33. Học y khoa trường tư- có xứng đáng để theo đuổi đam mê

học y trường công hay trường tư

Cách đây vài năm khi hào hứng khoe với một anh về việc sắp về dạy giải phẫu học ở một trường tư, anh bảo: “em góp phần gây hại đất nước ah, dạy được ở trường lớn thì dạy không thì thôi!”.

Vâng, anh ấy là anh của mình, làm ở bệnh viện lớn, mình rất tôn trọng tuy nhiên “xung đột ý kiến” thì lúc nào cũng xảy ra vì quan điểm của mình không như vậy.
Hôm nay lại thấy trên diễn đàn có một câu hỏi rất thú vị “Các anh chị cho em hỏi ý kiến tham khảo nếu không đỗ được trường công thì học y trường tư có phải một lựa chọn tốt không ạ?”. Mình cũng muốn góp một phần trả lời, tuy nhiên xin viết một bài post để diễn giải được hết trọn ý kiến cá nhân của mình.

1. Thực trạng đào tạo y khoa tại Việt Nam

Hiện tại ở nước mình có rất nhiều cơ sở đào tạo y khoa, từ công đến tư, từ cấp trung ương đến cấp địa phương, từ cơ sở có bề dày đào tạo như Đại học y dược TP. Hồ Chí Minh cho tới những trường mới ghi danh trên sơ đồ đào tạo y khoa những năm gần đây như Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Trà Vinh…
Thậm chí gần đây, một số trường chuyên đào tạo khoa học ngoài y khoa cũng bắt đầu “chạy vào cuộc chơi” như Văn Lang, Hutech, Đại học quốc gia, Hồng Bàng…Dấu hiệu của các trường này là xây dựng những khoa như Dược, Điều Dưỡng, Nha khoa, Thư Ký Y Khoa, dần dần sẽ xin giấy phép đào tạo y đa khoa sau đó (theo lộ trình).
Vừa qua, VinUni và một vài cơ sở đào tạo khác cũng vừa được thông qua và đào tạo chương trình đào tạo nội trú một số ngành học. Cuộc đua này cũng nóng không kém.
Như một số bình luận trong group, rõ ràng, đào tạo y khoa đang rất nhiều, là một cơ hội cho nhiều bạn có ước mơ học y khoa, cũng là một thách thức cho chất lượng đào tạo bác sĩ tương lai. Bài toán này, thuộc về cấp quản lý giải, mình còn non trẻ chưa thể đưa ra bàn luận sâu.

2. Các bình luận có giá trị

Mình vẫn thấy vui, vì có một câu hỏi chắc chắn là có trăm câu trả lời. Câu trả lời chính xác nhất vẫn là ở bạn và gia đình bạn. Các anh chị không thể đưa ra được câu trả lời cho hoàn cảnh của bạn được.
  1. Nhóm comment đầu tiên: nghỉ học y, chọn học cái khác đi
– Học IT đi!
– Có tiền học tư thục thì học ngành khác đi!
– Có ba mẹ, người thân, họ hàng làm quan to thì học…
Trên đây là 3 comment hẳn là từ các bạn đang thấy quá nhiều mặt trái của ngành y. Ví dụ: lương thấp, đối xử trong công việc thiếu công bằng, bị bệnh nhân coi thường, và nhìn thấy sự chênh lệch trong quan hệ xã hội và tài chính cá nhân. Mình không nghĩ là các comment ở trên đây là sai, vì nó phản ánh xã hội và nhu cầu thực tế.

2. Nhóm thứ 2, điểm hạn chế một số cơ sở đào tạo

– Không đáng đâu bạn, trừ phi bạn học Vinuni hay học ở các quốc gia phát triển, hoặc nhà bạn cơ to có thể xin vào bệnh viện lớn hoặc tự mở bệnh viện còn lúc này học y trường tư trong nước thì nói thẳng là sẽ ko đc các đơn vị y tế lớn đánh giá cao, con đường hành nghề sẽ hết sức dài và vất vả.
– Chất lượng giảng viên không bằng, đầu vào sinh viên không bằng thì có tốt không?
2 comment mình trích dẫn trên chính là tình hình thực tế đào tạo tại Việt Nam.
Để thành lập được một khoa, cần phải đáp ứng được nhu cầu về chỉ tiêu số lượng giảng viên và chất lượng giảng viên. Như các bạn đã biết, số lượng giảng viên đủ chất lượng để giảng dạy cũng không nhiều cho nên nguồn nhân lực như các thầy cô ở các trường lớn cũng phải đi dạy thỉnh giảng ở nhiều trường. Điều này dẫn tới nguồn nhân lực bị thiếu hụt, khó đảm bảo cho các cơ sở tư nhân duy trì giảng dạy thời gian lâu dài hoặc khi số lượng sinh viên tăng lên.
Muốn được toàn thầy cô giỏi dạy, và nhân lực giảng dạy không bao giờ bị xáo trộn thì vào trường có tỉ lệ chọi cao và chấp nhận thách thức. Còn không đủ khả năng vẫn muốn học y thì các bạn phải lựa chọn những khó khăn ở trên, quan trọng vẫn là mình, học trường y tư vẫn có cơ hội được các thầy cô từ trường top về dạy, thị trường đào tạo y khoa là vậy.

