Chẩn Đoán Phân Biệt Các Khối U Xương (Differential Diagnosis Of Bone Tumors)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận cách tiếp cận có hệ thống để chẩn đoán phân biệt các khối u xương và các tổn thương giống khối u. Chẩn đoán phân biệt chủ yếu phụ thuộc vào việc đánh giá các phim chụp X quang thông thường và tuổi của bệnh nhân.

Các từ viết tắt được sử dụng:

ABC = Aneurysmal bone cyst: Nang xương phình mạch

CMF = Chondromyxoid fibroma: U xơ sụn nhầy

EG = Eosinophilic Granuloma: U hạt ái toan

GCT = Giant cell tumour: U tế bào khổng lồ

FD = Fibrous dysplasia: Loạn sản xơ

HPT = Hyperparathyroidism with Brown tumor: Cường tuyến cận giáp với u nâu

NOF = Non Ossifying Fibroma: U xơ không cốt hóa

SBC = Simple Bone Cyst: Nang xương đơn giản

Tiếp cận có hệ thống (Systematic Approach)

Các yếu tố quyết định quan trọng nhất trong việc phân tích một khối u xương tiềm tàng là:

  1. Hình thái tổn thương xương trên phim X quang không chuẩn bị (plain radiograph)

– Tiêu xương bờ xác định rõ  (Well-defined osteolytic)

– Tiêu xương bờ xác định không rõ (ill-defined osteolytic)

– Xơ cứng (Sclerotic)

  1. Tuổi của bệnh nhân

Điều quan trọng là nhận ra rằng chụp X quang không chuẩn bị là cách thăm khám hữu ích nhất để phân biệt các tổn thương này.

CT và MRI chỉ hữu ích trong một số trường hợp được chọn.

Hình 1.

<30t: FD – Loạn sản xơ, Ewing, EG – U hạt ái toan, Osteoid osteoma – U xương dạng xương, NOF – U xơ không cốt hóa, SBC – Nang xương đơn giản, Osteo Chondroma – U xương sụn, CMF – U xơ sụn nhầy, Enchond – U nội sụn, ABC – Nang xương phình mạch, Osteo sarcoma – Sarcom xương, Chondroblastoma – U nguyên bào sụn, Infection – Nhiễm trùng.

>30t: Metastasis – di căn, Myeloma – U tủy, Lymphoma – U lympho, HPT – Cường tuyến cận giáp, Enchondroma – u nội sụn, Chondrosarcoma – Sarcom sụn, Geode – khuyết xương, Giant CT – U tế bào khổng lồ, Infection – Nhiễm trùng.

Hầu hết các khối u xương đều bị tiêu xương.

Chỉ số đáng tin cậy nhất để xác định xem những tổn thương này lành tính hay ác tính là vùng chuyển tiếp giữa tổn thương và xương bình thường kế cận.

Khi mà chúng ta đã quyết định xem tổn thương xương là xơ cứng hay tiêu xương và liệu nó có bờ rõ hay không rõ, câu hỏi tiếp theo nên là: bệnh nhân bao nhiêu tuổi?

Tuổi là manh mối quan trọng nhất trên lâm sàng.

Cuối cùng, các manh mối khác cần được xem xét, chẳng hạn như sự khu trú của tổn thương trong khung xương và trong xương, bất kỳ phản ứng màng xương nào (periosteal reaction), phá hủy vỏ xương (cortical destruction), vôi hóa nền (matrix calcifications), v.v.

Hình 2. Xquang không chuẩn bị (Plain radiograph

Lytic well defined: tiêu xương xác định rõ

Lytic ill defined: tiêu xương xác định không rõ

Sclerotic: xơ cứng

Location (vị trí): Long bone – axial: trục xương dài, Body or arch of spine: thân hoặc vòm cột sống, Dia – meta – epiphysis: thân xương – hành xương – đầu xương, centric – eccentric: trung tâm – lệch tâm

Miscellaneous (các thể): solitary – multiple: đơn độc – đa ổ, periosteal reaction – phản ứng màng xương, cortical destruction – phá hủy vỏ xương.

Trong bảng dưới đây, hình thái tổn thương xương được kết hợp với tuổi của bệnh nhân.

Lưu ý những điều sau:

Nhiễm trùng, một dạng thường gặp giống khối u, gặp ở mọi lứa tuổi.

