28. Để Theo Học Y Không Là Cơn Ác Mộng.

Năm 2006 mình cầm trên tay hai tờ giấy báo trúng tuyển đại học: ngành quản trị mạng và ngành y đa khoa. Thật sự là con trẻ thì không biết chọn gì để học. Má bảo: “Con hãy suy nghĩ kỹ, quyết định cuối cùng là ở con. Nếu đã chọn thì ráng mà học, chứ không có chuyện sau này đang học mà…Má ơi, con học không nổi…”. Nhà mình chưa có ai theo nghề y, má mình là một công nhân công ty cà phê…

Bảo theo học y là cơn ác mộng có vẻ hơi buồn cười, nhưng thực chất là chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Rất nhiều gia đình ước mong con mình có thể theo nghề y khoa, đặt kỳ vọng vào con mình rất nhiều nhưng họ không biết rằng đó chỉ là suy nghĩ của họ. Trẻ có thể có ước mơ và hoài bão rất khác với cha mẹ.

Rất nhiều bạn nộp hồ sơ vào y khoa vì đơn giản là bạn đủ điểm xét tuyển hoặc thuộc diện tuyển thẳng mà học chứ không phải vì tìm hiểu kỹ và vì yêu thích. Cứ không phải giỏi là học ngành nghề nào cũng được.

Không ít trường hợp gặp khó khăn hoặc “gãy cánh giữa đường” khi theo học y. Và do vậy, trong một số hoàn cảnh thì gọi chuyện học là cơn ác mộng cũng không phải là quá lời.

Làm sao các gia đình và các em có cái nhìn thực tế về ngành y khoa? Khi đã có cái nhìn thực tế, thì sự lựa chọn có thể sẽ là khác đi ít nhiều. Một số vấn đề có thể kể đến như sau:

  • Đặc thù nghề nghiệp

Ngành y khoa là lĩnh vực làm việc liên quan trực tiếp đến con người. Mình không muốn nói là “cứu người” vì nói như vậy thì các bạn sẽ tâng bốc ngành y khoa lắm. Trong ngành y khoa có rất nhiều công việc mà liên quan đến chăm sóc sức khỏe con người. Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là một ngành nghề như những ngành nghề khác.

Theo học y khoa cần thời gian rất dài. Khả năng “chín” về nghề là có nhưng rất lâu. Đến tại thời điểm viết bài này, mình chỉ mới biết được những nguyên lý chung về điều trị bệnh lý xương khớp, có những điều còn chưa gặp, chẩn đoán và điêu trị được. Mình đã vào trường y năm 2006, nay đã là 2019. Các bạn cùng lứa đã chủ công trình, trưởng phòng, một số khác trưởng…. nhưng mình thì mới bắt đầu và chưa “chín”. Đặc thù ngành y là kinh nghiệm tích lũy theo thời gian rất dài. Các thầy cô của mình hay nói là “quả chín muộn”.

Ngành y khoa trong nước không phải là ngành có thu nhập cao. Các gia đình đừng mong muốn con cái mình giàu có mà bắt các em theo ngành y. Có thể các cô chú thấy một vài vị bác sĩ có nhà lầu-xe hơi, bệnh nhân đông nườm nượp mà cho con theo họ. Nhưng chúng ta nên biết rằng trong giới y khoa thì rất ít bác sĩ đạt được thành công như vậy. Đa số còn rất chật vật với nghề.

Trong việc theo đuổi ngành y khoa còn chưa kể đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn gian khổ và điều kiện công tác khắc nghiệt. Ở nước chúng ta ngành y khoa chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi nhân viên một cách tốt nhất. Các gia đình và cô chú cứ nhìn bác sĩ Hoàng Công Lương là sẽ hình dung ra bối cảnh trong nước ngay.

  • Đòi hỏi về con người

Những đặc thù về nghề nghiệp đã nói trên không thể cản bạn được nếu bạn thực sự có ước mơ thành một bác sĩ trong tương lai. Nhiều người đã thành công, và nhiều  người đang nối tiếp bước của các đàn anh đi trước. Vậy ngành y khoa có đòi hỏi gì về con người?

Các em chọn học y phải có tính cần cù

Nếu các bạn không chuyên cần, thì khó mà theo thực tập tại trường và viện được một cách tốt nhất. Nếu thực hành không đủ nhiều thì công tác chuyên môn sau này cũng khó khăn. Chưa kể công việc sau này sẽ cần rất nhiều thời gian ở bệnh viện, và thời gian để tự học và tự đào tạo.

Các em chọn học y khoa phải có khả năng tự học tốt và tư duy sáng tạo

Mới đây có bài viết về xét tuyển y khoa phải học lực giỏi (thông tin từ một buổi sinh hoạt công tác tuyển sinh được nhà báo ghi lại, chưa thấy công văn hay hướng dẫn gì của bộ). Cũng mới tuần này ĐH Y Dược công bố 3 cách tuyển sinh, không nhắc tới phải buộc học lực loại giỏi.! Mà theo cá nhân mình, học y không cần cấp 3 có thành tích giỏi gì đặc biệt. Nhiều trường hợp rất giỏi vào trường y thì bê bết, một số trường hợp khác thì học bình thường vào trường lại học rất tốt. Mà “giỏi” ở cấp 3 người ta hay nhắc tới điểm và giấy khen.

Giỏi khả năng suy luận, tư duy phản biện và khả năng tự tìm hiểu kiến thức là điều rất cần ở người theo học y. Phương pháp học tốt, khả năng tự học và tiếp thu bài tốt là sẽ thành công. Bạn không thuộc đối tượng này? Không sao, nhưng bạn sẽ phải biết rằng khối lượng bài vở rất nhiều và sẽ rất vật vã để học và thi qua môn để ra trường. Không thông minh thì phải cần cù vậy!

  • Kinh tế gia đình

Thật may mắn ở Việt Nam không cần phải nhà giàu mới học được y khoa! Có nghĩa là để học một trường y công lập thì số tiền học phí là không cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên có vài điểm các bạn cần lưu ý:

  • Thời gian học quá lâu, khả năng tạo ra thu nhập tốt sau tốt nghiệp là không cao. Nên số tiền đầu tư vào đào tạo không quá nhiều nhưng lại kéo dài.
  • Sách vở tài liệu y khoa khá mắc và nhiều.
  • Thường xuyên di chuyển qua lại giữa các bệnh viện để học tập cũng là một bất lợi vì cần phải có xe máy, có tiền gởi xe, ăn uống ở bệnh viện thì khá mắc.
  • Sinh viên y khó có nhiều thời gian để làm thêm phụ tiền học…

Trên đây chỉ là những ý kiến cá nhân về những khó khăn mà buộc các gia đình và các bạn trẻ phải cân nhắc trước ngưỡng cửa vào đại học. Mặc dù tương lai nghề nghiệp không phải là thuộc tốt nhất, nhưng y khoa vẫn là ngành nghề có khả năng xin được việc làm dễ hơn so với khối ngành khác. Có khó khăn, nhưng cũng có quả ngọt. Khi đã chọn rồi thì hãy cố gắng tối đa để có kết quả tốt nhé!

Khi đã chọn rồi thì cố gắng tối đa rồi cũng sẽ có kết quả tốt, có ác mộng hay chăng cũng là giúp trưởng thành hơn để vào nghề!

HCM, 10/01/2019

ThS.BS Nguyễn Thái Duy

Facebook: https://facebook.com/drduydanhvanyds

Hành trình 15 năm y khoa

Cùng chủ đề:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*