Tóm tắt
Mục tiêu
Để tìm hiểu xem liệu tính điểm mức độ nặng của X-quang ngực (chest X-ray severity scoring: CX-SS) có thể đáng tin cậy để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô phổi ở bệnh nhân COVID-19 hay không.
Chất liệu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu bao gồm 325 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được xác định bằng xét nghiệm RT-PCR và đã được thực hiện chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp vi tính ngực để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô phổi. Chỉ có 195 trường hợp được đưa vào phân tích cuối cùng sau khi loại trừ các trường hợp mắc bệnh lý phổi trước đó và các trường hợp có khoảng thời gian giữa lần chụp X-quang ngực và CT ngực hơn 24 giờ. Cả hai điểm số mức độ nặng của X-quang và CT (CT severity scores: CT-SS) đều được đọc bởi 2 bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm và được so sánh với mức độ nặng trên lâm sàng. Sự thỏa thuận giữa các quan sát viên đã được đánh giá cho CX-SS và CT-SS.
Kết quả
Trong mối liên quan đến mức độ nặng trên lâm sàng, độ nhạy của CX-SS trong việc chẩn đoán bệnh lý nhu mô phổi mức độ trung bình đến nặng là cao (90,4% và 100%) và thấp đối với các trường hợp nhẹ (66,2%), trong khi độ đặc hiệu là cao đối với các trường hợp nhẹ đến trung bình (100%) so với các trường hợp nặng (86,7%). Độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác chẩn đoán của CT-SS cao hơn CX-SS. Hệ số tương quan Pearson cho thấy mối tương quan thuận mạnh giữa CX-SS và CT-SS (rs = 0,88, p <0,001). Sự thỏa thuận giữa các quan sát viên đối với CX-SS là tốt (k = 0,79, p = 0,001) và rất tốt đối với CT-SS (k = 0,85, p = 0,001).
Kết luận
CX-SS là đáng tin cậy để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô phổi do COVID-19, đặc biệt trong các trường hợp trung bình và nặng, với khuynh hướng đánh giá quá mức (overestimation) các trường hợp nặng.
Giới thiệu
COVID-19 là hội chứng hô hấp cấp tính nặng do coronavirus 2 (SARS COV-2) gây ra, là một loại virus beta-corona, phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, cụ thể là ở Vũ Hán. Vào ngày 5 tháng 1 năm 2021, số trường hợp tích lũy được báo cáo đạt hơn 83 triệu người, với hơn 1,8 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hiện nay, tiêu chuẩn tham khảo để chẩn đoán xác định nhiễm SARSCoV-2 là xét nghiệm RT-PCR (reverse-transcription-polymerasechain-reaction assay: xét nghiệm phản ứng polymerasechain phiên mã ngược); tuy nhiên, sự lan rộng của bệnh lý này khiến cho việc chẩn đoán sớm trở nên rất khó khăn do không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm. Đó là lý do tại sao hình ảnh phổi trở thành một công cụ rất quan trọng trong thời kỳ bùng phát COVID-19. Chụp cắt lớp vi tính (CT) được coi là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện các bất thường ở phổi vì nó cho kết quả nhạy hơn chụp X quang ngực, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh.
Mức độ nặng của bệnh lý nhu mô phổi được coi là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến kết cục tử vong; bác sĩ nên nhận thức được điều này để cải thiện sự phân tầng nguy cơ và điều chỉnh cường độ chăm sóc cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Một số nghiên cứu đã kiểm tra độ nhạy và độ đặc hiệu của CT như một phương pháp bán định lượng để đánh giá mức độ nặng của nhiễm COVID-19 trong CT ngực ban đầu bằng cách triển khai hệ thống tính điểm mức độ nặng của CT, và kết quả rất đáng tin cậy. Hơn nữa, chụp CT ngực liên tiếp với các khoảng thời gian khác nhau (3-7 ngày) đã được báo cáo là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá sự tiến triển của bệnh từ thời điểm chẩn đoán ban đầu cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào CT như một phương pháp chẩn đoán hình ảnh đáng tin cậy duy nhất để đánh giá mức độ nặng của tổn thương phổi là khó duy trì theo thời gian và tạo ra gánh nặng lớn cho các khoa chẩn đoán hình ảnh. X quang ngực có thể thay thế cho việc chụp CT để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô, đặc biệt là trong việc theo dõi sự tiến triển nhanh chóng của các tổn thương phổi trong COVID-19.
