Các mục đánh giá PI-RADS dựa trên các dấu hiệu của MRI đa thông số, là sự kết hợp của các chuỗi xung T2W (T2-weighted), khuếch tán (diffusion weighted imaging-DWI) và động học bắt thuốc tương phản (dynamic contrast-enhanced-DCE). Đây là công cụ chính xác trong việc phát hiện ung thư tuyến tiền liệt có ý nghĩa lâm sàng.
Trong PI-RADS phiên bản 2.1, ung thư có ý nghĩa lâm sàng được định nghĩa về mặt bệnh lý (pathology) là:
– Điểm Gleason ≥ 7, bao gồm 3+4 với thành phần Gleason 4 nổi bật (prominent) nhưng không chiếm ưu thế (not predominant) và/hoặc
– Thể tích khối u > 0,5cc (ml) và/hoặc
– Lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt (Extraprostatic extension-EPE).
Điểm Gleason (Gleason score)
– Điểm Gleason được các bác sĩ giải phẫu bệnh (pathologists) sử dụng để phân mức độ của ung thư tuyến tiền liệt.
– Nếu các tế bào ung thư và kiểu mô hình phát triển của chúng nhìn rất bất thường, thì sẽ được xếp độ 5 (grade 5). Điểm Gleason là tổng điểm của hai kiểu mô hình chiếm ưu thế nhất. Hai mức độ này được cộng lại để tạo ra điểm Gleason.
– Do đó, điểm Gleason cao nhất là 10.
Ví dụ, nếu điểm Gleason được viết là 3+4=7, điều đó có nghĩa là hầu hết khối u là độ 3 (grade 3) và mức độ phổ biến thứ hai hoặc ác tính nhất là 4.
+ PI-RADS 1 = Rất thấp – ung thư có ý nghĩa lâm sàng rất khó có khả năng xảy ra (highly unlikely)
+ PI-RADS 2 = Thấp – ung thư có ý nghĩa lâm sàng không có khả năng xảy ra (unlikely)
+ PI-RADS 3 = Trung gian – ung thư có ý nghĩa lâm sàng khả năng xảy ra không rõ ràng (equivocal)
+ PI-RADS 4 = Cao – ung thư có ý nghĩa lâm sàng có khả năng xảy ra (likely)
+ PI-RADS 5 = Rất cao – ung thư có ý nghĩa lâm sàng rất có khả năng xảy ra (highly likely)
PI-RADS phiên bản 2.1 (PI-RADS version 2.1)
Bảng bên dưới là PI-RADS phiên bản 2.1. Những thay đổi so với phiên bản cũ 2.0 được chỉ ra ở ô màu đỏ.
Đánh giá phân loại PI-RADS cho mỗi tổn thương dựa trên điểm số của các chuỗi xung T2W, DWI/ADC và DCE, theo giải phẫu vùng (zonal anatomy). Vì chuỗi xung ưu thế để đánh giá PI-RADS ở vùng ngoại vi (peripheral zone) khác với vùng chuyển tiếp (transition zone), nên việc xác định vị trí vùng của tổn thương là rất quan trọng.
Vùng ngoại vi (Peripheral zone-PZ)
– Vùng ngoại vi (peripheral zone) nằm ở phía sau và bên của tuyến tiền liệt (prostate), bao quanh vùng chuyển tiếp (transition zone).
Đối với vùng ngoại vi, xung DWI/ADC là chuỗi xung xác định chính (kỹ thuật ưu thế) để đánh giá phân loại PI-RADS.
– Một tổn thương (lesion) được đánh giá là loại 3 nghi ngờ (suspicion category 3) dựa trên xung ADC/DWI, vẫn có điểm PI-RADS 3 nếu không có bắt thuốc khu trú (negative-âm tính), tuy nhiên, nó sẽ trở thành điểm PI-RADS 4 nếu có bắt thuốc khu trú (focal enhancement) (positive-dương tính).
– Những thay đổi trong PI-RADS phiên bản 2.1: Có mô tả chính xác hơn về các tổn thương vùng ngoại vi trong phân loại PI-RADS 2 và 3.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone-TZ)
Vùng chuyển tiếp bao quanh niệu đạo tuyến tiền liệt (prostatic urethra) và phì đại (enlarge) ở nam giới lớn tuổi do tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (benign prostatic hyperplasia). Đối với vùng chuyển tiếp, hình ảnh T2W là xung xác định chính (kỹ thuật ưu thế) để đánh giá phân loại PI-RADS.
– Một tổn thương được đánh giá là loại 2 dựa trên hình ảnh T2W vẫn giữ nguyên điểm PI-RADS 2 nếu DWI/ADC ≤ 3, tuy nhiên nó sẽ trở thành điểm PI-RADS 3 nếu DWI ≥ 4.
– Một tổn thương được đánh giá là loại 3 dựa trên hình ảnh T2W vẫn giữ nguyên điểm PI-RADS 3 nếu DWI ≤ 4, tuy nhiên nó sẽ trở thành điểm PI-RADS 4 nếu DWI/ADC là 5 điểm.
– Những thay đổi trong PI-RADS phiên bản 2.1:
+ Các nốt tròn, có vỏ bao hoàn toàn (Round, completely encapsulated nodules) hiện được cho là điểm PI-RADS 1.
+ Các tổn thương ở vùng chuyển tiếp có điểm là 2 trên xung T2W vẫn là điểm PI-RADS 2 nếu điểm DWI/ADC ≤ 3, tuy nhiên, chúng sẽ trở thành điểm PI-RADS 3 nếu điểm DWI/ADC ≥ 4.
PIRAD v2.1:
Vùng ngoại vi (Peripheral zone) |
PI-RADS |
Vùng chuyển tiếp (Transition zone) |
1 – Bình thường | PI-RADS 1 | 1 – Vùng chuyển tiếp có đặc điểm bình thường (hiếm gặp) hoặc nốt tròn có vỏ bao hoàn toàn |
2 – ADC: Dạng đường hoặc hình chêm với tín hiệu thấp (hypointense) và/hoặc
– DWI: Dạng đường hoặc hình chêm với tín hiệu cao (hyperintense) |
PI-RADS 2 | 2 – Nốt phần lớn có vỏ bao hoặc nốt giới hạn rõ, đồng nhất, không có vỏ bao (capsule) hoặc vùng tín hiệu thấp nhẹ, đồng nhất giữa các nốt. DWI ≤ 3 |
3 – ADC: Tổn thương khu trú tín hiệu thấp hoặc
DWI: Tổn thương khu trú tăng tín hiệu. Có thể tín hiệu thấp rõ (markedly) trên ADC hoặc tín hiệu cao rõ trên DWI ở b cao nhưng không bao gồm cả hai. Kèm không bắt thuốc tương phản (DCE – ). |
PI-RADS 3 | 2 – Giống các đặc điểm như trên của PI-RADS 2 nhưng DWI ≥ 4 |
3 – Tín hiệu không đồng nhất (heterogeneous) với giới hạn không rõ (obsured margins). Bao gồm các đặc điểm khác nhưng không thuộc đặc điểm của 2, 4, hoặc 5. DWI ≤ 4. | ||
3 – Giống các đặc điểm như trên của PI-RADS 3 nhưng có bắt thuốc tương phản (DCE + ). | PI-RADS 4 | 3 – Giống các đặc điểm của PI-RADS 3 nhưng DWI = 5. |
4 – ADC: Tổn thương khu trú tín hiệu thấp rõ và
DWI: Tín hiệu khu trú cao rõ và Đường kính < 1.5cm |
4 – Tổn thương đồng nhất (homogeneous) với hình thấu kính hoặc giới hạn không rõ, bờ không đều, tín hiệu thấp trung bình, < 1.5cm. Bất kể DWI bao nhiêu. | |
5 – Giống các đặc điểm của PI-RADS 4, nhưng ≥ 1.5 cm hoặc xâm lấn ra ngoài tuyến tiền liệt (extraprostatic extension) | PI-RADS 5 | 5 – Giống các đặc điểm của PI-RADS 4, nhưng ≥ 1.5 cm
hoặc xâm lấn ra ngoài tuyến tiền liệt. Bất kể DWI bao nhiêu. |
Vùng ngoại vi (Peripheral Zone): Một tổn thương (lesion) được đánh giá là loại 3 nghi ngờ (suspicion category 3) dựa trên xung ADC/DWI, vẫn có điểm PI-RADS 3 nếu không có bắt thuốc khu trú (negative-âm tính), tuy nhiên, nó sẽ trở thành điểm PI-RADS 4 nếu có bắt thuốc khu trú (focal enhancement) (positive-dương tính).
