🔥 THUẬT NGỮ Y KHOA: PHÚC MẠC VÀ VIÊM PHÚC MẠC (Phần cuối) 🔥
☘️☘️ Welcome back! Chào mừng các bạn đã quay trở lại với loạt bài liên quan đến
phúc mạc và viêm phúc mạc. Trong phần cuối cùng này, chúng mình sẽ giải thích phần
còn lại của bài trước. Let’s begin!
📌 Đầu tiên, chúng ta cần hiểu và chấp nhận một sự thật rằng hiện nay, việc phiên dịch và
định nghĩa một số các thuật ngữ liên quan đến đau trong viêm phúc mạc nói riêng và đau
bụng nói chung vẫn chưa thống nhất. Các bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng các tài liệu
tiếng Việt có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau liên quan đến các thuật ngữ:
phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc, đề kháng thành bụng,…
📌 Điều này đôi khi làm cho chúng ta bối rối trong cách tiếp cận và thăm khám. Trong bài
viết này, chúng mình sẽ tiếp cận các thuật ngữ dựa trên các tài liệu tiếng Anh được thống
nhất hoặc được đăng trên các tạp chí khoa học từ đó tham khảo lại các tài liệu tiếng Việt để
phiên dịch ra một cách rõ ràng nhất. Và dĩ nhiên, những thông tin trên vẫn mang tính tham
khảo và không nhằm mục đích phản bác, phủ định bất kỳ các tài liệu nào trước đây.
📌 Bây giờ, chúng ta so sánh 2 thuật ngữ radiating pain vs. Migration of pain. Thuật
ngữ radiating pain – đau lan – tức là cảm đau giác đau xuất phát từ 1 vùng ban đầu đau
lan xuống vị trí khác do thần kinh chi phối cảm giác của các vùng này bị kích thích. Ví dụ
cho kiểu đau lan là đau thần kinh tọa – thường xuất phát từ thắt lưng lan xuống mông, mặt
sau đùi, cẳng chân và ngón chân. Tiếp theo, Migration of pain – sự chuyển dịch của đau
hay đau chuyển – là 1 cụm từ mô tả triệu chứng đau bụng khởi phát từ 1 vùng nhưng sau
đó đau khu trú lại tại vùng khác và vùng ban đầu giảm đau hoặc hết đau.
👉 Ví dụ điển hình cho trường hợp này là bệnh cảnh viêm ruột thừa. Thông thường, trong
viêm ruột thừa, khi lòng ruột thừa bị tắc nghẽn gây căng lòng ruột thừa, kích thích thụ thể
thần kinh trên thành ruột thừa gây ra cảm giác đau tạng : đau mơ hồ quanh rốn hoặc
thượng vị. Sau đó, dịch viêm xuất tiết hoặc ruột thừa vỡ mủ tiếp xúc với phúc mạc thành
vùng hố chậu phải thì sẽ có cảm giác đau thành tại vùng này. Đó là ví dụ điển hình cho
thuật ngữ đau chuyển mà ta hay gặp.
📌 Tiếp theo là bộ 3 thuật ngữ triệu chứng viêm phúc Rigidity – Guarding – rebound
tenderness. Đầu tiên là rigidity – co cứng – tức là khi có sự kích thích của phúc mạc
thành theo cơ chế phản xạ tự nhiên, não bộ sẽ phát tín hiệu để điều khiển cho cơ thành
bụng co cứng lại nên khi sờ ta sẽ cảm giác thành bụng co cứng rất nhiều trong các trường
hợp viêm phúc mạc mà tác nhân kích thích mạnh như dịch tiêu hóa thủng tạng rỗng chẳng
hạn. Có 1 lưu ý rằng, sự co cứng thành bụng liên tục này là khách quan ngoài ý muốn của
bệnh nhân.
👉 Đối với dấu guarding – đề kháng thành bụng – là khi ấn vào 1 vùng thành bụng sẽ tạo
ra kích thích lên phúc mạc thành tại vùng làm cho cơ thành bụng vùng đó co lại và có xu
hướng chống lại tay người khám , không cho ấn sâu hơn nữa. Khác với rigidity, dấu
guarding có thể mất đi khi ta ngừng kích thích và yêu cầu bệnh nhân thả lỏng , thư giãn
bụng (Guarding can often be overcome by having the patient purposely relax the
muscles; rigidity cannot be). Còn đối với dấu hiệu rebound tenderness – phản ứng dội
là khi ta ấn thành bụng từ nông đến sâu bệnh nhân chưa thấy đau, nhưng khi buông tay
đột ngột thì bệnh nhân nhăn mặt lại, đau chói tại vùng khám thì xem như có sự kích thích
phúc mạc tại vùng đó.
👉 Cả 3 thuật ngữ trên đều chỉ tình trạng phúc mạc bị kích thích nhưng ở mức độ khác
nhau. Rigidity có mức độ kích thích mạnh nhất, khi khám lâm sàng, nếu khám thấy có dấu
hiệu này thì có thể chẩn đoán viêm phúc mạc , không cần làm thêm các dấu hiệu còn lại vì
bệnh nhân sẽ rất đau. Nếu không có rigidity, ta tiếp tục tìm dấu guarding nếu phát hiện
có guarding thì ta dừng khám, nếu không có dấu này ta tiếp tục tìm dấu rebound
tenderness. Theo thứ tự này, ta có thể vừa phát hiện dấu chứng viêm phúc mạc và vừa
giảm thiểu sự đau đớn gây ra do quá trình thăm khám trên bệnh nhân.
📌 Trên đây là 3 thuật ngữ hay được sử dụng nhất trong các tài liệu tiếng Anh để mô tả tình
trạng viêm phúc mạc. Ở Việt Nam, có một số thuật ngữ mình vẫn chưa tìm được từ tương
ứng trong tài liệu tiếng Anh như : cảm ứng phúc mạc, phản ứng thành bụng,… Theo cá
nhân mình nghĩ, nguyên nhân có những thuật ngữ trên là mỗi tác giả có cách dịch , diễn
giải các thuật ngữ tiếng anh khác nhau. Tuy nhiên , quan trọng nhất vẫn là ta hiểu được
bản chất của vấn đề hơn là cố phân biệt rạch ròi về ngữ nghĩa. Cô đọng lại, các thuật ngữ
này vẫn xoay quanh tình trạng phúc mạc bị kích thích…
📌 Đến đây, chúng mình xin kết thúc loạt bài thuật ngữ về phúc mạc và viêm phúc mạc.
Chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm trong suốt thời gian qua. Hơn thế nữa chúng
mình mong muốn nhận được những ý kiến góp ý , trao đổi từ các bạn để ngày càng hoàn
thiện hơn. Xin chào thân ái và hẹn gặp lại các bạn ở những loạt bài kế tiếp.
📖 Tài liệu tham khảo
1- https://sinhvienykhoa115.wordpress.com/…/gi%E1%BA%A3i-thic…/
2- https://anhvanyds.com/2016/12/16/trieu_chung_dau_bung_cap/
3- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK420/
4- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK412/…
5- Sabiton’s textbook of surgery
Nguyễn Minh Phát
#ThuatnguNgoaitongquat
#anhvanyds
Để lại một phản hồi Hủy