Chào các bạn tân sinh viên! Đầu tiên, tôi xin chúc mừng các bạn đã vượt qua kỳ thi đại học đầy khắc nghiệt để “vào” được trường ĐH Y Dược Tp.HCM, một trong những trường danh giá của TP.HCM và của cả nước. Các bạn đã trải qua khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời, đó là lúc biết mình đỗ đại học. Nhưng rồi những tháng ngày xả hơi, những bữa tiệc ăn mừng đã đi qua. Giờ đây, chúng ta bắt đầu “cuộc đời mới”, ĐỜI SINH VIÊN.
Có lẻ các bạn đã “thăm dò” hoặc tình cờ nghe các anh chị năm trước “kể lể” về chuyện học hành của sinh viên trường chúng ta (vâng, phải gọi là “trường chúng ta”, đó là niềm tự hào và trách nhiệm của các bạn). Và, trong đó, không thể không có môn học được gọi là Giải phẫu học. Thôi thì đủ mọi lời “ca tụng” môn giải phẫu, bên cạnh không ít lời trấn an, khuyến khích và….hù dọa.
Với một chút gọi là kinh nghiệm qua nhiều năm giảng dạy môn giải phẫu, tôi viết vài lời bàn luận, ít lời trấn an, vài điều chia sẻ (nhưng không lời hù dọa) gửi đến các bạn, những người mà chắc chắn phải học và phải thi môn học này. (Xin lưu ý, đây là ý kiến của cá nhân tôi, không phải quy định của bộ môn hay của nhà trường đâu nhé).
1. Trước nhất, các bạn cần biết rằng, Giải phẫu học là môn học cơ sở nhất của y học. Chúng ta không thể khám, chẩn đoán, điều trị (đặc biệt là phẫu thuật) được người bịnh mà không nắm được giải phẫu học. Nói một cách dễ hiểu là, bạn không thể nhận ra một cái gì đó bất thường nếu bạn chưa từng biết được lúc bình thường nó như thế nào.
2. Môn học giải phẫu có đáng sợ không?
Trả lời: Không. Trái lại, nó rất hấp dẫn. Chúng ta đã từng chiến thắng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, thì không lý do gì lại “ngán” môn giải phẫu.
3. Học giải phẫu như thế nào đây?
Trước nhất, chúng ta phải quyết tâm. Mọi thứ có thể lặp lại, mọi thứ có thể có lần sau, trừ thời gian. Bạn đừng bỏ phí thời gian. Học hết sức, chơi hết mình, đó mới là bản lĩnh của sinh viên Y Dược. Tôi không khuyên bạn vùi đầu vùi cổ vào sách vở. Ngoài việc học, bạn còn phải làm những việc khác nữa chứ. Ít nhất cũng phải tắm giặt, nấu ăn, shopping, làm thêm…. Nhưng đừng bao giờ làm những việc vặt vào giờ vàng (giờ mà ta thấy học dễ “vô” nhất). Ví dụ, sáng Chủ nhật, ngủ dậy, bạn định đi giặt áo quần ư? Khoan! Bạn học bài 90 phút đi. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy học chậm lại, sự tiếp thu sẽ giảm đi sau 90 phút ấy, lúc đó bạn đi giặt đồ đi, đi shopping đi (dĩ nhiên là nếu bạn có tiền). Và trong 90 phút đó, bạn cũng đừng “ham” học mỗi môn giải phẫu nhé.
Có thể nói lượng kiến thức của môn giải phẫu khá lớn. Vì thế, chúng ta không thể “nuốt” chúng trong một ngày, một bữa, đừng nói chi là “tiêu hóa” chúng. Vậy thì, phải xác định là cần có thời gian. Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày, không ai hơn ai. Nhưng tại sao có người học được nhiều, người học ít? Đó là do cách sắp xếp, bố trí của mỗi người. Đừng bao giờ để gần thi mới học, chuẩn bị thi môn nào thì “nhồi nhét” môn đó. Làm như thế chẳng hiệu quả đâu. Xin nói vắn tắt thế này, mỗi ngày đều học giải phẫu. Mỗi lần ngồi vào bàn học đều đọc bài giải phẫu. Nhưng mỗi lần không cần phải đọc thật lâu. Hãy học xen kẻ các môn với nhau, mỗi môn 1-2 tiếng đồng hồ. Luôn luôn ôn bài cũ song song với học bài mới, tạo sự lặp đi lặp lại thường xuyên. Đừng bao giờ để bài đã học trở thành một bài mới lạ (do quên ôn).
