Bàn chân bẹt (pes planus) và can thiệp vật lý trị liệu

ĐỊNH NGHĨA

Pes planus thường được gọi là “bàn chân bẹt”, là một dị dạng ở chân tương đối phổ biến và được xác định là do mất vòm dọc giữa của bàn chân nơi nó tiếp xúc hoặc gần như tiếp xúc với mặt đất. Vòm bàn chân là một kết nối dẻo dai và đàn hồi của dây chằng, gân và mạc giữa bàn chân trước và bàn chân sau. Dây chằng gian cốt sên-gót, phần chày-ghe của dây chằng delta, dây chằng gót ghe gan bàn chân và dây chằng sên gót giữa. Vòm đóng vai trò như một cơ sở thích nghi và linh hoạt cho toàn bộ cơ thể. Nó có chức năng làm tiêu tan các lực của vật nặng và có tác dụng tích trữ năng lượng cơ học trong các dây chằng đàn hồi bị kéo căng trong chu kỳ dáng đi. Rối loạn chức năng của phức hợp vòm, đặc biệt liên quan đến bàn chân bẹt linh hoạt, thường không có triệu chứng, nhưng có thể thay đổi cơ sinh học của chi dưới và cột sống thắt lưng gây tăng nguy cơ đau và chấn thương. Pes planus thường hết một cách tự nhiên ở thập niên đầu tiên của cuộc đời, hoặc đôi khi tiến triển thành dạng đau cứng mà gây nên khuyết tật đáng kể. Tất cả trẻ em khi sinh đều có bàn chân bẹt và vòm chân đáng chú ý được nhìn thấy ở khoảng 3 tuổi.

Chân bẹt có hai dạng; chân bẹt mềm dẻo (flexible pes planus) và chân bẹt cứng. Khi vòm chân giữ nguyên khi nâng gót và không chịu lực nhưng biến mất khi đứng thẳng trên một chân, nó được gọi là chân bẹt mềm dẻo trong khi chân bẹt cứng (rigid pes planus) là khi vòm chân không hiện diện ở cả nâng gót và chịu lực.

x-quang chân bẹt

Hình 1: Ảnh chụp X-quang mặt bên của chân trái mô tả pes planus như là một bằng chứng của giảm góc nghiêng gót chân

TỶ LỆ MẮC BỆNH

Các nghiên cứu trước đó chỉ rằng tỷ lệ mắc chân bẹt từ 1% đến 28% ở các nhóm tuổi nhất định. Pes planus phổ biến hơn ở trẻ em và phụ nữ có khuynh hướng mắc tình trạng này hơn so với nam giới ở tuổi trưởng thành. Có khoảng 20-30% trẻ em mắc một vài dạng của bàn chân bẹt.

Pita-Fernandez và cộng sự đã báo cáo tỷ lệ 26.62% ở mẫu ngẫu nhiên. Những người lớn tuổi và những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao cũng được tìm thấy có sự ảnh hưởng đáng kể lên việc bị bàn chân bẹt.

CĂN NGUYÊN

Căn nguyên của bàn chân bẹt có nhiều yếu tố liên quan. Tùy vào căn nguyên mà pes planus có thể được chia thành các loại, cụ thể là bẩm sinh và mắc phải. Các yếu tố này là:

  • Dị dạng bàn chân ngựa vẹo trong, lỏng dây chằng, dị dạng nhón gót, dị dạng xoay xương chày, sự hiện diện của xương ghe phụ, xương sên thẳng đứng bẩm sinh và dính các xương bàn chân.
  • Tiểu đường và béo phì cũng là các yếu tố có thể có liên quan đến pes planus.
  • Chấn thương chân và mắt cá như là đứt hoặc rối loạn chức năng của gân chày sau.
  • Biến dạng di truyền như là hội chứng Down và hội chứng Marfan.
  • Các yếu tố gia đình.
  • Yếu vòm chân do dùng quá mức và các dạng nhất định của tình trạng hoặc chấn thương chân.
  • Một số tình trạng y khoa như là viêm khớp, nứt đốt sống/ gai đôi cột sống, bại não, cứng khớp và loạn dưỡng cơ.
  • Bàn chân bẹt cũng có thể xảy ra như là một kết quả của thai kỳ.
  • Các yếu tố gây ra do khám bệnh hoặc điều trị như chuyển gân chày sau.

