Hình Ảnh U Gan Trên CT-Scan Có Thuốc Cản Quang

TẠM DỊCH:

Bài viết có 2 phần lớn:

I. Phát hiện các khối U gan

II. Đặc điểm chính của các khối U gan

I. Phát hiện các khối U gan (Detection of liver masses)

Mức độ dễ thấy của một tổn thương gan phụ thuộc vào sự khác biệt tỷ trọng giữa tổn thương và gan bình thường.
Trên phim chụp CT-scan không tiêm(NECT), khối u gan thường không thấy, vì độ tương phản vốn có giữa mô u và nhu mô gan xung quanh quá thấp.

Chỉ một số ít khối u chứa vôi hóa, thành phần nang, mỡ hoặc máu và sẽ được phát hiện trên NECT.
Vì vậy, tiêm thuốc cản quang là cần thiết để tăng khả năng dễ thấy của tổn thương.
Khi chúng ta tiêm thuốc, điều quan trọng cần hiểu là có một nguồn cung cấp máu kép cho gan.
Nhu mô bình thường được cung cấp 80% bởi tĩnh mạch cửa và chỉ 20% bởi động mạch gan, vì vậy nó sẽ ngấm thuốc trong thì tĩnh mạch cửa.
Tuy nhiên, tất cả các khối u gan đều nhận được 100% nguồn cung cấp máu từ động mạch gan, vì vậy khi chúng sẽ ngấm thuốc ở thì động mạch.
Sự khác biệt về nguồn cung cấp máu này dẫn đến các mẫu/kiểu ngấm thuốc khác nhau giữa khối u gan và nhu mô gan bình thường trong các thì ngấm thuốc khác nhau (hình).

HCC nhỏ trên xơ gan không thấy trên NECT (trái), nhìn thấy rõ trong thì động mạch (giữa) và không thấy trong thì tĩnh mạch cửa (phải).

Trong thì động mạch, khối u giàu mạch sẽ ngấm thuốc thông qua động mạch gan, khi nhu mô gan bình thường chưa ngấm, vì chất cản quang chưa có trong hệ thống tĩnh mạch cửa.
Những khối u giàu mạch này sẽ có thể nhìn thấy được dưới dạng tổn thương tăng tỷ trong ở gan giảm tỷ trọng tương đối. Tuy nhiên, khi nhu mô gan xung quanh bắt đầu ngấm thuốc trong thì tĩnh mạch cửa, những tổn thương giàu mạch này có thể bị che lấp.

Trong thì tĩnh mạch cửa, khối u nghèo mạch được phát hiện, khi nhu mô gan bình thường ngấm thuốc tối đa. Những khối u nghèo mạch này sẽ có thể nhìn thấy được dưới dạng tổn thương giảm tỷ trọng ở một nhu mô gan tăng tỷ trọng tương đối.

Trong thì muộn vào khoảng 10 phút sau khi tiêm thuốc cản quang, các khối u trở nên có thể nhìn thấy, có thể thải chất cản quang chậm hơn so với gan bình thường hoặc rửa sạch chất cản quang nhanh hơn so với nhu mô gan bình thường.
Những tổn thương này sẽ trở thành tăng hoặc giảm tỷ trọng tương đối so với gan bình thường.


Việc phát hiện một tổn thương phụ thuộc vào sự khác biệt về tỷ trọng giữa gan và tổn thương.TRÁI: Thì động mạch cho thấy FNH giàu mạch
GIỮA: Thì tĩnh mạch cửa cho thấy di căn nghèo mạch
PHẢI: Thì muộn cho thấy ung thư biểu mô đường mật có tỷ trọng tương đối (tăng hơn so với nhu mô gan)

Chụp thì động mạch (Arterial phase imaging)

Thời điểm chụp và tốc độ bơm thuốc cản quang tối ưu là rất quan trọng để tạo hình ảnh thì động mạch tốt.
Khối u giàu mạch sẽ ngấm tối ưu tại thời điểm 35 giây sau khi tiêm thuốc cản quang ( thì động mạch muộn).
Khoảng thời gian này là cần thiết để thuốc cản quang đi từ tĩnh mạch ngoại vi đến động mạch gan và khuếch tán vào khối u gan.
Bên trái, một bệnh nhân đã chụp hai giai đoạn của thì động mạch ở thời điểm 18s và 35s. Trong thì động mạch sớm, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các động mạch, nhưng chúng ta chỉ thấy một số hình ảnh ngấm thuốc không đều trong gan.
Trong thì động mạch muộn, chúng ta có thể thấy rõ có nhiều khối u.
Lưu ý rằng trong thì động mạch muộn, phải có sự ngấm thuốc của tĩnh mạch cửa.
Thời điểm duy nhất mà bạn cần thì động mạch sớm là khi bạn cần phim chụp mạch, ví dụ như bản đồ cho nút mạch khối u gan bằng hóa chất.

