Thầy của tôi là bác sĩ bệnh viện!

BS Nguyễn Việt Trung cùng hai bạn sinh viên Y5

Chúng ta thường đề cập cao vai trò của cán bộ giảng (CBG) nhưng ít khi nhắc đến các bác sĩ bệnh viện. Thầy của tôi là bác sĩ bệnh viện, là người dìu dắt tôi trưởng thành trên con đường y khoa.

Số lượng cán bộ giảng quá mỏng

Khi đi lâm sàng, điều các em được dạy đầu tiên là kỹ năng “bơi tự do”. Quá nhiều việc cho một bác sĩ nội trú. Nhiều hơn số lượng công việc ấy cho một giảng viên. Suy cho cùng sinh viên là đôi tượng chịu thiệt. Khi xưa còn là sinh viên mình đã không ít lần tự bơi, và giờ học sau đại học thì vẫn còn thấy các em cũng vậy.

Quan điểm của riêng cá nhân mình là sinh viên đi học phải được dìu dắt, nhất là những em mới toanh năm đầu đi lâm sàng. Cách học theo cách tự mò trước rồi hướng dẫn sau có một vài điểm có lợi. Các bạn sẽ tự biết cách học, tự biết cách khám, tự biết cách giao tiếp giữa bác sĩ-bệnh nhân và tự biết tạo quan hệ trong môi trường y tế.

Điểm bất cập của cách này là sẽ có nhiều cái sai nếu không phát hiện, định hướng và sửa chữa dần thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Số lượng CBG quá mỏng, lại phải mượn khoa của BV để giảng dạy SV nên các CBG phải hoàn tất công việc của BV rồi mới có thời gian giảng bài cho sinh viên. Có thể sẽ sớm có phương pháp tuyển mộ thêm nhiều cán bộ giảng, giảm tải số sinh viên trên một CBG, tăng thêm thu nhập hay gì đó mới có thể cải thiện được tình hình khó gỡ này. Nhìn chung ở nhiều bộ môn thì sinh viên vẫn được bơi tự do và rơi tự do!

Đừng chờ đợi, hãy tìm thầy học ngay

Các bạn cứ ngóng CBG thì chắc dài cổ! Nên khi bắt đầu đi lâm sàng tốt nhất được phân vào phòng bệnh nào thì làm quen ngay và bắt đầu học ngay với bác sĩ ấy. Muốn được chỉ dạy, bạn phải siêng năng, không ai rảnh hơi mà chỉ dạy cho kẻ chỉ biết đi lòng vòng hỏi bệnh xong rồi chuồn.

Những ngày đầu mang tính chất làm quen thì còn vờn qua vờn lại. Những ngày sau các bạn cố gắng tới sớm hơn các anh chị trong khoa phòng, ít nhất là chuẩn bị đủ hồ sơ khám bệnh, các giấy tờ cận lâm sàng hoặc đơn giản hỏi bệnh sử một bệnh mới nhập vào phòng được phụ trách và trình lại với bác sĩ phòng.

Bạn làm được những điều như trên thì không ai mà không nhận dạy bạn cả. Các bác sĩ ở bệnh viện không được đào tạo để tải lí thuyết cho bạn. Trái ngược với CBG khai thác sâu được kiến thức cho SV, thì bác sĩ BV sẽ truyền đạt lại những điểm hay gặp của một bệnh nào đó cho bạn.

Bạn mất cả buổi hoặc phải chờ tới trưa mới được trình bệnh để học lâm sàng. Trong khi mới bước chân vào viện là đã được các bác sĩ dạy dỗ. Bạn chọn chơi chờ CBG hay là bắt tay vào học luôn lâm sàng?

Các bác sĩ bệnh viện có thế mạnh riêng

kinh-nghiem-lam-sang-6

Tôi chưa bao giờ xem thường kiến thức của một bác sĩ thuộc bệnh viện như vài người khác so sánh. Hiển nhiên họ không được đào tạo thành những ông thầy nên họ có cách dạy cho bạn theo cách của họ. Đa số BS bệnh viên giỏi lâm sàng, một số trong các đàn anh/chị đó còn rất giỏi lí thuyết nữa là đằng khác. Và nguyên tắc chung, sinh viên thì đừng bày đặt chế người này người nọ.