Nhiễm trùng có thể có tiêu xương bờ xác định rõ hoặc bờ xác định không rõ, và thậm chí xơ cứng.

U hạt ái toan (EG) và nhiễm trùng nên được đề cập trong chẩn đoán phân biệt với hầu hết mọi tổn thương xương ở bệnh nhân. Nhiều tổn thương xơ cứng ở những bệnh nhân trên 20 tuổi đã lành, các tổn thương xương trước đây đã cốt hóa (ossified), chẳng hạn như: NOF, EG, SBC, ABC và u nguyên bào sụn.

Hình 3

0 – 10t: EG – U hạt ái toan , SBC – Nang xương đơn giản, Ewing, Osteosarcoma – Sarcom xương , Leukemia – Bệnh bạch cầu.

10 – 20t: NOF – U xơ không cốt hóa, Osteoblastoma – U nguyên bào xương , Fibro dyplasia – loạn sản xơ , EG, SBC, ABC – Nang xương phình mạch, Chondroblast –  Nguyên bào sụn, CMF – U xơ sụn nhầy, Ewing, Osteosarcoma – Sarcom xương, Osteoid osteo – U xương dạng xương , Osteoblastoma – U nguyên bào xương.

20 – 40t: Giant CT – U tế bào khổng lồ, Enchondroma – U nội sụn, Chondrosarcoma: Sarcom sụn (mức độ biệt hóa thấp-low grade), HPT brown tumor – Cường tuyến cận giáp với U nâu, Osteoblastoma – U nguyên bào xương, Osteoma – U xương, Bone island – đảo xương,

Parosteal Osteosarcoma – Ung thư xương mặt ngoài màng xương; Healed lesions: các tổn thương đã lành: NOF, EG, SBC, ABC, Chondroblast – u nguyên bào sụn.

>40t: Metastases – di căn, Myeloma – U tủy, Geode – khuyết xương, Chondrosarcoma: Sarcom sụn (mức độ biệt hóa cao-high grade), Bone island – đảo xương.

All ages – mọi lứa tuổi: infection – nhiễm trùng.

Vùng chuyển tiếp (Zone of transition)

Để phân loại các tổn thương tiêu xương bờ xác định rõ hay không rõ, chúng ta cần xem xét vùng chuyển tiếp giữa tổn thương và xương bình thường kế cận.

Vùng chuyển tiếp là chỉ số đáng tin cậy nhất để xác định xem một tổn thương tiêu xương là lành tính hay ác tính.

Vùng chuyển tiếp chỉ áp dụng cho các tổn thương tiêu xương vì các tổn thương xơ cứng thường có vùng chuyển tiếp hẹp.

Vùng chuyển tiếp nhỏ (Small zone of transition)

Vùng chuyển tiếp nhỏ tạo ra đường bờ rõ ràng và là dấu hiệu của sự tiến triển chậm.

Đường bờ xơ cứng đặc biệt cho thấy hoạt động sinh học kém.

Ở bệnh nhân> 30 tuổi và đặc biệt trên 40 tuổi, mặc dù các đặc điểm X quang lành tính, di căn hoặc u tương bào (plasmacytoma) cũng phải được xem xét

Trong ba tổn thương xương dưới đây với vùng chuyển tiếp hẹp. Căn cứ vào hình thái và tuổi của bệnh nhân, những tổn thương này là lành tính.

Lưu ý rằng ở cả ba bệnh nhân, các sụn tăng trưởng (growth plates) vẫn chưa đóng lại.

Hình 4. Ở các bệnh nhân <30t có vùng chuyển tiếp hẹp cho thấy sự lành tính

Các hình trên tương ứng với vùng chuyển tiếp hẹp của các bệnh: NOF – U xơ không cốt hóa, SBC – Nang xương đơn giản, ABC – Nang xương phình mạch.

Ở những bệnh nhân> 40 tuổi, di căn và đa u tủy (multiple myeloma) là các khối u xương thường gặp nhất.

Di căn ở độ tuổi dưới 40 là cực kỳ hiếm, trừ khi bệnh nhân được biết là mắc bệnh ác tính nguyên phát.

Di căn có thể được đưa vào chẩn đoán phân biệt nếu bệnh nhân trẻ tuổi được biết là có bệnh lý ác tính, chẳng hạn như u nguyên bào thần kinh (neuroblastoma), sarcom cơ vân (rhabdomyosarcoma) hoặc u nguyên bào võng mạc (retinoblastoma).

