Tôi chưa bao giờ tự hào về khả năng đọc sách của mình. Chắc chắn vậy, chưa bao giờ tự hào về nó!
Nói sao cho các bạn trẻ dễ hình dung nhỉ? À, đại khái là tôi luôn quan niệm sự thành công của một nhân vật nào đó đến từ rất nhiều yếu tố – trong đó có thể do may mắn. Chính vì điều đó mà những thể loại sách self-help (sách phát triển bản thân) tôi đều không chủ đích tìm đọc. Nghĩa là, khi các bạn đang đọc những dòng tâm sự này, thì các bạn đã hơn tôi khi tôi đôi mươi.
Tôi cũng xin đính chính rằng, tới thời điểm viết sách này là năm covid mùa thứ 2, và tôi thật sự chưa phải là người thành công. Tôi là người đã có 15 năm trải nghiệm trong quá trình học và hành nghề y khoa tại Việt Nam, do đó tôi mang những trải nghiệm trong hành trình 15 năm của tôi tới độc giả của mình nhằm giúp các bạn ấy nhìn được các bài học qua các trải nghiệm thực tế của tôi, dù một số là những trải nghiệm thất bại thảm hại. Ấy vậy mà ngày xưa tôi không thừa nhận vai trò quan trọng này của việc đọc sách, đọc sách là học các trải nghiệm thực tế của người đi trước để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống cho bản thân mình!
3 cách học của Khổng Tử
Khổng Tử bàn về 3 cách học để trở nên thông thái như sau: “Một là, bằng sự suy ngẫm, đây là phương pháp cao quý nhất; hai là, bằng cách bắt chước, đây là phương pháp dễ dàng nhất; và ba là, bằng kinh nghiệm, đây là phương pháp cay đắng nhất”. Đọc là cách đơn giản nhất để làm được ba điều trên từ những người đi trước.
Từ năm nhất đến năm thứ năm đại học tôi loay hoay với phương pháp học sao cho tốt. Hiệu suất học tập của tôi không hiệu quả, mặc dù tinh thần học là rất cao. Tôi tiêu tốn thời gian vào việc thức khuya, dậy sớm gạo bài và không dành cho mình thời gian để thư giản hay rèn luyện thể chất. Hệ thống kiến thức sau khi học không vững nên tôi rất khó khăn để vượt qua các kỳ thi với điểm số tốt nhất.
Thời điểm ấy là cuối năm thứ năm, trong một chuyến về thăm cô giáo cấp 3 cũ được cô hào hứng giới thiệu và tặng quyển sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế. Chỉ với hai ba ngày cuối tuần thăm quê, mình đã dành trọn 1 ngày đêm ngấu nghiến đọc từng trang sách. Phải nói rằng, như nắng hạn gặp mưa rào, đọc tới đâu cảm thấy mình vỡ ra những điều trước giờ mình đang thực hiện đều chưa hợp lý dẫn tới học hành không hiệu quả.
Giờ hãy kiểm tra 10 điều sau ở bạn, hãy xem bạn có giống như tôi ngày xưa hay không nào?
1. Tôi không quan tâm tới mục tiêu bài học, khi học tôi nhảy vào thẳng nội dung và học thuộc nó
2. Tôi không xem qua các đề mục lớn và đề mục bé để nắm nội dung chính của bài học
3. Tôi không xem các câu hỏi cuối bài và nội dung trắc nghiệm trước và sau khi hoàn thành bài đọc
4. Không đọc sách với một cây bút và quyển sổ ghi chép
5. Tôi đánh dấu vào hết tất cả các nội dung bằng bút dạ khi đọc sách mà không tập trung vào từ khóa. Tôi đánh dấu hết cả câu khi gặp bất kỳ một câu nào hay.
6. Không vẽ sơ đồ tóm tắt nội dung sau khi đọc
7. Không lên thời gian để ôn tập bài sau khi đọc
8. Không chia sẻ kiến thức, hoặc trình bày điều mình học được qua cách học nhóm.
9. Hay đọc sách khi đi xe buýt và làm như mình là người rất siêng học.
10. Đọc sách cho tới trước giờ vào cửa phòng thi.
Sau khi đọc 10 điều trên các bạn ổn hết không? Có ai xỉu up- xỉu down không?