Một số hệ thống tính điểm trong chẩn đoán hình ảnh đã được áp dụng để giảm gánh nặng cho chụp CT ngực như một phương pháp bán định lượng để đánh giá mức độ nặng của nhiễm COVID-19, nhưng không có hệ thống nào tương quan chính xác với mức độ nặng trên lâm sàng và điểm số mức độ nặng của CT. Một trong những hệ thống tính điểm X-quang ngực thử nghiệm (có tên là điểm Brixia) được thiết kế bởi Borghesi và Maroldi cho các bệnh nhân nhập viện bị nhiễm SARS-CoV-2 ở Ý, và được đánh giá trên 100 bệnh nhân nhập viện mà kết cục cuối cùng (hồi phục hoặc tử vong ) đã có sẵn. Kết quả rất hứa hẹn và đã hướng đến việc xem xét hệ thống tính điểm X-quang ngực (CX-SS) này như một thông số hữu ích để dự đoán tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá độ chính xác của CX-SS bằng cách sử dụng điểm số Brixia với việc so sánh nó với mức độ nặng trên lâm sàng và điểm số mức độ nặng trên CT.
Chất liệu và phương pháp
Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu hồi cứu ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 10 năm 2020 tại bệnh viện của chúng tôi. Nghiên cứu bao gồm 325 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được xác định bằng que ngoáy họng RT-PCR và được chụp X-quang và CT ngực để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô. Bệnh nhân có tiền sử bệnh lý ác tính ở phổi (n = 16), cắt thùy phổi (n = 7), và bệnh lao (n = 23) bị loại khỏi nghiên cứu này. Những bệnh nhân có khoảng thời gian dài (> 24 giờ) giữa lần chụp X-quang ngực và CT ngực (n = 84) đã được loại khỏi nghiên cứu để loại trừ khả năng tiến triển của bệnh xảy ra trong khoảng thời gian giữa lần chụp X-quang và CT vì nó có thể ảnh hưởng đến kết quả tính điểm mức độ nặng sau đó. Phân tích cuối cùng của nghiên cứu này bao gồm 195 bệnh nhân (152 nam và 43 nữ); độ tuổi từ 22 đến 80 tuổi và tuổi trung bình ± SD là 55,73 ± 10,64. Lưu đồ nghiên cứu (Flow chart of the study) được minh họa trong Hình 1.
Hệ thống tính điểm X-quang ngực
Điểm số mức độ nặng Brixia chia phổi thành 6 vùng trên Xquang ngực thẳng: (i) vùng trên (I và IV): phía trên bờ dưới quai động mạch chủ (aortic arch), (ii) vùng giữa (II và V): phía dưới bờ dưới quai động mạch chủ và phía trên bờ dưới tĩnh mạch phổi dưới bên phải (tức là cấu trúc rốn phổi-hilar), và (iii) vùng dưới (III và VI): phía dưới bờ dưới tĩnh mạch phổi dưới bên phải (tức là đáy phổi- lung bases) ( Hình 2). Điểm (từ 0 đến 3) được tính cho mỗi vùng dựa trên các tổn thương phổi được phát hiện trên Xquang ngực thẳng, như sau:
- Điểm 0: không có tổn thương phổi
- Điểm 1: thâm nhiễm mô kẽ
- Điểm 2: thâm nhiễm mô kẽ và phế nang (ưu thế mô kẽ)
- Điểm 3: thâm nhiễm mô kẽ và phế nang (ưu thế phế nang).
Điểm số của 6 vùng phổi được cộng lại để có CX-SS tổng điểm nằm trong khoảng từ 0 đến 18 điểm. Các đặc điểm X-quang ngực khác (như tràn dịch màng phổi, lớn mạch máu phổi) không được đưa vào hệ thống tính điểm. Để dễ so sánh, bệnh nhân của chúng tôi được phân loại theo tổng điểm X quang của họ thành 4 nhóm, như sau: (i) bình thường: 0 điểm, (ii) nhóm nhẹ: từ 1 đến 6 điểm, (iii) nhóm trung bình: từ 7 đến 12 điểm , và (iv) nhóm nặng: từ 13 đến 18 điểm.