 CT gan thì động mạch sớm (bên phải) và thì động mạch muộn (bên trái)

Thời điểm chụp là quan trọng, nhưng cũng khá quan trọng là tốc độ tiêm thuốc cản quang.
Đối với chụp thì động mạch, kết quả tốt nhất là với tốc độ tiêm 5ml / giây.
Có hai lý do cho việc ngấm thuốc tốt hơn này: với 5ml / giây, sẽ có nhiều chất tương phản đến gan hơn khi bạn bắt đầu quét và nồng độ cũng cao hơn.
Bên trái, một bệnh nhân xơ gan được kiểm tra sau khi tiêm thuốc cản quang với tốc độ 2,5ml / giây và 5ml / giây. Ở 5ml / giây có độ tương phản tốt hơn nhiều và phát hiện khối u tốt hơn.

Bệnh nhân xơ gan và HCC đa ổ được tiêm với tốc độ 2,5ml / giây (trái) và 5ml / giây (phải).

Thì tĩnh mạch cửa (Portal Venous phase)

Chụp thì tĩnh mạch cửa có nguyên lí hoạt động ngược lại
Chúng ta chụp gan khi nó được lấp đầy bởi chất cản quang qua tĩnh mạch cửa để phát hiện các khối u nghèo mạch (hình).
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu quét là khoảng 75 giây, vì vậy đây là thì tĩnh mạch cửa muộn, vì sự ngấm thuốc tĩnh mạch cửa đã bắt đầu ở 35 giây trong thì động mạch muộn.
Thì tĩnh mạch cửa muộn này còn được gọi là thì gan vì đã có sự ngấm thuốc các tĩnh mạch gan. Nếu bạn không thấy ngấm thuốc các tĩnh mạch gan, bạn đã chụp quá sớm.

Nếu bạn chỉ chụp thì tĩnh mạch cửa thì không cần tiêm thuốc cản quang nhanh, chẳng hạn nếu bạn chỉ đang tìm di căn nghèo mạch trong ung thư đại trực tràng, vì trong thì này, tổng lượng thuốc cản quang quan trọng hơn và 3ml /s giây là đủ.

Di căn nghèo mạch được quan sát thấy dưới dạng tổn thương giảm tỷ trọng ở thì tĩnh mạch cửa muộn. Lưu ý có hình ảnh ngấm thuốc viền của mô ngoại vi có khả năng sống của di căn.

Thì muộn (Equilibrium Phase)

Thì muộn là khi chất cản quang ra khỏi gan và gan bắt đầu giảm tỷ trọng.
Giai đoạn này bắt đầu vào khoảng 3-4 phút sau khi tiêm thuốc cản quang và chụp tốt nhất là 10 phút sau khi tiêm thuốc cản quang.

Thì này có thể có giá trị nếu bạn đang tìm: khối u thải thuốc nhanh trong các khối u giàu mạch như HCC hoặc giữ thuốc cản quang trong hồ máu như trong các khối u máu hoặc giữ thuốc cản quang trong mô xơ trong vỏ bao (HCC) hoặc mô sẹo (FNH, Ung thư đường mật).

Ung thư đường mật kích thước nhỏ không thấy trong thì tĩnh mạch cửa (trái), nhưng lại thấy dưới dạng tổn thương tăng tỷ trọng tương đối trong thì muộn(phải).

Tổn thương tăng tỷ trọng tương đối trong thì muộn
Mô xơ là mô được tổ chức tốt và mật độ dày đặc làm cho cho iốt hoặc gadolinium vào rất chậm. Tuy nhiên, một khi thuốc cản quang đi vào, sự thải thuốc ra ở thì muộn cũng chậm như vậy.
Vì vậy, khi nhu mô gan bình thường thải thuốc, các thành phần xơ của khối u sẽ sáng hơn mô gan nền.
Ung thư đường mật có thể có chất nền sợi và trong thì muộn, đây có thể là thì duy nhất mà bạn nhìn thấy khối u (hình).

