Những lưu ý khi đi lâm sàng mà bạn cần phải biết

Xin được chia sẻ lại bài viết của thầy Nguyễn Thanh về những lưu ý khi đi lâm sàng các em tham khảo. 

Có 2 nguyên tắc sinh viên cần chú ý khi đi lâm sàng.

1. QUY TẮC AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT:

– Sinh viên khi đi lâm sàng, chưa cần biết có học được gì hay không, không cần biết có giúp gì được cho người bệnh hay không, điều đầu tiên là phải học một số quy tắc tự bảo vệ mình, sau đó cũng là giữ an toàn cho người bệnh, vì môi trường bệnh viện là một môi trường phức tạp, tương đối xa lạ và nhiều nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm đối với sinh viên.

– Phòng nhiễm viêm gan virus B: Xét nghiệm HBsAg, nếu âm tính cần tiêm phòng HBV càng sớm càng tốt.

– Tóc tai gọn gàng, nhất là các bạn nữ có thể đội mũ giấy khi thăm khám hoặc làm thủ thuật (bắt buộc).

– Nên đeo khẩu trang:
+ Khi thăm khám cho những bệnh nhân có triệu chứng nguy cơ của bệnh truyền nhiễm (Lao, cúm, …): Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, khó thở, khạc đờm, … Và cũng là phòng cho cả bệnh nhân nếu mình đang bị cúm, sốt. Nhưng nhiều bạn đeo khẩu trang cả khi giao ban và lúc giảng bài thì lại cẩn thận hơi thái quá.
+ Sử dụng khẩu trang dùng một lần, cần biết sử dụng đúng cách, đeo hở mũi không có tác dụng, không dùng tay bẩn sờ lên khẩu trang, không đeo khẩu trang dưới cằm rồi lại đeo lên mũi, mồm.

Những lưu ý khi đi lâm sàng mà bạn cần phải biết

– Sử dụng găng tay đúng cách:
+ Găng tay dùng một lần, cho các bệnh nhân khác nhau, không đeo găng tay dù sạch để tiếp xúc, sờ mó các vật dụng như tay nắm cửa, bệnh án, bàn phím, …
+ Chỉ sử dụng găng tay khi thăm khám có tiếp xúc dịch/chất tiết của bệnh nhân, tiêm truyền tĩnh mạch, rút tiêm truyền, mang xét nghiệm, …
+ Không cần sử dụng găng tay khi thăm khám bệnh nhân thông thường, tiêm dưới da, tiêm bắp.

– Luôn cẩn thận với vật sắc nhọn: Kim tiêm, dao, kéo đặc biệt đã qua sử dụng.

– Rửa tay:
+ Rửa tay bằng nước + xà phòng, bằng nước rửa tay nhanh tại các khoa phòng, hoặc tự mua lọ nước rửa tay nhanh (loại nhỏ) nếu khoa phòng không có.
+ Cần tạo thói quen luôn rửa tay trước và sau khi thăm khám cho mỗi bệnh nhân, vừa tự bảo vệ mình (chẳng may tiếp xúc nguồn bênh thì rửa tay ngay cũng an tâm hơn), vừa bảo vệ người bệnh (tránh lây lan nguồn bệnh từ người này sang người kia); rửa tay sau khi tháo bỏ găng tay; rửa tay sau khi làm thủ thuật, …

– Vệ sinh ống nghe, huyết áp và các dụng cụ thăm khám định kỳ.

– Trước khi rời bệnh viện: Vứt hết mũ, khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.

– Quần áo blouse cần được giặt riêng, có thể sử dụng thuốc tẩy để ngâm và làm trắng.

– Đi học, đi trực nên mang theo chai nước nhỏ bên mình để uống phòng mất nước và đỡ mệt mỏi, vì đi xin nước đôi khi cũng khó khăn nhất là giờ học lâm sàng ban ngày.