Hình 2. Phân chia phổi thành 6 vùng trên X-quang ngực thẳng theo hệ thống tính điểm Brixia. Đường A (Line A) được vẽ ở ngang mức của bờ dưới quai động mạch chủ. Đường B (Line B) được vẽ ở ngang mức của bờ dưới tĩnh mạch phổi dưới bên phải.
Điểm số mức độ nặng trên chụp cắt lớp vi tính ngực (Chest computed tomography severity score: CT-SS)
CT-SS dựa theo một phương pháp được sử dụng trước đây để mô tả tổn thương kính mờ (ground glass opacity), tổn thương mô kẽ (interstitial opacity) và bẫy khí (air trapping), có tương quan với các thông số lâm sàng và xét nghiệm ở bệnh nhân sau SARS. 18 phân thùy của cả hai phổi được chia thành 20 vùng, trong đó phân thùy đỉnh sau của thùy trên bên trái được chia thành các vùng đỉnh và sau, trong khi phân thùy đáy trước giữa của thùy dưới bên trái được chia nhỏ thành các vùng trước và đáy.
Đậm độ (attenuations) của phổi ở tất cả 20 vùng trong phổi được đánh giá chủ quan trên CT ngực và cho điểm 0, 1 hoặc 2 nếu tổn thương hình mờ của nhu mô tương ứng 0%, ≤ 50% hoặc > 50% của mỗi vùng. CT-SS được định nghĩa là tổng của từng điểm riêng lẻ trong 20 vùng phân thùy phổi, có thể nằm trong khoảng từ 0 đến 40 điểm. Tương tự như trong X-quang, chúng tôi phân loại tất cả các trường hợp chụp CT của bệnh nhân thành 4 nhóm theo tổng điểm trên CT-SS, như sau:
(i) bình thường: 0 điểm
(ii) bệnh nhẹ: từ 1 đến 13 điểm
(iii) bệnh trung bình: từ 14 đến 27 điểm
(iv) bệnh nặng: từ 28 đến 40 điểm.
Tất cả các bệnh nhân được kiểm tra ở tư thế nằm ngửa (supine position), và hình ảnh thu được trong thì hít vào nín thở. Phạm vi quét từ đỉnh phổi đến góc sườn hoành (costophrenic angle). Các thông số chụp CT như sau: Thông số ống tia X: 120 KVp, 350 mAs; thời gian quay: 0,5 giây; pitch: 1,0; độ dày lát cắt: 5 mm; khoảng cách giữa 2 lát cắt: 5 mm; tái tạo (reconstruction) bổ sung với nhân hệ điều hành tích chập (convolution kernel) sắc nét và cắt lát dày 1,5 mm.
Tất cả các hình ảnh X-quang và CT được xem xét độc lập bởi 2 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hình ảnh ngực và họ không được biết mối tương quan giữa hình ảnh X-quang và CT của từng bệnh nhân để tránh sự sai lệch về sau trong hệ thống tính điểm tương ứng . Tất cả các lần chụp CT lát cắt mỏng đều được xem xét ở độ rộng và mức cửa sổ lần lượt là 1000 đến 2000 HU và –700 đến –500 HU để đánh giá nhu mô phổi.
Tính điểm mức độ nặng trên lâm sàng
Chúng tôi phân loại bệnh nhân của chúng tôi thành 3 nhóm theo phân tầng mức độ nặng COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới như sau:
(i) nhóm bệnh nhẹ bao gồm những bệnh nhân có triệu chứng mà không có bằng chứng về viêm phổi do vi rút hay giảm oxy
(ii) nhóm bệnh trung bình có các dấu hiệu lâm sàng của viêm phổi như sốt, ho, khó thở, thở nhanh nhưng không có dấu hiệu của viêm phổi nặng, bao gồm SpO2 ≥ 90% thở khí trời.
(iii) nhóm bệnh nặng có các dấu hiệu lâm sàng của viêm phổi cộng với một trong số các yếu tố sau: nhịp thở > 30 nhịp/phút, suy hô hấp nặng hoặc SpO2 <90% thở khí trời.