Vùng chuyển tiếp (Transition Zone):
– Một tổn thương được đánh giá là loại 2 dựa trên hình ảnh T2W vẫn giữ nguyên điểm PI-RADS 2 nếu DWI/ADC ≤ 3, tuy nhiên nó sẽ trở thành điểm PI-RADS 3 nếu DWI ≥ 4.
– Một tổn thương được đánh giá là loại 3 dựa trên hình ảnh T2W vẫn giữ nguyên điểm PI-RADS 3 nếu DWI ≤ 4, tuy nhiên nó sẽ trở thành điểm PI-RADS 4 nếu DWI/ADC là 5 điểm.
Đối với vùng ngoại vi, DWI/ADC là chuỗi xung xác định chính để đánh giá phân loại PI-RADS.
Vùng ngoại vi – DWI/ADC loại 1
Không thấy bất thường nào trên ADC và DWI có giá trị b cao.
Vùng ngoại vi – DWI/ADC loại 2
Hình ảnh dạng đường (linear) hoặc hình chêm (wedge) với tín hiệu thấp trên ADC và/hoặc tín hiệu cao dạng đường hoặc hình chêm trên DWI có giá trị b cao.
Vùng ngoại vi – DWI/ADC loại 3
– Tín hiệu thấp khu trú (rải rác (discrete) và khác với nhu mô nền (background)) trên ADC và/hoặc tín hiệu cao khu trú (focal hyperintensities) trên DWI giá trị b cao loại 3.
– Có thể tín hiệu thấp rõ (markedly hypointensity) trên ADC hoặc tín hiệu cao rõ trên DWI giá trị b cao, nhưng không phải cả hai.
– Tổn thương loại 3 vẫn là điểm PI-RADS 3 nếu không có bắt thuốc tương phản khu trú (âm tính), nhưng trở thành điểm PI-RADS 4 nếu có bắt thuốc tương phản khu trú.
Vùng ngoại vi – DWI/ADC loại 4
Tín hiệu thấp rõ trên ADC và tín hiệu cao rõ trên DWI giá trị b cao, kích thước lớn nhất <1,5cm.
Vùng ngoại vi – DWI/ADC loại 5
Các đặc điểm giống với loại 4 nhưng kích thước lớn nhất ≥1,5cm hoặc lan rộng ra nngoài tuyến tiền liệt (extraprostatic extension-EPE) hoặc có tính chất xâm lấn.
Ví dụ về điểm PI-RADS từ 1-5 được đưa ra trong bảng bên dưới.
– Ở vùng ngoại vi, đánh giá phân loại PI-RADS của tổn thương chủ yếu được xác định trên DWI/ADC và tương quan với hình ảnh T2W và DCE.
– Ở vùng ngoại vi, tổn thương không rõ ràng (equivocal) hoặc không xác định (indeterminate) (loại 3) được xếp vào loại PI-RADS 4 nếu DCE dương tính, tức là tăng bắt thuốc tương phản khu trú hoặc sớm hơn.
– Tổn thương vẫn được xếp vào loại PI-RADS 3 nếu DCE âm tính, tức là không bắt thuốc tương phản sớm hoặc bắt thuốc lan tỏa (diffuse enhancement) và không tương ứng với tổn thương khu trú trên T2W/DWI hoặc bắt thuốc khu trú tương ứng với BPH (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính).
Vùng ngoại vi (Peripheral zone):
Không có bất thường (tức là bình thường) trên ADC và DWI có giá trị b cao.
Vùng ngoại vi (Peripheral zone):
ADC: Dạng đường hoặc hình chêm với tín hiệu thấp (hypointense) và/hoặc
DWI: Dạng đường hoặc hình chêm với tín hiệu cao.
Vùng ngoại vi (Peripheral zone)
ADC: Tổn thương khu trú tín hiệu thấp hoặc
DWI: Tổn thương khu trú tăng tín hiệu.
Có thể tín hiệu thấp rõ (markedly) trên ADC hoặc tín hiệu cao rõ trên DWI ở b cao nhưng không bao gồm cả hai.
Kèm không bắt thuốc tương phản (DCE – ).
3 – Giống các đặc điểm như trên của PI-RADS 3 nhưng có bắt thuốc tương phản (DCE +).
4 – ADC: Tổn thương khu trú tín hiệu thấp rõ và
DWI: Tín hiệu khu trú cao rõ và
Đường kính < 1.5cm
5 – Giống các đặc điểm của PI-RADS 4, nhưng ≥ 1.5 cm hoặc xâm lấn ra ngoài tuyến tiền liệt (extraprostatic extension).
Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate cancer) ở vùng ngoại vi
Một tổn thương d # 16 mm (không hiển thị số đo) đã được phát hiện và nằm ở mặt lưng trong vùng ngoại vi của phần giữa tuyến tiền liệt bên phải. Tổn thương này được xếp loại PI-RADS 5, dựa trên đặc điểm tín hiệu thấp rõ trên ADC và tín hiệu cao rõ trên DWI (điểm 5 – chuỗi xung ưu thế), tương ứng vị trí tín hiệu thấp rõ trên T2W (điểm 5).
Điểm Gleason là 3+4, nghĩa là nguy cơ trung bình (intermediate risk) của ung thư xâm lấn (aggressive cancer). Tổn thương không tiếp xúc với vỏ bao giả (pseudocapsule) và không có dấu hiệu phát triển lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt.
Các tổn thương nghi ngờ ở vùng ngoại vi thường có các đặc điểm sau trên hình ảnh T2W:
– Giới hạn không rõ (ill-defined)
– Tín hiệu thấp trên hình ảnh ADC và T2W.