Vùng chuyển tiếp rộng (Wide zone of transition)

Đường bờ không xác định rõ với vùng chuyển tiếp rộng là dấu hiệu của sự tiến triển nhanh.  Đó là một đặc điểm của khối u xương ác tính.

Có hai tổn thương giống khối u có thể giống bệnh ác tính và phải được đưa vào chẩn đoán phân biệt. Đó là nhiễm trùng và u hạt ái toan. Cả hai bệnh này đều có thể có kiểu tiến triển nhanh.

Nhiễm trùng và u hạt ái toan là ngoại lệ vì chúng là những tổn thương lành tính có thể có vẻ như ác tính do hoạt động sinh học tiến triển mạnh của chúng. Những tổn thương này có thể có đường bờ không rõ, nhưng cũng có thể thấy sự phá hủy vỏ xương và kiểu phản ứng màng xương tiến triển.

Hình 5. Di căn và U tủy phải luôn luôn được đưa vào chẩn đoán phân biệt của tổn thương xương đường bờ rõ ở bệnh nhân >40t.

Vùng chuyển tiếp rộng cho thấy tổn thương ác tính (sarcom xương-osteosarcoma) hoặc nhiễm trùng (infection) hoặc u hạt ái toan (eosinoph granuloma).

Tuổi (Age)

Tuổi là manh mối quan trọng nhất trên lâm sàng trong việc phân biệt các khối u xương có thể xảy ra. Có nhiều cách phân chia các nhóm tuổi, như có thể thấy trong hình 3. Một số chọn cách chia bệnh nhân thành hai nhóm tuổi: 30 tuổi.

Hầu hết các khối u xương nguyên phát được thấy ở những bệnh nhân trên 30 tuổi, chúng ta phải luôn đưa di căn và u tủy vào chẩn đoán phân biệt.

Phản ứng màng xương (Periosteal reaction)

Phản ứng màng xương là một phản ứng không đặc hiệu và sẽ xảy ra bất cứ khi nào màng xương bị kích thích bởi khối u ác tính, khối u xương lành tính, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Có hai kiểu phản ứng màng xương: kiểu lành tính và kiểu tiến triển.

Kiểu lành tính gặp trong các tổn thương lành tính như khối u lành tính và sau chấn thương.

Kiểu tiến triển gặp trong các khối u ác tính, nhưng cũng có trong các tổn thương lành tính với hoạt động tiến tiển mạnh, ví dụ như nhiễm trùng và u hạt ái toan.

Hình 6 . Phản ứng màng xương (Periosteal reaction)

Benign (Lành tính): Solid (đặc)

Aggressive (Tiến triển): Lamellated (theo lớp)

Very aggressive (Rất tiến triển): Spiculated (tua gai), Codman’s: tam giác Codman.

Phản ứng màng xương lành tính (Benign periosteal reaction)

Việc phát hiện phản ứng màng xương lành tính có thể rất hữu ích, vì các tổn thương ác tính không bao giờ gây ra phản ứng màng xương lành tính. Kiểu phản ứng màng xương lành tính là sự hình thành mô sẹo dày, gợn sóng và đồng đều do sự kích thích lâu ngày.

Trong trường hợp tổn thương lành tính, phát triển chậm, màng xương có thời gian để hình thành lớp xương mới dày và tái tạo thành vỏ xương biểu hiện bình thường hơn.

Hình 7. Phản ứng màng xương lành tính trong u xương dạng xương (osteoid osteoma)

 Phản ứng màng xương tiến triển (Aggressive periosteal reaction)

Kiểu viêm màng xương (periostitis) này có nhiều tầng, theo lớp hoặc cho thấy sự hình thành xương vuông góc với vỏ xương. Nó có thể là tua gai (spiculated) và đứt đoạn (interrupted) – đôi khi có hình tam giác Codman. Hình tam giác Codman cho thấy đến sự nhô cao của màng xương ra khỏi vỏ xương, tạo thành một góc mà ở đó màng xương và xương nhô cao cùng với nhau. Trong viêm màng xương tiến triển, màng xương không có thời gian để làm chắc lại (consolidate).