– Một trường hợp đặc biệt có thể gặp là những bệnh nhân HIV (+):
+ Các đơn vị cấp cứu ở các bệnh viện có nguy cơ gặp cao hơn. Đội mũ, đeo khẩu trang và đeo găng tay cẩn thận khi thăm khám có tiếp xúc dịch tiết của người bệnh cũng như rửa tay sạch ngay sau khi thăm khám luôn là cần thiết.
+ Bệnh nhân HIV/AIDS luôn được pháp luật bảo vệ: Chỉ được xét nghiệm HIV khi người bệnh đồng ý, kết quả chỉ được thông báo trực tiếp với chính người bệnh, không được thông báo với người nhà nếu người bệnh không đồng ý, không được kỳ thị người bệnh có HIV, và BN khi vào viện có khi không khai báo mình nhiễm HIV … nên đây luôn là những trường hợp tế nhị và cần khéo léo khi tiếp xúc, hoặc giải thích, giải quyết phải là những bác sĩ có kinh nghiệm.
+ Cần biết những ký hiệu, thuật ngữ ám chỉ người bệnh có HIV/AIDS: Bệnh án có mã bệnh là B20 (cứ nói đây là trường hợp B20 là biết liền), người có Ết AI Vi (HIV), người có Hát (H), người mang Hát (H). Hồi trước bệnh nhân HIV/AIDS có ký hiệu dán màu đỏ trên đầu giường, trên chai truyền, …
+ Đôi khi cũng cần chú ý vùng địa dư có nguy cơ bị HIV cao hơn các vùng khác.
+ Không phải là kỳ thị hay quá sợ sệt, nhưng phải luôn cẩn thận, ít nhất là nếu bị tiếp xúc dịch tiết, máu của người HIV (+) mà không được bảo vệ thì cũng gây tâm lý lo lắng và hoang mang, mệt mỏi.

NÊN NHỚ:
– Mình vẫn là quan trọng nhất, sức khỏe và tính mạng của bản thân mình vẫn là quan trọng nhất. Mình phải khỏe mạnh thì mới có thể học tập và làm việc rồi phục vụ người khác được (Cái này khác với ích kỷ và nhỏ nhen nhé).
– Nếu như mình bị lây nhiễm bệnh tật hay thương tật thì đương nhiên cũng sẽ là một gánh nặng cho gia đình, xã hội rồi.

2. NGOẠI HÌNH CŨNG QUAN TRỌNG – VÌ VẬY CẦN LUÔN QUAN TÂM ĐẾN NGOẠI HÌNH CỦA MÌNH:

– Nên nhớ sinh viên trông gọn gàng, lịch sự thì vẫn dễ tạo thiện cảm và dễ làm việc hơn.

– Cần tránh: Đi dép lê hoặc sục đến viện, quần bò thủng lỗ hoặc sờn vải, áo blouse không được giặt sạch, màu cháo lòng, ố vàng; không đeo thẻ sinh viên; nam để râu ria không phù hợp, … TRÁNH ĐỂ HƠI THỞ CÓ MÙI.

– Học giao tiếp: Với người nhà, người bệnh, các anh chị đồng nghiệp. Môn này chưa được đào tạo và đầu tư đúng mức ở các trường Y, vì vậy phải tự để ý và tự học hỏi vậy.

– Cần cẩn thận khi giao tiếp, tránh xung đột hoặc đối đầu với người nhà và người bệnh. Báo ngay cho bác sĩ chính, điều dưỡng trực hoặc các anh chị nội trú, cao học những diễn biến bất thường để xử trí ngay. Một thái độ thân thiện, nhiệt tình của nhân viên y tế có thể sẽ giải quyết được căng thẳng đang leo thang.

NÓI CHUNG: Nhẹ nhàng, nhiệt tình và thân thiện vẫn là bí quyết để giao tiếp thành công.

Các bài chia sẻ khác của thầy ở đây (facebook: https://www.facebook.com/nguyenthanhdhy)

Xem thêm những bài giảng khác tại: https://anhvanyds.com/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*