Phân tích thống kê
Phần mềm SPSS (phiên bản 22; IBM, Chicago, IL, USA) đã được sử dụng để thực hiện phân tích thống kê. Giá trị P <0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê. Thử nghiệm Shapiro-Wilk được sử dụng để đánh giá tính chuẩn mực của dữ liệu. Các biến liên tục được báo cáo là trung bình ± độ lệch chuẩn. Chúng tôi đã sử dụng kiểm định t Student để so sánh giữa các biến liên tục khi phân phối là chuẩn và kiểm định chính xác của Fisher để so sánh giữa các biến phân loại. Các giá trị kappa (k) được sử dụng để ước tính tỷ lệ của sự thỏa thuận giữa các quan sát viên cho CX-SS và CT-SS. Các giá trị k được giải thích như sau: k giá trị từ 0,61 đến 0,80 thể hiện tốt; k giá trị từ 0,81 đến 1,00 thể hiện rất tốt. Hệ số tương quan của Pearson được sử dụng để đánh giá mối tương quan giữa CX-SS và CT-SS sau khi tính toán điểm trung bình cho cả hai quan sát viên.
Kết quả
Tất cả các bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu có mức độ biểu hiện các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau khi nhập viện; sốt (82,5%), ho (59%), mệt mỏi (43,5%), chán ăn (40%), khó thở (n = 60, 30,7%), đau cơ (n = 21, 10,7%), các triệu chứng không đặc hiệu khác như đau họng, nghẹt mũi, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, mất khứu giác (anosmia), hoặc mất vị giác (ageusia) trước khi xuất hiện các triệu chứng hô hấp cũng được ghi nhận. Dựa trên phân tầng của WHO, mức độ nặng trên lâm sàng của COVID-19 là nhẹ ở 60 bệnh nhân (30,8%), trung bình ở 104 bệnh nhân (53,3%) và nặng ở 31 bệnh nhân (15,9%).
Theo các đặc điểm X quang phổi, thâm nhiễm mô kẽ (interstitial infiltrates) được thấy ở 47,2% bệnh nhân, thâm nhiễm phế nang (alveolar infiltrates) ở 68,2%, lớn mạch máu phổi ở 23,5% và tràn dịch màng phổi ở 1% bệnh nhân. Tổn thương thường gặp hơn ở hai bên phổi và ở phổi phải. Tổn thương phổi lan tỏa hơn ở ngoại vi và ít hơn ở trung tâm. Đặc điểm X-quang ngực của dân số nghiên cứu được tóm tắt trong Bảng 1. CX-SS cho thấy X quang bình thường ở 19 bệnh nhân (9,7%), bệnh mức độ nhẹ ở 22 bệnh nhân (11,3%), bệnh mức độ trung bình ở 93 bệnh nhân (47,7%) và bệnh mức độ nặng ở 61 bệnh nhân (31,2%). Thỏa thuận giữa các quan sát viên đối với CX-SS là tốt (k = 0,79, p = 0,001).
Theo các đặc điểm của HRCT, 95,4% dân số nghiên cứu có tổn thương kính mờ, đông đặc (consolidations) được thấy ở 61,5%, lát đá (crazy paving) ở 63%, dấu hiệu viền halo đảo ngược ở 18,9%, dải dưới màng phổi (sub-pleural bands) ở 47,7% và giãn phế quản (bronchiectasis) ở 42% bệnh nhân. Các đặc điểm CT không điển hình như các nốt (nodules) được thấy ở 10,7%, bệnh lý hạch trung thất (mediastinal lymphadenopathy) ở 18,4% và tràn dịch màng phổi (pleural effusion) là 2%. Tương tự như các đặc điểm trên X-quang, tổn thương phổi chủ yếu là hai bên và nhiều hơn ở phổi phải. Các tổn thương phân bố chủ yếu ở ngoại vi hơn là lan tỏa và ít phân bố ở trung tâm hơn. Đặc điểm CT ngực trong dân số nghiên cứu được tóm tắt trong Bảng 2. CT-SS là bình thường ở 9 bệnh nhân (4,6%), cho thấy bệnh mức độ nhẹ ở 45 bệnh nhân (23,1%), mức độ trung bình ở 108 bệnh nhân (55,4%) và mức độ nặng ở 33 bệnh nhân (16,9%). Thỏa thuận giữa các quan sát viên đối với CTSS là rất tốt (k = 0,85, p = 0,001). Hình 3-6 là các trường hợp minh họa cho CX-SS và CT-SS.