Hình 8. Phản ứng màng xương tiến triển

Hình bên trái: Sarcom xương (Osteosarcoma) có phản ứng màng xương bị đứt đoạn và tam giác Codman ở gần. Có sự hình thành xương màng xương vuông góc với vỏ xương và sự hình thành chất nền xương mở rộng bởi chính khối u.

Hình ở giữa: sarcom Ewing với phản ứng màng xương bị đứt đoạn khu trú và có nhiều lớp. (mũi tên xanh dương)  

Hình bên phải: Nhiễm trùng với phản ứng màng xương nhiều lớp. Lưu ý rằng viêm màng xương tiến triển, nhưng không rầm rộ như hai trường hợp trên.

Loạn sản xơ (Fibrous dysplasia), U nội sụn (Enchondroma), NOF (U xơ không cốt hóa) và SBC (Nang xương đơn giản) là những tổn thương xương thường gặp. Chúng sẽ không biểu hiện với phản ứng màng xương trừ khi có gãy xương. Nếu không bị gãy xương thì có thể loại trừ các khối u xương này.

Phá hủy vỏ xương (Cortical destruction)

Phá hủy vỏ xương là một đặc điểm thường gặp và không hữu ích lắm trong việc phân biệt giữa tổn thương ác tính và lành tính. Sự phá hủy hoàn toàn có thể thấy ở các tổn thương ác tính có mức độ biệt hóa cao, nhưng cũng có thể thấy ở các tổn thương lành tính tiến triển cục bộ như EG (u hạt ái toan) và viêm xương tủy xương (osteomyelitis).

Phá hủy vỏ xương đồng đều hơn có thể được tìm thấy trong các tổn thương lành tính và ác tính có mức độ biệt hóa thấp. Lớp vỏ sò bên trong màng xương của vỏ xương (Endosteal scalloping of the cortical bone) có thể được nhìn thấy trong các tổn thương lành tính như FD (Loạn sản xơ) và sarcom sụn (chondrosarcoma) mức độ biệt hóa thấp.

Hình 9 cho thấy sự phá hủy vỏ xương không đều trong sarcom xương (bên trái) và sự phá hủy vỏ xương với phản ứng màng xương tiến triển trong sarcom Ewing (bên phải)

Phồng màng xương (Ballooning-bong bóng)

là một loại phá hủy vỏ xương đặc biệt. Trong phồng màng xương, sự phá hủy bên trong màng xương của vỏ xương và sự bổ sung của xương mới ở bên ngoài diễn ra với tốc độ như nhau, dẫn đến sự phồng to. ‘Tạo xương mới-neocortex’ này có thể trơn tru và không bị đứt đoạn, nhưng cũng có thể bị đứt đoạn khu trú ở những tổn thương tiến triển hơn như GCT (u tế bào khổng lồ).

Hình 10.

Chondromyxoid fibroma: U xơ sụn nhầy (bên trái): Tổn thương lành tính, bờ xác định rõ, phồng ra với sự phá hủy vỏ xương đồng đều và một lớp ngoại vi của xương mới.

Giant cell tumor: U tế bào khổng lồ (bên phải): Tổn thương tiến triển cục bộ với sự phá hủy vỏ xương, phồng to và một lớp xương mới ngoại vi mỏng, bị đứt đoạn. Chú ý vùng chuyển tiếp rộng về phía khoang tủy (marrow cavity), đó là dấu hiệu của hoạt động tiến triển.

Trong nhóm các khối u tế bào tròn nhỏ ác tính bao gồm sarcom Ewing, u lympho xương và sarcom xương tế bào nhỏ, vỏ xương có thể biểu hiện gần như bình thường trên X quang, trong khi có sự phát triển dạng thấm (permeative growth) qua các kênh Havers. Những khối u này có thể đi kèm với một khối mô mềm lớn trong khi hầu như không thấy sự phá hủy vỏ xương.

Hình 11. Sarcoma Ewing với sự phát triển dạng thấm qua các kênh Havers kèm theo một khối mô mềm lớn. X quang không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của phá hủy vỏ xương

Vị trí trong khung xương (Location within the skeleton)

Vị trí của tổn thương xương trong khung xương có thể là manh mối trong chẩn đoán phân biệt. Hình minh họa dưới đây cho thấy các vị trí ưa thích của các khối u xương thường gặp nhất. Ở một số vị trí, chẳng hạn như ở xương cánh tay (humerus) hoặc xung quanh gối, hầu như tất cả các khối u xương có thể được tìm thấy.