Kết hợp mọi phương tiện để học: sách, bài giảng trên giảng đường, atlas, mô hình, thi thể,… Bởi vì các phương tiện đều có lợi điểm riêng và chúng bổ sung cho nhau, không có phương tiện nào là hoàn hảo, không có phương tiện nào thay thế được phương tiện khác.
Hãy học bài với cây bút trong tay và quyển tập của bạn (ngoài sách, atlas). Đọc và liệt kê ý chính, đọc lần đầu ghi nhiều ý, nhiều nội dung, càng về sau ghi càng vắn tắt (nhưng nội dung đã đi vào đầu). Nếu bạn tự vẽ hình thì càng mau thuộc và lâu quên.
4. Giải phẫu thi như thế nào?
Bài thi giải phẫu có hai phần.
Phần lý thuyết thi trắc nghiệm.
Phần thực tập (trên xương, mô hình, trên xác), hỏi chi tiết nào trả lời chi tiết đó, tự ghi ra câu trả lời (rất ngắn gọn).
Ở đây, tôi bàn về cách học và thi trắc nghiệm (vì đa số người ta “sợ” chỗ này).
Thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức rộng, sâu, nắm và hiểu vấn đề. Có thể nói, để làm tốt bài thi trắc nghiệm, người học phải biết hết, nhớ hết những gì người ta nói đến. Có thể bạn không biết nói ra cái gì nhưng bạn phải biết những gì người ta nói ra hoặc sắp nói ra. Theo tôi, ở đây, sinh viên không cần phải có cách hành văn hay, không cần nắm bố cục của bài. Điều cần thiết là chúng ta phải học hết, không “tủ” chỗ nào cả.
Thật là sai lầm khi chưa học bài hoặc mới đọc qua một vài lần đã vội lấy đề thi trắc nghiệm ra làm thử (trong giới sinh viên gọi là “đánh đề”). Làm như vậy chẳng những không có lợi mà còn có hại. Khi đã đọc câu hỏi trắc nghiệm trước, lúc học bài ta sẽ “lệ thuộc” vào câu trắc nghiệm đó và lưu ý những chỗ, những ý trong câu trắc nghiệm mà bỏ quên những chỗ khác (trong cách ra đề thi trắc nghiệm, chỗ nào cũng có thể hỏi, có thể “làm” câu trắc nghiệm)… Dĩ nhiên, trong đề thi vẫn có một số câu của đề cũ để “an ủi” những kẻ lười biếng.
Nhưng, có cần “đánh đề” cũ không? Cần. Câu hỏi trắc nghiệm có sẵn trong sách hoặc đề cũ giúp chúng ta tự lượng giá xem mình đã học đủ chưa. Và… như đã nói ở trên, trong đề thi vẫn có thể có một số câu cũ.
Hồi phổ thông, chúng ta đã quen với cách thi trắc nghiệm. Ở giải phẫu, cũng là thi trắc nghiệm nhưng có một điều hơi mới, là “thi chạy bàn” (“chạy bàn” ở đây không phải như tiếp viên trong nhà hàng đâu). Nghĩa là, chúng ta di chuyển trong quá trình thi. Các câu hỏi được đặt sẵn ở bàn (thường là 2 câu/1 bàn), sinh viên di chuyển đến mỗi bàn, theo thứ tự, nối tiếp nhau, đọc câu hỏi, trả lời vào tờ giấy đã được phát. Thông thường, thời gian để trả lời cho 2 câu là 60 giây. Nghĩa là, bạn “dừng chân” ở mỗi “trạm” là 60 giây để trả lời 2 câu hỏi, không phải là 30 giây cho 1 câu đâu nhé. Cách “chạy bàn” này cũng là một bất lợi cho bạn. Bạn sẽ ít có thời gian để “tâm sự” với “người cùng cảnh ngộ” trong lúc này. Bạn cũng không có thời gian quay lại những câu “bí”, cũng không có thời gian xem lại bài. Và đôi khi, bạn mắc sai lầm là để trống những câu bị “bí” với hy vọng là khi nào có cơ hội thì “dùng quyền trợ giúp”. Vì khi để trống 1 câu trong bảng trả lời, có thể bạn sẽ đánh vào đó câu trả lời của câu hỏi sau. Hơi khó hiểu phải không? Ví dụ nhé. Giả sử bạn bí câu số 14 (con số mà phương Đông gọi là số xui ấy), bạn để trống câu 14 trong bảng trả lời, khi chạy đến bàn kế tiếp, bạn đọc câu 15 xong, bạn “đánh” vào phần trả lời của câu 14 đang để trống ấy. Và, cứ thế, trả lời câu 16 vào chỗ câu 15,… Để tránh sai lầm này, tôi khuyên bạn, bí cứ “đánh” đại để “giữ” chỗ.
