KỸ NĂNG Viết QUAN TRỌNG SINH VIÊN Y DƯỢC NÊN THỰC HÀNH THƯỜNG XUYÊN

Như các bạn cũng tự nhận ra, chúng ta đang theo đuổi một ngành khoa học về sức khỏe. Bất kể sau này ra trường bạn là một bác sĩ cận lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa lâm sàng hay là một giảng viên thì đều đòi hỏi các bạn rất nhiều kỹ năng mà… trong trường không dạy! Một trong những kỹ năng mà mình cho là rất quan trọng đối với các bạn, thậm chí có thể đưa các bạn đến nhiều chân trời mới đó là kỹ năng viết.

4 LÝ DO ĐỂ CHÚNG TA NÊN LUYỆN VIẾT

Hầu hết những gì chúng ta viết với ý định là để người khác đọc, điều đó không ít thì nhiều tác động đến suy nghĩ, hành động của người khác. Việc thực hành viết thường xuyên sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ thông tin, quan sát, phân tích và giao tiếp.

Viết để ghi nhớ thông tin

Bằng cách viết lại những gì bạn đã đọc là một cách tốt để học. Thi thoảng vẫn thấy các bạn chia sẻ về một lĩnh vực nào đó bạn vừa đọc, là cách hay để giới thiệu với mọi người những gì mình tâm đắc nhất trong lĩnh vực vừa nghiên cứu. Tuy nhiên không phải cứ viết những bài dài thì mới gọi là luyện viết. Bạn có thể bắt đầu bằng cách luyện ghi note sau khi mình đọc sách, trong khi nghe giảng viên dạy và khi ôn bài ở nhà. Cách viết note rõ ràng, gọn gàng với cấu trúc tốt giúp bạn dễ dàng ghi nhớ thông tin và khi cần xem lại một cách dễ dàng. Ngoài ra kỹ năng ghi note tốt còn giúp bạn phát triển khả năng viết lách về sau.

Với hành văn nhẹ nhàng và rất đáng yêu, Bác sĩ Huyên Thảo đã không còn là cái tên xa lạ với các bà mẹ bỉm sửa ở Việt Nam

Viết để quan sát tốt hơn

Nếu nói riêng sinh viên y thì kỹ năng quan sát là cực kỳ quan trọng. Thử đặt câu hỏi: bạn đã từng đặt bút xuống viết bệnh án sau khi đã khám lâm sàng “kỹ càng” nhưng lại không viết được gì vì lý do hỏi bệnh và thăm khám thiếu chưa? Thời là sinh viên thì mình thường xuyên mắc phải lỗi này, và khi viết mình thấy mình đã quan sát thiếu! Muốn viết tốt buộc chúng ta phải tăng kỹ năng quan sát lên. Do vậy luyện viết cũng là luyện kỹ năng quan sát.

Khi viết chúng ta suy nghĩ và phân tích nhiều hơn

Khi bạn đã quyết định viết ra cho người khác đọc thì bạn đã cẩn trọng hơn với suy nghĩ của chính mình. Việc bạn viết thường xuyên sẽ tăng khả năng đánh giá và phân tích. Nếu trong giai đoạn sinh viên mà bạn đã tích cực viết lách, thì đến khi cần tham gia vào nghiên cứu khoa học hay viết tiểu luận, đề cương tốt nghiệp…bạn sẽ cảm thấy rất dễ chịu và bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn cho phần viết của mình.

Khi viết chúng ta bắt suy nghĩ chậm lại, và tập trung vào từ ngữ để thể hiện nó. Có những suy nghĩ đúng, có những lập luận lại sai, trong quá trình viết sẽ rèn luyện bạn cách đưa ra vấn đề, lập luận, và giải quyết một cách hợp lý và tránh nhiều sai xót trong suy nghĩ đơn thuần.

Viết tăng khả năng giao tiếp

Liệu rằng một bác sĩ giỏi một ngày ngồi khám được tối đa bao nhiêu bệnh nhân? Nhưng một thầy thuốc giỏi cộng khả năng viết tốt sẽ giúp người đó tiếp cận được với rất nhiều người. Điều này là tốt, vì những bài viết tốt từ bác sĩ sẽ giúp được rất nhiều người, đặc biệt là trong xã hội đang nhiễu loạn thông tin như hiện nay. Rồi sau này, cái bạn nhận được là quả ngọt từ những bài viết của bạn. Các bạn hãy tìm đến các facebook của một số bác sĩ như BS.Võ Xuân Sơn, Bác sĩ Huyên Thảo, BS Nguyễn Thanh Sang, BS Wuynh Trần,…các bạn hãy đọc những chia sẻ và hãy có khao khát cũng được viết và chia sẻ kiến thức đến nhiều người như họ. Rồi có ngày bạn sẽ làm được.

Bài viết từ facebook bác sĩ Nguyễn Thanh Sang với gần 3K lượt chia sẻ

Nhưng vì sao chúng ta “lười” viết?

Để viết được tốt chúng ta cần phải làm tốt nhiều kỹ năng khác bao gồm: kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng phân tích và cách viết đúng kỹ thuật. Không nhiều người có thể cùng lúc làm tốt được 3 vấn đề này.

Mặt khác, việc phải học nhiều, bị cuốn theo các bài giảng trên trường, lịch trình thực tập lâm sàng và trực gác nhiều cộng với hình thức thi trên máy tính và trắc nghiệm nhiều hơn thi viết, nên thi thoảng chúng ta mới có cơ hội viết. Xét về những bài viết chuyên ngành thì cơ hội với sinh viên chúng ta còn ít hơn.

Ngoài các vấn đề trên thì sinh viên y khoa có vốn thời gian rất hạn hẹp. Việc các bạn không thể bỏ ra hàng giờ để luyện viết thì cũng là một câu hỏi dễ giải thích. Chỉ trừ viết bệnh án lâm sàng và biện luận là một ngoại lệ mang tính bắt buộc đối với tất cả sinh viên y khoa.

Riêng mình thì bài viết này chỉ có vai trò như một lời khuyên, VIẾT là một kỹ năng cần thiết cho chúng ta. Bạn có viết hay không cũng phụ thuộc vào sở thích của mỗi người, nhưng nếu bạn có quyết định viết gì đấy thì đừng ngại chia sẻ đến mọi người nhé.

Chúc các bạn học tốt, có nhiều bài viết hay cho cộng đồng!

Ths.Bs Nguyễn Thái Duy

Anh Văn Y Khoa DR.DUY

Bài đọc liên quan:

Kỹ năng học P1: Cách ghi chép hiệu quả

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*