Nếu bạn là sinh viên Y1, Y2 cảm thấy nặng nề với những giờ học Anh văn chuyên ngành trên trường.
Nếu bạn là sinh viên năm lớn hơn không còn học môn này nữa và cảm thấy như thoát được “gông cùm, xiềng xích”. Thế thì qua bài viết này, tôi mong bạn có thể có được một cái nhìn mới hơn về Medical English, cái mà nhiều người nghĩ là cao siêu và không còn được gọi là tiếng Anh phổ thông nữa, cái mà từng ngày từng ngày một mở ra cho tôi và các bạn của tôi những điều thú vị mới. Để tôi kể những điều thú vị đó cho bạn nghe nhé. 🙂
Anh văn chuyên ngành Y Khoa là gì?
Đó là một bộ môn ngoại ngữ gồm những đặc trưng riêng dành cho ngành Y khoa. Vậy thì tại sao phải học Anh văn chuyên ngành làm gì nhỉ và bạn đã học như thế nào? -> Ừ, thì mình học để sau này đọc sách Y khoa cho tốt. Thế thôi à? -> Ừ, để đi du học nữa. Thế thì bạn đã học như thế nào? Thôi để tôi kể cho bạn nghe hồi xưa tôi học thế nào để bạn có nhận ra bạn không nhé.
…Hồi xưa, mỗi lần học Anh văn/Pháp văn chuyên ngành là tôi xách cặp tới lớp ngồi nghe cô/thầy đọc đọc dịch dịch với giọng đều đều như tiếng quạt đều đều của quạt máy kế bên, sau đó tối về nhà, tôi lôi cặp mắt kiếng to cồ nhìn vào cuốn tập đầy những chữ na ná nhau, đọc đọc một hồi rồi đi ngủ.. Hôm sau lên lớp chắc là tôi thuộc đấy, nhưng đến ngày mai rồi đến sau này nữa, khi gặp lại vấn đề đó, chắc khó lòng có thể nhớ được những gì đã học hôm qua, thế là công sức, thời gian cứ thế đi mất tiêu. Cũng may là tôi và các bạn của tôi may mắn được gặp gỡ nhiều bác sĩ cũng như người nước ngoài có tâm huyết và tôi đã thấy điều đó thật là ích lợi biết bao.
Bạn biết không, để học một cái gì đó, điều quan trọng trước hết là bạn nên hỏi tại sao bạn lại phải học vấn đề đó. Anh văn chuyên ngành thật ra chỉ là một công cụ mà thôi, kiến thức Y khoa mới là vấn đề chính. Nhưng cũng giống như khi ta có nguyên liệu trong tay mà không có bếp thì sẽ không thành món ngon, khi các bạn không biết đến công cụ tiếng Anh Y khoa, chúng ta không thể nào làm cho vốn kiến thức Y khoa của mình mới mẻ và hay ho lên nhiều được. Sách tiếng Việt của mình tuy nhiều nhưng thật sự vốn kiến thức trong đó đã rất cũ. Có sách chưa được cập nhật từ chục năm trước nữa. Sách Anh ngữ lại được tái bản thường xuyên, tài liệu Y khoa trên Internet 90% là bẳng Anh văn. Thế thì khi chúng ta muốn tìm hiểu về một vấn đề nào đó sâu hơn vì sở thích hay để làm thuyết trình trên lớp, làm tiểu luận tốt nghiệp thì cách tốt nhất là phải nắm tốt Anh văn chuyên ngành!
Gần hơn, học Anh văn chuyên ngành là để thi nội trú đấy bạn. Tiếng Anh cũng có trong các môn thi. Nghe nói có một số bộ môn còn hỏi thi bằng Anh văn cơ đấy bạn ạ.