Ung thư đường mật kích thước nhỏ không thấy trong thì tĩnh mạch cửa (trái), nhưng lại thấy dưới dạng tổn thương tăng tỷ trọng tương đối trong thì muộn(phải).

Tổn thương giảm tỷ trọng tương đối trong thì muộn
Ở bên trái, cho thấy tầm quan trọng của thì muộn ở bệnh nhân xơ gan có ung thư biểu mô tế bào gan.
Lưu ý rằng bạn không thấy khối u trên phim không tiêm thuốc và cũng không trong thì tĩnh mạch cửa. Điều này thường xảy ra và chứng tỏ tầm quan trọng của thì động mạch.
Hiện tại, vấn đề hiện tại/ đang xảy ra là các tổn thương ngấm thuốc kích thước nhỏ trong gan xơ liệu là tổn thương lành tính như nốt tân tạo hay ung thư biểu mô tế bào gan.
Ở thì muộn, chúng ta thấy khối u thải thuốc nhiều hơn so với nhu mô gan xung quanh.

Các tổn thương lành tính thường sẽ không thấy kiểu thải thuốc này.
Ví dụ, một FNH hoặc u tuyến sẽ cho thấy ngấm thuốc nhanh trong thì động mạch, trên đồng tỷ trọng trong thì tĩnh mạch cửa, nhưng đồng tỷ trọng với gan trong thì tĩnh mạch muộn.
Những khối u lành tính này không có đủ mạch máu tân sinh trong u để thải thuốc nhanh.
Đặc biệt ở những bệnh nhân xơ gan, bạn phải dựa nhiều vào thì muộn này để phân biệt các tổn thương tính ngấm thuốc kém với ung thư biểu mô tế bào gan kích thước nhỏ.

HCC trong gan xơ. Nhận thấy sự thải thuốc nhanh ở thì muộn so với nhu mô gan xung quanh.

Hồ máu và u máu (Blood pool and Hemangiom)

Thông thường khi chúng ta xem xét ngấm thuốc cản quang, tỷ trọng các tổn thương này luôn được so sánh với tỷ trọng của nhu mô gan.
Tuy nhiên, trong u máu, bạn không nên so sánh tỷ trọng tổn thương với gan, mà với hồ máu.
Điều này có nghĩa là các vùng ngấm thuốc trong u máu phải phù hợp( đồng tỷ trọng) với tỷ trọng các mạch thích hợp (hồ máu) tại mọi thời điểm. Vì vậy, trong thì động mạch, các vùng ngấm thuốc của tổn thương phải gần như đồng tỷ trọng với động mạch chủ ngấm thuốc, trong khi thì tĩnh mạch cửa, nó phải đồng tỷ trọng với ngấm thuốc của tĩnh mạch cửa.
Nếu nó không đồng tỷ trọng với hồ máu trong mỗi thì ngấm thuốc, không nghĩ tới u máu.

Ở bên trái, một u máu điển hình. Lưu ý rằng trên NECT, tỷ trọng khối u giống như tỷ trọng của các mạch máu.

Trong thì động mạch, nó phải phù hợp với hồ máu và gần như đồng tỷ trọng với động mạch chủ. Trong thì tĩnh mạch cửa, nó phải phù hợp với tỷ trọng của tĩnh mạch cửa. Trong thì muộn, nó đồng tỷ trọng với các mạch máu.
Cuối cùng, tổn thương sẽ trở nên đồng tỷ trọng đối với gan, nhưng chỉ vì các mạch trở nên đồng tỷ trọng với gan. Không có sự liên quan gì với tỷ trọng nhu mô gan.

Vì vậy, hãy nghĩ đến hồ máu hơn là nhu mô gan nếu bạn đang nghĩ đến u máu.

U máu trên CT không thuốc, thì động mạch muộn, thì tĩnh mạch cửa muộn và thì muộn. Lưu ý rằng tỷ trọng u máu phù hợp với hồ máu trong tất cả các pha(mũi tên).

