Tâm sự gởi các tân bác sĩ

Điều đầu tiên xin chúc mừng các tân bác sĩ, các đồng nghiệp đã vượt qua giai đoạn cam khổ 6 năm liền đèn sách để rồi nay các em “được” mang trên vai một trọng trách mới trong xã hội, trọng trách chăm lo sức khỏe người dân!

Có lẽ cách đây 6 năm khi các em đang làm hồ sơ nhập học thì mọi việc không như bây giờ. Các em hành trang vào đời với tấm bằng bác sĩ mới tinh trong một cái xã hội sẵn sàng “cắn xé” màu áo trắng mà xưa các bạn hay nói nóng bẩy là “thiên thần áo trắng”. Nghề y cuối cùng thì cũng là một nghề trong xã hội, các nghề khác tạo thu nhập còn nghề y chữa bệnh cho nhân dân. Các nghề khác đầu tư có tăng, giảm, trồi sụt; nhưng nghề y xã hội “không” chấp nhận bạn sai lầm mặc dù nó vẫn cứ xảy ra. Các ngành nghề khác học 3-4 năm, ra trường lương tầm 3-6 triệu; sinh viên y học 6 năm, lương khởi điểm cũng chỉ bấy nhiêu nhưng phải làm việc với môi trường căng thẳng và nguy hiểm luôn rình rập. Vì thế, bạn nào đã từng đôi lần lạc lối trong thời gian học đại học, đã từng không hiểu mình cần gì và sẽ làm gì sau ra trường thì thời gian này hãy thường xuyên liên lạc bạn bè, thường xuyên bên gia đình và người yêu thương vì… bạn sẽ stress nhiều hơn vì công việc, vì sẽ hoài loay hoay không biết chọn chuyên khoa gì, vì phải làm quen với môi trường làm việc mới, vì phải làm quen với việc bị bệnh nhân-điều dương- đồng nghiệp – sếp la rầy, và bị shock vì ngành y không hoa thơm trái ngọt như hằng ao ước.

Cách đây vài tháng khi anh vào khoa cấp cứu của một BV quận, anh đã thẳng thắn trao đổi tình cảm và chuyên môn vì thăm bệnh sơ sài, khám qua loa, xét nghiệm bất thường bảo bình thường và ăn mặc xốc xếch với một bác sĩ trẻ hơn. Nội dung như thế này: “Anh biết em rất cực vì anh cũng là bác sĩ ngoại khoa, nhưng nếu em thấy không theo nổi vì cực quá thì bỏ đi. Trong cái xã hội mà báo chí sẵn sàng gây chuyện thì tốt hơn hết em nên tự bảo vệ chính em. Còn khi đã làm thì làm cho đàng hoàng và chu đáo, chứ ngành y không chấp chận làm qua loa!”

Không bao giờ là quá trễ nếu bạn biết dừng đúng lúc. Nhưng anh không khuyên các bạn dừng, các bạn hãy lưu ý một số điều sau khi mới bắt đầu làm việc. Đây chỉ hoàn toàn là suy nghĩ của anh mà không có tính áp đặt hay dạy đời, và có thể có ích cho vài bạn nào đó.

Đầu tiên, đã trẻ thì cứ làm nhỏ! Một số bạn cứ hay ngựa non háu đá, học đâu không biết, tốt nghiệp loại gì không biết nhưng bạn mới ra trường nên hạn chế thể hiện. Hãy biết phát biểu đúng lúc và tế nhị. Có thể kiến thức bạn được học kiến thức mới, kiến thức đang áp dụng tại BV bạn đã cũ rồi nhưng không nên khó chịu với nó mà hãy làm quen, khi bạn được cấp CCHN bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn với từng viên thuốc bạn kê cho bệnh nhân thì bạn muốn làm gì làm. Hơn nữa, BS hơn bạn dù chỉ 1 khoá thì vẫn là đàn anh và giàu kinh nghiệm hơn. Nếu họ không khá thì ngược lại họ có nhiều kinh nghiệm “sụp hầm” hơn. Bạn chê người ta điểm này điểm kia thì bạn hãy đừng giống người ta những điểm ấy, vậy thôi.

Điều thứ hai, hãy làm một osin có tâm, làm được thì làm những việc trong khoa. Đừng phân biệt bạn là điều dưỡng và các chị hộ lí thì không ngang bằng vai trò trong bệnh viện. Tất cả đều phục vụ cho mục đích chung là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đừng nên chỉ biết làm chuyên môn thôi mà quên những việc khác. Một số bạn trẻ mà thái độ hốc xược lắm, xem điều dưỡng hay hộ lý không là gì, anh thì hoàn toàn cấm kỵ những chuyện như vậy.

Điều thứ ba, hãy giữ khoảng cách với sếp. Các bác trưởng khoa nhiều khi rất chăm chút cho các bs mới ra có kiến thức giỏi, nhưng sự quá thân mật với sếp có thể tạo nên nghi ngờ mối quan hệ ấy, các đồng nghiệp thường dèm pha người quá thân sếp. Đáp lại tình cảm của trưởng khoa dành cho bạn bằng cách học hỏi, siêng năng nhưng phải có khoảng trống không sếp để bạn làm việc độc lập.

Tránh va chạm, hãy biết giữ cơn giận và tìm nụ cười. Nghe quá lí thuyết, nhưng các bạn để ý xem nhưng người thành công thường ít ý kiến ý cò, ít xung đột. Nếu tính nóng như Trương Phi thì thua rồi, cái khó nhất vẫn là kiềm nén được cơn giận. Trong công việc không thể không xung đột, nhưng giải quyết xung đột một cách khôn ngoan thì không phải ai cũng làm được. Hãy sử dụng cái đầu lạnh, biết suy nghĩ và biết nhịn nhục.

Quan trọng nhất, cẩn thận với mọi giấy tờ ký tá hợp đồng. Không ai bắt bạn kí hợp đồng ngay, bạn vó quyền đọc kỹ ngâm cứu kỹ rồi mới kí. Sự ham học hỏi thôi thúc bạn kí liền tay các hợp đồng để được đi học, bạn nghĩ rằng 3-6 hay 10 năm thì ngắn nên dễ dàng kí hợp đồng. Hãy nghe anh khuyên, trước khi đi học hay kí hợp đồng đi học thì nên tham khảo các anh chị đã từng làm ở bệnh viện đó, đã từng được đi học xem họ nghĩ gì. Tư vấn kỹ chế độ và quyền lợi, việc ký hay không là việc của chính bạn.

Cảm ơn các bạn đọc đến những dòng tâm sự cuối cùng. Chúng ta là một thế hệ bác sĩ trẻ trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình nên chuyện chăm sóc y tế cực kỳ nhạy cảm. Bạn đã hoàn thành 6 năm cực khổ, ráng chịu cực thêm thời gian nữa thôi rồi bạn sẽ biết mình cần gì. Chỉ là mới đầu còn chút bỡ ngỡ, chúc các bạn luôn vững bước!

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*