Các đặc điểm ít nghi ngờ hơn là các đặc điểm sau trên hình ảnh T2W:
– Bị hai bên (bilateral)
– Đối xứng (symmetry)
– Thay đổi tín hiệu phân bố lan tỏa (diffusely distributed signal changes)
– Hình chêm (wedge shaped)
– Các chấm tín hiệu thấp giới hạn rõ (sharply demarcated foci of hypointensity).
Một tổn thương d # 17 mm (không hiển thị số đo) nằm ở vùng ngoại vi, mặt lưng (dorsally) bên trái ở phần giữa tuyến tiền liệt.
Tổn thương này có tín hiệu thấp rõ trên ADC và tín hiệu cao rõ trên DWI, tương ứng với vùng tín hiệu thấp trên T2W.
Trên T2W, có tiếp xúc với đáy rộng (broad-based contact) với vỏ bao (capsule).
Tổn thương này được xếp vào loại PI-RADS 5 với nghi ngờ lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt.
Điểm Gleason là 4+3.
Tổn thương nghi ngờ này có hạn chế khuếch tán đáng kể (significant diffusion restriction).
ADC đo được 440 mm2/giây.
Giá trị ADC thấp cho thấy nguy cơ ác tính cao hơn.
Giá trị ADC thực tế có tương quan nghịch (inversely correlated) với khả năng xảy ra ác tính có ý nghĩa lâm sàng.
Các giá trị trên 900 mm2/giây được coi là có khả năng lành tính (benign) và dưới 750 mm2/giây có khả năng ác tính (malignancy).
Tuy nhiên, kết quả định lượng có thể thay đổi đáng kể giữa các máy chụp và protocols.
– Một tổn thương được xếp loại PI-RADS 4 nằm ở vùng ngoại vi bên trái ở phần giữa của tuyến tiền liệt.
+ Tổn thương khu trú với tín hiệu thấp rõ trên ADC (mũi tên màu vàng) (điểm 4), tương ứng với vùng tín hiệu thấp trên T2W (điểm 4).
+ Điểm Gleason của tổn thương này là 3+4.
– Tổn thương được xếp loại PI-RADS 3 nằm ở vùng ngoại vi bên phải, có tín hiệu thấp nhẹ khu trú (mild focal hypointensity) trên ADC (mũi tên xanh lá cây) với đồng tín hiệu (isointensity) trên DWI (điểm 3).
– Không có động học của tiêm thuốc tương phản (DCE) nào được thực hiện và không thể xác định thêm sự khác biệt nào nữa. Sinh thiết (Biopsy) không cho thấy bất kỳ dấu hiệu ác tính nào.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone)
Vùng chuyển tiếp – T2W loại 1
Vùng chuyển tiếp có đặc điểm bình thường (hiếm gặp) hoặc nốt tròn có vỏ bao hoàn toàn (“nốt điển hình-typical nodule”).
Vùng chuyển tiếp – T2W loại 2
– Nốt phần lớn có vỏ bao hoặc
– Nốt giới hạn rõ, đồng nhất, không có vỏ bao (“nốt không điển hình – atypical nodule”) hoặc
– Vùng tín hiệu thấp nhẹ, đồng nhất giữa các nốt.
– Nếu DWI có điểm 4 trở lên thì tổn thương được xếp loại là PI-RADS 3.
Vùng chuyển tiếp – T2W loại 3
– Tín hiệu không đồng nhất (heterogeneous) với giới hạn không rõ (obsured margins).
– Bao gồm các đặc điểm khác nhưng không thuộc đặc điểm của 2, 4, hoặc 5.
– Nếu DWI có điểm < 4 thì tổn thương được phân loại là PI-RADS 3.
– Nếu DWI có điểm là 5 thì tổn thương được phân loại là PI-RADS 4.
Vùng chuyển tiếp – T2W loại 4
– Tổn thương đồng nhất (homogeneous) với hình thấu kính hoặc giới hạn không rõ, tín hiệu thấp trung bình,
– Và kích thước lớn nhất < 1.5cm.
Vùng chuyển tiếp – T2W loại 5
– Giống các đặc điểm của PI-RADS 4, nhưng kích thước lớn nhất ≥ 1.5 cm hoặc
– Lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt hoặc có dấu hiệu xâm lấn.
Ví dụ về PI-RADS 1-5
Trong vùng chuyển tiếp (transition zone), đánh giá loại PI-RADS của tổn thương được xác định chủ yếu trên hình ảnh T2W và sau đó là tương ứng với DWI/ADC.
Ví dụ về loại PI-RADS 1-2 được đưa ra trong bảng bên dưới.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 1
– Vùng chuyển tiếp có đặc điểm bình thường (hiếm gặp) hoặc nốt tròn có vỏ bao hoàn toàn (“nốt điển hình-typical nodule”).
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 2
– Nốt phần lớn có vỏ bao.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 2
– Nốt giới hạn rõ, đồng nhất, không có vỏ bao (“nốt không điển hình – atypical nodule”).
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 2
– Vùng tín hiệu thấp nhẹ, đồng nhất giữa các nốt.
Trong vùng chuyển tiếp, một tổn thương không rõ ràng (equivocal) hoặc không xác định (indeterminate) (loại 3) được xếp vào PI-RADS 4 nếu DWI tương ứng với điểm 5 (tín hiệu cao rõ, kích thước lớn nhất lớn hơn 1,5cm).
Tổn thương vẫn được xếp vào loại PI-RADS 3 nếu DWI tương ứng với điểm 4 (tín hiệu cao rõ nhưng kích thước lớn nhất nhỏ hơn 1,5cm) hoặc điểm thấp hơn.
Ví dụ về các loại PI-RADS 3-5 được đưa ra trong bảng bên dưới.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 3
– Các đặc điểm giống với PI-RADS 2 nhưng DWI > 4.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 3
– Tín hiệu không đồng nhất (heterogeneous) với giới hạn không rõ (obsured margins).
– Bao gồm các đặc điểm khác nhưng không thuộc đặc điểm của 2, 4, hoặc 5.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 4
– Tổn thương đồng nhất (homogeneous) với hình thấu kính hoặc giới hạn không rõ, tín hiệu thấp trung bình,
– Và kích thước lớn nhất < 1.5cm.
Vùng chuyển tiếp (Transition zone): PI-RADS 5
– Giống các đặc điểm của PI-RADS 4, nhưng kích thước lớn nhất ≥ 1.5 cm hoặc
– Lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt hoặc có dấu hiệu xâm lấn.
Ung thư tuyến tiền liệt ở vùng chuyển tiếp (Prostate cancer in TZ)
Các tổn thương nghi ngờ thường có các đặc điểm sau:
– Giới hạn không rõ (non-circumscribed)
– Đồng nhất (homogeneous)
– Tín hiệu thấp tương đối (relatively hypointense)
– Xuất hiện với hình ảnh không rõ nét (smudged appearance) trên T2W, đôi khi được gọi là hình ảnh “vết xóa của than chì – erased charcoal”.
– Hình thấu kính (lenticular) hoặc hình giọt nước (droplet-like shape)
– Bờ tua gai (spiculated margins).