SINH LÝ BỆNH HỌC

Xương gót chân, xương ghe, xương sên, ba xương nêm đầu tiên và ba xương đốt bàn chân đầu tiên tạo nên vòm dọc giữa. Vòm này được hỗ trợ bởi gân chày sau, dây chằng gót-ghe bàn chân, dây chằng delta, mạc gan chân, cơ gấp dài và cơ gấp ngắn ngón chân cái. Rối loạn chức năng hoặc chấn thương đến bất cứ một trong các cấu trúc này có thể gây ra chân bẹt mắc phải (acquired pes planus). Sức căng quá mức ở cơ ba đầu cẳng chân, béo phì, co cứng gân Achilles hoặc cơ bắp chân, lỏng dây chằng gót-ghe gan bàn chân, cân mạc, hoặc các dây chằng bàn chân hỗ trợ khác cũng có thể gây ra chân bẹt mắc phải.

Hình 2: vòm dọc giữa được tạo nên bởi xương gót chân, xương sên, xương ghe, ba xương nêm đầu tiên và ba xương đốt bàn chân đầu tiên.

Chân bẹt cứng thì hiếm nhưng thường bắt đầu từ thời thơ ấu; tật dính các xương bàn chân, xương ghe phụ, xương sên đứng bẩm sinh, hoặc các dạng khác của bệnh chân sau bẩm sinh thường là các yếu tố cơ sở.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

  • Triệu chứng chính của bàn chân bẹt là đau chân do căng cơ và các mô liên kết; đau dọc theo hướng gân chày sau, mất khả năng hoặc đau khi cố thực hiện nâng gót một chân.
  • Một vài người bị bàn chân bẹt có mắt cá hướng vào trong với phần lớn sự chịu lực trên bàn chân lệch vào giữa.
  • Việc gánh trọng lượng bị lệch có thể dẫn đến cơ sinh học bất thường ở chi dưới, do đó có thể khiến vòm bàn chân, bắp chân, đầu gối, hông, lưng dưới và cẳng chân bị đau.
  • Có thể phù nề ở mặt giữa của chân.
  • Cứng một hoặc cả hai vòm của hai chân.
  • Co cứng bàn chân và cơ mắt cá chân ở khoang bên.
  • Sự phân bổ trọng lượng cơ thể không đồng đều với kết quả là việc mang giày lệch vào phía mép trong của chân thì dẫn đến chấn thương thêm.
  • Khó khăn trong việc đi lại.

CÁC ĐỒNG MẮC LIÊN QUAN

Sự xuất hiện đồng thời của nhiều bệnh bao gồm nhưng không giới hạn các tình trạng thần kinh như là bại não; di truyền ví dụ như hội chứng Down, hội chứng Marfan hoặc Ehlers Danos; bệnh khớp charcot; rối loạn cơ chày sau; béo phì; các bệnh về khớp; hội chứng Shprintzen-Goldberg.

QUẢN LÝ Y TẾ

Trẻ em hiếm khi yêu cầu điều trị cho pes planus. Dụng cụ chỉnh hình chân được chỉ định cho đau chân thứ cấp chỉ do pes planus hoặc do pes planus kết hợp với đau chân, đầu gối và lưng.

Ở người trưởng thành, điều trị được dựa trên căn nguyên. Dụng cụ chỉnh hình chân và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) là đủ cho cơn đau.

Phẫu thuật chỉ được yêu cầu cho bàn chân bẹt cứng và trong các trường hợp kháng trị để làm giảm triệu chứng. Phần lớn các phương pháp phẫu thuật nhằm mục đích sắp xếp lại hình dạng và cơ học của bàn chân. Các phẫu thuật này có thể là chuyển gân, phẫu thuật mở xương, phẫu thuật làm cứng khớp và nơi mà các phẫu thuật khác thất bại thì phẫu thuật làm cứng ba khớp được thực hiện.

ĐIỀU TRỊ VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Mục tiêu của vật lý trị liệu là tối thiểu cơn đau, tăng sự linh hoạt của bàn chân, làm mạnh các cơ bị yếu, huấn luyện khả năng cảm nhận vị trí, giáo dục và trấn an bệnh nhân.

