họ ngồi làm việc (how he or she sits at work), vì một thư ký có thể dành hàng giờ để ngồi ở bàn làm việc hoặc nhân viên lễ tân sẽ phải ngước nhìn khách hàng đến mỗi ngày.

Những câu hỏi cần lưu ý khi hỏi bệnh nhân có triệu chứng cơ xương khớp

  •  Khởi phát cơn đau, bao gồm thời gian và ngày khởi phát
  •  Những hành động lặp lại gây căng cổ như: xoay (twisting), xoay cổ về 1 phía hoặc nghiêng cổ (bend the neck to the side or cradling), rướn cổ về trước (protraction or leaning forward)
  •  Bệnh sử của cơn đau hiện tại và chấn thương cổ trước đó (nếu có)

 

Lưu ý có chẹn cột sống (spinal cord impingement) nếu bệnh nhân có những triệu chứng sau:

  •  Chấn thương cấp chẳng hạn như whiplash (tạm dịch: chấn thương do giật cổ, hoặc chấn thương cổ) là khi đầu bị chuyển động đột ngột về một hướng và rồi giật lui lại một cách nhanh chóng. Chuyển động này có thể gây thương tổn cổ. Chấn thương cổ có thể xảy ra trong một vụ tông xe.
  •  Đau cổ mạn hoặc cấp nghiêm trọng dần
  •  Yếu chi
  •  Dáng đi bất thường/ không đi lại được (gait instability)
  •  Thay đổi thói quen đi cầu hoặc đi tiểu (change in bowel or bladder function)

Một số triệu chứng cảnh báo có thể gặp

  • Khó thở (dyspnea)
  • Có cảm giác mắc nghẹn ở họng (sensation of having something stuck in throat)
  • Không nói được (inability to talk)
  • Yếu chi trên hoặc chi dưới (weakness in arms or legs)
  • Châm chích hoặc ngứa bàn tay hoặc bàn chân (tingling in hands or feet)
  • Châm chích hoặc ngứa như có luồng điện chạy dọc cột sống khi gập cổ (Lhermitte sign)
  • Cầm đồ vật dễ rơi (dropping things)

Đặc biệt, khi bệnh nhân có yếu hoặc không cử động tay chân,  cần đặt các câu hỏi:

  •  For how long has your affected area been unstable ? (Vùng bị ảnh hưởng của bạn bao lâu rồi?)
  •  Did this follow and injury ? (Có theo sau bởi chấn thương không?)
  •  Which joint (s) are affected? (Khớp nào bị ảnh hưởng?)
  •  Has the instability caused you to fall? (Bạn có bị té bởi sự bất động này không?)
  •  Do you play any sport? Which? (Bạn có chơi môn thể thao nào không?)

Trên đây là một số thông tin khi chúng ta khai thác trên bệnh nhân có triệu chứng đau cổ. Các bạn hãy tập luyện bằng cách hỏi và đọc lại các câu hỏi để có thể có 1 chẩn đoán chính xác nhé.

Bài viết bởi BS.Trần Nam Anh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*