Tôi mắc cả 10 lỗi trên trong quá trình đọc. Thật may, qua đọc sách tôi chủ động tìm đến các sách khác của tác giả Adam Khoo và Tony Buzan. Cũng nhờ đó, tôi biết đến mindmap, software hỗ trợ vẽ mindmap và các sách khác về phương pháp học. Sau đó, tôi cũng không cải thiện nhiều về mặt điểm số, nhưng tôi thay đổi hoàn toàn về tư duy học tập. Có thể nói Tôi tài giỏi bạn cũng thế là quyển sách thay đổi cuộc đời của tôi.
Tuy vậy, những năm đại học cho tới khi đã ra trường tôi vẫn không phải là người thích đọc sách, và xem như đây là một đặc điểm của tôi. Tôi cho rằng mình rất chăm chỉ và đọc nhiều sách chuyên môn, nên các thể loại sách khác ngoài chuyên ngành tôi đều không màng tới.
Tôi đã thay đổi tư duy đọc sách, tuy có chút muộn màng nhưng vẫn là một sự thay đổi đáng kể.
Khi tôi nhận được một công việc làm giám đốc điều hành cho một công ty, tôi thật sự đã có những thay đổi. Vì không tự tin với những kiến thức về lãnh đạo của mình, tôi đã bắt đầu thay đổi và tìm tới các thể loại sách kinh tế, sách phát triển bản thân. Cách tôi tìm chọn sách là lên diễn đàn, xem qua các đề mục sách được giới thiệu và đọc chúng. Lần này, tôi gắn liền việc đọc và việc học cách làm lãnh đạo nên tôi chú tâm hơn.
Kết quả là sau khi đọc hết một vài quyển sách thì tôi quyết định nghỉ việc!
Đó là quyết định táo bạo giữa mùa dịch Covid, tôi nghỉ việc vì những bài học trong sách cho tôi thấy được khát khao còn cháy bỏng trong tôi đó là khát khao làm chủ bản thân, khát khao được trao đi giá trị, khát khao được làm những điều giúp thay đổi một ai đó và giúp họ tiến bộ hơn từng ngày. Quá ngưỡng mộ với hệ tư duy của tác giả Robin Sharma qua quyển sách Nhà lãnh đạo không chức danh, tôi lập công ty về giáo dục và xuất bản đặt tên cho thương hiệu sách của mình là RSBOOK. RS ghi tắt tên của tác giả Robin Sharma để ghi nhớ công ơn và những bài học tôi đã học được từ ông.
Có lần một người bạn mang những quyển sách của mình đi tặng cho thư viện sách ở ký túc xá y dược, bạn ấy đồng thời cũng chọn và tặng tôi một quyển. Quyển sách có tên: Lối mòn của tư duy cảm tính. Tôi đọc được vài trang, và giữ nó mãi tới cách đây vài tháng mới đọc. Sách tuyệt vời quá, những điều cứ ngỡ là chúng ta hành động đúng lại thực sự là một biểu hiện suy nghĩ cảm tính. Và với những điều được truyền tải qua sách, tôi nhìn nhận ra nhiều khuyết điểm của bản thân. Quyển sách người bạn tặng tôi năm nào bổng dưng có giá trị hơn bao giờ hết. Ấy vậy mà khi xưa tôi chưa từng đề cao việc đọc sách và không đọc sách!
Giờ đây, khi đã hình thành được thói quen đọc sách tôi mới tự tin kể lại với các bạn về hành trình gian nan tìm tới sách của mình.
Tôi (mạo muội) nghĩ rằng, không ai tự hào nói rằng: tôi không thích đọc sách! Nhân loại luôn đề cao vai trò của sách mà chúng ta đi ngược lại là không ổn rồi, chỉ có điều chưa tìm được lý do để yêu sách mà thôi.
Giờ viết sách là một công việc của tôi, và sách là sản phẩm của công ty tôi. Thay vì nói tôi đi gieo hạt, thì tôi lại hay nói vui rằng: Duy trả nghiệp cho chính mình tạo ra: nghiệp ghét đọc sách!
HCM, 02/07/2021
Nguyễn Thái Duy
Hành trình 15 năm
Bài viết khác có thể bạn sẽ quan tâm:
15. Thước đo của thành công không nằm ở số tiền kiếm được mà nằm ở giá trị tạo ra.
Để lại một phản hồi Hủy