5 CÁCH ĐỌC SÁCH Y HIỆU QUẢ

Đọc sách trước khi nghe giảng!? Chưa nghe giảng đã vội đọc sách làm gì cho khổ, cho lãng phí thời gian! Nghe giảng xong đọc sách có phải mau hiểu hơn không? Tôi đang đọc, đang học những bài thày đã giảng rồi chưa xong, lại còn khuyên tôi “đọc trước”!

Trước hết cần phải nói về cách đọc sách trước khi nghe giảng như thế nào, sau đó mới bàn đến cái lợi của việc làm này, bởi vì hiệu quả tuỳ thuộc rất nhiều vào cách đọc.

Nên đọc sách theo trình tự sau:

1. Đọc nhanh toàn bài.

Đọc xong dừng lại suy nghĩ một cách khái quát về những nội dung chính yếu được đề cập đến trong bài.

2. Đọc lại để phát hiện những thuật ngữ và những khái niệm mới.

Có thể là mới gặp lần đầu, hoặc bạn có cảm giác hình như đã gặp ở đâu đó rồi nhưng vẫn còn thấy lạ. Hãy tìm hiểu ý nghĩa thuật ngữ và nội dung các khái niệm.

3. Đọc chậm để hiểu từng phần.

Gặp những chỗ khó hiểu hãy dừng lại suy nghĩ, cố gắng để hiểu đến mức tối đa (tối đa so với khả năng của mình chứ không phải tối đa ý cần phải hiểu!). Tất nhiên, mức độ hiểu được của mỗi người rất khác nhau. Điều ấy không quan trọng. Miễn là bạn đã hết sức cố gắng suy nghĩ. Sau khi đọc xong mỗi đoạn bạn nên tự xếp mức hiểu của mình làm 3 bậc: hiểu đầy tự tin, hiểu nhưng không được tự tin lắm và chưa hiểu; tương ứng có thể đánh dấu +, +/- và – vào lề (nếu là sách riêng của bạn).

4. Đối chiếu với mục tiêu học tập.

Sau khi “nghiên cứu” hết cả bài bạn nên tự đánh giá xem mục tiêu nào mình đã đạt được tương đối trọn vẹn? Mục tiêu nào đã đạt được một phần? Mục tiêu nào hầu như chưa thu nhận được gì?

5. Soạn câu hỏi về tất cả những gì bạn chưa hiểu.

Chưa hiểu mà đặt được câu hỏi cũng đáng quí lắm! Trước hết nên đặt những câu hỏi sát với mục tiêu học tập. Không nên cố gắng “sáng tạo” ra những câu hỏi thật khó mà ngay cả thày có khi cũng chịu (những câu hỏi “chết người”!). Nhưng tôi cũng phải nói thêm rằng có những câu hỏi của sinh viên rất hay, có khi còn giúp cho thày nảy sinh một ý tưởng mới, một hướng nghiên cứu mới…


Đọc sách trước khi nghe giảng có lợi gì?

1. Bạn sẽ dễ dàng tiếp thu khi nghe giảng vì bạn đã nắm vững các thuật ngữ, các khái niệm.

Do quĩ thời gian cho mỗi bài có hạn, thường thày chỉ giới thiệu nhanh một lượt những thuật ngữ, những khái niệm mới. Thày càng không có thời gian để giảng lại các thuật ngữ và các khái niệm đã được đề cập đến ở các bài trước.

2. Bạn sẽ tập trung nghe giảng hơn vì bạn muốn xem xét những điều mình tự cho là hiểu, có hiểu đúng không.

Đặc biệt bạn đang ở trạng thái chờ đón nghe giảng những điều khi đọc sách bạn đã hết sức cố gắng mà vẫn chưa hiểu được, như “nắng hạn chờ mưa”! Những kiến thức đó sẽ được bạn đón nhận nhanh chóng và sẽ nhớ rất lâu.

3. Bạn sẽ ghi chép một cách chọn lọc hơn.

Bạn không phải cắm đầu cắm cổ vội vàng ghi chép tất cả những điều thày giảng vì bạn biết những gì đã có trong sách, những gì không. Cùng với cái lợi này, bạn sẽ có nhiều thời gian chăm chú nghe giảng, bởi không phải lúc nào thày cũng chờ tất cả các bạn ngưng bút mới giảng tiếp – trừ khi thày giảng theo “phương pháp” đọc chính tả!

4. Bạn sẽ có điều kiện tham gia tích cực trong buổi dạy-học.

Khi thày áp dụng phương pháp dạy-học tích cực, sự hoạt động của sinh viên ở trên lớp sẽ nhiều hơn. Thường thì thày yêu cầu đọc sách trước. Những câu hỏi thày đặt ra để thảo luận đòi hỏi phải vận dụng những kiến thức đã có. Nếu không đọc sách trước, bạn sẽ không thể tham gia ý kiến hoặc có nhưng sẽ rất hạn chế.
Cuối cùng cần phải nhấn mạnh rằng nếu nhìn bao quát cả quá trình học tập, việc đọc sách trước khi nghe giảng không làm bạn tốn thêm thời gian. Bốn lợi ích trên sẽ giúp bạn nhanh hiểu bài hơn, hiểu sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn, vì vậy thời gian ôn tập rút ngắn được thường nhiều hơn so với thời gian bạn cần để đọc sách trước!

Đọc sách trước khi nghe giảng bạn sẽ tiếp thu hiệu quả hơn, ghi chép chọn lọc hơn và tham gia thảo luận tích cực hơn.

Tác giả Hoang.KKT

Theo http://www.docsachysinh.com/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*