Đường cong đào tạo

(Ảnh từ internet)

Ngẫm lại chứng ta có gì qua sáu năm học đại học trước khi được tốt nghiệp. Có bao nhiêu bạn tự tin rằng sau khi tốt nghiệp chúng ta có thể hành nghề ngay mà không cần học hỏi thêm gì nhiều? Hiển nhiên, không mấy ai làm được chuyện này, ngoại trừ một vài nhân kiệt. Tôi đang muốn nói tới hành trình vào nghề…

Nghề dạy nghề

“Em cứ làm đi!”, “Bác cứ cho đi!”, “Em vào mổ trước đi!”…là những câu khá là quen thuộc mà các bác sĩ mới ra trường được nghe. Bạn có nghĩ đó là tốt?

Được đàn anh và khoa phòng tin tưởng giao phó cho công việc là khả năng tự lực ứng xử với các tình huống tốt lẫn xấu. Kiến thức y khoa trong trường đại học là một nền tảng chắc chắn tuy nhiên để nói đủ năng lực hành nghề thì không thể nào. Cho nên khó mà kiểm soát được tất cả các trường hợp có thể xảy ra khi chúng ta thực hành lâm sàng. Chúng ta học được nhiều hơn qua những sai lầm, trong y khoa cũng vậy. Gặp ca khó về nhà mới lục sách xem, điều trị thất bại mới tìm câu lý giải tại sao. Chúng ta vẫn thường tự nhủ rằng biến chứng chỉ xuất hiện rất ít, và khi xảy ra là chuyện thường. Đúng vậy, bác sĩ nào cũng trưởng thành theo cách như vậy, có điều trong trường hợp xấu nhất “đại ca” không xuất hiện đúng lúc thì bệnh nhân không còn. Biến chứng nói chung có tỉ lệ thấp, khoảng một vài phần nghìn hoặc thấp hơn, nhưng với một người bệnh nó là 100%.

Một số nơi qua 18 tháng tập sự, chính thức có chứng chỉ hành nghề là bạn được thả tự do. Tự do kí tá toa thuốc, tự khám và tự do chữa bệnh! Đúng rồi, bạn đã tự có năng tực chữa bệnh, và có thể tự chịu trách nhiệm pháp lý với điều trị cho mình rồi thì mấy ai còn quan tâm nữa? Rồi cũng dần ít đi các bạn đồng nghiệp chịu khó lục lọi guideline đọc vì cũng cơ bản nó không được viết bằng tiếng việt. Tự thực hành. Tự nghề dạy nghề. Quá trình thực hành, điều chỉnh, thực hành lại liên tục diễn ra và tuổi già đi, kinh nghiệm nhiều lên.

Trung thực với bệnh nhân?

Không nhất thiết phải nói tới dân trí và điều kiện kinh tế ở đây, nhưng điều này phản ánh đúng sự thật. Bạn thử vào các bệnh viện tư nhân thôi, có dễ dàng gì đụng được đến bệnh nhân? Ngược lại với bệnh viện tư, càng lớn càng tốt, là nơi “lí tưởng” cho thực hành lâm sàng khi còn non trẻ. Bác sĩ từ mọi cấp bậc đều có thể được mổ chính, điều trị chính cho bệnh nhân. Nhưng xin nhớ rằng, tuyến càng cao thì bệnh nhân càng tin tưởng vào tay nghề của y bác sĩ. Họ tin tưởng  là đúng, nhưng chúng ta thì lại làm sai. Thử hỏi, chúng ta có đang trung thực với bệnh nhân? Chúng ta có đang vi phạm y đức? Ừh thì tại dân ta nghèo và cam chịu. Tới đây cũng phải nói lại rằng, một số bạn làm nhiệm vụ rất tốt, báo cáo và/hoặc thực hiện nghiêm túc quy định về đối tượng đi học đối với khoa phòng và bệnh viện. Đó là hình thức tôn trọng và nguyên tắc giữ an toàn khi hành nghề khám chữa bệnh. 

anh-van-y-khoa-duong-cong-dao-tao-2
Bệnh nhân ký cam đoan mổ với phẫu thuật viên chính, chứ không phải là “người mổ” chính.

Đường cong đào tạo

Tới đây chắc chắn sẽ có tranh luận! Không làm vậy lấy gì mà học, sao mà giỏi? Chúng ta nên dần bỏ đi phương pháp học như vậy, phương pháp lâm sàng có lợi cho chúng ta nhưng unfair với người bệnh. Ta muốn bắt kịp với các nước tiên tiến về phương pháp đào tạo, muốn tôn trọng người bệnh và giữ an toàn cho họ thì phải đổi dần phương pháp đào tạo. Có lẽ nên bớt tự hào là đã làm được gì và làm được bao nhiêu trường hợp lúc đi học, mà nên áp dụng “đường cong đào tạo” bằng cách suy nghĩ: đã xem được bao nhiêu trường hợp? đã phụ được bao nhiêu trường hợp, đã được đàn anh đứng hướng dẫn được bao nhiêu trường hợp? Chính vì vậy mà quy định về chỉ đạo tuyến, chuyển giao, đào tạo CME, đào tạo chứng chỉ đối với từng loại dịch vụ điều trị y khoa được đưa ra là hoàn toàn hợp lý.

Đường cong đào tạo

Riêng cá nhân tôi, đã chớm chân vào nghề, đã từng trải qua khoảnh khắc trên và đã từng sợ khi làm sai, đã từng suy nghĩ và giờ thì viết…

Bs Nguyễn Thái Duy

anhvanyds

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*