Ai cũng giỏi hơn bạn và được cấp chứng chỉ chữa bệnh cho BN, còn bạn thì còn chưa có bằng TN nên hiển nhiên họ giỏi hơn bạn nhiều lần lắm, kể cả các bác sĩ nội trú cũng phải theo học họ.

Ai đã từng theo nhiều BS bệnh viện để học có đồng ý rằng BS bệnh viện rất hòa đồng? nếu bạn “chơi” được, họ sẽ là bạn của bạn luôn. Nhiều đàn anh chị còn kiếm thêm việc cho các em làm để trang trải chút đỉnh. Các bạn đi với các BS với mối quan hệ không theo kiểu thầy-trò sẽ dễ dàng học và trình bày các khó khăn cũng như là hỏi được các kinh nghiệm học, ra trường và làm việc. Mỗi BS có một thế mạnh, hãy cố gắng nhận ra và học theo những cái tốt của họ.

Một số người thầy lâm sàng của tôi

Năm Y3 mình theo học nội tiêu hóa với Bs Nguyễn Văn Ái – 8B3 BV Chợ Rẫy, anh rất thương và tận tình chỉ dạy, sau mình giới thiệu với nhiều bạn khác theo anh học. Và hè năm Y3 mình đã có thời gian thực tập thêm nội tiêu hóa lâm sàng tuyệt vời với sự giúp đỡ của anh.

Cũng cuối năm Y3, mình được tư vấn con đường học Ngoại khoa. May mắn được gặp Bs Nguyễn Lê Minh Thống – BV ND Gia Định, một người thầy, đúng hơn là một đàn anh tuyệt vời đã dẫn dắt mình theo ngoại khoa. Đồng thời mình được giới thiệu cho BS Nguyễn Việt Trung, và mối quan hệ ấy tới giờ thân như gia đình. Là một sinh viên, nhưng mình ăn ở và sinh hoạt trong khoa như một nhân viên, điều này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho quá trình thực tập và cọ sát với thực tế sau khi ra trường.

Sau đại học mình lại có duyên được Bs Võ Thanh Tân và Bs Phan Vĩnh Sơn, các anh và mình thực sự như những người bạn. Mình có rất nhiều thời gian tham gia phụ mổ và thế nên tay nghề lên rất nhanh.

Ngoài ra trong quá trình thực tập thời sinh viên rất nhiều bác sĩ tại khoa mình theo đều tận tâm giúp đỡ, các bài học của các anh chị ấy đều rất trực quan và cực kỳ dễ nhớ do hoàn toàn là những tình huống thực tế.

Các bạn là những sinh viên thuộc các trường đại học, vai trò đào tạo chủ yếu là của nhà trường và bộ môn. Những lúc bạn cần một người dìu dắt, hãy cân nhắc đến các ông thầy lâm sàng của mình tại bệnh viện nhé!

Chút chia sẻ lâm sàng, mong các bạn gắng học và đạt kết quả tốt!

Ths.Bs Nguyễn Thái Duy

4 bình luận

  1. em vừa từ bỏ trường đại học y vinh chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Sau một năm học ở yhn, em cảm thấy vô cùng hứng thú với môi trường ở đây sáng tạo và tươi trẻ, em đã đến trường y khoa vinh và em quyết định không nhập học ở đó. Năm vừa rồi em thi lại nhưng thực sự là chẳng quyết tâm chút nào nên kết quả không cao. Thực sự là em rất đam mê với ngành y nhưng học y xong cũng khó xin việc mà nhà em đã có một người học y, em đang băn khoăn con đường phía trước…

  2. Em cứ cố gắng học xong nếu như em có hứng thú với môi trường học mới. Thời điểm này tất cả mọi ngành và mọi con đường đều khó khăn. Quan trọng là bản thân mình thôi!

    • Nhớ giúp đỡ các đàn em nhe BS Vinh, rất tự hào vì khóa mình có bạn giỏi như bạn, là một minh chứng cho sự nỗ lực có thể đạt tới thành công chứ không đơn thuần phải theo những lối đi cũ! Hihi

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*