Năm vị trí hàng đầu của khối u xương theo thứ tự bảng chữ cái (trong tiếng Anh):

– Nang xương phình mạch (ABC): xương chày (tibia), xương đùi (femur), xương mác (fibula), cột sống (spine), xương cánh tay (humerus).

– U nguyên bào tạo men (Adamantinoma): trục xương chày, xương hàm dưới

– U nguyên bào sụn (Chondroblastoma): xương đùi, xương cánh tay, xương chày, xương cổ chân (xương gót – calcaneus), xương bánh chè (patella).

– U xơ sụn nhầy (Chondromyxoid fibroma): xương chày, xương đùi, xương cổ chân (tarsal bone) , xương đốt bàn (phalanx foot), xương mác

– Sarcom sụn (Chondrosarcoma): xương đùi, xương sườn, xương chậu (iliac bone), xương cánh tay, xương chày

– U nguyên sống (Chordoma): xương cùng cụt, xương bướm-chẩm, cột sống cổ, cột sống thắt lưng, cột sống ngực.

– U hạt ái toan (Eosinophilic Granuloma): xương đùi, hộp sọ, xương chậu, xương sườn, đốt sống

– U nội sụn (Enchondroma): các xương đốt của bàn tay và bàn chân, xương đùi, xương cánh tay, xương bàn tay (metacarpals), xương sườn

– Sarcom Ewing: xương đùi, xương chậu, xương mác, xương sườn, xương chày

– Loạn sản xơ (Fibrous dysplasia): xương đùi, xương chày, xương sườn, hộp sọ, xương cánh tay

– U tế bào khổng lồ (Giant Cell Tumor): xương đùi, xương chày, xương mác, xương cánh tay, đầu xa xương quay.

– U máu (Hemangioma): cột sống, xương sườn, xương sọ mặt, xương đùi, xương chày

– U lympho (Lymphoma): xương đùi, xương chày, xương cánh tay, xương chậu, đốt sống

– Di căn (Metastases): đốt sống, xương sườn, khung chậu (pelvis), xương đùi, xương cánh tay.

– U xơ không cốt hóa (Non Ossifying Fibroma): xương chày, xương đùi, xương mác, xương cánh tay.

– U xương dạng xương (Osteoid osteoma): xương đùi, xương chày, cột sống, xương cổ chân, xương đốt bàn.

– U nguyên bào xương (Osteoblastoma): cột sống, xương cổ chân (xương gót), xương đùi, xương chày, xương cánh tay.

– U xương sụn (Osteochondroma): xương đùi, xương cánh tay, xương chày, xương mác, khung chậu (pelvis).

– Viêm xương tủy xương (Osteomyelitis): xương đùi, xương chày, xương cánh tay, xương mác, xương quay.

– Sarcom xương (Osteosarcoma): xương đùi, xương chày, xương cánh tay, xương mác, xương chậu

– Nang xương đơn độc (Solitary Bone Cyst): đầu gần xương cánh tay, đầu gần xương đùi, xương gót, xương chậu

Hình 12. Các chú thích xin xem lại ở trê

Chú thích thêm: Dentogenic cyst: Nang do răng

Vị trí: đầu xương (epiphysis), hành xương (metaphysis), thân xương (diaphysis)

Đầu xương (Epiphysis)

Chỉ một số tổn thương nằm ở hành xương, vì vậy đây có thể là một đặc điểm quan trọng.

Ở những bệnh nhân trẻ, nó có thể là u nguyên bào sụn hoặc nhiễm trùng. Ở những bệnh nhân trên 20 tuổi, u tế bào khổng lồ phải được đưa vào chẩn đoán phân biệt. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, khuyết xương (geode) tức là nang xương dưới sụn thoái hóa (degenerative subchondral bone cyst) phải được thêm vào để chẩn đoán phân biệt.

Xem xét cẩn thận bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh lý về khớp (arthrosis).

Hành xương (Metaphysis)

U xơ không cốt hóa (NOF), Nang xương đơn giản (SBC), U xơ sụn nhầy (CMF), Sarcom xương (Osteosarcoma), Sarcom sụn (Chondrosarcoma), U nội sụn (Enchondroma), Nhiễm trùng (infections).

Thân xương (Diaphysis)

Sarcom Ewing, Nang xương đơn giản (SBC), Nang xương phình mạch (ABC), U nội sụn (Enchondroma), Loạn sản xơ (Fibrous dysplasia) và U nguyên bào xương (Osteoblastoma).