Bạn có biết tại sao Sinh viên Y khoa Việt Nam khi tốt nghiệp lại không được nhiều nước trên thế giới thừa nhận không? Một sự thật đau lòng nhưng một trong những cốt lõi của vấn đề là kiến thức của chúng ta còn chưa được phong phú như sinh viên nước ngoài. Tôi đã từng gặp những sinh viên đến từ Úc và ngạc nhiên vì sự kỹ càng và thông tận của họ về một vấn đề Y khoa. Họ được học những gì tân tiến nhất viết bằng ngôn ngữ của chính mình, tiếp xúc với công nghệ Y khoa hiện đại… Còn chúng ta ngay cả ngôn ngữ còn chưa hiểu cho tốt, thì đến khi nào ta mới bắt kịp với người ta bạn ơi! Mà so sánh cho xa làm gì mà không so sánh gần. Bạn có biết năm nay thầy cô mình đã mở ra một đại học Y mới ở thành phố, ở đó họ được học đa phần bằng tiếng Anh từ Y1! Bác sĩ Việt Nam ra trường ngày một nhiều lên và nếu chúng ta không thay đổi, vẫn cứ như vầy thì sẽ bắt đầu thua thiệt rồi đấy…
Vậy thì bạn biết được làm sao để học Anh văn chuyên ngành Y Khoa cho tốt chưa?
Và nó gồm những phần nào? Học từ và đọc sách cho tốt phải không?
Thế thì tôi lại có cái kể tiếp cho bạn nghe rồi. Thật ra Medical English gồm bốn lĩnh vực chính: thuật ngữ chuyên ngành(như bạn vừa nói là học từ đó)-Terminology, phát âm- Pronunciation, Giao tiếp trong ngành Y hay cụ thể nhất giữa BS và bệnh nhân và hỏi bệnh sử- History Taking.
Nhiều bạn cho rằng, TERMINOLOGY là vấn đề khó nhất trong việc học Anh văn chuyên ngành Y. Điều đó cũng được nhiều bác sĩ cũng như giảng viên thừa nhận. Học từ tiếng Anh bình thường thôi đã chưa xong, huống gì phải học thêm tiếng Anh chuyên ngành Y, và… có hàng ngàn vấn đề trong Y khoa tức là hàng vạn từ vựng Anh văn chuyên ngành cần phải học. Xin thưa với bạn, bác sĩ là những con người khá thông minh và họ sẽ không để cho những điều đó khó khăn cho họ đâu. Chắc bạn cũng đã biết một từ tiếng Anh gồm 3 phần chính:
Prefix- Root- Suffix.
Từ 10 từ prefix, 10 từ root và 10 từ suffix thôi thì chúng ta có thể tạo ra 1000 từ chuyên ngành khác nhau rồi đấy(có nói quá lên nhưng chỉ một chút thôi). Và quan trọng trong học Medical English là nên nắm prefix, root, suffix để có thể nhìn từ là hiểu nghĩa và không phải học như vẹt.
Để nhớ hết mấy cái đó thì lại là một vấn đề khó khăn khác phải không. Đến đây thì phải bàn thêm một chút. Medical English đa phần bắt nguồn từ tiếng Latin và Hy Lạp. Nếu chúng ta có thời gian tìm hiểu thì sẽ rất thú vị đấy. Ví như từ vagin(âm đạo) có nghĩa cổ là “sheath”(cái khiên) trong khi từ penis (dương vật) lại có nghĩa cổ là tail (cái đuôi) hay gốc pen có nghĩa là go inside(đi vào trong). Hay từcoccyx(xương thiêng) thật ra nghĩa cổ là cái mỏ của con chim cuckoo! (giống y mà phải không). Người Hy Lạp La Mã xưa rất thích ví von từ vựng thành hình ảnh và những câu chuyện cổ. Cho nên nếu hiểu sơ sơ về chúng thì chắc cũng thú vị và dễ nhớ hơn chứ bạn nhỉ.