Quy trình CT sửa đổi (Tailored CT protocol)

Bạn phải điều chỉnh quy trình của mình tùy theo máy cắt lớp, tốc độ tiêm thuốc cản quang và nhóm bệnh nhân mà bạn đang khám.
Nếu bạn có một máy cắt lớp đơn dãy, sẽ mất khoảng 20 giây để quét gan.
Đối với chụp thì đoạn động mạch muộn, 35 giây là thời gian tối ưu, vì vậy bạn bắt đầu khoảng 25 giây và kết thúc sau khoảng 45 giây.
Tuy nhiên, nếu bạn có một máy cắt lớp 64 lát, bạn sẽ có thể kiểm tra toàn bộ gan trong 4 giây. Vì vậy, bạn bắt đầu quét trong khoảng 33 giây, thời gian này muộn hơn nhiều so với khi quét máy đơn dãy. .
Trong chụp thì động mạch, thời gian dành cho thì này hẹp vì bạn chỉ có thời gian giới hạn trước khi nhu mô gan xung quanh bắt đầu ngấm thuốc và che khuất tổn thương giàu mạch.
Đối với chụp thì tĩnh mạch cửa thì khác. Ở đây bạn không muốn chụp quá sớm, vì bạn muốn có nhiều thuốc cản quang vào gan và cần có thời gian để thuốc cản quang đi từ tĩnh mạch cửa vào nhu mô gan. Bên cạnh đó bạn có nhiều thời gian hơn, bởi vì thì muộn bắt đầu vào khoảng 3-4 phút.

Vì vậy, bạn bắt đầu ở 75 giây với bất kỳ máy cắt lớp nào bạn có. Chỉ khi bạn tiêm với tốc độ cao 5ml / giây, bạn có thể bắt đầu sớm hơn khoảng 65-70 giây.

Sử dụng thì động mạch trong các trường hợp sau:

Mô tả đặc điểm của tổn thương gan không rõ nguyên nhân.
Phát hiện HCC ở những bệnh nhân có AlphaFP 1 cao.
Sàng lọc bệnh nhân xơ gan để tìm ung thư biểu mô tế bào gan.
Phát hiện các di căn giàu mạch

II. Đặc điểm chính của các khối U gan (Characterisation of liver masses) 

Từ quan điểm thực hành, cách tiếp cận để xác định đặc điểm của một tổn thương gan khu trú thấy trên CT bắt đầu bằng việc xác định tỷ trọng nó.
Nếu tổn thương có mật độ gần như nước, đồng nhất, có bờ rõ và không ngấm thuốc thì đó là  nang.

Nếu tổn thương ngấm thuốc, thì bước tiếp theo là xác định xem có phải là u máu hay không, vì đây là khối u gan phổ biến nhất cho đến nay. Ngấm thuốc phải ở ngoại vi và dạng nốt, có cùng tỷ trọng với hồ máu trong tất cả các thì.

Nếu tổn thương không phải là nang hay u máu, thì chúng tôi phải tìm hiểu thêm về tổn thương.
Dựa trên kiểu/mẫu ngấm thuốc, chúng ta chia các khối thành các tổn thương giàu mạch và ngoài mạch.
Thường sự kết hợp kiểu ngấm thuốc và các đặc điểm đại thể, như có mỡ, máu, vôi hóa, các thành phần nang hoặc xơ, với lâm sàng sẽ giới hạn chẩn đoán phân biệt (hình).

Tổn thương giàu mạch (Hypervascular lesions)

Các tổn thương ngấm thuốc thì động mạch hầu hết là các tổn thương lành tính và bao gồm các khối u gan nguyên phát như FNH, u tuyến và u máu nhỏ lấp đầy nhanh bằng thuốc cản quang.
Những khối u lành tính này phải được phân biệt với khối u gan ác tínhgiàu mạch phổ biến nhất, đó là HCC và di căn giàu mạch từ melanoma (u hắc tố), renal cell carcinoma (ung thư biểu mô tế bào thận), ung thư vú, sarcoma and neuroendocrine tumors (các khối u thần kinh nội tiết) (islet cell tumors, carcinoid, pheochromocytoma).


Các tổn thương giàu mạch có thể trông rất giống trong thì động mạch (hình).