Có một tổn thương ở phần trước bên phải của vùng chuyển tiếp.
Tổn thương có bờ không đều (irregular margins) trên T2W (điểm 4) và có tín hiệu thấp rõ khu trú trên ADC (680 mm/giây) (điểm 4), chiều dài không quá 15 mm.
Tổn thương này tương ứng với PI-RADS 4.
Sinh thiết dưới hướng dẫn kết hợp bằng siêu âm và MRI cho kết quả Gleason 3+4.
Ở vùng ngoại vi bên phải có một vùng hình chêm tín hiệu thấp nhẹ (điểm 2) không có đặc điểm nghi ngờ nào trên DWI/ADC (điểm 2).
Tổn thương này được xếp vào PIRADS 2. Vùng này là lành tính và rất có thể là teo nhỏ của tuyến (glandular atrophy) hoặc dấu hiệu viêm khu trú trên mô bệnh học (histopathology).
Các khối u ở mức độ cao (High-grade tumors) thường cho thấy tín hiệu thấp hơn trên T2W so với các khối u mức độ thấp (low-grade tumors).
Có thể thấy sự lan rộng (extension) vào mô đệm sợi cơ (fibromuscular stroma) ở trước hoặc cơ thắt niệu đạo (urethral sphincter).
Nhìn chung, các tổn thương nghi ngờ ở vùng chuyển tiếp thường khó phân biệt với mô tuyến (glandular) tín hiệu cao và mô đệm (stromal) tín hiệu thấp xung quanh.
Có một tổn thương nằm ở phía trước trên đường giữa, nhiều khả năng là ở mô đệm sợi cơ ở trước tại điểm giao nhau giữa phần đáy (base) và phần giữa của tuyến tiền liệt.
Không có sự lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt (extraprostatic extension).
Tổn thương có bờ không đều trên T2W với hình ảnh “vết xóa của than chì – erased charcoal”, chiều dài tối đa > 15 mm (điểm 5) và tín hiệu thấp rõ trên ADC (điểm 5).
Thể loại: PI-RADS 5.
Sinh thiết dưới hướng dẫn kết hợp bằng siêu âm và MRI cho kết quả Gleason 3+4.
Tổn thương d# 27mm ở phía trước tại đỉnh (apex) của vùng chuyển tiếp, với hình ảnh “vết xóa của than chì – erased charcoal”. Vị trí này tương ứng với vùng hạn chế khuếch tán (area of restricted diffusion) có hình giọt nước (droplet-shape). Tổn thương được xếp loại PIRADS 5. Sinh thiết dưới hướng dẫn kết hợp siêu âm và MRI cho kết quả Gleason 3+4.
Mô đệm sợi cơ ở trước (Anterior Fibromuscular Stroma-AFMS)
Mô đệm sợi cơ ở trước bình thường cho thấy hình dạng đối xứng hai bên (“hình liềm-crescentic”) và tín hiệu thấp đối xứng (symmetric) tương tự như cơ bịt (obturator muscles) hoặc cơ sàn chậu (pelvic floor muscles) trên T2W, ADC và DWI có giá trị b cao mà không có bắt thuốc tương phản sớm.
Vì ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) không xuất phát từ mô đệm sợi cơ ở trước, nên khi báo cáo tổn thương nghi ngờ trong vùng mô đệm sợi cơ ở trước, cần áp dụng tiêu chuẩn cho vùng ngoại vi (PZ) hoặc vùng chuyển tiếp (TZ), tùy thuộc vào vùng mà tổn thương có khả năng xuất phát nhiều nhất.
Mô đệm sợi cơ ở trước (Anterior Fibromuscular Stroma-AFMS)
Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) liên quan đến vùng mô đệm sợi cơ trước (AFMS).
– T2W: Vùng chuyển tiếp (TZ) phía trước bên trái cho thấy tổn thương tín hiệu thấp dạng thấu kính.
– Một vùng tín hiệu cao rõ khu trú trên DWI tương ứng với vùng tín hiệu thấp rõ khu trú trên ADC.
– Động học tiêm thuốc tương phản (DCE): Vùng này cho thấy bắt thuốc tương phản sớm.
– Điểm PI-RADS: 4.
– Mô bệnh học: Điểm Gleason 4+4 sau khi sinh thiết dưới hướng dẫn có mục tiêu kết hợp MRI (MRI fusion-guided targeted biopsy).
Giai đoạn TNM (TNM-stage)
Phân giai đoạn TNM dựa trên các dấu hiệu lâm sàng (clinical – c) và giải phẫu bệnh (pathological – p), và nếu được chỉ định trên các dấu hiệu hình ảnh bổ sung.
Đối với giai đoạn T, nên chụp MRI tuyến tiền liệt trong những trường hợp:
– Ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ trung bình (chủ yếu là kiểu mô hình Gleason 4 = ISUP ≥3)
– Ung thư tuyến tiền liệt khu trú có nguy cơ cao
– Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển tại chỗ (locally advanced prostate cancer)
Ngày nay, việc sử dụng MRI tuyến tiền liệt trong quá trình chẩn đoán ban đầu ngày càng nhiều.
Giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt | |
T1 | – Khối u không rõ ràng về mặt lâm sàng, không sờ thấy (palpable) hoặc không nhìn thấy (visible) được bằng cách phân giai đoạn.
– T1c = Khối u được xác định bằng sinh thiết kim (needle biopsy). |
T2 | Khối u nằm trong tuyến tiền liệt
+ Xâm lấn (invasion) vào đỉnh tuyến tiền liệt hoặc vào vỏ bao của tuyến (nhưng không vượt ra ngoài vỏ bao) đượcphân loại không phải T3 mà là T2. |
T3 | Khối u lan rộng ra ngoài vỏ bao tuyến tiền liệt
+ T3a = Lan rộng ra ngoài vỏ bao (extracapsular extension) + T3b = Xâm lấn túi tinh (invasion seminal vesicles) |
T4 | Khối u dính vào hoặc xâm lấn các cấu trúc kế cận
+ Cơ thắt ngoài (external sphincter), trực tràng (rectum), bàng quang (bladder), cơ nâng hậu môn (levator muscles), và vách chậu (pelvic wall). |
N1 | Di căn (metastasis) hạch vùng (regional lymph nodes) |
M1 | Di căn xa (distant metastasis)
+ M1a = Ngoài hạch vùng + M1b = Xương + M1c = Các cơ quan khác |
Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển tại chỗ (Locally advanced prostate cancer)
Tuyến tiền liệt không có vỏ bao thực sự.
Tuy nhiên, trên MRI, bờ ngoài cùng (outer border)của tuyến tiền liệt có một đường mỏng, tín hiệu thấp, về mặt mô bệnh học thì nó được tạo thành từ một dải sợi cơ (fibromuscular band).
Đường tín hiệu thấp này có thể được sử dụng để đánh giá sự phát triển của khối u lan ra ngoài tuyến tiền liệt.
Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) biệt hóa kém của tuyến tiền liệt: Các bó mạch máu thần kinh (neurovascular bundles) nằm ở phía sau bên của tuyến tiền liệt (ở vị trí 5 giờ và 7 giờ).