Cách thứ 2 để nhớ là theo nhiều bạn chia sẻ là viết, nghe, đọc từ lại nhiều lần. Viết vào một cuốn tập với từ 1 bên, nghĩa 1 bên. Sau đó, mấy ngày sau lật lại tập và che nghĩa từ đi để thử kiểm tra lại, từ nào chưa thuộc lại học lại. Hoặc có cô bé giỏi Anh văn cũng chia sẻ với tôi là đã học theo kiểu lấy giấy như flashcard ghi từ mới ra, dán lên tường, sau 1,2 ngày bỏ xuống dán từ mới lên, sau đó lâu lâu lấy flashcards ra ôn lại. Tôi thấy cũng là một ý hay.
Cách tà đạo hơn là chúng ta ví von từ bằng hình ảnh vui vui để nhớ. Chẳng hạn như ta có thể nhớ đến một ông siêu nhân cao to mập ú ly nước uống để dễ nhớ từ hyperglycemia(cao->high->hy, glass->gly, mập ú->tiểu đường-> đường huyết cao), ông tỉ phú rốn lồi cầm dù đi xem xiếc cho…cái rốn (um-umbrella, bili-bilionaire, circus-cus -> umbilicus)… Khi nào gặp từ khó nhai quá thì các bạn có thể làm như vậy đó. Nói chung trí tưởng tượng của dân Y rất phong phú nên tôi thấy chiêu này cũng khả thi. Đừng hỏi tôi từng làm chưa. Cả tổ tôi hồi xưa học Y cổ truyền ứng dụng để học cây thuốc khá là hiệu quả đó bạn à.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để học vẫn là hai từ “siêng năng”. Bạn không thể giỏi nếu bạn không cố gắng thường xuyên và sử dụng nhiều lần những từ đó đâu bạn nhé. Cách sử dụng thực tiễn nhất là đọc textbook đó. Đương nhiên là bạn phải có một vốn Anh văn trung bình. Đọc textbook ban đầu có thể rất khó đối với các bạn mới bắt đầu. Nhưng bạn hãy tin tôi, tôi và nhiều bạn, nhiều anh chị đã từng thử. Ban đầu có vẻ nhức đầu thật đó, nhưng lúc đầu nửa trang/lần, sau thì chục, trăm trang cũng không thành vấn đề đâu bạn. Bởi vì khi mình đã biết các từ cơ bản của vấn đề đó rồi và quen với những dòng Anh văn rồi thì sau sẽ dễ hơn dần thôi.
PRONUNCIATION- phát âm- trong anh văn Y khoa có cần thiết không nhỉ? à cần. Tôi xin trả lời với bạn là bạn sai rồi. Là RẤT cần chứ không phải chỉ là cần thôi!
Bởi vì nếu chúng ta mang tư tưởng cần chung chung như vậy thì tôi chắc chắn 100% với bạn là bạn chẳng bao giờ tra từ điển cái từ đó đọc làm sao khi bạn đã hiểu nghĩa nó và có thể hiểu sách rồi. Đa số sinh viên Y đều như vậy và ngay cả bác sĩ cũng vậy. Và sau nhiều năm họ hoàn toàn không thể nói lên được họ đã đọc đã hiểu những gì trong sách cho người khác biết. Họ có nói người ta cũng không hiểu, kể cả cho người Việt nghe, chứ đừng nói là người nước ngoài. Có một bác sĩ đi dự hội nghị nước ngoài, nói chuyện với một BS nước ngoài khác thì được hỏi về “lu cô trai in”(phiên âm tạm như vậy), cô không hiểu bs đó nói cái gì trong sự ngạc nhiên của người kia L, khi mà họ viết ra thì cô mới té ra rằng họ nói đến chữ Leukotrien( mà lâu nay cô tự mình đọc là lơ cô tri en)!