Trong mối liên quan đến mức độ nặng trên lâm sàng, độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác chẩn đoán của CX-SS để chẩn đoán các trường hợp nhẹ là 66,2%, 100% và 83,7%, đối với các trường hợp trung bình là 90,4%, 100% và 94,6%, và trường hợp nặng lần lượt là 100%, 84,5% và 86,7%. Độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác chẩn đoán của CT-SS để chẩn đoán các trường hợp nhẹ là 80%, 100% và 92,8%, cho các trường hợp trung bình là 100%, 95,7% và 97,9% và cho các trường hợp nặng là 100%, 98,8% và 98,9%. Để đánh giá mối tương quan giữa CT-SS và CX-SS, hệ số tương quan Pearson đã chứng minh mối tương quan thuận mạnh (rs = 0,88, p <0,001) (Hình 7).
Hình 3. COVID-19 mức độ nhẹ của CX-SS và CT-SS. A) X-quang ngực của bệnh nhân nam 42 tuổi cho thấy thâm nhiễm hai bên và được cho điểm X quang là 4/18 (bệnh nhẹ), B) Mặt cắt coronal và axial trên CT ngực (C, D) cho thấy các vùng tổn thương kính mờ phân bố ngoại vi theo phân thùy có điểm CT-SS là 9/40 (5 ở bên phải và 4 ở bên trái), và được phân loại bệnh ở mức độ nhẹ.
Hình 4. Sự khác biệt giữa mức độ nặng của COVID-19 theo hệ thống tính điểm Xquang ngực (CX-SS) và hệ thống tính điểm chụp cắt lớp vi tính (CT-SS). A) X-quang ngực ở bệnh nhân nam 72 tuổi cho thấy thâm nhiễm hai bên, không ảnh hưởng đến vùng trên bên phải và cho điểm X quang là 6/18 (bệnh nhẹ). B) Hình ảnh CT ngực mặt cắt coronal và axial (C, D) cho thấy các vùng tổn thương kính mờ (GGO) ở phân thùy hai bên và đông đặc ở vùng đáy thùy dưới bên phải. Các tổn thương được cho điểm CT-SS là 16/40 (10 ở bên phải và 6 ở bên trái) và được phân loại là bệnh mức độ trung bình. CX-SS được cho điểm thấp hơn vì tổn thương kính mờ ở thùy trên bên phải đã bị bỏ sót trong quá trình đọc phim.
Hình 5. Sự khác biệt giữa mức độ nặng của COVID-19 theo hệ thống tính điểm Xquang ngực (CX-SS) và hệ thống tính điểm chụp cắt lớp vi tính (CT-SS). A) X-quang ngực ở bệnh nhân nam 72 tuổi cho thấy tổn thương phế nang ở vùng dưới của phổi và vùng giữa bên phải, và cho điểm X quang là 9/18 (bệnh mức độ trung bình). B) Hình ảnh CT ngực mặt cắt coronal, axial (C, D) cho thấy các vùng đông đặc rải rác trong cả hai trường phổi, chủ yếu ở vùng đáy và cho điểm CT-SS là 10/40 (7 ở bên phải và 3 ở bên trái) và được phân loại là bệnh mức độ nhẹ. CX-SS được cho điểm cao hơn do bị che mờ (overshadowing) bởi vùng đông đặc phổi.
Hình 6. Đánh giá mức độ nặng của COVID-19 bằng hệ thống tính điểm X-quang ngực (CX-SS) và hệ thống tính điểm chụp cắt lớp vi tính (CT-SS). A) X-quang ngực ở bệnh nhân nữ 57 tuổi cho thấy thâm nhiễm phế nang hai bên, không ảnh hưởng đến vùng trên bên trái của phổi và cho điểm X quang là 15/18 (bệnh mức độ nặng). B) Hình ảnh CT ngực mặt cắt coronal và axial (C, D) cho thấy các vùng đông đặc lan rộng hai bên. CT-SS là 37/40 (20 ở bên phải và 17 ở bên trái) và được phân loại là bệnh mức độ nặng.
Hình 7. Biểu đồ tương quan Pearson cho thấy mối tương quan thuận mạnh giữa CX-SS và CT-SS (rs = 0,88, p <0,001).