Cần mô tả cụ thể về tình trạng liên quan đến bó mạch máu thần kinh, vì phẫu thuật bảo tồn dây thần kinh sẽ không khả thi.
Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển tại chỗ (locally advanced prostate cancer)
Có một khối u lớn đa thùy xuất phát từ thùy trái của tuyến tiền liệt xâm lấn vào mạc treo trực tràng (mesorectum), trực tràng (rectum) và vách chậu trái (xếp giai đoạn là T4).
Có các hạch bạch huyết lớn ở cạnh chậu (para-iliac) và mạc treo trực tràng phân bố chủ yếu ở bên trái của vùng chậu (xếp giai đoạn ít nhất là N1).
Sinh thiết kim (needle biopsies) tuyến tiền liệt bên trái đã chứng minh vị trí của adenocarcinoma tuyến tiền liệt.
Điểm Gleason 9 (5 +4), tỷ lệ % thể tích ước tính 90%.
Chèn ép/xâm lấn mạch máu (vascular insertion) ở cả đáy và đỉnh của tuyến tiền liệt đều là những vị trí dễ bị xâm lấn ra ngoài của ung thư tuyến tiền liệt.
Có thể quan sát thấy sự xâm lấn vào túi tinh (seminal vesicle invasion) với sự lan rộng của khối u trực tiếp vào các túi tinh.
Xâm lấn vào các túi tinh với tín hiệu thấp trên T2W khu trú (focal) hoặc lan tỏa (diffuse), bắt thuốc tương phản bất thường hoặc hạn chế khuếch tán (restricted diffusion) cũng có thể là các đặc điểm của tình trạng xâm lấn.
Ngoài ra, tình trạng xâm lấn có thể xảy ra khi góc giữa đáy tuyến tiền liệt và túi tinh bị mất đi.
Khi niệu đạo ngoài (external urethra) bị xâm lấn ở đỉnh của tuyến tiền liệt, cắt bỏ bằng phẫu thuật có thể gây ra rối loạn chức năng cơ thắt (sphincter malfunction), dẫn đến tiểu không tự chủ (incontinence).
Hình ảnh T2W mặt cắt axial ở ngang mức đáy tuyến tiền liệt cho thấy tín hiệu thấp thay thế cho tín hiệu bình thường của vùng ngoại vi bên trái, với khối u lan rộng trực tiếp từ đáy tuyến tiền liệt vào cả hai túi tinh (mũi tên).
Hạn chế khuếch tán biểu hiện dưới dạng vùng có tín hiệu thấp trên bản đồ ADC.
Điểm Gleason: 4+3.
Giai đoạn N (N-stage)
DWI là chuỗi xung tốt nhất để phát hiện hạch bạch huyết (lymph nodes).
Chuỗi xung T1W hữu ích để cho thấy đường viền (border contour) và đặc điểm tín hiệu của hạch bạch huyết.
MRI có độ chính xác thấp trong việc phân biệt hạch bạch huyết dương tính (ác tính) hay âm tính (hạch bình thường) nếu đặc điểm chỉ dựa vào kích thước.
Các đặc điểm sau đây được coi là nghi ngờ:
– Hình tròn và trục ngắn ≥8mm
– Hình bầu dục và trục ngắn ≥10mm
– Hình dạng không đồng nhất
– Bờ không đều
Hạch vùng (Regional lymph nodes) (màu xanh lá cây) nằm dưới mức của chỗ chia động mạch chậu chung (common iliac junction) và được phân giai đoạn N1:
– Chậu (pelvis)
– Hạ vị (hypogastric)
– Xương cùng (sacral)
– Chậu (iliac) (bên trong-interanl, bên ngoài-external)
Các hạch bạch huyết di căn xa (màu đỏ) nằm ngoài các vùng này và được phân giai đoạn là di căn M1a:
– Động mạch chủ (aortic)
– Chậu chung (common iliac)
– Bẹn (inguinal)
– Trên đòn (supraclavicular)
Các dấu hiệu lành tính (Benign findings)
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (Benign prostate hyperplasia)
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (Benign prostate hyperplasia-BPH) dẫn đến sự hình thành các nốt có giới hạn rõ, có vỏ bao nằm trong vùng chuyển tiếp.
Một số nốt này có mô đệm dày đặc với tín hiệu thấp trên T2W và tín hiệu thấp trên ADC (mũi tên màu vàng).
Đặc điểm đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt các nốt tăng sản lành tính (BPH) với khối u ác tính là hình thái có giới hạn rõ, bờ đều (well-defined and well-circumscribed morphology) được thấy trên các mặt cắt axial, coronal và sagittal.
Tổn thương vùng ngoại vi bên trái được phân loại là PI-RADS 5 (mũi tên đỏ)
Sinh thiết trúng mục tiêu bằng MRI (MRI- targeted biops) cho thấy là Gleason 3+4.
Các nốt tăng sản lành tính (BPH) tín hiệu thấp trên T2W có thể ít có giới hạn rõ hơn trong vùng chuyển tiếp và có thể biểu hiện một số mức độ hạn chế khuếch tán.
Ngoài ra, các nốt này có xu hướng bắt thuốc tương phản sớm và mạnh trên thì động học tiêm thuốc tương phản (DCE), khiến việc xác định đặc điểm để kết luận trở nên khó khăn.
Ở đây, một bệnh nhân bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH) ở vùng chuyển tiếp được thấy với mô đệm không đồng nhất (heterogenous stroma) có một vùng dạng nang lớn (large cystic area) (mũi tên).
Sinh thiết cho thấy viêm tuyến tiền liệt lành tính mạn tính (chronic benign prostatitis).
Không phải tất cả các nốt đều xuất hiện ở vùng chuyển tiếp.
Một số nốt có thể lạc chỗ (ectopic) và có thể được tìm thấy ở vùng ngoại vi (mũi tên).
Không nên nhầm lẫn nốt này với ung thư tuyến tiền liệt.
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH) bao gồm hỗn hợp tăng sản của mô đệm (stromal) và tuyến (glandular) và có thể xuất hiện dưới dạng các vùng dạng dải (band-like areas) và/hoặc các nốt tròn có vỏ bao với đường bờ giới hạn rõ.
Hình ảnh T2W mặt cắt coronal cho thấy nhiều loại nốt tăng sản lành tính (BPH) khác nhau.
– Nốt của mô tuyến (glandular nodule) (vòng tròn màu xanh)
– Nốt không điển hình (atypical nodule) (vòng tròn màu vàng)
– Nốt trong nốt (nodule in nodule) (nhiều nốt nhỏ hơn khác nhau nằm bên trong một nốt lớn hơn) (vòng tròn màu xanh lá cây).
Các nốt tăng sản lành tính (BPH) với mô tuyến và teo nhỏ dạng nang chiếm ưu thế biểu hiện tín hiệu cao vừa phải trên T2W và được phân biệt với các khối u ác tính bằng tín hiệu và vỏ bao của chúng.
Hình ảnh T2W mặt cắt axial cho thấy một nốt tăng sản lành tính (BPH) dạng mô tuyến có tín hiệu cao trên T2W được bao quanh bởi vỏ bao.
