Tiếp cận lâm sàng một trường hợp bệnh là bước quan trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh. Các bước tiếp cận cần nhanh chóng nhưng phải chính xác và đầy đủ. Thực hiện được điều này quả thực không dễ nhưng là mục tiêu chúng ta cần phải đạt được. Đối với các bạn sinh viên ngoài việc học các bước biện luận chẩn đoán trên lâm sàng thì cũng nên có một sách thích hợp hướng dẫn cách tiếp cận và biện luận trên triệu chứng mà bệnh nhân có.
Được các thầy cô giới thiệu quyển PROBLEM-ORIENTED MEDICAL DIAGNOSIS (Tạm dịch Tiếp cận chẩn đoán theo vấn đề) từ thời sinh viên, đọc và thấy rất hay, nay mạn phép giới thiệu lại cho các bạn quan tâm.
Sách này có mục tiêu giới thiệu cách tiếp cận chính xác, đầy đủ, có hệ thống theo từng bước để chẩn đoán các vấn đề gặp ở người lớn trong thực hành lâm sàng hàng ngày.
Các sách hướng dẫn lâm sàng khác chủ yếu trình bày theo từng bệnh, tuy nhiên trong sách này các vấn đề được trình bày trong sách là các triệu chứng, hoặc hội chứng thường gặp và được trình bày theo từng hệ thống.
Trong sách có 10 chương bao gồm:
- Các vấn đề thường gặp: ví dụ phù, mệt mỏi, sốt không rõ nguyên nhân, sụt cân không giải thích được, lo âu, rối loạn giấc ngủ….
- Da liễu
- Tim mạch: ví dụ đau ngực, phù, tăng huyết áp, tiếng tim, âm thổi, hồi hộp đánh trống ngực…
- Hô hấp: khó thở, ho, ho ra máu, khò khè…
- Tiêu hóa: đau bụng, chán ăn, buồn nôn-nôn, báng bụng, vàng da…
- Huyết học: ví dụ thiếu máu, xuất huyết…
- Thận, rối loạn điện giải, toan kiềm
- Cơ xương: ví dụ ngón tay dùi trống, đau khớp vai-khớp háng, đau lưng..
- Nội tiết và chuyển hóa: ví dụ tăng giảm đường huyết, chậm lớn, vô kinh, tăng giảm calci..
- Thần kinh: ví dụ hôn mê, chóng mặt, sa sút trí tuệ, ngất….
Mỗi chương được trình bày bao gồm các phần: định nghĩa, chẩn đoán, nguyên nhân và tiếp cận chẩn đoán. Riêng trong phần nguyên nhân sách sẽ liệt kê các trường hợp có liên quan tới triệu chứng bệnh theo các triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể, các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Điều này rất quan trọng cho các bạn mới tập biện luận trên lâm sàng.
Ví dụ trong bài tiếp cận bệnh nhân phù, mục nguyên nhân phù toàn thể liệt kê những nguyên nhân thường gặp hơn của phù toàn thể là:
- Suy tim sung huyết
- Triệu chứng cơ năng: Thường có thể ghi nhận được bệnh sử suy tim. Khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, khó thở kịch phát về đêm, mệt mỏi, yếu tay chân và phù chi dưới là thường gặp.
- Triệu chứng thực thể: khám thực thể thường phát hiện giãn tĩnh mạch cảnh, tim to, ran hai phế trường, gan to, và phù tư thế.
- Các dấu chứng cận lâm sàng: huyết đồ thường bình thường. Tổng phân tích nước tiểu có thể thấy đạm niệu (2+). Azot máu trung bình gây ra bởi giảm tưới máu thường không gặp.
- Bệnh lý màng ngoài tim…
Các bạn thấy rằng, cách trình bày như trên rất có ích cho chúng ta khi mới bắt đầu học lâm sàng và cần thiết để biện luận bệnh án.
Sách được viết bằng tiếng Anh, tuy nhiên không quá khó để đọc sách này vì cấu trúc sách trình bày đơn giản, thuật ngữ được dùng ngắn gọn và dễ hiểu. Trong sách hầu như dùng các câu ngắn với ngữ pháp đơn giản. Cũng như bao nhiều quyển sách ngoại văn khác, các bạn chỉ cần bỏ túi một quyển sách này, đọc và cố gắng hiểu chúng thì chắc chắn trình độ ngoại ngữ bạn sẽ tăng lên đáng kể.
Các bạn có thể tự tìm mua sách ở các quầy sách y khoa ngoại văn, hoặc các tiệm sách photo.
Chúc các bạn đọc sách vui và bổ ích.
ThS.BS Nguyễn Thái Duy
Anh Văn Y Khoa DR.DUY
Để lại một phản hồi Hủy