Không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được giữa vị trí ở thân xương và hành xương. Nhiều tổn thương có thể nằm ở cả hai vùng hoặc di chuyển từ vùng hành xương đến thân xương trong quá trình phát triển. Các tổn thương lớn có xu hướng mở rộng ra cả hai vùng.

Hình 1’. Chú thích xin xem lại ở Hình 1.

Vị trí: trung tâm (centric) – lệch tâm (eccentric) – cạnh vỏ xương (juxtacortical)

Trung tâm trong xương dài (Centric in long bone)

SBC, u hạt ái toan (eosinophilic granuloma), loạn sản xơ (fibrous dysplasia), ABC và u nội sụn (enchondroma) là những tổn thương nằm ở trung tâm trong các xương dài.

Lệch tâm trong xương dài (Eccentric in long bone)

Sarcom xương (Osteosarcoma), NOF (u xơ không cốt hóa), u nguyên bào sụn (chondroblastoma), u xơ sụn nhầy (chondromyxoid fibroma), u tế bào khổng lồ (GCT) và u nguyên bào xương (osteoblastoma) nằm lệch tâm trong các xương dài.

Vỏ xương (Cortical)

U xương dạng xương (Osteoid osteoma) nằm trong vỏ xương và cần được phân biệt với viêm xương tủy xương (osteomyelitis).

Cạnh vỏ xương (Juxtacortical)

U xương sụn (Osteochondroma). Vỏ xương phải mở rộng đến cuống của tổn thương. Sarcom xương mặt ngoài màng xương (Parosteal osteosarcoma) bắt nguồn từ vỏ xương.

Hình 13.
  1. SBC (nang xương đơn giản): trung tâm ở thân xương
  2. NOF (u xơ không cốt hóa): lệch tâm ở hành xương
  3. SBC (nang xương đơn giản): trung tâm ở thân xương
  4. Osteoid osteoma (u xương dạng xương): ở vỏ xương
  5. Degenerative subchondral cyst (nang dưới sụn thoái hóa): ở đầu xương
  6. ABC (nang xương phình mạch): trung tâm của thân xương

Chất nền (Matrix)

Sự vôi hóa (Calcifications) hoặc sự khoáng hóa (mineralization) trong tổn thương xương có thể là một manh mối quan trọng trong chẩn đoán phân biệt.

Có hai loại khoáng hóa: chất nền dạng sụn (chondroid matrix) trong các khối u sụn (cartilaginous tumors) như u nội sụn và sarcom sụn và chất nền dạng xương (osteoid matrix) trong các khối u xương (osseus tumors) như u xương dạng xương và sarcom xương.

Chất nền dạng sụn (Chondroid matrix)

Vôi hóa trong các khối u sụn có nhiều sự mô tả: hình vòng cung (rings-and-arcs), bỏng ngô (popcorn), lốm đốm khu trú (focal stippled) hoặc dạng bông (flocculent).

Hình 14. Chất nền dạng sụn (Chondroid matrix)

Hình bên trái: U nội sụn (Enchondroma), tổn thương thường gặp nhất của xương đốt bàn.

Hình ở giữa: Sarcom sụn (chondrosarcoma) ở ngoại vi, bắt nguồn từ u xương sụn (osteochondroma) (chồi xương – exostosis).

Hình bên phải: Sarcom sụn (Chondrosarcoma) của xương sườn.

Chất nền dạng xương (Osteoid matrix)

Sự khoáng hóa trong các khối u xương có thể được mô tả như một kiểu cốt hóa dạng bè xương (trabecular ossification) trong các tổn thương tạo xương lành tính và như một kiểu vô định hình không xác định rõ hoặc giống như đám mây trong sarcom xương.

Xơ cứng cũng có thể là phản ứng, ví dụ: trong sarcom Ewing hoặc u lympho.

Hình 15. Chất nền dạng xương (Osteoid matrix)

Sarcom xương (Osteosarcoma) (bên trái): Sự hình thành xương dạng đám mây trong sarcom xương. Chú ý phản ứng màng xương tiến triển, đứt đoạn (mũi tên).

U xương dạng xương (Osteoid osteoma) (bên phải): Kiểu cốt hóa dạng bè xương trong u xương dạng xương. Chú ý đến ổ tiêu xương nhỏ (nidus osteolytic) (mũi tên).