Viêm tuyến tiền liệt (Prostatitis)
Viêm tuyến tiền liệt (Prostatitis) hay đúng hơn là tình trạng viêm (inflammation) là một dấu hiệu thường gặp ở nam giới và có thể xảy ra khi không có bất kỳ tiền sử hoặc triệu chứng lâm sàng nào.
Viêm tuyến tiền liệt và các đặc điểm lành tính khác như xơ hóa tuyến (glandular fibrosis), sẹo (scarring), teo nhỏ (atrophy) và xuất huyết sau sinh thiết (post-biopsy hemorrhage) có thể giống với (mimic) ung thư tuyến tiền liệt ở vùng ngoại vi, vì tất cả đều biểu hiện dưới dạng tín hiệu thấp khu trú trên ADC.
Tuy nhiên, các đặc điểm lành tính chủ yếu biểu hiện dưới dạng vùng dạng dải hoặc hình chêm hoặc lan tỏa có tín hiệu thấp, trong khi ung thư tuyến tiền liệt có hình tròn hoặc hình giọt nước hơn.
Tín hiệu thấp (hypointensity) trên ADC trong mô tuyến tiền liệt bị viêm thường không đi kèm với tín hiệu cao (hyperintensity) trên DWI có giá trị b cao.
Ngoài ra, giá trị ADC trong ung thư tuyến tiền liệt có xu hướng thấp hơn mức ADC trong viêm tuyến tiền liệt.
Trên động học có tiêm thuốc tương phản (DCE) có tăng bắt thuốc tương phản, do đó không hữu ích trong việc phân biệt.
Trong trường hợp viêm mạn tính (chronic inflammation), có thể quan sát thấy sự xơ hóa và teo nhỏ khu trú đồng thời, biểu hiện dưới dạng co rút khu trú (focal retraction) ở vùng cong lồi (convexity) giải phẫu bình thường của vùng ngoại vi.
Viêm tuyến tiền liệt (Prostatitis) | Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate cancer) | |
Khu trú (focus) | Dạng dải hoặc hình chêm | Dạng hình tròn hoặc giọt nước |
Đường bờ (Border) | Sắc nét, rõ | Không rõ |
ADC | Tín hiệu thấp nhẹ | Tín hiệu thấp rõ |
DWI | Bình thường | Tín hiệu cao rõ |
Động học tiêm thuốc tương phản (DCE) | Có bắt thuốc | Có bắt thuốc |
Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt giữa viêm tuyến tiền liệt (hình bên trái) và ung thư tuyến tiền liệt (hình bên phải).
Hình bên trái
Các hình ảnh bên trái cho thấy một vùng hình chêm có tín hiệu thấp nhẹ trên T2W và ADC mà không có tín hiệu cao tương ứng trên DWI nằm ở mặt lưng trong vùng ngoại vi bên phải của phần giữa tuyến tiền liệt (mũi tên màu vàng).
Điều này được giải thích là do tình trạng viêm khu trú (PI-RADS 2).
Không thực hiện sinh thiết.
Hình bên phải
Các hình ảnh bên phải cho thấy ung thư tuyến tiền liệt có ý nghĩa lâm sàng với một vùng giới hạn không rõ (ill-defined zone) có tín hiệu thấp rõ trên T2W và ADC và tín hiệu cao khu trú trên DWI ở mặt lưng (dorsally) trong vùng ngoại vi bên trái (PI-RADS 4).
Sinh thiết nhắm mục tiêu bằng MRI cho thấy điểm Gleason là 4+3.
Hình ảnh cho thấy các tổn thương tín hiệu thấp hình chêm hai bên, giới hạn rõ ở vùng ngoại vi với tín hiệu thấp nhẹ trên ADC.
Những dấu hiệu này có thể được coi là đặc điểm lành tính, tức là tình trạng viêm. Sinh thiết cho thấy một số tình trạng viêm khu trú với tăng sản tuyến (glandular hyperplasia).
Hình ảnh T2W cho thấy vùng ngoại vi tín hiệu thấp lan tỏa.
ADC không cho thấy bất kỳ ổ nào có tín hiệu thấp đáng kể.
DWI có tín hiệu cao ở cả hai bên.
Giá trị ADC là 830 mm2/giây.
Điều này được giải thích là đặc điểm lành tính (PI-RADS 2) và được chẩn đoán là viêm mạn tính.
Sinh thiết cho thấy viêm tuyến tiền liệt khu trú hoạt động trên nền mạn tính và không có ác tính.
Một bệnh nhân 70 tuổi được giới thiệu đến với PSA tăng 9ng/ml, mật độ PSA là 0,10.
Điểm PI-RADS là 5 với một vùng tín hiệu thấp ở vùng ngoại vi bên phải tại phần giữa của tuyến, có hạn chế khuếch tán (mũi tên đen).
Hình ảnh đông học tiêm thuốc tương phản (DCE) cho thấy tăng bắt thuốc rõ ở ngoại vi của tổn thương (đầu mũi tên).
Đã thực hiện sinh thiết và kết quả mô bệnh học cho thấy ổ áp xe.
Bắt thuốc ở ngoại vi và hạn chế khuếch tán là những dấu hiệu hình ảnh điển hình của áp xe.
Xuất huyết (Hemorrhage)
Xuất huyết ở vùng ngoại vi và trong túi tinh là thường gặp sau khi sinh thiết.
Xuất huyết biểu hiện dưới dạng tín hiệu cao khu trú hoặc lan tỏa trên T1W và tín hiệu thấp hoặc đồng tín hiệu trên T2W.
Tuy nhiên, các sản phẩm máu mạn tính có thể biểu hiện tín hiệu thấp trên tất cả các chuỗi xung.
Đây là trường hợp của một bệnh nhân 78 tuổi có PSA tăng cao đã trải qua sinh thiết tuyến tiền liệt vào năm trước đó trước khi thực hiện lại.
Tổn thương tín hiệu thấp được thấy trên T2W ở vùng chuyển tiếp ở phía trước. Những tổn thương nhỏ này có tín hiệu cao trên T1W (DCE, trước khi tiêm thuốc tương phản) cho thấy nó là các sản phẩm của máu.
Không phát hiện thấy ung thư sau khi sinh thiết có mục tiêu dưới hướng dẫn kết hợp.
Luôn phải đọc hình ảnh của các dấu hiệu xuất huyết.
Nang (Cysts)
Nhiều loại nang khác nhau có thể xuất hiện ở tuyến tiền liệt và các cấu trúc kế cận.
Cũng như ở những vị trí khác trong cơ thể, nang ở tuyến tiền liệt có thể chứa dịch “đơn giản” và biểu hiện tín hiệu cao rõ trên T2W và tín hiệu thấp trên T1W.
Tuy nhiên, nang cũng có thể chứa các sản phẩm của máu (blood products) hoặc dịch protein (proteinaceous fluid), có thể biểu hiện nhiều đặc điểm tín hiệu khác nhau, bao gồm tín hiệu cao trên T1W.