5. Một số dạng trắc nghiệm thường gặp trong kỳ thi giải phẫu.
Như đã nói ở trên, câu trắc nghiệm trong giải phẫu thuộc dạng MCQ (multiple choice question). Mỗi câu có nhiều (thường là 5) ý trả lời được đưa ra, bạn có nhiệm vụ chọn ý nào hợp lý nhất, đúng nhất cho câu hỏi đó. Và chúng ta thường gặp các dạng câu hỏi sau (có thể có nhiều dạng trong một bài thi).
Dạng thứ nhất: 5 ý trả lời gần như tương đương.
Cả 5 ý gần giống nhau, có vai trò tương đương nhau, nhưng chỉ có 1 đúng. Có thể nói đây là dạng dễ nhất, bạn nhận ra 1 ý trả lời chắc chắn đúng, thế là bạn chỉ cần chọn nó thôi, không cần suy nghĩ thêm.
Ví dụ: Cơ thuộc lớp giữa vùng cẳng tay trước là:
a. Cơ sấp tròn.
b. Cơ gấp cổ tay trụ.
c. Cơ gấp cổ tay quay.
d. Cơ gấp các ngón nông.
e. Cơ sấp vuông.
Khi đọc câu này, nếu bạn thuộc bài, bạn biết rằng lớp giữa vùng cẳng tay trước có 1 cơ là cơ gấp các ngón nông, bạn chỉ cần tìm ý nào có cơ này thì bạn “đánh”, khỏi suy nghĩ.
Một “biến tướng” của dạng này là câu “loại trừ”, bạn nên lưu ý. Ví dụ:
Các cơ sau thuộc lớp nông vùng cẳng tay trước, NGOẠI TRỪ:
a. Cơ sấp tròn.
b. Cơ gấp cổ tay trụ.
c. Cơ gan tay dài.
d. Cơ gấp cổ tay quay.
e. Cơ gấp các ngón nông.
Nếu đọc không kỹ câu hỏi, bạn dễ dàng chọn ngay a khi vừa đọc vì thấy nó “đúng quá” (do bạn không để ý hai chữ “ngoại trừ”)
Dạng thứ hai, gần giống dạng thứ nhất nhưng có thể phát sinh thêm ý trả lời cần suy nghĩ, ý trả lời đó thường là tập hợp các ý trước. Ví dụ:
Cơ thuộc lớp sâu vùng cẳng tay trước là
a. Cơ sấp vuông.
b. Cơ gấp ngón cái dài.
c. Cơ sấp tròn.
d. a và b đúng.
e. a, b và c đúng.
Khi đọc câu này, bạn nhận ra cơ sấp vuông thuộc lớp sâu vùng cẳng tay trước, nhưng bạn chưa thể chọn a vì câu d gồm cả a và b, nếu b cũng đúng thì sao? Rồi câu e gồm a, b và c, nếu c cũng đúng luôn thì sao? Vậy ta cần xem xét b, nếu b sai thì chọn a, khỏi bàn. Nếu b đúng thì bạn lại tiếp tục xem c có đúng không,… Tuy nhiên, dạng câu hỏi này dần dần sẽ ít gặp hơn vì không còn phù hợp, gây rắc rối mà không đánh giá đúng khả năng của người học.
Dạng thứ ba: tập hợp Dạng này tương đối khó, phải suy nghĩ khi đọc từng ý rồi tập hợp lại. Một ví dụ của dạng nảy:
Câu N,
Chọn a nếu 1, 2 và 3 đúng.
Chọn b nếu 1 và 3 đúng.
Chọn c nếu 2 và 4 đúng.