Thảo luận
Chúng tôi đã kiểm tra độ chính xác của CX-SS bằng việc sử dụng điểm số Brixia để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô phổi ở bệnh nhân COVID-19 bằng cách so sánh với mức độ nặng trên lâm sàng và mối tương quan với CT-SS nhạy hơn do Yang và cộng sự đề xuất. Chúng tôi thấy rằng CX-SS có hiệu quả trong việc thể hiện mức độ tổn thương phổi trong các trường hợp dương tính với COVID-19. CX-SS trong nghiên cứu này cho thấy độ nhạy thấp để chỉ ra bệnh ở mức độ nhẹ, độ nhạy cao trong phát hiện bệnh ở mức độ trung bình đến nặng, và độ đặc hiệu kém hơn so với CT-SS trong chẩn đoán bệnh ở mức độ nặng. Các đặc điểm này phù hợp với nghiên cứu của Stephanie và cộng sự, nghiên cứu của ông đã cho thấy rằng độ nhạy và mức độ nặng trên X-quang ngực trong COVID-19 có mối liên quan với nhau và mối liên quan tăng lên theo thời gian, trong khi độ đặc hiệu của X-quang ngực giảm theo thời gian và sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, những người đánh giá được yêu cầu cho điểm mức độ nặng đối với các đặc điểm X-quang ngực (từ 0 đến 3) là bình thường, nhẹ, trung bình hoặc nặng, không phải là hệ thống tính điểm dựa trên các con số như CX-SS.
Điểm số Brixia là một CX-SS thử nghiệm được thiết kế để đánh giá bán định lượng mức độ nặng và tiến triển của tổn thương phổi ở bệnh nhân nhập viện bị COVID-19. Nghiên cứu xác nhận sơ bộ cho thấy thỏa thuận giữa các quan sát viên là tốt và CX-SS là một thông số hữu ích để dự đoán tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2. Tương tự, nghiên cứu này đã chứng minh sự thỏa thuận giữa các quan sát viên đối với điểm CX-SS là tốt. Trong những tháng đầu của đại dịch, các nghiên cứu đã sử dụng hệ thống tính điểm được tạo ra trong thời kỳ trước COVID-19 để đánh giá mức độ nặng trên X quang ngực, ví dụ như nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (severe acute respiratory infection-SARI) và Đánh giá phù phổi bằng X quang (Radiographic Assessment of Lung Edema-RALE). Một nghiên cứu hồi cứu bao gồm 350 trường hợp COVID-19 (+ve) đã đánh giá X quang ngực thẳng ban đầu tại thời điểm nhập viện và chụp X quang ngực theo dõi cho cùng một bệnh nhân bằng cách sử dụng hệ thống tính điểm RALE; đã cho thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê của tổng điểm tối đa mức độ nặng và thời gian đạt điểm tối đa với kết cục của bệnh nhân (sống hay tử vong) và kết luận rằng CX-SS là một công cụ theo dõi tốt các đặc điểm của phổi trong COVID-19 và hệ thống tính điểm của nó cung cấp một phương pháp chính xác dự đoán mức độ nặng của bệnh.
Gần đây, các hệ thống tính điểm khác đã được thiết kế đặc biệt cho những bệnh nhân được xác nhận bị COVID-19. Tương tự như điểm số Brixia, Monaco và cộng sự, chia nhỏ mỗi phổi thành 3 vùng và cho điểm mỗi vùng trên thang điểm từ 0 đến 3; tuy nhiên, việc cho điểm dựa trên tỷ lệ phần trăm tổn thương phổi trong mỗi vùng hơn là loại tổn thương bóng mờ. Họ báo cáo sự thỏa thuận giữa các quan sát viên từ mức độ trung bình đến rất tốt trong việc đánh giá điểm số mức độ nặng nhưng tương quan yếu với các thông số lâm sàng. CO X-RADS là một hệ thống khác được đề xuất bởi Bediar và cộng sự. Việc sử dụng X quang ngực để phân loại mức độ nặng của COVID-19 thành 5 loại (0 đến IV) theo số lượng và sự hiện diện của các dấu hiệu X quang khác nhau do COVID-19, như bóng mờ mạch máu, dày mô kẽ, tổn thương phế nang, đông đặc, tràn dịch màng phổi, và lớn rốn phổi. Họ kết luận rằng CO X-RADS tương quan tốt với điểm số mức độ nặng trên lâm sàng của bệnh nhân.