Tổn thương nhiều xương (Polyostotic or multiple lesions)

Hầu hết các khối u xương là tổn thương đơn độc. Nếu tổn thương nhiều xương, chẩn đoán phân biệt phải được thiết lập.

Tổn thương nhiều xương

NOF, loạn sản xơ, viêm xương tủy xương đa ổ, u nội sụn, u xương sụn, bệnh bạch cầu và sarcom Ewing di căn. Đa u nội sụn được thấy trong bệnh Ollier. Đa u nội sụn và u máu được thấy trong hội chứng Maffucci.

Tổn thương nhiều xương >30 tuổi

Thường gặp: Di căn, đa u tủy, đa u nội sụn (multiple myeloma).

Ít gặp: Loạn sản xơ, u nâu của cường cận giáp, nhồi máu xương.

Cách ghi nhớ (Mnemonic) đối với nhiều tổn thương tiêu xương (multiple osteolytic lesions): FEEMHI:

Fibrous dysplasia – Loạn sản xơ

Enchondromas – U nội sụn

EG – U hạt ái toan

Metstases and myeloma  – di căn và u tủy

Hyperparathyroidism – Cường tuyến cận giáp

Infection – Nhiễm trùng.

Hình 16. Loạn sản xơ nhiều xương. Nhiều tổn thương tiêu xương ở xương đùi
Hình 17. Tổn thương cột sống (Spine lesio
  1. Hemangioma (U máu).
  2. Metastasis (di căn).
  3. Multiple myeloma (đa u tủy).
  4. Plasmocytoma (u tương bào): đốt sống phẳng (vertebra plana).

Sự xuất hiện đặc điểm ‘Não thu nhỏ – Mini Brain’ này của u tương bào trong cột sống là đặc trưng của bệnh để loại bỏ sinh thiết.

Hình 18. Một số ví dụ điển hình của các khối u xương ở cột sống
Hình 19. Một số ví dụ điển hình của các khối u xương ở bàn chân
Hình 20. một số ví dụ khác về các khối u xương ở bàn chân
Hình 21. một số ví dụ khác về các khối u xương ở bàn châ

Glomus: u cuộn mạch

Mô tả tổn thương xương (cách ghi nhớ) – Bone lesion description (mnemonic)

CAMPS

A: age – tuổi (sự trưởng thành của khung xương)

S: site – vị trí (tên xương và vị trí trong xương) and size – kích thước

P: pattern of destruction – kiểu phá hủy (tổn thương tiêu xương)

M: margins – đường bờ (vùng chuyển tiếp)

M: matrix – chất nền

C: cortical response – đáp ứng vỏ xương

P: periosteal reaction – phản ứng màng xương

S: soft tissue involvement – liên quan với mô mềm

Hình 22. Các khối u thường gặp ở người trẻ (<30t) được minh họa

Pedunculated: có cuống, sessile: không cuống, cauliflower: dạng súp lơ, enostosis = bone island: đảo xương, unicameral bone cyst = simple bone cyst: nang xương đơn độc/đơn giản.

Hình 23. Các khối u thường gặp ở người lớn tuổi (> 30t) được minh họa

Multiple myeloma (đa u tủy): punched out lesions endosteal scalloping (các tổn thương dạng vỏ sò đục lỗ ở lớp trong cùng của vỏ xương)

Chronic osteomyelitis (viêm xương tủy xương mạn tính): với mảnh xương mục (sequestrum), các hốc (cloaca), bao xương (involucrum).

Cùng đón đọc những bài giảng tiếp theo tại anhvanyds nhé!

Tài liệu tham khảo

https://radiologyassistant.nl/musculoskeletal/bone-tumors/differential-diagnosis

https://radiopaedia.org/articles/bone-lesion-description-mnemonic?fbclid=IwAR3hrblA_mpwsiuyKK4y5-JxmtcVNLS0O3GLqzxheIGHgDDoXwLzJCExGLg

https://radiopaedia.org/cases/bone-lesion-differential-diagnosis-illustrations?fbclid=IwAR2I86jsi0iMq01lwh7Te_Qp7iynQh4pN5Ton2risfiskeu4vDqA6nNgDoI

BS. Lê Thị Ny Ny

Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Nguyễn Tri Phương

Giảng viên anhvanyds

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*