KỸ NĂNG HỌC Y (P3): ACTIVE RECALL TRONG QUÁ TRÌNH TỰ HỌC

Trong lĩnh vực nghiên cứu gần đây về khoa học trí nhớ và tâm lý học, “active recall” là vấn đề đang được quan tâm. Các phát hiện và ứng dụng vào phương pháp học nhớ lâu, một điều mà hẳn chúng ta đều mong muốn có được, đều có nhắc đến “active recall”. Vậy “active recall” là gì?

Bài báo cáo khoa học “How to learn effectively in Medical School: Test Yourself, Learn Actively, and Repeat in Intervals” đăng trên tập san Yale Journal of Biology and Medicine (Marc Augustin, 2014), có 3 phương pháp giúp việc học đạt hiệu quả hơn là tự lượng giá kiến thức (self testing effect),  gợi nhớ kiến thức chủ động (active recall), và lặp lại ngắt quãng (spaced repetition).

Active recall (chủ động gợi nhớ kiến thức)

Là phương pháp học chủ động đưa lại hiệu năng học tập cao do chủ động kích thích trí nhớ trong suốt quá trình học. Hãy hình dung lại phương pháp học mà chắc hẳn tôi và các bạn đang đọc ở đây đã từng áp dụng. Có phải chúng ta đã quá thụ động, khi chỉ nghe giảng, học một bài lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi nhớ?

Ví dụ khi chúng ta học từ vựng “implant”, chúng ta tra từ điển, tìm nghĩa và cố gắng “học thuộc lòng” chúng cho bằng được thì thôi, đôi khi học xong chẳng bao giờ xem lại. Khi làn tiếp theo gặp từ mới “implant” này, nếu không nhớ chúng ta vội đi tra ngay nghĩa của từ, và xem như đã biết rồi tiếp tục dịch mà không có thêm động thái nào khác. Hãy thử cách khác, cố gắng nhớ chúng bằng cách suy nghĩ, implant = im+plant, im- có nghĩa là thêm vào, đi vào, plant có nghĩa là trồng, vậy implant giống như kiểu trồng cây vào hoặc ươm, hoặc ghép cây (ở đây nghĩa là cấy dụng cụ y khoa, hoặc là một dụng cụ nhân tạo được sử dụng trong cơ thể). Mở rộng hơn, transplant có nghĩa là ghép tạng (trans- nghĩa là thay đổi, plant là trồng), nghĩa là ghép từ một cơ thể này sang một cơ thể khác. Với cách làm này, vừa nhớ được lâu từ, vừa mở rộng thêm được kiến thức, mà hoàn toàn không phải là học thụ động học thuộc.

Với các môn học khác chúng ta cũng chủ động đưa ra câu hỏi, giải quyết câu hỏi, chứ không thụ động nhận thông tin một chiều làm giảm hiệu suất học và lưu trữ kiến thức. Chỉ ghi nhận kiến thức thông qua đọc sách, nghe giảng, xem bài lại nhiều lần làm kiến thức không được ghim sâu vào trí nhớ. Trong quá trình học tập chủ động, không nhất thiết chúng ta phải nhớ đúng được tất cả những gì đã học ngay  từ đầu, khoa học đã chứng minh, những lần thất bại trong việc cố gắng nêu vấn đề sau khi học càng giúp cũng cố hơn kiến thức và nhớ lâu (Nate Kornell, 2009).

Phương pháp Active Recall như thế nào? – Mô hình PSR

Bước 1: Bạn phải nhận biết được vấn đề (Problem)

  • Xác định điều còn vướng mắc sau khi đã đọc, học xong một bài hoặc có thể là vấn đề mà bạn vẫn còn thắc mắc hoặc chưa hiểu trong suốt quá trình học
  • Có những vấn đề đơn giản, những những vấn đề khác lại khá phức tạp cần phải có kiến thức cơ bản và thời gian thì chúng ta phải biết lựa chọn ưu tiên việc nào cần giải quyết trước, việc nào sau.

Bước 2: Tự giải quyết vấn đề (Self-Solving)

  • Thật sự đây là việc làm không phải là dễ dàng gì, “tự giải quyết” có thể là tự trình bày lại một kiến thức vừa học thông qua sơ đồ tư duy, viết, vẽ. Cũng có thể ở mức cao hơn là tìm các tài liệu liên quan để minh chứng cho vấn đề đang khúc mắc trong phần bài học, mà không cần nhìn vào các chú thích hoặc lí giải vấn đề của thầy cô đã giảng cho bạn ở trường.
  • Như đề cập ở trên, việc giải quyết đúng hay sai khi bạn đang học là không quan trọng, những lần làm sai cũng là một lần học và cũng cố thêm trí nhớ.

Bước 3: Hoàn thành, đối chiếu với tài liệu đã học (Reflect)

  • Kiểm tra lại phần nội dung tự mình thu thập và giải quyết cho vấn đề được chọn, so sánh chúng với kiến thức được trình bày trong sách giáo khoa. Đối chiếu và đưa ra kết luận ở những nội dung mình vừa làm điều gì đã đạt được và điều gì cần phải cũng cố thêm.

 

Ths.Bs Nguyễn Thái Duy

Anh Văn Y Khoa DRDUY

  • Chủ đề kế tiếp “Fast reading technique”, mong được sự đón đọc của các bạn!

 

…Learners should force themselves to recall what they think they have learned. Just looking at content again and again may not promote long-term learning[William R. Klemm]

 Xem lại:

KỸ NĂNG HỌC Y (P2): TỰ LƯỢNG GIÁ KIẾN THỨC

KỸ NĂNG HỌC Y (P1): CÁCH GHI CHÉP HIỆU QUẢ

Tài liệu tham khảo:

1 – The Critical Importance of Retrieval for Learning; Jeffrey D. Karpicke, 2008

2 – How to learn Effectively in Medical School: Test yourself, Learn Actively, and Repeat in Intervals; Marc Augustin, 2014

3 – The active recall technique guide, http://wtfprofessor.com

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*