Tranh thủ sự đồng ý của bệnh nhân

Khi đi thực tập ở các bệnh viện, một trong những khó khăn của sinh viên là bị bệnh nhân “trốn” không cho thăm khám. Đối với những bệnh hiếm gặp, khó khăn đó càng lớn hơn, bởi vì bệnh nhân đã bị quá nhiều người “quan tâm”!

Một số bạn cố tình dấu cái danh sinh viên, những mong tiếp cận với bệnh nhân dễ dàng hơn… Nhưng rồi sớm muộn “cái đuôi” vẫn cứ lộ ra. Đến lúc ấy chỉ còn cách chui xuống đất cho khỏi ngượng! Một số bạn khác thì tận dụng cái “uy” được thày phân công phụ trách bệnh nhân để “ép” họ phải bằng lòng cho khám. “Phép” này không những làm mất đi cái phong độ từ mẫu, mà hiệu lực cũng chỉ có đối với những bệnh nhân mới nhập viện. Còn những bệnh nhân “giàu kinh nghiệm”, các bạn không thể “ép” họ được đâu.

Tôi còn nhớ trong kỳ thi lâm sàng nội khi đang học năm thứ tư (hồi ấy năm thứ tư học nội, ngoại, sản, nhi) một bạn nữ tự dưng khóc hu hu! Hỏi ra mới biết, bệnh nhân mà bạn này bắt thăm được đã “cao chạy xa bay” tự lúc nào!

Bạn không thể học tốt trên lâm sàng nếu không có khả năng giao tiếp với bệnh nhân.

Bạn không thể, và hoàn toàn không cần thiết phải dấu cái danh sinh viên rất đáng tự hào của mình. Bạn cũng không nên lợi dụng cái quyền được thày giao phụ trách bệnh nhân để bắt ép họ cho bạn thăm khám. Vấn đề quan trọng là bạn phải cảm hoá được bệnh nhân bằng cả lời nói và việc làm của mình.

Khi đến với bệnh nhân, phần đông sinh viên chúng ta thường chỉ chăm chăm đến “mục tiêu học tập”, nghĩa là chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình.

Sẽ có bạn phản bác ngay rằng, tôi học đâu chỉ vì lợi ích cá nhân, tôi học để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tương lai! Vâng, tôi hoàn toàn tin ở động cơ học tập rất đúng đắn của bạn. Nhưng xin bạn, ngay từ bây giờ hãy nghĩ đến người-dân-đang-ở-trước-mặt-bạn cần gì! Để tranh thủ sự hợp tác của bệnh nhân, trước hết bạn phải có thái độ nhã nhặn và sự thông cảm với những lo lắng, đau đớn của người bệnh. Trong bất kỳ trường hợp nào bạn đều phải xin phép bệnh nhân trước khi thăm khám. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn sinh viên thăm khám bệnh nhân mà cứ như đang học trên mô hình! Cũng may đa số bệnh nhân của chúng ta rất hiền, hoặc ít ra họ cũng biết tự kiềm chế…

Một buổi thực tập lâm sàng tại BV Chợ Rẫy - SV được giảng viên hướng dẫn khám với sự đồng ý của bệnh nhân (ảnh từ internet)
Một buổi thực tập lâm sàng tại BV Chợ Rẫy – SV được Giảng viên trực tiếp hướng dẫn khám lâm sàng (ảnh từ internet)

Bạn có thấy ái ngại khi rất nhiều ống nghe xếp hàng lần lượt (có lúc đồng thời hai ba cái) áp lên ngực một bệnh nhân đang khó thở?

Bạn có lúc nào tham gia tạo nên hàng rào bao quanh một bệnh nhân đang nhăn nhó, cố đưa bàn tay vào bụng bệnh nhân để nhận biết “phản ứng thành bụng”? Trong các tình huống nêu trên, hành động như vậy là trái với quan điểm bệnh nhân. Mặt khác cho dù ống nghe của bạn có chụp lên được ngực bệnh nhân; cho dù bàn tay của bạn có đặt lên được bụng bệnh nhân, thì bạn cũng khó mà nhận biết được chính xác dấu hiệu bệnh lý mà bạn đang cần học.

Bệnh nhân cần sự quan tâm của bạn.

Điều lo lắng nhất của bệnh nhân là bệnh tình của họ. Bạn có thể cho họ biết những thông tin không phạm đến nguyên tắc nghề nghiệp; ân cần hướng dẫn họ những điều mang lại lợi ích cho quá trình điều trị. Bạn cũng nên quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của họ, cả một số khía cạnh không cần khai thác để ghi vào bệnh án. Những câu hỏi của bạn phải thân tình, tế nhị và đúng lúc! Nhiều khi sự quan tâm rất nhỏ của bạn cũng làm bệnh nhân xúc động. Khi đã được bệnh nhân thực sự quí mến, tin cậy thì việc thăm khám của bạn không những không bị coi là một sự quấy rầy, mà nhiều khi còn được coi là sự quan tâm!

Tôi có một kỷ niệm hồi đang thực tập tại bệnh viện Việt Nam – Cu Ba. Khi tổ chúng tôi chuyển đến thì được biết có một bệnh nhân có “tiếng cọ màng tim” đang nằm điều trị ở đây. Đã học lý thuyết bài “viêm ngoại tâm mạc”, bởi vậy chúng tôi rất mừng. Hơn hai mươi người (ngày ấy tổ đông như vậy) nhào tới tranh thủ…học liền! Rất may bệnh nhân không trốn, nhưng … rất không may bệnh nhân cương quyết không cho các bác sĩ tương lai khám! Ngay cả trong buổi thày phụ trách tổ giảng lâm sàng, nể thày lắm bệnh nhân này cũng chỉ cho phép vài người khám rất nhanh. Hôm sau vào buổi trực, tôi lân la đến chỗ bệnh nhân đó, từ tốn chào. Bác ngước nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ… Tôi tự giới thiệu mình là sinh viên trực, hỏi bác có cần giúp đỡ gì không. Bác cám ơn không nhờ gì nhưng vẻ nghi ngờ đã bớt đi. Tôi hỏi thăm quê bác và một vài điều về hoàn cảnh gia đình. Bác hỏi tôi về viêm ngoại tâm mạc, về tiếng cọ màng tim. Tôi cố gắng trả lời một cách đơn giản để bác có thể hiểu được. Tôi thành thật nói với bác rằng, có thể trả lời bác đôi điều là nhờ mới được nghe thày giáo giảng cách đây ít ngày và mới đọc sách hôm qua. Bỗng dưng bác vui vẻ bảo tôi: “Xin mời “bác sĩ trực” kiểm tra xem “tiếng cọ màng tim” của tôi hôm nay thế nào?”…

“Bệnh nhân A khó tính quá!”

Thưa bạn, có rất ít bệnh nhân dễ tính! Cả tôi, cả bạn đến một lúc nào đó chẳng may phải làm bệnh nhân, chúng ta sẽ khó tính tất! Nhưng nếu bạn tôn trọng người bệnh, thực sự thông cảm và quan tâm đến người bệnh thì nhất định bạn sẽ tranh thủ được sự hợp tác của họ, ngay cả khi họ hiểu rằng việc thăm khám mà bạn xin phép được tiến hành chỉ vì mục đích học tập.

Nếu bạn thực sự tôn trọng và quan tâm đến người bệnh
thì nhất định bạn sẽ tranh thủ được sự hợp tác của họ.
HOANG.KKT
docsachysinh.com

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*