Bốn khối u khác nhau với sự ngấm thuốc trong thì động mạch muộn. Từ trái sang phải: HCC trong gan xơ; FNH với sẹo trung tâm ở thanh thiếu niên; u tuyến ở phụ nữ trẻ dùng thuốc tránh thai và cuối cùng là u máu ngấm thuốc điển hình trong các thì khác (không mô tả ở đây).
Phân biệt bằng cách xem xét kiểu ngấm thuốc trong các thì khác và các đặc điểm đại thể bổ sung cùng với dấu hiệu lâm sàng.
Di căn giàu mạch sẽ được xem xét ở những bệnh nhân có khối u nguyên phát đã biết.

Nói chung HCC được xem xét khi có xơ gan, trong khi FNH được xem xét ở phụ nữ trẻ và u tuyến gan ở bệnh nhân dùng thuốc tránh thai, steroid đồng hóa hoặc có tiền sử bệnh dự trữ glycogen.

Tổn thương nghèo mạch (Hypovascular lesions)
Các khối u gan nghèo mạch thường gặp hơn các khối u giàu mạch.
Hầu hết các tổn thương nghèo mạch là ác tính và di căn là phổ biến nhất.
Mặc dù các khối u gan nguyên phát chủ yếu là giàu mạch, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. 10% HCC là nghèo mạch. Ung thư đường mật là ngèo mạch, nhưng có thể ngấm thuốc muộn (hình).

Ung thư đường mật có mô sẹo tăng tỷ trọng tương đối ở thì muộn (mũi tên).

bên trái(hình trên), một khối nghèo mạch ngấm thuốc không đều trong thì động mạch muộn và tĩnh mạch cửa muộn. Đây là dấu hiệu của bệnh ác tính.

Trên các hình ảnh thì muộn, một cấu trúc có tỷ trọng tương đối được thấy ở trung tâm, cấu trúc này thải chất cản quang chậm hơn so với gan bình thường.
Điều này có nghĩa là khối u này được cấu tạo chủ yếu bởi các mô xơ.
Các mô xơ cũng đã co kéo bao gan.
Những dấu hiệu này rất gợi ý ung thư đường mật.

Sẹo (Scar)

Các tổn thương gan có thể có sẹo ở trung tâm là FNH, ung thư tế bào gan dạng xơ dẹt, ung thư biểu mô đường mật, u máu và ung thư biểu mô tế bào gan.

Trên CT, sẹp đôi khi có thể thấy là một cấu trúc giảm tỷ trọng.
Trên MRI, mô sẹo giảm tín hiệu trên cả xung T1 và T2 do những thay đổi mạnh về mô xơ. Một ví dụ là sẹo trung tâm của ung thư ung thư tế bào gan dạng xơ dẹt (FLC)
Một ngoại lệ đối với quy tắc này là sẹo trung tâm trong FNH thì tăng tín hiệu trên xung T2 do phù.
Xung T2 có thể rất hữu ích nếu muốn phân biệt FNH với FLC.

Cả trên CT và MRI mô sẹo sẽ ngấm thuốc trong thì muộn.

FNH có sẹo trung tâm thấy trong NECT, thì tĩnh mạch cửa và thì muộn.

bên trái (hình trên) một tổn thương có sẹo trung tâm điển hình. Tổn thương có trung tâm giảm tỷ trọng trên NECT.
Trong thì tĩnh mạch cửa có sự ngấm thuốc tổn thương đồng nhất trừ sẹo.

Sự ngấm thuốc mô xơ của sẹo trung tâm chỉ thấy trên thì muộn.
Sự kết hợp của ngấm thuốc đồng nhất và sẹo trung tâm là điển hình để chẩn đoán FNH.

Vỏ bao (Capsule)

Tổn thương gan có thể có vỏ bao là u tuyến gan, HCC và bướu tuyến nang đường mật (cystadenoma) và ung thư tuyến nang đường mật (cystadenocarcinoma) .
Khối u phổ biến nhất có vỏ bao là HCC.

Vỏ bao sẽ không ngấm thuốc trong thì động mạch và ngay cả trong thì tĩnh mạch cửa, nó sẽ tỷ trọng , bởi vì mô xơ ngấm thuốc rất chậm.
Vỏ bao thường được nhìn thấy rõ nhất trong thì muộn như là một cấu trúc tăng tỷ trọng tương đối.