3. Nhóm thứ 3, comment mình thấy tích cực nhất là:

Ra trường đều là BS Đa khoa Chính quy, đc pháp luật, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục công nhận. Nên công tư ngang nhau nha. Chủ yếu khác nhau ở cơ hội việc làm. Mà cơ hội việc làm, là một câu chuyện rất dài/ rất khác/ và tế nhị (ít trường lớp nào dạy em).
Có nghĩa là nếu em thực sự có mơ ước thành bác sĩ, em trượt chân, hoặc em chưa đủ năng lực thì em vẫn có thể lựa chọn bằng cách này hay cách khác, có pháp luật và bộ y tế công nhận.
Mình phải nói thật, có rất nhiều em học tư nhưng xuất sắc vô cùng. Nhưng cũng có những em lê thê lếch thếch ở giảng đường các trường y top. Điều quan trọng của việc học xong một ngành nghề nào đó chính là cơ hội việc làm. Theo như comment ở trên đó là câu chuyện rất dài, rất khác, rất tế nhị. Quan điểm cá nhân của mình, còn thêm cả sự cố gắng của các em để personal branding lên.
Dưới vai trò là người tuyển dụng, bây giờ mình vẫn liên tục tìm kiếm các tài năng thì mình thường nhìn vào quá trình đóng góp xã hội, các kỹ năng của một ứng viên, và sau cùng là có bằng đại học y đa khoa. Mình không phân biệt bạn ấy đến từ trường nào. Y trường top là điểm cộng, nhưng không phải là quyết định tất cả.

3. Kết luận của cá nhân mình

– Hãy làm theo ước mơ và nguyện vọng của em.
Đừng nhìn vào xã hội với mác “bác sĩ” oách. Nếu em có mơ ước được chữa bệnh cho bệnh nhân thì anh ủng hộ em, ước mơ ấy xứng đáng được nuôi dưỡng. Còn nếu em thích “kiếm tiền”, được, nhưng hơi khổ cho em.
– Hãy xem thế mạnh của mình là gì?
Hãy xem ngoài kia còn cái gì khác y khoa mà cũng có thể phát huy sở trường của mình không? Có nhiều ngành đang thiếu nhân sự, và vẫn liên quan tới y khoa ví dụ như IT (xây dựng hệ thống telemedicine, xây dựng AI y khoa, apps khám chữa bệnh, cả hệ thống y tế Việt Nam chưa connect được các cơ sở dữ liệu y khoa lại với nhau…).
– Hãy nhìn vào điểm tựa của mình?
Như có người thân làm ngành y, thì bạn sẽ thấu hiểu hơn nỗi khổ cực của nhân viên y tế. Có người nhà làm ở bất kỳ vị trí nào, cao hay thấp (chứ k cần phải quá lớn) đều có khả năng giúp các bạn định hướng sớm cách học và phát triển. Cứ hễ kỹ năng tốt, kiến thức tốt, thì ở thời đại 4.0 này các bạn đều có thể giỏi. Thầy cô giỏi cũng không dạy các bạn hết kiến thức đâu, các bạn tỉnh ngủ đi nhé, thầy cô giỏi sẽ hướng dẫn các bạn cách học tốt. Các bạn có ngoại ngữ, và có kỹ năng sẽ kết nối được với nhiều thầy cô giỏi trong cõi mạng này.
Còn chờ thầy cô trực tiếp lên giảng đường để dạy thì mời các bạn vài lần tới giảng đường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh ở một số tiết sẽ biết, cũng có những tiết các bạn bị cụt hứng lắm luôn, tuy nhiên trong 6 năm học đại học và 2 năm sau đại học mình gặp không nhiều. Mình không phê phán, chỉ muốn nhắn nhủ: giáo dục và quá trình tự giáo dục, nghĩa là chủ động chứ không bị động.
– Túi tiền của gia đình
Bạn có bao nhiêu tiền tiết kiệm? ba mẹ bạn có bao nhiêu thửa đất? đáng để suy nghĩ đấy, vì bao nhiêu bạn vẫn lâm vào cảnh nợ nần với mong muốn ra trường trả hết nợ. Sự thật phũ phàng vì lương thấp nha các bạn ơi! Nếu vay nợ để đi học thì anh vẫn nghĩ là không xứng đáng. Anh vẫn biết nhiều bạn (bằng tuổi anh) học một đại học trước, đi làm có tiền và quay lại học y khoa. Cái đó xứng đáng hơn! Mà học lúc ấy thì có nhiều kỹ năng rồi nên học tốt hơn là điều dễ hiểu.
Lâu quá mình không viết, mình vẫn cần một thống kê về các số liệu, trên đây chỉ là nhận định chung của mình vì mình viết bài này trong vòng 40 phút giải lao sau giờ dạy.
À, mình đang dạy thỉnh giảng ngoại ngữ y khoa ở trường y Nguyễn Tất Thành, là trường tư các bạn ah. Mình thấy rằng khi bạn đã đi học, thì cái tinh thần học cao và ý chí kiên cường, bạn sẽ đạt tới thành công. Hãy tìm cho mình một người hướng dẫn tốt nếu như bạn vẫn quyết định theo đuổi trường y khoa tư nhân.
Thân chúc bạn có lựa chọn sáng suốt nhất nhé!
HCM, 18/07/2021
BS. Nguyễn Thái Duy
Hành trình 15 năm y khoa
Bài viết khác cùng chuyên mục:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*