Kết quả của chúng tôi cho thấy mức độ tương quan giữa CX-SS và CT-SS. Thời gian giữa chụp X quang phổi và chụp CT gần nhau (khoảng thời gian tối đa là 24 giờ) để loại trừ bất kỳ khả năng bệnh tiến triển hoặc hồi phục ở giữa 2 lần chụp đó. Để xác nhận hiệu quả của CX-SS, chúng tôi đã sử dụng CT-SS do Yang và cộng sự đề xuất vào tháng 3 năm 2020. CT-SS là sự điều chỉnh của hệ thống tính điểm được sử dụng trước đây trong đợt dịch SARS năm 2005. Họ cho thấy rằng CT-SS cao hơn trong các trường hợp nặng và nguy kịch khi so sánh với các trường hợp nhẹ và thông thường, và ngưỡng CT-SS là 19,5 có thể xác định COVID-19 nặng. Tương tự như kết quả của chúng tôi, thỏa thuận giữa 2 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là rất tốt và họ kết luận rằng CT-SS cung cấp một phương pháp bán định lượng đơn giản để đánh giá mức độ nặng của COVID-19 trong CT ngực ban đầu. So với các hệ thống tính điểm mức độ nặng bán định lượng khác, ví dụ như điểm số mức độ nặng của CT ngực và tổng điểm mức độ nặng, CT-SS có độ chính xác cao hơn trong việc đánh giá các bất thường ở phổi vì nó phụ thuộc vào việc phân tích 20 vùng phân thùy phổi mà không chỉ phân tích 5 thùy được sử dụng trong các hệ thống khác. Tuy nhiên, số lượng các vùng được yêu cầu xử lý với CT-SS bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể gây khó khăn trong quá trình đánh giá và thời gian đọc lâu hơn.
Các hiệp hội chẩn đoán hình ảnh chuyên nghiệp không khuyến cáo chụp CT như một công cụ chẩn đoán hình ảnh chung cho bệnh nhân COVID-19 do lo ngại về CT, bao gồm các nguy cơ liên quan đến việc vận chuyển bệnh nhân, khử khuẩn máy CT và sự phơi nhiễm của nhân viên y tế. Gánh nặng bức xạ là một mối quan tâm khác khi sử dụng CT liên tiếp để đánh giá mức độ nặng của COVID-19. Liều bức xạ hiệu quả chụp X-quang ngực khoảng 0,1 mSv so với chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực là 7 mSv; điều này mang lại lợi thế lớn hơn của việc sử dụng CX-SS so với CT-SS về việc giảm phơi nhiễm bức xạ cho bệnh nhân COVID-19.
Nghiên cứu này có một số hạn chế cần được cải thiện. Cỡ mẫu tương đối nhỏ so với sự lan rộng hiện tại của COVID-19 vì chúng tôi đã loại trừ những bệnh nhân được chụp X-quang ngực và CT ngực với khoảng thời gian giữa 2 lần chụp lớn hơn 24 giờ. Dữ liệu được thu thập hồi cứu, bao gồm những bệnh nhân nhập viện, dẫn đến sai lệch trong sự lựa chọn đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn. Cuối cùng, một số phim chụp X-quang ngực tại giường được chụp theo kiểu AP ở những bệnh nhân nguy kịch, do đó chất lượng của X-quang ngực không cùng một kiểu cho tất cả các trường hợp.
Kết luận
CX-SS (điểm số Brixia) là một công cụ đáng tin cậy để đánh giá mức độ nặng của bệnh lý nhu mô phổi ở bệnh nhân COVID-19, đặc biệt trong các trường hợp trung bình và nặng, có xu hướng đánh giá quá mức các trường hợp nặng. Điểm số Brixia có thể thay thế đầy đủ hệ thống tính điểm CT, đặc biệt là trong các đỉnh điểm cao trào của đại dịch, để giảm gánh nặng cho máy chụp CT và đáp ứng nhu cầu đánh giá nhanh chóng và hiệu quả mức độ nặng của COVID-19 với mức phơi nhiễm bức xạ thấp hơn so với CT ngực.
Tài liệu tham khảo
Lược dịch từ: Is chest X-ray severity scoring for COVID-19 pneumonia reliable? Pol J Radiol. 2021; 86: e432–e439. Published online 2021 Jul 15. doi: 10.5114/pjr.2021.108172
BS. LÊ THỊ NY NY
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Nguyễn Tri Phương
Giảng viên anhvanyds
Để lại một phản hồi Hủy