Hình ảnh trong NECT và thì động mạch cho thấy vỏ bao giảm tỷ trong của HCC.

Trong 30% trường hợp, Adenoma thường có một vỏ bao xơ mỏng.
Nó có đường bờ rõ và các động mạch nuôi dưới vỏ bao.

Vỏ bao trong Adenoma không quan sát thấy trong thì tĩnh mạch cửa, quan sát rõ trong thì muộn.

Ở bên trái, một bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan khác
Chỉ trong thì muộn, vỏ bao sáng tương đối mới quan sát thấy.
Hình ảnh bên trái được chụp tại thời điểm 8 phút sau khi tiêm thuốc cản quang.
Lưu ý rằng bản thân khối u giảm tỷ trọng tương đối trong thì muộn.
Vì vậy, nó thải thuốc nhanh.

TRÁI: Vỏ bao ngấm thuốc sáng của HCC ở thì muộn. Phải: Mẫu mô bệnh học.

Vôi hóa (Calcifications)

Vôi hóa trung tâm được thấy trong:

  • Di căn (đặc biệt là trong các khối u đại trực tràng)
  • FLC
  • Ung thư đường mật
  • U máu

Các vôi hóa này tăng tỷ trọng trên CT và giảm tín hiệu trên xung T1, T2 của MRI.

Ở FLC, những vôi hóa này nằm trong sẹo trung tâm như hình bên trái.

NECT của FLC Fibrolamellar với vôi hóa trung tâm

Mỡ (Fat)

Mỡ trong khối u gan được thấy trong:

Adenoma
HCC
Sarcoma mỡ di căn
U cơ mỡ mạch

Trường hợp bên trái cho thấy một u tuyến có lắng đọng mỡ trong khối u.

Vùng tỷ trọng thấp do mỡ ở Adenoma

Xuất huyết (Hemorrhage)

Xuất huyết trong các khối u gan gặp trong:

Adenoma
HCC

Xuất huyết thường thấy nhất ở u tuyến.
Trường hợp bên trái (hình dưới) cho thấy một tổn thương có giới hạn rõ xuất huyết.
Khi cắt bỏ, tổn thương được chứng minh là một u tuyến.

Xuất huyết trong u tuyến.

Thành phần nang (Cystic components)

Nếu một tổn thương có tỷ trọng gần bằng nước ở trung tâm và không ngấm ở trung tâm, chúng tôi thường gọi nó là tổn thương dạng nang.
Bạn phải nhận ra rằng nó vẫn có thể là một khối u như trong di căn dạng nang hoặc di căn với hoại tử trung tâm.
Luôn Chẩn đoán loại trừ với Áp xe

 

Ở bên trái (hình trên), một bệnh nhân có tổn thương nghèo mạch, tỷ trọng thấp, vì vậy nó có thể là dạng nang, tức là có chứa dịch.
Những tổn thương này nhiều, nhưng không trải khắp nhu mô gan, vì vậy chúng tôi mô tả chúng là những tổn thương dạng nhóm hoặc vệ tinh. Đây là một dấu hiệu điển hình nghi ngờ áp xe gan.
Đây là một trường hợp viêm túi thừa. Đường thông thường là qua tĩnh mạch cửa do nhiễm trùng ổ bụng. Vi khuẩn xâm nhập vào dòng chảy chậm hệ cửa, nơi chúng xếp lớp trong mạch máu và cuối cùng những vi khuẩn này ‘rơi xuống’ phần phụ thuộc của thùy phải.

 

Hình ảnh CT và MRI xung T2 của nang sán dây nhỏ.

Ở bên trái (hình trên), một trường hợp điển hình của u nang sán dây nhỏ với ‘ nang con’ bên trong nang lớn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nang sán dây nhỏ không phải là điển hình.

Nếu bạn nhìn vào hình ảnh CT bên trái (hình dưới), ấn tượng đầu tiên có thể là chỉ có những nang đơn giản trong gan.


Tuy nhiên, nếu bạn quan sát kỹ hơn, bạn sẽ nhận thấy rằng một số tổn thương giảm tỷ trọng có tăng quang viền không rõ ràng.
Và mặc dù bạn có thể nghĩ rằng đây có thể là những di căn dạng nang, nhưng kết quả siêu âm cho thấy rõ ràng rằng những tổn thương này là những khối đặc tăng âm.
Vì vậy, bạn phải hết sức cẩn thận trong việc gọi tên là tổn thương dạng nang, bởi vì bạn có thể bỏ sót di căn hoặc có chẩn đoán phân biệt sai.