Hình ảnh T2W cho thấy một vùng khu trú có tín hiệu cao ở vùng ngoại vi bên trái của tuyến tiền liệt. Vùng này tương ứng với vùng có tín hiệu thấp trên hình ảnh DCE (hình ảnh trước khi tiêm thuốc tương phản). Có hạn chế khuếch tán (Restricted diffusion).
Các đặc điểm này tương ứng với nang chứa dịch protein.
Thể tích tuyến tiền liệt và mật độ PSA (Prostate volume and PSA density)
Thể tích tuyến tiền liệt quyết định tính hiệu quả (feasibility) của liệu pháp xạ trị ngoài (external radiation therapy), liệu pháp mà có thể thực hiện với thể tích lên đến 55cc (55ml). Chú ý rằng giới hạn này chỉ có giá trị đối với xạ trị ngoài thông thường (conventional external radiation).
Đối với xạ trị proton (proton radiation), không có giới hạn này.
Giá trị mật độ PSA ≥ 0,20 góp phần vào nghi ngờ về bệnh lý ác tính tuyến tiền liệt có ý nghĩa lâm sàng.
Mật độ PSA (PSA density):
– Thể tích tuyến tiền liệt = Dài x rộng x cao x 0,52
– Mật độ tuyến tiền liệt = Giá trị PSA chia cho thể tích tuyến tiền liệt.
Trong trường hợp này, các số đo của tuyến tiền liệt là 36 x 50 x 60mm (AP x LR x CC).
Điều này cho ra thể tích là 0,52 x (3,6 x 5,0 x 6,0) = 56,2 cc (56,2 ml).
Nồng độ PSA ở bệnh nhân này là 5.
Mật độ PSA là 5 : 56,2 = 0,09.
Đây là mật độ PSA thấp và bệnh nhân này có thể không có bệnh lý ác tính đáng kể về mặt lâm sàng.
Công thức hình elip (Ellipsoid formulation):
– Đường kính trước sau (AP) và đường kính chiều dài lớn nhất trên T2W ở mặt cắt dọc giữa và đường kính ngang lớn nhất trên T2W ở mặt cắt ngang và nhân với 0,52.
Protocal chụp MRI
Trong PI-RADS phiên bản 2.1, các chuỗi xung (sequences) và cài đặt được khuyến cáo là:
Hình ảnh T2W
– Mặt phẳng ngang (Axial plane) là mặt phẳng ngang với bệnh nhân hoặc theo mặt phẳng ngang chếch (oblique axial) vuông góc với trục dài của tuyến tiền liệt. Ít nhất một mặt phẳng vuông góc bổ sung (mặt phẳng sagittal và/hoặc mặt phẳng coronal).
Hình ảnh trên DWI
– Tính toán bản đồ ADC nên được thực hiện bằng cách sử dụng giá trị b thấp được đặt ở mức 0-100 giây/mm2 (ưu tiên 50-100 giây/mm2), giá trị b trung bình được đặt ở mức 800-1000 giây/mm2 và tùy chọn các giá trị b bổ sung trong phạm vi 100-1000 giây/mm2.
– Hình ảnh có giá trị b cao (≥1.400 giây/mm2) cũng là bắt buộc (tốt nhất là lấy từ một hình ảnh riêng biệt hoặc được tính toán từ các hình ảnh có giá trị b thấp và trung bình).
Hình ảnh động học tiêm thuốc tương phản (DCE)
– Khuyến cáo nên sử dụng độ phân giải thời gian (Temporal resolution) ≤15 giây và ưu tiên sử dụng GRE T1W 3D.
Thuốc chống co thắt (Spasmolytic agents)
Có thể xem xét dùng thuốc chống co thắt trước khi chụp để giảm sự chuyển động của ruột non và ruột già.
Khí và phân (feces) trong trực tràng có thể làm giảm khả năng đánh giá hạn chế khuếch tán.
Các hình ảnh này là của một bệnh nhân không được chuẩn bị trước khi chụp MRI.
Sự hiện diện của khí và phân (stool) trong trực tràng gây ra hiện tượng xảo ảnh biến dạng dạng đường rải rác (discrete linear artifactual distortion) ở vùng tuyến tiền liệt, hạn chế độ chính xác chẩn đoán của cả chuỗi xung DWI và ADC.
Đây là ví dụ của một bệnh nhân đã được thụt tháo (enema) tối thiểu chuẩn bị trước khi chụp vài giờ.
Điều này giúp trực tràng được làm sạch. Mặc dù thụt tháo có thể gây ra nhu động trực tràng (rectal peristalsis), nhưng không có hiện tượng xảo ảnh nào được quan sát thấy ở bệnh nhân này.
Hình ảnh trên T1W
– Hình ảnh T1W xác định sự hiện diện của xuất huyết sau sinh thiết.
– Bệnh nhân này đã được sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm qua trực tràng (TRUS-guided biopsies) có hệ thống vào 3 tuần trước đó.
Hình ảnh: Tín hiệu cao trên T1W ở vùng ngoại vi bên phải, với tín hiệu thấp nhẹ trên T2W và không có hạn chế khuếch tán trên DWI / ADC (mũi tên màu vàng).
Hơn nữa, một tổn thương nghi ngờ đã được xác định ở phía trước bên phải trong vùng chuyển tiếp với tín hiệu thấp trên T2W và ADC và tín hiệu cao trên DWI (mũi tên màu đen).
Tổn thương này cho thấy điểm Gleason 4+3 sau khi sinh thiết nhắm mục tiêu trên MRI.
Trường chụp (FOV) rộng lên đến chỗ chia đôi động mạch chủ (aortic bifurcation) giúp đánh giá tình trạng liên quan đến hạch bạch huyết ngoài phúc mạc và vùng chậu cũng như bệnh lý di căn xương (osseous metastatic disease) (mũi tên trong hình).
Hình ảnh trên T2W
Các chuỗi xung T2W xóa mỡ (FSE) có độ phân giải cao thu được ở mặt phẳng axial và mặt phẳng sagittal.
Hình ảnh T2W cho biết thông tin giải phẫu về mô tuyến tiền liệt bình thường và bất thường.
Có thể sử dụng các lần chụp T2 3D bổ sung để tái tạo (reconstruction) ở cả ba mặt phẳng giải phẫu và mục đích xạ trị tiềm năng.
DWI
Hạn chế khuếch tán xuất hiện khi tổn thương có tín hiệu cao trên DWI tương ứng với tín hiệu thấp trên bản đồ ADC, có mối tương quan cao với các tế bào ác tính.
Giá trị ADC chính xác của tổn thương có mối tương quan nghịch với khả năng xảy ra tổn thương ác tính.
Giá trị b cao là cần thiết để tạo ra tỷ lệ tín hiệu đối với nhiễu cao (high signal-to-noise ratio).
Khuyến cáo giá trị B ít nhất là 1400.
Lưu ý sự khác biệt giữa hình ảnh B1000 và B1400.
Sinh thiết hướng dẫn kết hợp của tổn thương ở phía trước tuyến tiền liệt cho thấy Gleason 3+4.
Động học tiêm thuốc tương phản (DCE)
Các tiêu chuẩn cho các hình ảnh có tiêm thuốc tương phản động học âm tính hoặc dương tính được hiển thị trong bảng.
