Có lẽ điểu khiến tôi đã phải nghĩ nhiều nhất về khuyết điểm của bản thân là mình là một trẻ bị sứt môi. Nhưng ở một câu chuyện khác, chính “sứt môi” mới là nguồn động lực khiến cho tôi phải thay đổi cả cuộc đời. Và chính khuyết điểm này của bản thân thúc giục tôi viết ra những dòng này gởi đến những người bạn đã vì một khiếm khuyết, một sự cố đau buồn nào ấy mà mất đi nghị lực sống.
Lắm lúc nghĩ mình sẽ ra sao nếu như khoẻ mạnh và lành lặn như bao người? Chắc hẳn là tôi sẽ rất tự tin đứng phát biểu trước mọi người.
Không, không cần ao ước như vậy vì tôi cũng đã có hàng chục ngàn giờ dạy học, những bài chia sẻ của tôi trên mạng xã hội cũng có hàng ngàn phút xem. Tôi chợt nhận ra rằng, thứ tôi bị thiếu đó là “sự tự tin” khi nhìn ai cũng nghi ngờ những gì họ suy nghĩ trong đầu đang nói lên: ah, thằng kia bị sứt!, ah, nó ngọng đấy mà…
Tôi lớn lên trong vỏ bọc hiền lành kiểu nhút nhát và kém tự tin.
Khoảng thời gian còn nhỏ là một ký ức rất đẹp, mặc dù đôi khi vấn đề rất nhỏ cũng khiến tôi phiền lòng.
Ngày nhỏ, chúng tôi học cùng nhau ở một trường mẫu giáo. Buổi học hôm ấy tôi nhớ như in, ở cùng một chiếc bàn học có hai cậu bé cùng chơi xe ô tô. Trong lúc đang chơi đùa cùng nhau tôi đã vô tình cản đường đi của chiếc ô tô kia trong tay của bạn tôi. Với bản chất hiếu thắng của một cậu bé chưa đầy 5 tuổi, tôi đã không chịu nhường đường cho chiếc ô tô của bạn. Và kết quả là tôi đau đớn nhận một quả đấm bằng chiếc ô vào mặt. Máu mũi chảy ra ướt chiếc áo trắng mà tôi đang bận. Đó có thể là một kỷ niệm đáng nhớ đầu đời khi cố tình “chống lại” một ai đó thay vì “nhường nhịn”.
Tôi rất dễ mất kiểm soát về hành vi khi bị nhạo báng về giọng nói của mình.
Tôi nổi trội ở một số hoạt động học tập, sống có thiên hướng nghệ thuật nhưng rất dễ mất kiểm soát về hành vi khi bị nhạo báng về giọng nói của mình. Năm học cấp 3, cũng một sự kiện làm tôi nhớ mãi. Một bạn học đã có lời (theo tôi là) khinh miệt khuyết điểm của tôi. Tất nhiên tôi đã uấ ức và khóc rất nhiều, trút cái giận lên em gái và để lại nỗi buồn sâu sắc lên mẹ. Dù đó là không mong muốn, nhưng kết quả là tôi đã không bao giờ muốn nhắc tới người bạn ấy.
Tiết học Mô phôi năm Y2 là cột mốc thay đổi cuộc đời tôi
Cột mốc khiến tôi tự tin hơn và thay đổi thái độ sống đó là vào tiết học mô phôi năm Y2. Thầy giáo đã giải thích quá trình hình thành con người và những trục trặc với các cung mang gây ra một số dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt, trong đó có khe hở môi và hở vòm hầu. Mọi việc sáng tỏ, cuối bài thầy còn nói một câu những trẻ sinh ra với dị tật sứt môi là những con người bình thường, đôi khi họ còn rất giỏi giang, các em hãy đối xử với họ một cách công bằng nhé. Câu nói tưởng như bình thường đối với các sinh viên y khoa khác nhưng lại là một niềm cỗ vũ tuyệt vời với tôi. Tôi tự tin hơn và yêu đời hơn.
Và nhờ vào những lời động viên ấy, tôi trưởng thành tới hôm nay. Tôi, một đứa trẻ bị sứt môi hở vòm hầu, hôm nãy đã là một giảng viên đại học môn tiếng Anh chuyên ngành, một người yêu thích sẻ chia bằng giọng nói của mình. Cho dù giọng nói không đẹp, nhưng qua những buổi chia sẻ và những lời động viên cảm ơn sau đó tôi biết mình đã làm tốt.
Cuộc sống vốn là vậy, đâu ai muốn sinh ra trong hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó hay khổ đau.
Tôi nhận ra, có những yếu tố giúp tôi thoát khỏi tình trạng kém tự tin và trở nên tự ti:
Lạc quan
Tôi không hiểu được sự lạc quan, cho tới khi nhận ra rằng sự khổ đau của mình chỉ mới bằng một “cọng lông” của những người khác. Những tấm gương sáng ngoài kia như Nick Vujicic, bác sĩ Bế Thị Băng với các vũ điệu múa một chân, anh Dưa Leo với những câu chuyện truyền cảm hứng. Những người này còn khiếm khuyết hơn mình ngàn lần.
Ngoài ra thì những cảnh đời nghèo khó cơ cực cũng là một thang đo giá trị để thấy mình hạnh phúc hơn. Mình đủ cơm ăn, áo mặc, được giáo dục. Vậy là hạnh phúc lắm rồi.
2- Luôn cố gắng, cống hiến và hoàn thiện
Mình hát không hay nhưng đàn tốt để góp vui văn nghệ. Mình nói không giỏi nhưng nội dung có thể giúp được ai đấy tiến bộ. Mình không phải là một nhà diễn thuyết nhưng mình viết được và qua những sách đã xuất bản đã minh chứng được điều này.
Như vậy, theo mình giá trị của một người là tổng thể ở những việc làm mà họ đã giúp đỡ được người khác. Theo sách nói, giá trị của một con người nằm ở chỗ họ đã giúp đỡ được bao nhiêu người. Vậy khi luôn cố gắng, cống hiến thì cũng có nghĩa là bạn cũng đang hoàn thiện mình ở mức cao nhất có thể.
3- Hãy vui sống trọn vẹn mỗi ngày
Nhiều người ngay giây phút này đã từ biệt cõi sống, một số khác ngày mai hay ngày kia sẽ ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Cả tôi, và cả bạn, có thể ra đi mãi mãi mà không biết đến ngày mai.
Do vậy, với tâm niệm “nếu chỉ còn một ngày để sống” chắc hẳn, bạn sẽ thấy điều gì quan trọng hơn? Hình thể của bạn, hay là cuộc sống hiện tại? Quên đi những điều buồn, làm những điều gì tốt nhất có thể trước khi không còn được làm chúng nữa.
Hạnh phúc là cuối ngày nói những lời cảm ơn, và đầu ngày hạnh phúc nghĩ về những điều mình dự định làm. Tương lai còn xa lắm, hoài đau khổ về những khiếm khuyết bản thân thì sẽ mất đi cái nhìn sáng suốt về tương lai bất định ấy.
Để lại một phản hồi Hủy