Co kéo bao gan (Retraction of liver capsule)

Hầu hết các khối u gan sẽ biểu hiện dưới dạng một khối.
Tuy nhiên, một số khối u có dạng phát triển thâm nhiễm với rất nhiều xơ và không gây hiệu ứng hàng loạt.
Khi chất nền mô sợi trưởng thành, mô sẽ co lại và gây co kéo bao gan (hình).
Di căn từ ung thư vú có thể ở dạng thâm nhiễm. Khi chúng co lại, chúng có thể gây ra nhiều sự co kéo.
Điều này gây ra biểu hiện giả xơ gan.

Thì gan (thì tĩnh mạch cửa) và thì muộn ở bệnh nhân K vú di căn gây co kéo bao gan. Lưu ý sự tăng quang/ngấm thuốc muộn của mô xơ (mũi tên)

Tuy nhiên, khối u phổ biến nhất gây co kéo là ung thư biểu mô đường mật.
Hình ảnh thì muộn bên trái cho thấy một ung thư đường mật kích thước lớn với mô xơ có tỷ trọng ngấm thuốc/ tăng quang và co kéo bao gan.
Lưu ý sự tương đồng với trường hợp trên.

Hình ảnh thì muộn của một ung thư biểu mô đường mật với mô sợi có tỷ trọng tương đối với co kéo bao gan.

Một nguyên nhân khác của co kéo cục bộ là teo do tắc mật hoặc tắc tĩnh mạch cửa mãn tính.

Bên trái(hình dưới) một trường hợp ung thư biểu mô đường mật khác với tổn thương đa ổ.
Lưu ý sự co kéo và sự ngấm thuốc muộn của thành phần xơ của khối u.

Thì gan (thì Tĩnh mạch cửa) và thì muộn ở bệnh nhân ung thư biểu mô đường mật đa ổ gây co kéo bao gan.

Ngấm thuốc ngoại vi và lấp đầy dần (Peripheral enhancement and progressive fill in

Nhiều người sẽ cho ‘Ngấm thuốc ngoại vi và lấp đầy dần’ là một đặc điểm điển hình của máu, nhưng thực tế không phải vậy.
Ngấm thuốc ngoại vi dạng viền là đặc điểm điển hình của tổn thương ác tính và chỉ ngấm thuốc ngoại vi dạng nốt không liên tục và có đặc điểm của hồ máu là đặc điểm điển hình của u máu.

TRÁI: ngấm thuốc viền trong di căn.
PHẢI: u máu với ngấm thuốc ngoại vi dạng nốt không liên tục.

Nhiều di căn nghèo mạch sẽ cho thấy sự khuếch tán thuốc cản quang từ ngoài vào trong tổn thương. Thường thì không ngấm trung tâm.
Ung thư biểu mô đường mật sẽ có dấu hiệu lấp đầy dần vì trung tâm xơ sẽ ngấm thuốc chậm. Bạn sẽ thấy nó ngấm thuốc trong thì muộn (xem phần II)
Vì vậy, nếu bạn muốn chẩn đoán u máu, bạn phải xem xét tất cả các thì khác để xem liệu sự ngấm thuốc có đặc điểm của hồ máu không.

Lấp đầy dần vào u máu (trái), ung thư biểu mô đường mật (giữa) và di căn (phải).

Cùng theo dõi những bài viết khác để bồi dưỡng thêm kiến thức y khoa và thuật ngữ tiếng anh chuyên ngành Y Khoa tại trang chủ anhvanyds.com các bạn nhé.

BS. Võ Thị Thanh Hương

Nguồn tham khảo:

https://radiologyassistant.nl/abdomen/liver/characterisation-of-liver-masses#characterisation-of-liver-masses-calcifications

Bài viết khác cùng chuyên mục:

Tiếp cận chẩn đoán hình ảnh trong thuyên tắc phổi ở bệnh nhân COVID-19 (Imaging approach to COVID-19 associated pulmonary embolism)

Chẩn Đoán Phân Biệt Các Khối U Xương (Differential Diagnosis Of Bone Tumors)

 

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*