DCE có thể có giá trị bổ sung trong việc xác định tính dễ nhận biết nghi ngờ của một tổn thương, nhưng thường không đặc hiệu vì ung thư tuyến tiền liệt có thể biểu hiện tăng bắt thuốc tương phản và bắt thuốc sớm nhưng cũng bắt thuốc bình thường so với mô tuyến tiền liệt bình thường.
Việc không bắt thuốc tương phản không loại trừ ác tính và tăng bắt thuốc có thể là kết quả của tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính.
Độ phân giải thời gian ≤15 giây được khuyến cáo và GRE T1W 3D được ưu tiên.
DCE | |
Âm tính (negative) | Dương tính (Positive) |
Không bắt thuốc sớm hoặc bắt thuốc tương phản đồng thời;
hoặc bắt thuốc khu trú nhiều vị trí lan tỏa nhưng KHÔNG tương ứng với vùng khu trú trên T2W và/hoặc DWI hoặc bắt thuốc khu trú tương ứng với tổn thương cho thấy các đặc điểm của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH) trên T2W (gồm các đặc điểm của BPH lồi vào vùng ngoại vi). |
Bắt thuốc tương phản khu trú, và; sớm hơn hoặc đồng thời với mô tuyến tiền liệt kế cận bình thường, và; tương ứng với vùng nghi ngờ trên T2W và/hoặc DWI. |
Thời gian chụp (Timing of the examination)
Những thay đổi sau sinh thiết, như xuất huyết và viêm, thường nằm ở vùng ngoại vi hoặc túi tinh.
Những thay đổi này có thể ảnh hưởng xấu đến việc đọc kết quả MRI đa tham số trong khi cường độ tín hiệu có thể bị thay đổi.
Vì những thay đổi này có xu hướng giảm dần theo thời gian, nên hướng dẫn PIRADS khuyến cáo khoảng thời gian ít nhất là 6 tuần hoặc lâu hơn giữa lần sinh thiết và lần chụp MRI.
Trong thực hành hàng ngày hiện nay, có xu hướng thực hiện MRI đa tham số trước khi lấy sinh thiết, do đó giải quyết được vấn đề này.
Các thuật ngữ trong PI–RADS 2.1 (PI–RADS 2.1 Lexicon examples)
“Marked” (đáng kể hoặc rõ ràng) được định nghĩa là “Sự thay đổi tín hiệu rõ rệt hơn bất kỳ vùng khu trú (focus) nào khác trong cùng một vùng”.
Sự thay đổi tín hiệu rõ rệt (marked) ở một bệnh nhân 69 tuổi cho thấy PSA tăng 13,3ng/ml, mật độ PSA 0,16.
Điểm PI-RADS 5 được đưa ra do một vùng tín hiệu thấp ở vùng ngoại vi bên phải của phần giữa tuyến với các đặc điểm của sự lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt.
Có hạn chế khuếch tán rõ rệt.
Đường kính của tổn thương là 1,7cm.
Sinh thiết được thực hiện bằng phương pháp mpMRI – TRUS nhắm mục tiêu có hướng dẫn kết hợp.
Kết quả mô bệnh học cho thấy ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) Gleason 8 (4+4) với sự lan rộng ra ngoài tuyến tiền liệt.
Giới hạn không rõ (Non-circumscribed) đồng nghĩa với “ill-defined”
Một vùng giới hạn không rõ (Non-circumscribed = ill-defined) cho thấy hạn chế khuếch tán tương ứng với nốt PI-RADS 3.
Wedge (Hình chêm) ở vùng ngoại vi được định nghĩa là “có dạng hình chêm, hình tròn hoặc hình chữ V”.
Focal (khu trú) được định nghĩa là “rải rác (discrete) và khác biệt so với mô nền”.
Tổn thương khu trú ở bệnh nhân 79 tuổi.
Do PSA tăng 6,4ng/ml, mật độ PSA 0,05, đã theo dõi mpMRI và cho điểm PI-RADS 4 do vùng tín hiệu thấp ở vùng chuyển tiếp phía trước bên phải ở phần giữa của tuyến.
Có hạn chế khuếch tán khu trú và đường kính tổn thương là 1,2cm.
Sinh thiết được thực hiện bằng phương pháp mpMRI – TRUS có hướng dẫn nhắm mục tiêu kết hợp cho thấy ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) Gleason 9 (4+5).
“Linear” (Dạng đường) được định nghĩa là theo dạng đường thẳng (line) hoặc dạng dải (band-like shape).
Hình ảnh dạng đường ở vùng ngoại vi bên trái, tương ứng với điểm PI-RADS 2.
“Lenticular” (Hình thấu kính) được định nghĩa là có hình dạng giống thấu kính hai mặt lồi (double-convex lens), hình liềm (crescentic).
Nốt có vỏ bao hoàn toàn (Completely encapsulated nodule)
Được giới hạn bởi một đường tín hiệu thấp đồng nhất, rõ, trơn láng (nốt tăng sản lành tính (BPH)).
Nốt có vỏ bao hoàn toàn được bao quanh hoàn toàn bởi một đường tín hiệu thấp, trơn láng ở ít nhất hai mặt phẳng hình ảnh và được gọi là nốt điển hình (typical nodule).
Nốt phần lớn có vỏ bao (Mostly encapsulated nodule)
Nốt được bao bọc gần như hoàn toàn hoặc không hoàn toàn không được bao quanh hoàn toàn bởi một đường tín hiệu thấp trơn láng (“nốt không điển hình-atypical nodule”).
Vùng tín hiệu thấp nhẹ đồng nhất giữa các nốt (Homogeneous mildly hypointense area between nodules) (mũi tên) trong vùng chuyển tiếp tương ứng với điểm PI-RADS 2.
Tín hiệu không đồng nhất với giới hạn không rõ. Điều này có nghĩa là “không nhìn thấy rõ ràng hoặc không dễ phân biệt được”
Tín hiệu không đồng nhất (mũi tên màu xanh lá cây) cho thấy các đặc điểm lành tính (T2W – điểm 2), tuy nhiên có thể có giới hạn không rõ (T2W) với hạn chế khuếch tán (DWI/ADC – điểm 3), tương ứng với tổng điểm PI-RADS 3.
Danh sách kiểm tra và Báo cáo (Check list and Reporting)
Báo cáo được thực hiện theo danh sách kiểm tra như thể hiện trong bảng.
Trước khi bắt đầu đọc kết quả MRI, chúng tôi cần được thông báo về:
– Tiền sử gia đình (Family history)
– Khám trực tràng bằng ngón tay (Digital rectal examination)
– Nồng độ PSA (PSA level)
– Sinh thiết trước đó (số lượng, vị trí, điểm Gleason)
– Điều trị trước đó
Trong trường hợp có nhiều dấu hiệu nghi ngờ, tổn thương chỉ số (index lesion) là tổn thương có phân loại đánh giá PI-RADS cao nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://radiologyassistant.nl/abdomen/prostate/prostate-cancer-pi-rads-v2-1
Người dịch: Bs Lê Thị Ny Ny – Anhvanyds
Để lại một phản hồi Hủy