Ngày xưa là sinh viên cũng nghèo khó lắm. Nhớ thời ấy, sắm được cái laptop cũ vài triệu đã là một tài sản khá lớn và cũng đã giúp được rất nhiều trong việc học tập và làm việc nhóm. Có lần nghỉ Tết, cho đứa bạn thân mượn laptop để bạn ấy hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Mình cũng không nhớ rõ tên của đề tài, chỉ nhớ là nó có liên quan tới chữ “vô thường”. Lúc ấy mình bắt đầu lưu tâm chữ này.
Còn lần đầu tiên mình biết tới vô thường là qua bài hát của Trịnh Công Sơn: Đóa hoa vô thường
Từ đó ta nằm đau ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường…
[Trích: Đóa hoa vô thường – Trịnh Công Sơn]
Thật ra, mình chẳng hiểu gì trong chữ “vô thường”, đóa hoa vô thường thì càng không hiểu rõ. Chỉ thấy giai điệu hay, buồn, hợp với tính cách thì thích. Triết lý trong bài hát này với tầm ấy mình chưa hiểu, và tầm này cũng lờ mờ mới hiểu được. Mình xin nhân tiện kể một vài câu chuyện bản thân.
1. Ngày xưa mình hay trách bản thân học dở
Đúng thật, ngày xưa lỡ dại nghe đứa nào nói rằng: Trăm năm Kiều vẫn là kiều, sinh viên thi lại là điều tất nhiên. Rồi từ đó mặc nhiên rằng sinh viên học thi rớt là điều bình thường.
Hôm nay mình quan niệm có hơi khác, thi rớt là đã đánh mất sự kì vọng của thầy cô khi bạn không thể vượt qua một trình độ nhất định nào đó.
Ai rồi cũng khác, ngày xưa đi học thấy khó nuốt, tới đi vào làm thực tế thấy dễ vì ngày nào cũng gặp tình huống nên thành ra thấy dễ và hiểu tại sao thầy cô cứ nhai đi nhai lại một điệp khúc khi lên lớp. Giống như kiểu chẩn đoán viêm ruột thừa ấy, dễ mà đúng không, nhưng làm thân bại danh liệt biết bao nhiêu bác sĩ và biết bao bệnh viện lao vào pháp lý cũng vì mấy bệnh cảnh “rất đặc trưng” đó.
2. Ngày xưa mình hay than thân trách phận
Mình hay đỗ lỗi những việc không mong muốn là do một số yếu tố nhất định. Xấu, lùn, khó khăn, ốm yếu, bệnh tật… đều đã từng xuất hiện trong cái suy nghĩ “tự kỷ ám thị” của mình hết.
Sau mình nhận ra, tốt hay xấu cũng do tự tâm mình sinh ra. Nếu bắt đầu một ngày mới với tư duy lạc quan và tích cực, tâm sinh ra những hành động tích cực, nếu ngược lại thì những điều tiêu cực cũng theo đó mà kéo theo.
Mình suy nghĩ tiêu cực và đổ mọi lỗi cho bản thân, mà không hề có một hành động nào để thay đổi nó hay vượt qua nó. Chỉ là suy nghĩ, và tự trách bản thân, tự so sánh giữa mình và người, tự buồn.
3. Ngày xưa mình hay quan tâm việc người khác
Quan tâm có nhiều mức độ như biết, lưu ý, tham gia, và bình phẩm… đủ các loại hành vi khác nhau. Sau một vụ việc khá nghiêm trọng cách đây 3 năm của một em bác sĩ, mình học được một câu mà mình rất thấm: 50% sự thật không phải sự thật.
Mình không sống trong hoài nghi, nhưng nếu một việc nào đó không hay xảy ra thì với tư duy đó cũng có thể giúp mình đỡ bất ngờ và lạc quan sống.
Nhờ quan tâm vào bản thân, quan tâm sự phát triển lớn hơn 1% mỗi ngàynên mình tập trung được nhiều năng lượng giải quyết các vấn đề hơn. Bớt các việc phiền nhiễu và giảm tải được những điều tiêu cực.
4. Ngày xưa mình nóng tính như Trương Phi
Bản tính nổi nóng là điều tồi tệ nhất dẫn tới một cuộc giao tiếp thất bại, không ít lần mình đã gây sự với bản tính nổi nóng đó. Và cũng có đôi lần trải lòng tâm sự với các bạn về điều này.
Ngày qua ngày mình nhận thức và tiết chế đi sự nóng nảy bằng cách: bớt suy nghĩ tiêu cực, bớt trách móc, bớt thể hiện ý kiến chỉ trích và học cách kiểm soát hành vi qua các trài nghiệm thực tế.
Nói chung lại, theo một triết lý không chuẩn lắm thì mình đã thay đổi theo mỗi ngày, mình đặt mục tiêu nhỏ là 1% mỗi ngày. Dù nó không nhận ra được ngay, nhưng cả một quá trình thì hoàn toàn có sự khởi sắc.
Hôm qua trong vườn có nụ hoa hồng còn chưa nở
Sáng nay hoa và mình đã thiền cùng nhau.
HCM, 26/05/2021
Hành trình 15 năm
Bài viết khác cùng chuyên mục:
Để lại một phản hồi Hủy