Chọn d nếu chỉ 4 đúng.
Chọn e nếu tất cả đều đúng .
Câu N:
Gan:
1. Nằm một phần ở tầng trên và một phần ở tầng dưới mạc treo kết tràng ngang.
2. Di động theo nhịp thở dù có nhiều phương tiện cố định.
3. Có dây chằng liềm được xem là khe giữa ở mặt hoành.
4. Vùng túi mật không có phúc mạc phủ.
Để tránh mất thời gian và tránh làm rối rắm thêm cho sinh viên, thông thường, người ta không thay đổi kết cấu của tập hợp (nghĩa là câu a sẽ là 1, 2, 3 đúng; b sẽ là 1, 3 đúng;…). Người ta chỉ thay đổi nội dung trong câu hỏi. Mặc dù vậy, khi gặp câu hỏi dạng này, chúng ta vẫn có “phút bối rối” ban đầu. Để trả lời được câu này, bạn cần phải biết chắc chắn ý nào đúng, ý nào sai. Tuy nhiên vẫn có một chút suy luận, có thể gọi là “mẹo”. Bạn có thể xem ý 1 là “chìa khóa”.
– Nếu 1 sai, có 2 trường hợp c, d. Lúc này chỉ cần xem xét ý 2. 2 mà sai chỉ còn chọn d (chỉ có 4 đúng). 2 đúng thì chọn c ( 2 và 4 đúng).
– Nếu 1 đúng thì có thể là a, b, e. Bạn xét xem 2 có đúng không, nếu 2 sai thì thôi, chọn nhanh lên: b (1 và 3 đúng). Nếu 2 đúng, lại phải xem 4, 4 đúng bạn chọn e, 4 sai bạn cho a. Rắc rối nhỉ!
Dạng thứ tư: Câu “nhân – quả”.
Dạng này có hai mệnh đề (A và B), chúng ta xem mệnh đề nào đúng và giữa chúng có liên quan với nhau không. Để trả lời được câu hỏi dạng này, bạn cần thuộc bài và hiểu bài, có thể đòi hỏi thêm một chút tư duy, suy luận. Ví dụ:
Câu N’ là câu liên quan nhân – quả, chọn:
a. nếu (A) đúng, (B) đúng, (A) và (B) có liên quan nhân quả
b. nếu (A) đúng, (B) đúng, (A) và (B) không liên quan nhân quả
c. nếu (A) đúng (B) sai
d. nếu (A) sai (B) đúng
e. nếu (A) sai (B) sai.
(A) Bình thường, khi khám bụng, ta dễ dàng sờ và nhận biết được lách, BỞI VÌ: (B) Lách có bờ răng cưa rất đặc trưng.
Cũng như dạng trước, người ta cũng sẽ không thay đổi kết cấu câu hỏi (nghĩa là a là trường họp A và B đúng và có liên quan nhân – quả; b là không có liên quan,…). Khi đọc câu này, nếu bạn đọc nhanh, thấy “bờ răng cưa” là nghĩ ngay đến lách, và bạn nghĩ rằng sẽ dễ dàng nhận ra lách khi khám bụng nhờ bờ răng cưa của nó, và bạn vội vàng chọn a. Bạn đã sai.
Trường hợp này, mệnh đề A đâu có đúng. Mặc dù lách có bờ răng cưa, nhưng chúng ta không sờ được lách trong trường hợp bình thường mà chỉ sờ được lách cũng như bờ răng cưa của nó khi nó to ra (bịnh lý). Rõ ràng, hai dạng sau khá khó và rắc rối. Nhưng, may mắn thay, các dạng này chiếm tỉ lệ thấp trong đề thi.
Ngoài ra, còn nhiều dạng khác như ghép cặp, sơ đồ, hình vẽ,…nhưng khá hiếm.
Tới đây, bản thân tôi cũng thấy rối quá, xin hẹn bài sau viết tiếp, có thể là cách trả lời phần thực tập (nếu thấy cần thiết). Và đừng quên theo dõi anhvanyds để đón đọc những bài giảng khác các bạn nhé
Xin chào.
ThS.BS. Nguyễn Hoàng Vũ
Bộ môn Giải Phẫu
(theo yds.edu.vn tải bài viết gốc của Thầy Vũ tại đây: download)
Để lại một phản hồi Hủy