Học tiếng Anh y khoa chắc chắn là một phần quan trọng ở trường y dược. Nhưng thời gian của các bạn không nhiều vì phải học nhiều môn khác. Vậy cách học tiếng Anh y khoa như thế nào để vừa tốn ít thời gian mà đạt hiệu quả? Trải qua quá trình tự học tiếng Anh y khoa từ Y3 cho đến nay, mình cũng gặp nhiều khó khăn như các bạn. Hôm nay mình chia sẻ lại 4 cách tự học tiếng Anh y khoa.
1. Tham gia vào nhóm, câu lạc bộ tiếng Anh y khoa
Sẽ có đôi chút khó khăn đối với những bạn chưa biết gì về anh văn chuyên ngành khi mới bắt đầu học. Lúc này bạn cần phải có những người đi trước dẫn dắt, truyền đạt kinh nghiệm. Tham gia vào nhóm hoặc câu lạc bộ học tiếng Anh y khoa là cần thiết. Thông qua hoạt động của các nhóm học, bạn cũng tự nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh y khoa do đó giúp bạn có nhiều động lực để học hơn.
(ảnh learntalk, internet)
Một số câu lạc bộ tiếng Anh ở trường đại học sinh hoạt rất định kỳ. Các thành viên được phân chia chuẩn bị kiến thức để sinh hoạt trong câu lạc bộ. Việc học bằng cách tự nghiên cứu và chia sẻ lại giúp kiến thức bạn tốt hơn, tự tin hơn khi nói về tiếng Anh y khoa.
Ngoài ra ở câu lạc bộ tiếng Anh y khoa còn có các hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động này tạo ra niềm vui cho các thành viên để cùng nhau vui học. Việc bạn cần làm là tìm ngay một câu lạc bộ, hoặc lập ngay một nhóm học tiếng Anh chuyên ngành y khoa. Học cùng mọi người sẽ vui hơn và hiệu quả hơn. Sure luôn!
2. Học tiếng Anh qua báo sức khỏe
Các bạn có thể tự tìm để tập đọc các bài viết về mảng y khoa trong các báo. Lợi ích của các báo là các bài viết cập nhật mang tính thời sự, từ ngữ không quá chuyên môn. Bạn đọc nhiều sẽ quen style của một bài viết về sức khỏe.
Điểm qua một số trang báo mà bạn có thể ghé qua:
Thanhnien News (http://www.thanhniennews.com/health/)
Ở các tờ báo trong nước thì ThanhNiên News là có chuyên trang về sức khỏe khá ổn. Lúc trước mình hay theo dõi các tin tức trên trang này, nhưng dạo gần đây không có các bài viết mới. Chắc có thể là không có người đảm trách. Tuy nhiên cơ sở dữ liệu nó thì vẫn còn, các bạn có thể lên đây để đọc các tin về y tế ở Việt Nam.
Ví dụ một số topic nghe có vẻ đọc được:
-
Vietnam still has 15.6 million smokers despite recent drop - Vietnamese woman, 44, mistakes large tumor for pregnancy
Medical News Today (https://medicalnewstoday.com)
Đây là chuyên trang sức khỏe với bài viết rất chất lượng. Ví dụ, hai bài mới nhất mình vừa cập nhập:
- Study ties arthritis pain reliever to heart valve disease
- New device can detect cancer in just a drop of blood
Mình nghĩ với trình độ tiếng Anh của các bạn bây giờ, thì có thể tự lên để đọc các bài báo như thế này được. Đơn giản vì từ ngữ không quá khó. Cấu trúc bài báo lúc nào cũng ngắn gọn giúp tiếp cận tốt với độc giả. Qua các bài báo thì bạn sẽ làm quen được từ chuyên ngành, cách viết về bệnh và điều trị. Ngoài ra mình giới thiệu Medical News Today vì có nhiều bài viết ở tất cả các chuyên khoa các bạn thích.
3. Học tiếng Anh y khoa qua kênh Youtube
Ngay nay học cái gì thì các bạn cũng lên youtube và tìm kiếm. Tất nhiên học tiếng Anh y khoa thì cũng không ngoại lệ. Trên trang tiếng Anh y khoa có nhiều hướng dẫn tự học, chủ yếu là hướng dẫn học thuật ngữ. Các videos bằng tiếng Việt hay tiếng Anh đều có. Nếu đã sẵn lên thì các bạn chịu khó bật phụ đề lên và nghe bằng tiếng Anh để luyện kỹ năng listening luôn.
Để biến việc tự học bớt chán trên Youtube, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
Nghe các bài thuyết trình ngắn về giải phẫu, sinh lý. Ví dụ với từ khóa “heart animation” dẫn mình đến một clip sau, các bạn cùng click nghe thử.
Sau khi nghe bạn thấy thế nào? Cũng không quá khó phải không? Nếu vậy bữa sau bạn muốn học tiếng Anh chuyên ngành mà bớt bớt chán thì cứ lên youtube nhe. Thay vì nghe giảng về thuật ngữ y khoa, thì xem các clips như trên vui hơn nhiều.
Các nguồn có thể hữu ích cho các bạn: Nucleus Medical Media , Osmosis
4. Học tiếng Anh y khoa theo thực tế lâm sàng
Đây có lẽ là phần liên quan nhất đến các chương trình y khoa. Học để ứng dụng vào thực tế lâm sàng của các bạn. Nhưng với thời lượng học lâm sàng nặng quá thì phải làm sao? Các bạn lưu ý rằng là chúng ta học tiếng Anh y khoa chứ không phải là dùng nó để học lâm sàng nhé.
Điều này có nghĩa là tranh thủ đang học lý thuyết và lâm sàng phần nào, thì nên học tiếng Anh phần có liên quan. Ví dụ bạn đang đi thực tập tim mạch, ít nhất bạn cũng nên đọc 1-2 bài về tim mạch. Các bài bạn chọn để đọc không cần dài. Có thể chỉ là nữa trang – 1 trang A4 về suy tim hay tăng huyết áp.
Cứ làm liên tục như trên, qua mỗi khoa (nếu được thì mỗi bài) đọc 1 bài, qua một năm học bạn đã đọc được khá nhiều bài rồi đấy. Nếu việc làm này thuần thục, bạn sẽ tự đọc được các sáchngoại văn lúc nào không hay!
Học theo cách này vừa đơn giản lại hiệu quả vì kiến thức liên quan đến vấn đề bạn đang đọc/học là rất nhiều. Để có kết quả tốt, bạn hãy nhớ chọn các bài mình thích mà đọc. Không nên tự làm khó mình phải đọc được các guideline dài ngoằng. Chỉ đơn giản thích thì mới đọc, càng bớt áp lực việc học càng hiệu quả!
Trên đây là những chia sẻ về 4 cách học tiếng Anh chuyên ngành đơn giản nhưng nếu áp dụng lâu dài sẽ giúp bạn giỏi lên từng ngày. Hy vọng các bạn sẽ ngày càng đam mê học tiếng Anh chuyên ngành. Hy vọng trình độ tiếng Anh của nhân viên y tế nước ta sẽ ngày càng cải thiện.
ThS. BS Nguyễn Thái Duy
Anh Văn Y Khoa DR.DUY
Để lại một phản hồi Hủy