Kiểm soát đau bao gồm nghỉ ngơi, điều chỉnh hoạt động, trị liệu lạnh, xoa bóp và thuốc chống viêm không chứa steroid. Siêu âm và kích thích điện xung cũng có thể được sử dụng để giảm đau. Kích thích điện sẽ hỗ trợ tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình hồi phục, giảm khó chịu và phù nề.

Các bài tập tăng sức linh hoạt là bài tập tầm vận động thụ động của mắt cá và tất cả khớp của bàn chân; dãn phức hợp cơ sinh đôi cẳng chân – cơ dép và cơ mác bên ngắn để làm giảm vẹo trong và áp chân; duỗi gân Achilles và các cơ bắp chân để làm giảm căng cứng gân gót.

Các bài tập tăng sức mạnh:

Các bài tập tăng sức mạnh được cung cấp cho cơ chày trước và cơ chày sau, cơ gập dài ngón chân cái, cơ nội tại bàn chân, cơ gian cốt gan bàn chân, và cơ giang ngón chân cái để ngăn chặn vẹo trong và sự bẹt của vòm trước.

 

Hình 3: Bài tập tăng sức cơ vòm chân với dây trị liệu (theraband): ngồi xuống và bắt chéo chân bị ảnh hưởng qua đùi chân kia. Bao dây trị liệu quanh bàn chân. Nâng bàn chân lên với tay của bạn. Hạ chân về vị trí ban đầu một cách chậm rãi chống lại lực kéo của dây. Mỗi ngày 3 hiệp, mỗi hiệp 10-15 cái.

Kích hoạt toàn bộ các cơ mà được biết là để hỗ trợ vòm dọc giữa và vẹo trong có hoặc không có lực cản.

Đứng chịu lực trên một chân.

Đối với sự cảm nhận về vị trí (proprioception) thì đi trên ngón chân và đi trên gót chân, chịu lực một chân và đi xuống một bề mặt nghiêng là các bài tập có thể được chỉ định.

Hình 4: Đi trên gót chân

Hình 5: Đi trên ngón chân

Ngoài ra, vuốt ngón chân lên khăn và đá cuội, đứng bằng mũi chân trên cầu thang, duỗi ngón chân, xòe ngón chân và đi trên gót chân đều là những bài tập tốt để duy trì vòm bàn chân.

Hình 6: Bài tập cọ chân trên khăn: Các ngón chân gập hoàn toàn; giữ nguyên vị trí đó rồi thả lỏng và duỗi hết mức các ngón chân. Thực hiện 3 hiệp mỗi ngày, mỗi hiệp 10-15 cái.

Hình 7: Đứng trên một bậc thang, chỉ đặt phần chân trước lên đó. Hạ thấp gót chân cho đến khi bạn cảm thấy sự căng ở hai bắp chân. Giữ nguyên vị trí rồi thả lỏng. Mỗi ngày 3 hiệp,mỗi hiệp 10-15 lần

Hình 8: Bài tập xòe ngón chân: các ngón chân xòe hết mức; giữ vị trí đó rồi thả lỏng. Mỗi ngày 3 hiệp, mỗi hiệp 10-15 lần

 

Hình 9:  (A) Duỗi hết mức các ngón chân. (B) Gập hết mức các ngón chân để tạo thành nấm đấm, mỗi ngày tập 3 hiệp, mỗi hiệp 10-15 lần

Hội chẩn giày phù hợp, giới thiệu các cử động kiểm soát giày, chỉnh hình và nẹp cũng cần thiết. Các dụng cụ chỉnh hình chân như là miếng lót giày được dùng để hỗ trợ vòm chân cho đau chân thứ cấp chỉ do pes planus hoặc do pes planus kết hợp với đau cẳng chân, đầu gối và lưng.

Các cá nhân béo phì và thừa cân nên được hội chẩn về giảm cân bằng cách tập thể dục và ăn kiêng; có thể chuyển bệnh nhân đến chuyên gia dinh dưỡng để có cái nhìn thích hợp.

Các bệnh đồng mắc khác phù hợp với vật lý trị liệu cũng có thể được điều trị sau khi khám và có kế hoạch điều trị.

Nguồn tham khảo:

https://www.physio-pedia.com/Pes_Planus

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430802/

http://www.myhealth.gov.my/en/physiotherapy-management-for-flat-foot-pes-p

Lương Nguyễn Minh Phương

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*