Một người cô đáng kính từng tha thiết nói rằng “nếu mà tôi có ý kiến gì về việc học Anh văn Y khoa của sinh viên thì tôi chỉ muốn nói một ý duy nhất: làm sao để các em đọc và nghe cho đúng”. Tuy nhiên, điều đó thật khó vì nó đòi hỏi thói quen + phương tiện + nơi luyện tập cho sinh viên chúng ta. Tôi xin đưa ra một số ý kiến của các bậc đi trước cho các bạn.
– Phương tiện: các bạn có thể dung từ điển có voice STEDMANN hoặc MERRIAM-WEBSTER( stedmann hay hơn vì nó giống như 1 bách khoa toàn thư, giải thích cặn kẽ)
Hoặc: từ điển thường có phần pronunciation với điều kiện là bạn biết nhìn ký hiệu để đọc nhé.
– Thói quen: cái này là tùy thuộc vào bạn
– Nơi luyện tập: khó có lắm vì sinh viên thường rất rất nhiều lý do và không ai lại muốn bị gọi là “chảnh” khi nói tiếng Anh với bạn trong lớp. Tiếng Anh thường có nhiều clb còn clb cho Anh văn Y khoa thì hoàn toàn chưa. Tôi cũng đã nhận thấy vấn đề trên và cách đây 1 năm, tôi và các bạn của clb Anh văn khoa Y cùng lập ra mảng Anh văn chuyên ngành của clb H.E.I. Cứ mỗi 2 tuần 1 lần, chúng tôi lại cùng với nhau thảo luận, thuyết trình, xem video, kể cả cãi vã nữa… về một chủ đề Anh văn Y khoa đơn giản. Tôi tự nhận thấy mình có tiến bộ khi tham gia những hoạt động trên. Bạn cũng có thể tham gia nếu muốn luyện tập cho Medical English của mình khá lên, chúng tôi sẽ hết sức giúp chứ không bắt đăng ký gì đâu. Cập nhật của mảng medical English có trên Facebook của h.e.i đó bạn nha.
HISTORY TAKING: giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân, hỏi bệnh sử.
Phần này sinh viên chúng ta ít gặp, nhưng cũng khá thực tế nếu bạn gặp phải 1 bệnh nhân nước ngoài và luyện tập nó cũng là một cách để luyện từ miêu tả triệu chứng. J. Hỏi thường phải theo trình tự và có một số câu hỏi mẫu trong tiếng Anh.
Bạn có thể tham khảo sách: Bate’s guide to history taking and physical examination
History taking and physical Examination
(Xem thêm những sách nên đọc: https://anhvanyds.com/2016/08/22/sach-y-khoa-nen-doc/ )
Đó là những dòng, có thể nói gọi là tâm huyết của tôi về vấn đề học ngoại ngữ chuyên môn, không biết bạn có cảm thấy điều đó thú vị không? Sức của tôi có giới hạn và tôi chỉ có thể giúp bạn qua những dòng chữ này. À,tôi phải nói với bạn là tôi không phải tài ba gì. Đó là kinh nghiệm đúc kết được từ nhiều thầy cô, bạn bè cũng như sách vở về vấn đề trên. Nếu bạn cũng có kinh nghiệm hay, nếu bạn cũng yêu mến Anh văn chuyên ngành thì hãy giúp tôi thêm vào bài viết này để cho các em nhỏ, các bạn khác đọc được bạn nhé. Còn nếu bạn cảm thấy những kinh nghiệm của tôi có vẻ có lý, thì đừng tắt vội cửa sổ này mà đi ngủ. Hạt giống không thể lớn nếu nó chỉ được gieo xuống đất mà không được bắt đầu tưới nước và chăm sóc hằng ngày. Bạn nhớ nha.
BS Hồ Thị Nhật An
Cựu chủ nhiệm H.E.I
https://www.facebook.com/MEDsubVietNam/posts/1615417415392544
Bộ sách hướng dẫn Tự học tiếng Anh Y khoa
[product sku=”4″]
Để lại một phản hồi Hủy